Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201412/nhieu-truong-hoc-tu-thu-ngoai-quy-dinh-574722/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201412/nhieu-truong-hoc-tu-thu-ngoai-quy-dinh-574722/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nhiều trường học tự thu ngoài quy định - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 30/12/2014, 14:57 [GMT+7]

Nhiều trường học tự thu ngoài quy định

(Congannghean.vn)-Sở GD&ĐT Nghệ An vừa có kết luận về công tác thực hiện chế độ, chính sách nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và các khoản thu đầu năm học 2014 - 2015. Trước đó, ngày 4/11, Sở đã thành lập Đoàn thanh tra chuyên ngành kiểm tra đối với 110 trường học tại 17 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh. 
Trường Tiểu học Lê Mao là một trong nhiều trường tự thu ngoài quy định và đã hoàn trả lại cho phụ huynh, học sinh sau khi có kết luận của Sở GD&ĐT
Trường Tiểu học Lê Mao là một trong nhiều trường tự thu ngoài quy định và đã hoàn trả lại cho phụ huynh, học sinh sau khi có kết luận của Sở GD&ĐT
 
Tích cực vận động xã hội hóa giáo dục
 
Thực hiện công văn của Sở GD&ĐT Nghệ An về việc thực hiện các khoản thu đầu năm học, các phòng GD&ĐT đã tham mưu cho chính quyền địa phương ban hành hướng dẫn cụ thể, chi tiết các khoản thu chi trong năm học sát với tình hình địa phương như TP Vinh, TX Hoàng Mai, huyện Thanh Chương... nên đã hạn chế được việc thu sai ở các trường. Bên cạnh đó, các trường đã tăng cường thực hiện vận động xã hội hóa giáo dục theo đúng quy trình, đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai.
 
Qua đó, đã vận động phụ huynh đóng góp xây dựng cơ sở vật chất nhà trường ở mức cao. Đơn cử như ngành giáo dục huyện Anh Sơn đã vận động được các tổ chức, cá nhân ủng hộ hơn 1 tỉ đồng cho chương trình tiếp sức đến trường, Trường THPT Đô Lương 1 huy động được hơn 1,5 tỉ đồng, có nhiều phụ huynh tham gia ủng hộ từ 2 - 5 triệu đồng...
 
Vẫn còn nhiều sai phạm 
 
Qua đợt kiểm tra này, Đoàn thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm ở một số trường học. Trong đó, việc thực hiện chế độ, chính sách nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục chưa đúng quy định. Việc cơ cấu giáo viên, nhân viên ở hầu hết các huyện chưa hợp lý: Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên, dôi dư giáo viên dạy văn hóa, thiếu giáo viên ở các cấp học THCS, tiểu học, có trường học không có giáo viên biên chế dạy môn Hóa học, có trường lại không có kế toán. Một số huyện có số lượng giáo viên dôi dư lớn, giáo viên hợp đồng kéo dài, mức lương thấp, cuộc sống của giáo viên gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, tại huyện Anh Sơn, số lượng giáo viên dôi dư lên tới 260 người. 
 
Một số chính sách đối với giáo viên chưa được thực hiện đúng và đầy đủ. Việc thực hiện chế độ khen thưởng theo Nghị định 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ chưa đúng quy định, vẫn còn tình trạng một số huyện đã bớt số tiền khen thưởng đối với Chiến sĩ thi đua xuống còn 155.000 đồng/người (như ở huyện Tân Kỳ) hay 300.000 đồng/người (như ở huyện Diễn Châu).
 
Tại huyện Con Cuông, nhân viên y tế học đường chưa được chi trả phụ cấp ưu đãi theo nghề, giáo viên thể dục tại các trường tiểu học chưa được chi trả tiền trang phục. Đơn cử như tại huyện Thanh Chương, TX Cửa Lò, nhân viên thư viện, thiết bị chưa được chi trả chế độ phụ cấp độc hại, nhân viên y tế học đường cũng chưa được trả chế độ phụ cấp ưu đãi nghề. Tại huyện Tân Kỳ, cán bộ phụ trách thiết bị thí nghiệm cũng chưa được hưởng phụ cấp độc hại...
 
