Văn hóa - Giáo dục

Cảm tác nơi quê vợ Đại tướng

06:55, 02/02/2014 (GMT+7)

(Congannghean.vn)- Một ngày cuối năm, chúng tôi về thăm quê vợ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngôi nhà GS Đặng Thai Mai, nhạc phụ Đại tướng, nằm trên một ngọn đồi, nhìn ra tứ phía có thể quan sát được toàn cảnh làng xã Thanh Xuân (Thanh Chương). Cảnh cũ đổi thay và người nay cũng khác, GS Đặng Thai Mai đã yên nghỉ ở chốn thiên thu nhưng hẳn còn vương vấn những nỗi niềm... Dưới suối vàng, khi gặp lại người đồng chí, đồng đội, người con rể vĩ đại, linh hồn GS Đặng Thai Mai sẽ thêm phần ấm áp.

Thanh Xuân thuộc vùng rốn lũ Bích Hào, quanh năm ngập nước. Người dân Thanh Xuân cần cù, chịu thương, chịu khó như bao người dân xứ Nghệ, nhưng địa hình thấp trũng, thường xuyên chịu cảnh lũ lụt, giao thông cách trở nên đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Dù chỉ cách trung tâm huyện vài chục km, nhưng chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi được biết, vùng đất này có những con người chỉ biết cái cuốc, con trâu, đồng ruộng, quanh năm quanh quẩn sau lũy tre làng. Nhưng Thanh Xuân cũng là nơi  sinh ra nhiều nhân vật tầm cỡ như hai quận công Trần Hưng Học, Trần Hưng Nhượng... Giáo sư Đặng Thai Mai cũng sinh ra và lớn lên trên vùng đất chiêm trũng ấy.

Theo sử sách ghi lại, Đặng Thai Mai sinh ngày 25/12/1902, tại làng Lương Điền (nay là xã Thanh Xuân), huyện Thanh Chương, con trai Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn, hậu duệ của Tể tướng Đặng Dung. Năm lên 6 tuổi, thân phụ bị đày đi Côn Đảo vì tham gia phong trào Duy Tân, Đặng Thai Mai về sống tại quê nội, được bà nội nuôi dưỡng, giáo dục lòng yêu nước, học chữ Hán và chữ Quốc ngữ. Năm 1925, ông tham gia phong trào đòi "ân xá" Phan Bội Châu, truy điệu Phan Chu Trinh, gia nhập đảng Tân Việt và trở thành Giáo sư của Trường Quốc học Huế vào năm 1928.

Bàn thờ Đại tướng được người dân Thanh Xuân đặt trang trọng trong ngôi nhà GS Đặng Thai Mai

Sau khi ra tù vì tham gia phong trào Cứu tế đỏ, ông ra Hà Nội dạy học, cùng một số người bạn lập Trường tư thục Thăng Long, Hội truyền bá chữ Quốc ngữ và hoạt động văn hóa; viết báo, lý luận văn học, dịch sách, báo và sáng tác truyện. Năm 1982, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I).

GS Đặng Thai Mai kết duyên với bà Hồ Thị Toan, một phụ nữ thuần phác, đôn hậu, sinh ra trong một gia đình khoa cử tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu. Sự uyên bác của GS Đặng Thai Mai, sự hồn hậu của bà Hồ Thị Toan đã giúp họ sinh ra những người con có nhiều phẩm chất tốt đẹp. Năm người con gái, một người con trai đều là những GS, P.GS có tên tuổi, uy tín trong lĩnh vực công tác, có nhiều đóng góp cho đất nước.

Thanh Xuân hôm nay, đường nhựa đã chạy vào tận trụ sở UBND xã, nối đường mòn Hồ Chí Minh, cơ hội giao thương, phát triển kinh tế đã thuận tiện hơn, nhưng so với những xã khác trong vùng rốn lũ Bích Hào, đây vẫn là xã thuộc diện khó khăn nhất. 17 thôn xóm của Thanh Xuân đến nay đa phần vẫn là đường đất, hễ rây rắc mưa phùn là ra đường phải đi ủng. Có những thôn xóm bị lũ lụt cô lập cả chục ngày trời. Từ đường nhựa vào nhà GS Đặng Thai Mai chỉ chưa đầy 1 km nhưng chúng tôi đã phải mất gần 20 phút mới thoát khỏi những vũng lầy ngập bùn nhão nhoét.

Anh Đặng Việt Anh, cháu đích tôn của GS Đặng Thai Mai (ngồi giữa) bên cạnh chú, thím

Đường ra phải băng qua một cánh đồng nhỏ đầy những hố bùn ngập sâu. Nhà lưu niệm GS Đặng Thai Mai tọa lạc giữa một mảnh vườn rộng chừng 4 sào Trung bộ (500 m2/sào) tại xóm Xuân Liên, nằm trên ngọn đồi, hoang sơ, rêu phong phủ kín lối đi, lá vàng rơi rắc, lối vào duy nhất dường như đã từ lâu không có dấu chân người. Ngôi nhà nơi gắn bó với tuổi thơ của Giáo sư nằm giữa, một bên là nhà thờ họ Đặng, một bên là nhà thờ Đặng Thúc Hứa (con chú, con bác với Giáo sư).

