Văn hóa - Giáo dục

Nhọc nhằn con chữ ở thượng nguồn sông Giăng

09:38, 10/02/2014 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Dòng sông Giăng trước khi đổ vào sông Lam ra biển, được hợp nhất từ 2 con khe là khe Khặng và khe Mọi để hình thành nên một dòng chảy trong xanh chở đầy phù du làm nên câu hát “Cơm Kẻ Quạ, cá mát sông Giăng”. Những ngày đầu xuân này, đi dọc vùng thượng nguồn biên giới nơi đây, ngoài những vất vả mưu sinh thường nhật, điều mà mọi người quan tâm nhất chính là việc tiếp tục nuôi giấc mơ con chữ cho những đứa trẻ nghèo vùng biên giới heo hút này.

Tất bật buổi đầu năm

Ngày hoa đào khoe sắc là ngày Tết, ngày hội của các thầy, cô giáo và các em học sinh, bởi năm mới đồng nghĩa với những cuốn sách mới, chiếc cặp mới cùng những bộ quần áo mới. Vậy nhưng, đối với những học sinh, nhất là học sinh vùng khó khăn này, niềm vui nho nhỏ và tưởng như hiển nhiên với nhiều trẻ nhỏ ấy lại đang là niềm khao khát, mong mỏi và cả sự lo lắng của cấp ủy, chính quyền, của nhiều thầy, cô giáo và các em học sinh nghèo ở đây.

Hòa theo dòng sông Giăng đang ngày ngày ồn ào cuộn chảy này, ngồi bên đập Pha Lài ngay trên dòng khe Khặng - Một nhánh của sông Giăng, nhìn hàng trăm học sinh cùng nhau vui vẻ đến trường trên những chiếc xe đạp với những bộ đồng phục mà chúng tôi không khỏi mừng thầm, bởi dù biên giới xa xôi nhưng các em cũng có chung niềm vui cùng hàng triệu học sinh khác. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, để có được những bộ đồng phục giản dị ấy, nhiều gia đình đã phải rất vất vả mới có được để dành cho con em mình.

Cứ ra Tết, các thầy, cô giáo lại phải vượt sông Giăng vào vận động học sinh Đan Lai tới trường
Cứ ra Tết, các thầy, cô giáo lại phải vượt sông Giăng vào vận động học sinh Đan Lai tới trường

Nhìn những bè nứa, bè củi đang về, một phụ huynh ở Môn Sơn nói với chúng tôi: “Năm học mới đã đến, tuy ở vùng sâu biên giới này học sinh phần nhiều được miễn giảm học phí, nhưng còn nhiều nỗi lo toan đặt lên vai phụ huynh, đó là tiền xây dựng, tiền đồng phục, tiền quỹ hội, quỹ lớp, quỹ trường; tiền áo, tiền quần, sách vở, bút mực… Năm nay, giá cả nhiều mặt hàng tăng theo giá xăng dầu do phí vận chuyển lên miền núi khó khăn hơn. Chúng tôi phải tích cực vào khe chặt thêm nhiều củi, nứa, bán cho cánh buôn bè để kiếm mấy chục nghìn đồng, kẻo ngày khai trường con người ta có chiếc áo mới, cặp sách mới, con mình không có cái gì tội nghiệp lắm!”.

Về xã Môn Sơn (Con Cuông) hỏi em Vi Văn Hiệp không ai là không biết bởi thành tích học tập đáng nể của em, 12 năm đều là học sinh giỏi, tiên tiến. Em không chỉ là niềm tự hào của gia đình mà còn của cả Mường Quạ vùng biên heo hút này. Hai năm trước, khi hay tin em đỗ hai trường đại học, mọi người đều mừng cho em. Ngồi trên bờ sông Giăng, nghe ông Vi Văn Tụ - Phó Bí thư Đảng ủy xã tâm sự: "Môn Sơn là vùng quê cách mạng, nối tiếp truyền thống cha ông, con trẻ nơi đây chăm học, chăm làm, mấy năm nay nhiều em thi đỗ đại học, nhưng không ít em đành phải từ giã giấc mơ giảng đường vì không có tiền đi học.