 
Nhiều trường đề ra các khoản thu ngoài quy định
 
Về các khoản thu đầu năm, có địa phương khi phê duyệt vận động xã hội hóa đối với các cấp học chưa có công văn phúc đáp nêu rõ nội dung cần vận động, nguyên tắc vận động. Việc thu quỹ Đoàn - Đội trong trường học thiếu thống nhất... Trong đó, Đoàn thanh tra phát hiện một số trường đã tự thu các khoản ngoài quy định trong năm học. Đơn cử như tại Trường Tiểu học Nghi Trường (Nghi Lộc), học sinh phải đóng 42.000 đồng tiền kế hoạch nhỏ, 20.000 đồng tiền giấy khảo sát. Ngoài ra, nhà trường còn thu vượt mức học 2 buổi/ngày đối với học sinh không có bán trú 37.000 đồng/học sinh/tháng. Thậm chí, một số trường còn đề ra nhiều khoản thu vô lý như tiền hoạt động tập thể, vệ sinh, an ninh, photocoppy...
 
Một số trường thu tiền lao động hoặc đề ra mức đóng góp đất cát rồi quy ra tiền như Trường THCS Hưng Tây (Hưng Nguyên), Trường Tiểu học Đông Sơn (Đô Lương) 50.000 đồng, Trường THPT Thái Hòa có lớp đề ra mức thu tiền lao động lên tới 90.000 đồng/học sinh. Hay như tại Trường THPT Cờ Đỏ, quy tiền sản phẩm lao động nạp cát thành 100.000 đồng/học sinh khối 10 và khối 11, học sinh khối 12 nộp 50.000 đồng.
 
Một số trường, lãnh đạo thiếu kiểm tra nên dẫn đến một số lớp tự đề ra một số khoản thu ngoài quy định như lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Mao (TP Vinh) thu tiền bồi dưỡng học hè 50.000 đồng/học sinh; lớp 5B, Trường Tiểu học Nghi Lâm (Nghi Lộc) thu tiền học hè, tiền quà lưu niệm. Trường THCS Lê Lợi (TP Vinh) tổ chức dạy học môn tiếng Pháp, môn Tin học và thu tiền 540.000 đồng đối với các lớp học tiếng Pháp, 250.000 đồng đối với các lớp Tin học. Thanh tra Sở GD&ĐT chỉ rõ “việc xây dựng kế hoạch thu chi không hợp lý, số tiền thu được vượt nhiều so với việc chi trả nguồn kinh phí này”. 
 
Trong khi đó, tại Trường Tiểu học Tràng Sơn (Đô Lương), bên cạnh việc thu tiền vận động xã hội hóa tăng cường cơ sở vật chất trường lớp học chung trong toàn trường, trường còn thỏa thuận thu tiền mua đồ dùng bán trú đầu vào lớp 1 là 200.000 đồng, bàn ghế 500.000 đồng/học sinh (đóng trong 2 năm); học sinh các khối 3, 4, 5 đóng 300.000 đồng tiền bàn ghế.
 
Căn cứ vào báo cáo kết quả thanh tra, lãnh đạo Sở đã yêu cầu các trường như Tiểu học Nghi Lâm (Nghi Lộc), Trường THCS Vinh Tân (TP Vinh), Trường Tiểu học Tràng Sơn, Trường Tiểu học Đông Sơn (Đô Lương), Trường THCS Nghĩa Thuận (TX Thái Hòa)... phải trả lại các khoản thu ngoài quy định cho phụ huynh. Đồng thời yêu cầu các trường học tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan phù hợp và báo cáo gửi về cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp. 
 
Ngoài ra, Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các trường cân đối lại thu chi, rút kinh nghiệm về quy trình vận động xã hội hóa giáo dục... Bên cạnh đó, Sở cũng đã đề xuất với UBND tỉnh, Bộ GD&ĐT có cơ chế, chính sách xã hội hóa cụ thể, phù hợp, đảm bảo yêu cầu giáo dục đào tạo trong tình hình mới; giao việc vận động xã hội hóa cho chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội để tránh áp lực đối với các nhà trường.
.

Huyền Thương

.