Văn hóa - Giáo dục
Nhà thờ họ Nguyễn Đại Tôn rước Bằng di tích lịch sử cấp tỉnh
15:18, 07/02/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Những ngày đầu Xuân Giáp Ngọ 2014 này, con cháu dòng họ Nguyễn Đại tôn cũng như cán bộ và nhân dân xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) phấn khởi, háo hức, vinh dự, tự hào chuẩn bị để ngày mồng 10 Tết làm lễ trọng thể đón rước “Bằng di tích lịch sử cấp tỉnh” đối với nhà thờ họ Nguyễn Đại tôn.
Nhà thờ Nguyễn Đại tôn nằm ở trung tâm làng Thạch Động, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu (cách thành phố Vinh 65 km về phía Bắc, cách Quốc lộ 1A gần 1 km về phía Đông). Nhà thờ Nguyễn Đại tôn có kiến trúc thời Nguyễn, gồm 3 gian, hai hồi, khung nhà bằng gỗ lim, trên diện tích 324 m2 gồm bái đường, hậu cung, tả, hữu vu, cổng, trong đó có 2 tòa bái đường, hậu cung còn giữ được kiến trúc gốc, còn các kiến trúc còn lại mới được tôn tạo.
Nhà thờ họ Nguyễn Đại tôn nằm ngoảnh hướng Tây Nam, xung quanh dân cư quần tụ đông đúc. Nhìn xa hơn về phía trước nhà thờ là dòng Mai Giang quanh co uốn khúc, phía sau tựa núi Trụ Hải, phía Tây cách nhà thờ 1,5 km là đền Cửa Gan đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh thuộc xã Quỳnh Hoa, phía Bắc cách 1,5 km là di chỉ cồn Gò Điệp (Quỳnh Văn) - Một di chỉ khảo cổ nổi tiếng.
Cổng Nhà thờ Nguyễn Đại tôn |
Vì sao một nhà thờ khá khiêm tốn, ẩn mình trong khu dân cư lại được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh?
Để tìm câu trả lời, chúng tôi lần theo gia phả dòng họ Nguyễn Bá (Nguyễn Đại tôn) hiện có ở nhà thờ thì dòng họ Nguyễn ở xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu có Thái Thủy Tổ là ông Nguyễn Phi Khanh (còn có tên là Nguyễn Ứng Long), tự là Nhị Khê Tướng Công, sinh năm 1356 tại làng Nhị Khê, phủ Thường Tín (nay thuộc huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội), là hậu duệ đời thứ 9 của Đinh Quốc Công Nguyễn Bặc - Khai Quốc Công Thần, bậc nhất thời vua Đinh Tiên Hoàng (968 - 979). Năm 1374, lúc mới 18 tuổi, Nguyễn Ứng Long đã thi đậu bảng Nhãn Tam Khôi. Ông lấy vợ là bà Trần Thị Thái, con gái quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán và sinh được 4 người con là: Nguyễn Trãi, Nguyễn Phi Bằng, Nguyễn Phi Bảo và Nguyễn Phi Hùng. Khi 4 con còn nhỏ, bà Trần Thị Thái qua đời. Một thời gian sau, Nguyễn Phi Khanh (Ứng Long) kết duyên với bà Nhữ Thị Ngọc Hoàn và chuyển về quê vợ sinh sống (làng Miên, xã Cư Nạp, phủ Đông Sơn, nay là làng Cẩm Nga, xã Đông Yên, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Tại đây, ông bà sinh được 2 người con là Nguyễn Nhữ Soạn và Nguyễn Nhữ Trạch.
Căn cứ vào sự bài trí, thờ phụng và căn cứ vào gia phả và văn cúng gốc hiện còn lưu giữ tại nhà thờ cũng như một số sử sách khác thì Nguyễn Nhữ Soạn sinh năm 1392 tại làng Miên, xã Cư Nạp (phủ Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Là con trai của ông Nguyễn Phi Khanh và bà Nhữ Thị Ngọc Hoàn và là em trai cùng cha khác mẹ với Ức trai Nguyễn Trãi - Công thần số 1 của vua Lê Thái Tổ. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị giặc Minh đô hộ, nhớ lời cha và các bậc tiền bối căn dặn, Nguyễn Nhữ Soạn đã tham gia khởi nghĩa chống quân Minh. Theo nhiều sử sách, ông chính là một trong 18 người tham gia “Hội thề Lũng Nhai” của Lê Lợi, được Lê Lợi tin dùng. Sau này, khi Nguyễn Trãi tìm đến Lam Sơn để dâng lên Lê Lợi cuốn “Bình Ngô sách”, Nguyễn Trãi mới gặp lại người em là Nguyễn Nhữ Soạn, đã là một tướng quân oai hùng. Nguyễn Trãi mới đưa cho người em Nguyễn Nhữ Soạn bức huyết thư của người cha Nguyễn Phi Khanh, khuyên bảo các con phải “đền nợ nước, trả thù nhà”. Nguyễn Nhữ Soạn đã cầm quân chỉ huy chiến đấu ngoan cường, lập được nhiều công lớn và khi Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, Nguyễn Nhữ Soạn đã được phong đến chức Thái phó Tuy Quốc công, tước Á hầu.