Anh Nguyễn Quang Tuấn, người trực tiếp trông coi Khu lưu niệm cho biết: Khu lưu niệm này mỗi năm chỉ được một vài dịp đông người, đó là ngày giỗ tổ họ Đặng (1/2 AL), Tết, rằm..., còn lại rất thưa vắng người qua lại. Trước đây, trong vườn có nhiều cây cổ thụ, nhưng cùng với thời gian, bóng cây cứ thưa dần, hậu thế có trồng thêm nhưng khó phục chế được cảnh sắc như xưa. Ngôi nhà lưu niệm của GS Đặng Thai Mai mới được xây dựng lại cách đây hơn 10 năm, mô phỏng lại ngôi nhà thời niên thiếu Giáo sư sinh ra và lớn lên, với 5 gian, 2 hồi, theo lối nhà hậu viện, trước sau đều có hiên.

Khi tiến hành làm nhà mới, ngôi nhà cũ đã xuống cấp, mục nát, tường lở lói, được dời đi chỗ khác làm nơi ở cho cháu đích tôn của GS Đặng Thai Mai là Đặng Việt Anh. Trong nhà có bức tượng đồng GS Đặng Thai Mai do hội viên Hội VHNT Việt Nam đúc tặng, bên cạnh là bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp được người dân Thanh Xuân lập khi Người về cõi vĩnh hằng.

Năm 2003, Khu lưu niệm này được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh. Cùng năm đó, các con của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và GS Đặng Bích Hà đã cùng nhau xây dựng một căn nhà ngang để làm nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt mỗi khi về đây. Sau nhiều năm xây dựng, bảo vệ, Khu lưu niệm hầu như vẫn giữ nguyên vẹn kiến trúc ban đầu, tuy nhiên, rêu phong phủ kín lối đi, lạnh lẽo khiến người nay không khỏi xót xa.

Cảnh vẫn như xưa nhưng người nay đã khác (Khu lưu niệm GS Đặng Thai Mai)

Chúng tôi tìm về nhà ông Đặng Bá Hương (71 tuổi), cháu gọi GS Đặng Thai Mai bằng bác, tại xóm Xuân Liên để tiếp tục tìm hiểu về hậu duệ của GS Đặng Thai Mai và những lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm quê vợ. Ông Hương chia sẻ, NGƯT, KTS Đặng Thai Hoàng, người con trai duy nhất của GS Đặng Thai Mai có 2 người con, một trai, một gái. Cả hai đều thông minh, đẹp người, đẹp nết. Tuy nhiên, năm 1998, khi đang học năm thứ 3 ĐHBK Hà Nội thì bỗng dưng Đặng Việt Anh (người con trai của NGƯT, KTS Đặng Thai Hoàng) phát bệnh, không thể tiếp tục học tập.

Ông Đặng Thai Hoàng lúc đó đang công tác đành gửi Đặng Việt Anh về quê nhờ gia đình ông Hương chăm sóc. Bệnh tình mỗi lúc một nặng, đến thời điểm này, Đặng Việt Anh đã ngoài 40 tuổi nhưng không lập gia đình, ngày ngày thơ thẩn trong vườn, đến bữa ăn cơm rồi lên giường đi ngủ. “Nhiều lúc tỉnh táo, cậu ấy lại hồi ức về những kỷ niệm ngày xưa, nghe mà não lòng. Thương cháu, thương GS Đặng Thai Mai quá. Nhưng biết làm thế nào được, bản thân vợ chồng bác Hoàng cũng đang phải làm thêm để có tiền nuôi cháu... Về quê, đã đành là do kinh tế khó khăn phải bươn chải nuôi con, nhưng một phần cũng vì đường sá ở đây tệ quá. Hai bác thường chỉ tranh thủ về vào mùa hè, tránh được cái mưa dầm dề của quê ta...” - Ông Hương tâm sự.

Phóng ánh mắt ra phía cánh đồng mùa nước nổi, ông Hương hồi tưởng lại những lần về quê vợ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Dù bận trăm công nghìn việc, nhưng khi rảnh rỗi, Đại tướng và chị Hà lại tranh thủ về quê. Mỗi lần về quê, việc đầu tiên mà Đại tướng luôn làm là vào nhà thờ họ thắp hương, báo cáo với tổ tiên, rồi đến Khu nhà lưu niệm của cụ Mai để thắp hương. Sau đó, Người tranh thủ thăm hỏi mọi người trong gia đình và đi vòng quanh làng để hỏi thăm bà con, người dân nơi đây. Người rất giản dị, cởi mở, gặp ai cũng chào hỏi như người thân trong nhà. Tôi còn nhớ như in, năm 1986, khi Đại tướng về thăm quê, cả làng kéo đến, xúm lại để được nói chuyện và nghe Đại tướng dặn dò.

Thấy dân còn nghèo khổ, Đại tướng dặn mọi người chịu thương, chịu khó làm ăn, lo cho con cái ăn học để mở mang kiến thức, giúp ích cho đời, thoát khỏi cảnh nghèo đói. Những lời dặn dò ấy của Đại tướng, người làng chúng tôi ai cũng nhớ như in. Đại tướng còn mang sách vở để tặng các cháu học sinh, dặn dò các cháu phải chăm ngoan học hành, lấy kiến thức để về phục vụ quê hương, đất nước. Người còn mang về các loại sách dạy làm nông, làm kinh tế... để người dân đọc”.

Rời Thanh Xuân, chúng tôi không thể quên được hình ảnh ngôi nhà lưu niệm, nơi gắn liền với tuổi thơ GS Đặng Thai Mai. Đó cũng là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của QĐND Việt Nam, người đồng chí, đồng đội của Giáo sư, người con rể vĩ đại của làng xã Thanh Xuân từng nhiều lần về thăm. Xin kính cẩn nghiêng mình thắp nén hương thơm lên bàn thờ họ Đặng, GS Đặng Thai Mai và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Võ Văn Dũng

Các tin khác