Văn hóa - Giáo dục
Thỏa khát vọng muôn dân
14:46, 07/02/2014 (GMT+7)
Sáng mùng 7 tháng Giêng, nắng xuân ấm áp trải vàng trên cánh đồng Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, lễ hội Tịch điền 2014 đã long trọng khai mạc. Vào năm 987 vua Lê Đại Hành chọn cày Tịch điền dưới chân núi Đọi, mở hội mùa xuân. Tịch điền là lễ hội mang tính chất khuyến nông, khơi dậy truyền thống lao động sản xuất nông nghiệp của nhân dân. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày (từ mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng) và đây là năm thứ 6 huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam tổ chức lễ hội Tịch điền. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Ủy viên TW Đảng; lãnh đạo các Bộ, ngành TW và địa phương tới dự.
Trời còn tờ mờ sáng, các đoàn tổ chức lễ rước kiệu vua Lê Đại Hành, kiệu Thành Hoàng và kiệu Tổ nghề trống đã có mặt trên đường dẫn vào cánh đồng Đọi Tam. Họ đều là người dân của xã Đọi Sơn được huy động tham gia vào các đoàn rước. Trong số đó, hầu hết là bậc cao niên và trung tuổi, nhưng ai cũng phấn khởi và tự hào khi được tham gia vào các đoàn rước trang trọng của buổi lễ khai mạc. Bác Nguyễn Văn Tuấn, ở làng Đọi Tam cho biết: “Tôi tham gia vào đoàn rước Tổ nghề năm nay là năm thứ 6 nên thuộc làu kịch bản. Năm nay chúng tôi không phải tập dượt nhiều như năm đầu tiên, chỉ tập có một buổi và một buổi tổng duyệt. Ai cũng phấn khởi và hồi hộp, gọi nhau đi từ sáng sớm tập kết ở nhà khách của chùa Long, xã Đọi Sơn”.
Tái hiện vua Lê Đại Hành đích thân xá cày đầu tiên |
Đúng 9h sáng, lễ hội Tịch điền được khai mạc. Sau màn trống khai hội của Đội trống làng Đọi Tam là màn múa rồng mừng hội. Ông Trần Xuân Lộc, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam đọc văn trình. Trong không khí trang trọng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương làm lễ dâng hương trước bàn thờ thần Nông và linh vị vua Lê Đại Hành. Sau lễ dâng hương là nghi trình cày Tịch điền.
Ông Đinh Trọng Tế, 85 tuổi, vị bô lão của xã Đọi Sơn được nhập linh khí của vua Lê Đại Hành, hóa thân nhà vua nhập lễ cày Tịch điền. Ông Tế cho biết: “Đây là năm thứ 5 tôi được đóng vai vua Lê Đại Hành cày Tịch điền. Tôi rất vinh dự”. Hỏi về cảm nhận của ông sau những lần được tham dự lễ Tịch điền, ông Tế tâm sự: “Tôi thấy rằng từ khi lễ Tịch điền được tái hiện, bà con nông dân có thêm tin tưởng và nhận thấy mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi hơn”.
Những chú trâu khỏe mạnh, trang trí đẹp mắt được lựa chọn để cày ruộng trong lễ Tịch điền. Buổi lễ đã tái hiện cảnh vua Lê Đại Hành xuống ruộng cày, theo sau là các thiếu nữ đi gieo hạt giống với khát vọng mùa màng bội thu. Sau cảnh đóng thế vua Lê Đại Hành cày Tịch điền, các vị lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Hà Nam, lãnh đạo huyện Duy Tiên xuống ruộng, cày lên những lớp đất tơi xốp trên đường cày thẳng tắp.
Cuốn “Việt sử lược” biên soạn vào thời Trần đã chép sự kiện mùa xuân năm Đinh Hợi (năm 987) vua Lê Đại Hành chọn cày Tịch điền dưới chân núi Đọi được một chĩnh vàng, một chĩnh bạc, một nghi lễ thuận lẽ trời, hợp lòng người, mở đầu phong tục tốt đẹp để các nhà vua triều đại sau noi gương khuyến nông. Kế tục tiền nhân, nhiều năm nay tỉnh Hà Nam đã tổ chức tái hiện lại lễ Tịch điền, một lễ hội truyền thống kết hợp với ý nghĩa tâm linh. Mỗi năm điểm thêm một nét mới, lễ hội Tịch điền thu hút đông đảo người dân tham, đặc biệt là công cuộc dựng nông thôn mới thêm nhiều chuyển biến, kinh tế, xã hội đổi thay, đời sống nông dân được nâng cao, cải thiện.
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2014 được tổ chức nhằm tiếp tục tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa X của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tuyên truyền về kết quả thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Nam, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, kết luận Hội nghị Trung ương 10 khóa IX về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Lễ hội Tịch điền diễn ra từ ngày mùng 5 tháng Giêng với lễ cáo yết, lễ rước nước lên Đàn tế, lễ Sái Tịnh, lễ cầu an trên chùa Đọi và trọng tâm là lễ Tịch điền với mong ước khai mở một năm lao động, cày cấy mùa màng bội thu, nhà nhà no đủ, giáo dục cho thế hệ trẻ biết yêu quý lao động, trân trọng nghề sản xuất nông nghiệp.
Năm 2013 chương trình xây dựng “Nông thôn mới” của tỉnh Hà Nam khởi sắc rõ rệt, có 6 xã đạt tiêu chí “Nông thôn mới”, trong đó có xã Đọi Sơn; xây dựng được 1.700km đường giao thông thôn xóm, kiên cố hóa hơn 1.300 phòng học, nhân dân đã hiến và góp trên 200ha đất để xây dựng đường liên thôn, liên xã. Phát huy truyền thống “phi nông bất ổn…”, Đảng bộ và nhân dân huyện Duy Tiên đã nỗ lực không ngừng, vừa phát triển sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp vừa thực hiện tiến trình công nghiệp hóa. Theo ông Nguyễn Đức Vượng, Chủ tịch UBND huyện Duy Tiên thì năm 2013, huyện đã kiên cố hóa được hệ thống kênh mương, quỹ đất phát triển, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng cà chua sạch, rau sạch, chăn nuôi sạch ở các xã Mục Bắc và Trác Văn đã được người tiêu dùng biết đến.
Hàng nghìn người dân từ khắp nơi đổ về lễ hội Tịch điền, hàng nghìn thông điệp mang ước vọng mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm được thành kính dâng lên vị vua coi trọng chính sách “dĩ nông vi bản”, dâng lên vị thần Nông giữa không gian linh thiêng, trời đất giao hòa. Một lễ hội dân gian tốt đẹp sẽ mãi được nhân dân lưu truyền.
CAND