Nguyễn Nhữ Trực là con trai cả của Thái phó Tuy Quốc công Nguyễn Nhữ Soạn (là cháu nội của Nguyễn Phi Khanh và cháu gọi Ức trai Nguyễn Trãi bằng bác ruột). Sinh ra trong một gia đình “danh gia vọng tộc”, lại có tư chất thông minh, Nguyễn Nhữ Trực sớm được bổ nhiệm làm quan và giữ các chức như Trung Thư Thị Lang, Hàn lâm viện và được vua Lê ban sắc “Lãng Dương hầu, Dương quận công”. Một thời gian sau, ông được giao trấn giữ thành Nghệ An. Tại đây, ông đã gặp và kết hôn với bà Lê Thị Thư, người ở thôn Xa Lễ, xã Nguyệt Tĩnh, huyện Hưng Nguyên và sinh ra Nguyễn Đình Khuynh và Nguyễn Đình Hải. Sau đó ông được điều về kinh thành, giữ chức Thượng thư Bộ Hộ.
Năm 1442, giữa lúc sự nghiệp đang tiến triển thì xảy ra vụ án oan “Lệ chi viên” (vụ án oan mà Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc). Để bảo toàn tính mạng, Nguyễn Nhữ Trực đã đưa vợ con di cư về phương Nam, đến vùng Kẻ Sót, Kẻ Tràm (sau này là Thạch Bàn, nay là Quỳnh Thạch). Tại đây, ông thấy vùng đất hoang vu, hẻo lánh này có thể náu thân. Tuy đang hoang sơ, nhưng thực ra vùng đất này cũng rất đẹp, “sơn thủy hữu tình”. Phía Tây vùng đất là núi Thất Tinh “một hàng bảy ngọn như hình ngôi sao”, phía Đông Nam là vùng đất nhiễm mặn với năn, lác, sú, vẹt… mọc thành rừng. Nguyễn Nhữ Trực quyết định dừng chân tại đây lập nghiệp, chiêu dân, lập ấp, khai khẩn đất hoang, xây dựng xóm làng và đổi họ sang Nguyễn Đình (sau này tiếp tục đổi sang Nguyễn Bá cho tới tận ngày nay) để tránh những hệ lụy từ vụ án “Lệ chi viên”.
Ngày 15/7/1492, Nguyễn Nhữ Trực mất, người con trai của ông là Nguyễn Nhữ Khuynh (sau đổi là Nguyễn Đình Khuynh) thông minh, chịu khó nối tiếp cha công cuộc khai sơn phá thạch. Do hệ lụy của thảm án “Lệ chi viên”, ông không thể thi thố với đời ở chốn quan trường mà lánh nạn xây dựng nên vùng quê ngày càng đông vui, trù phú. Và tại đây, ở vùng Thạch Bàn (Quỳnh Thạch ngày nay), ông đã xây dựng nên nhà thờ Nguyễn Đại tôn để thờ ông nội và thân sinh.
Ngoài các nhân vật tiêu biểu trên, nhà thờ còn thờ các nhân vật khác như ông Nguyễn Phi Hiển (đời thứ 10), ông Nguyễn Sỹ Phẩm (đời thứ 13) đều học hành thành đạt và làm nghề dạy học, nổi tiếng về văn chương.
Từ khi Nguyễn Đình Khuynh xây dựng nên nhà thờ, trải bao biến thiên của lịch sử và thời gian, nhà thờ đã bị hư hỏng. Năm Minh Mệnh 1848, con cháu mới xây dựng lại và sửa chữa nhiều lần nên có nhà thờ như hiện nay.
Bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh |
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tiếp nối truyền thống tốt đẹp của cha ông, nhiều người con của dòng tộc đã lên đường đi chiến đấu ở khắp các chiến trường, góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang của dân tộc, trong đó có 50 liệt sỹ, 217 thương binh, 4 người là cán bộ tiền khởi nghĩa.
Trải qua lịch sử hàng trăm năm, nhà thờ họ Nguyễn luôn được sử dụng để phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Từ năm 1946 - 1950 được dùng làm nơi tập kết quân trang quân dụng của Huyện đội Quỳnh Lưu. Từ năm 1950 - 1953: Nhà thờ được sử dụng làm trường Đảng Nguyễn Đức Mậu. Từ năm 1953 - 1959, nhà thờ là trụ sở văn phòng UBND xã Quỳnh Thạch. Từ năm 1970 - 1971 được dùng làm trường mẫu giáo xã Quỳnh Thạch. Từ năm 1973 - 1975 là nơi để kho súng đạn, lương thực để tiếp viện cho chiến trường miền Nam.
Do bề dày lịch sử, sự đóng góp của các bậc tiền nhân được thờ tự cũng như bản thân nhà thờ họ Nguyễn Đại tôn đã có đóng góp cho cách mạng trong suốt mấy trăm năm dựng xây quê hương đất nước, căn cứ vào các tiêu chí đã được quy định, ngày 11/10/2013, tại Quyết định số 4616/QĐ-UBND, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường đã ký công nhận nhà thờ họ Nguyễn Đại tôn Quỳnh Thạch, Quỳnh Lưu là “Di tích lịch sử cấp tỉnh”.
Trở thành di tích lịch sử cấp tỉnh, nhà thờ họ Nguyễn Đại tôn tiếp tục được tôn vinh và sẽ phát huy giá trị to lớn trong giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương không những đối với con cháu trong dòng họ mà còn đối với chính quyền và nhân dân xã Quỳnh Thạch - Nơi có di tích và vùng phụ cận, trở thành một địa danh tham quan, học tập và du lịch của du khách trong và ngoài tỉnh khi hành hương về Nghệ An.
Nhà báo - Thượng tá Nguyễn Bá Minh - Phó Tổng Biên tập Báo Công an Nghệ An (Hậu duệ Đời thứ 16)