Văn hóa - Giáo dục
Người phụ nữ chuyên thêu tranh về quê Bác Hồ
14:58, 16/03/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Vượt qua những con đường ngoằn ngoèo, chúng tôi tìm đến xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn. Đến xóm 3B hỏi chị Hồ Thị Diệu Thúy thì không ai là không biết, bởi hợp tác xã (HTX) Thanh Thủy thêu tranh tay của chị rất nổi tiếng trong vùng.
Gặp nữ chủ nhiệm HTX, hỏi về tranh thêu, chị bộc bạch: Năm 2007, trong một lần xem tivi, chị thấy các bức tranh thêu bằng tay ở một làng thêu tại Hà Nội rất đẹp. Như bị “hớp hồn”, chị liền viết thư xin được học nghề gửi thầy Đào Ngọc Phú ở TP Hòa Bình và sau đó được thầy chấp nhận. Chị liền khăn gói ra Bắc, quyết tâm học nghề thêu tranh tay bất chấp sự phản đối quyết liệt của gia đình, với lí do: “Chị đã gần 30 rồi, nếu không ở nhà lấy chồng thì chị sẽ…ế”.
Sau gần nửa năm theo học, chị đã được thầy Phú truyền hết “bí kíp” nghề thêu tranh tay. Chị đi làm thuê cho các hộ dân ở làng nghề thêu tranh tại Hà Tây (nay là Hà Nội). Nhờ có kinh nghiệm, năm 2010, chị đứng ra thành lập HTX Thanh Thủy, trong đó có 9 xã viên. Lúc đầu, số học viên rất ít, chỉ khoảng từ 5 - 7 người. Theo thời gian, tiếng lành đồn xa, học viên theo học ngày càng đông, số lượng đã lên tới hơn 100 người. Bởi vậy, chị phải chia thành các lớp nhỏ để tiện cho việc đào tạo các bước thêu tranh cho học viên.
Chị Hồ Thị Diệu Thúy bên bức tranh thêu tay về quê nội Bác Hồ |
Suốt hơn 4 năm qua, chị đã mở được 16 lớp dạy nghề và đào tạo được hàng trăm thợ thêu tay lành nghề. Học viên theo học và thêu tranh không chỉ ở xã Nam Thanh mà còn có xã Nam Thái, Nam Thương, Nam Lộc, Nam Nghĩa… Chị chia sẻ: “Thêu tranh tay là nghề thủ công, đòi hỏi người thợ phải có đôi bàn tay khéo léo, đôi mắt tinh tường cộng với tính cẩn thận, chăm chỉ. Mỗi bức tranh thêu không đơn giản chỉ là cách chọn lựa và sắp xếp những khối chỉ màu theo đường nét sẵn có mà còn phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp. Cùng một mẫu thêu, nhưng mỗi người với một cảm nhận riêng sẽ tạo nên những cách phối màu riêng biệt”.
Trong một lần đến Khu di tích Kim Liên, thấy các quầy hàng bán đồ lưu niệm quê Bác chỉ bán toàn áo, mũ…, chị nghĩ: “Đồ lưu niệm như thế này thì ở khu di tích, khu du lịch nào cũng có, chỉ khác nhau ở dòng chữ in lên”. Lúc ấy, chị chợt nảy ra ý tưởng chủ đề thêu tranh của HTX Thanh Thủy sẽ là quê nội, quê ngoại Bác Hồ. “Mình sinh ra và lớn lên, tự hào là người con quê Bác. Vì vậy, được làm và giới thiệu, bán các sản phẩm về quê nội, quê ngoại Bác Hồ cho khách du lịch thập phương khiến mình rất vui”, chị Thúy chia sẻ.
Rồi chị mày mò, thiết kế mẫu thêu và giao công việc cho các học viên. Ban đầu, vì các quầy hàng đang đặt hàng dè dặt nên chị chấp nhận bán lỗ để lấy uy tín, thương hiệu. Dần dần, khách du lịch thích thú và đặt mua nhiều tranh. Do đó, chị đã cùng các học viên, người thợ thêu tranh theo đơn đặt hàng của khách.
Khi được hỏi về lợi nhuận, chị Thúy chia sẻ: Để có được bức tranh thêu tay 35x50 cm, người thợ phải mất từ 5 - 6 ngày công. Tiền công cho thợ là 100 nghìn đồng, với giá thành bán ra thị trường là 250 nghìn đồng, trừ tiền mua vải, chỉ, rồi đóng khung thì nhiều lúc còn hụt vốn. Mỗi tháng, HTX bán ra thị trường trung bình từ 50 - 70 tranh thêu tay. HTX luôn có 60 người thêu tranh tay, thu nhập hàng tháng từ 1 - 2 triệu đồng. Tranh thêu tay của chị không chỉ được bán ở các quầy hàng thuộc Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn) mà còn ở TP Vinh, TP Hồ Chí Minh…
Hiện, chị Thuý đã lấy chồng ở TP Vinh nhưng HTX của chị ở Nam Đàn vẫn được duy trì. Hàng tuần, chị về quê từ 2 - 3 ngày để kiểm tra và thu mua sản phẩm. “Dù lợi nhuận không đáng là bao nhưng mình vẫn tiếp tục công việc vì đó không chỉ là đam mê của riêng mình, mà còn để giữ lời hứa với người dân nơi đây. Với thu nhập hàng tháng dù không nhiều so với mức sống ở các nơi khác nhưng với người dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thì đó là một khoản tiền không nhỏ. Công việc này lại phù hợp với phụ nữ ở nông thôn, họ có thể tranh thủ làm vào những giờ nghỉ trưa, buổi tối hay những ngày mưa gió không thể ra đồng”, chị Thúy tâm sự.
Nói về dự định trong tương lai, chị Thúy cho biết: Sắp tới, chị sẽ thêu tranh chân dung Bác và những người thân trong gia đình Bác, thêu hình ảnh quảng trường Hồ Chí Minh… Với niềm đam mê, sáng tạo, cống hiến để lưu giữ và phát huy giá trị nghề thêu truyền thống, sản phẩm tranh thêu của chị Thúy đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng giấy chứng nhận “Được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh Nghệ An” năm 2012 và năm 2014. Đó là thành quả xứng đáng với những tâm huyết và nỗ lực gìn giữ nghề, truyền nghề, phát huy những tinh hoa của nghề thêu truyền thống mà chị đã miệt mài cống hiến.
Thu Thủy