Văn hóa - Giáo dục

Xung quanh Dự thảo điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT

08:51, 16/02/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Ngày 2/1 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã tiến hành thông báo rộng rãi để lấy ý kiến dư luận về hướng điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT. Cùng với việc giảm số lượng môn thi, bản Dự thảo còn đề xuất phương án công nhận tốt nghiệp với 20% học sinh có học lực xếp loại giỏi. Nếu được dư luận ủng hộ, dự kiến phương án thi mới này sẽ được áp dụng ngay từ năm 2014. Với phần lớn giáo viên và học sinh, những người trực tiếp giảng dạy và chịu áp lực thi cử trong nhiều năm qua, những điều chỉnh lớn về kỳ thi tốt nghiệp THPT nhận được sự đồng thuận, ủng hộ. Tuy nhiên, vẫn còn xuất hiện một số băn khoăn liên quan tới những thay đổi mang tính đột phá trong bản Dự thảo vừa công bố.
 
Dự thảo điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra gồm 2 phương án. Với phương án thứ nhất, thí sinh dự kiến thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, 2 môn còn lại sẽ được tự chọn trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Lịch sử. Môn Ngoại ngữ có thể đăng ký thi để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp. Theo đó, dự kiến bài thi môn Ngoại ngữ đạt 9 điểm trở lên được cộng 2 điểm; đạt 7 điểm trở lên được cộng 1,5 diểm; đạt 5 điểm trở lên được cộng 1 điểm. Ở phương án hai, thí sinh thi 5 môn gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại (giống phương án 1). Riêng đối với môn Ngoại ngữ, thí sinh của các trường THPT và giáo dục thường xuyên không theo học hết chương trình hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy học sẽ được lựa chọn một môn thi thay thế trong các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Lịch sử sao cho không trùng với hai môn tự chọn nói trên. Việc công nhận và xếp loại thi tốt nghiệp được tính như sau: Điểm xét tốt nghiệp bằng điểm trung bình các bài thi cộng điểm trung bình cả năm lớp 12 chia đôi cộng tổng điểm khuyến khích (nếu có) trên số bài thi. Điểm xếp loại tốt nghiệp bằng điểm trung bình các bài thi cộng điểm trung bình cả năm lớp 12 chia đôi.
 
Dự thảo điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT năm 2014 đang được dư luận quan tâm bởi những thay đổi mang tính đột phá - Ảnh minh họa
Dự thảo điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT năm 2014 đang được dư luận quan tâm bởi những thay đổi mang tính đột phá - Ảnh minh họa
 
Trước hết, có thể nhận thấy, hướng điều chỉnh phương án thi tốt nghiệp THPT với việc giảm số lượng các môn thi được kỳ vọng là sẽ làm giảm đáng kể áp lực thi cho các thí sinh. Từ nhiều năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức với 6 môn thi, gồm 3 môn “cứng” là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, 3 môn còn lại thường được Bộ GD&ĐT công bố vào thời điểm cuối tháng 3 hàng năm. Để chuẩn bị cho kỳ thi này, các sĩ tử phải tích cực ôn tập từ một khoảng thời gian dài trước đó. Một tháng sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc, các thí sinh lại hối hả bước vào kỳ thi tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ với bao căng thẳng, âu lo. Khi số lượng môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT được giảm bớt, đồng nghĩa với những lo lắng, căng thẳng về kỳ thi sẽ được giảm đi phần nào. Việc học hành của học sinh cuối cấp vì thế cũng sẽ “nhẹ” hơn, đồng thời, thí sinh có điều kiện đầu tư nhiều thời gian hơn cho kỳ thi ĐH, CĐ sau đó không lâu. Tuy nhiên, cùng với hướng giảm các môn thi ngoài các môn bắt buộc, việc thí sinh được phép lựa chọn các môn thi còn lại khiến cho nhiều người không khỏi băn khoăn về tình trạng học sinh đua nhau đăng ký thi các môn khoa học tự nhiên như: Vật lí, Hóa học, Sinh học mà hờ hững với các môn khoa học xã hội như: Lịch sử, Địa lí.
 
Bên cạnh việc giảm số môn thi và học sinh được phép lựa chọn các môn thi không bắt buộc, Dự thảo điều chỉnh phương án thi tốt nghiệp còn đề xuất việc miễn thi cho khoảng 20% thí sinh có học lực xếp loại giỏi, đồng thời, tính điểm học lực trung bình lớp 12 làm cơ sở để công nhận tốt nghiệp. Giải thích về đề xuất này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: Kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm thường có khoảng hơn 20% học sinh đạt loại tốt nghiệp khá, giỏi. Việc xem xét miễn thi cho số học sinh dự báo chắc chắn sẽ đậu tốt nghiệp là để học sinh đỡ phải thi và về mặt tổ chức cũng giảm được ít nhất 20% số đề thi, số giám thị, số phòng thi… Tuy nhiên, dư luận vẫn tỏ ra lo ngại về khả năng tiêu cực có thể xảy ra nếu cho phép miễn thi và tính điểm học lực trung bình lớp 12 khi mà chất lượng giáo dục giữa các địa phương khác nhau đang có những “độ vênh” nhất định.
 
Nghị quyết TW 8 khóa 11 đã khẳng định: “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn đảm bảo độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh”. Việc cải tiến hình thức thi sao cho phù hợp với xu hướng đổi mới cơ bản giáo dục đào tạo trong giai đoạn hiện nay là thực sự cần thiết. Tuy nhiên, dù thay đổi với hình thức nào cũng cần đảm bảo mục tiêu đánh giá nghiêm túc, khách quan, trung thực kết quả học tập của học sinh. Nghĩa là, bên cạnh những thay đổi mang tính kỹ thuật, cần có nhiều hơn những thay đổi mạnh mẽ trên tất cả các khâu trong quá trình tổ chức kỳ thi như: Ra đề thi, coi thi, chấm thi, thanh tra thi… nhằm đảm bảo chất lượng thực của kỳ thi. Chỉ khi có những thay đổi mang tính đồng bộ, triệt để, việc tiếp tục để tồn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT mới thực sự có ý nghĩa.

Minh Tuấn

Các tin khác