(Congannghean.vn)-Về thôn Thọ Phú, xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu, nhắc đến gia đình ông Nguyễn Văn Thân, ai ai cũng tấm tắc ngợi khen. Làng ven biển này từ lâu là mảnh đất nghèo khó, con cái lớn lên theo nghề đánh cá, mấy ai được học hành tử tế, vậy mà, gia đình nông dân Nguyễn Văn Thân có đến 4 người con học đại học. Tần tảo, chắt chiu, ông Thân tự hứa với lòng: “Tôi vất vả rồi, không thể để con cái giống tôi được...”.
Theo chân chuyên viên văn hóa xã Quỳnh Thọ, chúng tôi tới thăm nhà ông Nguyễn Văn Thân vào một chiều cuối năm lạnh giá. Nghe tin có khách, ông tất tả từ cánh đồng trở về, chân tay còn lấm lem bùn đất. Năm nay, đã bước sang tuổi 56, nhưng nhìn ông già dặn hơn so với tuổi. 10 năm chiến đấu tại biên giới phía Bắc, thời kỳ đổi mới năm 1986, ông Thân trở về quê hương, mang trên mình nhiều thương tích. Ông hiện là bệnh binh 2/3, thương binh 3/4. Về địa phương, ông lập gia đình với người con gái thôn Thọ Phú tên là Nguyễn Thị Thế. Tình yêu đơm hoa kết trái khi lần lượt 4 người con trai ra đời. Đứa lớn sinh năm 1987, đứa út sinh năm 1993.
Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, cái nghèo bủa vây khắp làng. Chạy vạy từng bữa ăn đã trở thành một nỗi ám ảnh của những hộ gia đình nơi đây. Lúc bấy giờ, ông Thân sức khỏe yếu, con cái lần lượt ra đời, bao lo toan, vất vả lại trút lên vai người vợ. Có lúc không đủ ăn, cả nhà phải trộn ngô, khoai, sắn để ăn cho qua ngày đoạn tháng. Mùa đông giá rét, áo không đủ mặc, mấy đứa con tự an ủi, đổi áo cho nhau mặc để đi học. Tự nhủ phải vực dậy để làm gương cho các con, ông Thân đã động viên vợ không nản lòng mà cùng nhau cố gắng, dù khó khăn đến đâu cũng không để con cái bỏ học.
Ông Nguyễn Văn Thân là tấm gương vượt khó tiêu biểu đáng để mọi người học tập |
Ngoài 6 sào ruộng, hễ có ai thuê làm gì, ông đều “nai lưng” ra làm. Khỏe thì ông theo anh em đi làm thợ nề, không khỏe thì ông đi nhổ cỏ thuê... Bà Thế thương ông nhưng cũng đành ngậm ngùi. Cuộc sống cơ cực, bà tất tả sớm hôm theo xe để đi bán mớ rau, bát gạo. Ông bà nội ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, thương con, thương cháu nhưng cũng lực bất tòng tâm, chỉ có thể giúp đỡ những việc lặt vặt trong nhà. Thương bố mẹ, con cái ông Thân rất chăm ngoan, học giỏi. Tự hào hơn khi cả 4 anh em lần lượt thi đỗ đại học.
Con trai lớn sinh năm 1987 học Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, chuyên ngành Quản lý đất đai và bất động sản, đồng thời vừa tốt nghiệp chương trình học chuyên viên 2 về kinh tế; con trai thứ hai học ngành Công nghệ thông tin Đại học Nha Trang; con trai thứ 3 học Trường Đại học Giao thông Vận tải; đứa út hiện đang học khoa Luật, Trường Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Bà Thế chia sẻ: “Con cái đỗ đạt, hai vợ chồng mừng lắm nhưng đứng ngồi không yên, không biết xoay đâu ra thóc, ngô để trang trải cho con ăn học...”. Quyết tâm không để con cái phải nghỉ học giữa chừng, ông Thân bàn với vợ vay vốn mở rộng sản xuất, nuôi gà, ngan, lợn, hươu.
Nhờ chính sách, chế độ hỗ trợ thương bệnh binh của Nhà nước cùng với nỗ lực, cố gắng vừa học vừa làm, các con ông vẫn được theo học đại học. Nhận thức được hoàn cảnh của gia đình, con cái của ông bà biết chắt chiu, giúp đỡ lẫn nhau, vừa học vừa đi làm thêm. Hiện, 2 người con đã tốt nghiệp đại học, ra trường và có công việc ổn định.
Với nghị lực vượt khó, nuôi con ăn học, năm 2014, gia đình ông Thân vinh dự được công nhận Gia đình văn hóa cấp tỉnh. Hiện nay, ông còn là Chi hội trưởng Chi hội khuyến học thôn Thọ Phú, xã Quỳnh Thọ. Ông rất năng nổ, tích cực trong công tác khuyến học, động viên con em không bỏ học, khuyến khích các gia đình khó khăn phấn đấu nuôi con ăn học đầy đủ.
.