Anh tính xem, ở vùng biên giới này bao nhiêu năm bà con sống được cũng nhờ ơn rừng. Nay rừng bị khai thác cạn kiệt, Chính phủ có lệnh đóng cửa rừng, sản xuất nông nghiệp miền núi đủ ăn là may lắm rồi, biết lấy đâu ra tiền cho các cháu ra thành phố ăn học”. Mặc dù đã chuẩn bị trước tinh thần nhưng đến ngày nhập học của con, nhiều gia đình cũng không khỏi bàng hoàng vì số tiền phải đóng góp. Riêng tiền học phí học kỳ đầu đã hết 2,5 triệu đồng, cộng thêm tiền phòng trọ, tiền ăn hàng tháng và tiền xe, tiền sinh hoạt… nữa chắc cũng không dưới 4 triệu đồng. Một khoản không nhỏ đối với một gia đình nông dân miền núi này.

Tiếng thở dài của dòng sông Giăng

Trước khi tỏa đi khắp biển cả, dòng sông Giăng đổ vào lãnh thổ Việt Nam ở bản Co Phát, Co Nghịu (Môn Sơn, Con Cuông), nơi tiếp giáp với nước bạn Lào. Mặc dù được thiên nhiên ưu đãi với vô vàn các sản vật sông nước đặc trưng như nguồn cá mát, cá lăng, dòng nước trong tưới mát cánh đồng Mường Quạ làm nên hạt lúa thơm rền, cơm Mường Quạ ăn với cá mát sông Giăng, ai ăn rồi không muốn rời xa. Nhưng nơi đây vẫn còn rất nhiều mảnh đời cơ cực với gần 180 hộ, hơn nghìn khẩu của tộc người Đan Lai đang ngày đêm mưu sinh ở tận thượng nguồn.

Từ bến đập Pha Lài, các thầy, cô giáo phải vượt hơn một trăm con thác dữ mới đến được hai bản của tộc người “ngủ ngồi” Đan Lai. Dọc đường đi, mùa mưa này nước sông cạn với những con sóng xô vào nhau cuồn cuộn cùng với những con thác chảy dữ dội như muốn nuốt chửng con thuyền nhỏ nhoi này. Đã thành lệ, cứ ra Tết là các thầy, cô giáo của trường Trung học cơ sở Môn Sơn phải vượt thác vào vận động các em Đan Lai ra học. Vận động được các em ra học đã thành công, giữ các em ở lại theo học cho hết năm, hết khóa lại là chuyện lớn.

Năm ngoái, các thầy, cô vào vận động được 42 em ra học, rồi lại phải tất bật lo cho các em có ăn, có mặc, có chỗ ở, lo quản lý các em, lo bồi dưỡng kiến thức, bởi kỳ nghỉ Tết xong là các em quên luôn cái chữ. Năm học vừa qua có em La Thị Duyên đạt học sinh giỏi tỉnh, niềm tự hào lớn của trường và của tộc người Đan Lai. “Năm học này không biết có bao nhiêu em còn nhớ thầy, nhớ bạn để tiếp tục ra trường nuôi cái chữ, hay vì hủ tục lạc hậu đã vu quy, tảo hôn làm bố, làm mẹ rồi…” - Thầy Nguyễn Nam Giang, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Môn Sơn buồn bã mở lòng.

Mùa xuân mới đã bắt đầu, hòa chung trong niềm vui của hàng triệu các bạn học sinh từ bậc học mầm non tới đại học, trong những ngày này, bên cạnh niềm vui là một chút lo toan, tất bật, vội vã nhằm chuẩn bị tốt nhất cho các em những gì cần có cho tương lai, cho sự nghiệp trồng người. Mong rằng chút lo toan, những khó khăn trước mắt không làm nản lòng thầy cô và các em, chỉ càng đốt thêm ngọn lửa hiếu học đang cháy bỏng trong tim những đứa trẻ nghèo, tăng thêm nội lực yêu nghề, mến trẻ nơi thượng nguồn biên giới này mà thôi.

Phùng Văn Mùi

Các tin khác