Văn hóa - Giáo dục
Tết ông Công, ông Táo: Cá chợ ảo đắt hàng
“Chợ cá chép online năm nay khá đắt hàng. Chiều qua tôi vừa nhập 1.500 con cá chép đỏ, sáng nay khách đã đặt hết 2/3 số hàng”, anh Tuấn - một người rao bán cá chép trên mạng, hớn hở.
Ngày mai (23/1) đã là tết ông Công, ông Táo. Những topic rao bán cá chép tràn ngập các diễn đàn, mạng xã hội để phục vụ những người bận rộn có thể “tiễn ông Công, ông Táo về trời” một cách thuận lợi, không mất thời gian ra chợ mua.
Đơn cử như trên facebook cá nhân HaNoi... đang rao “chuyên bán buôn bán lẻ cá chép đỏ”. Theo đó, cá loại một (cá bằng 2 ngón tay) có giá 30.000 đồng/bộ, loại hai (cá bằng 3 ngón tay) có giá 50.000 đồng/bộ. Cá sẽ được đóng túi oxy, đảm bảo để cả ngày không chết.
Ngoài ra, chủ nhân trang facebook này cho biết, cuối mỗi ngày sẽ chốt danh sách khách đặt mua để “ship” (vận chuyển) hàng. Tùy chặng đường, lấy với số lượng lớn sẽ được “ship” miễn phí.
Cá chép đỏ phục vụ tết ông Công, ông Táo được bán tràn lan trên mạng |
Anh Tuấn hiện rao bán cá chép trên một số diễn đàn và trang facebook cá nhân cho hay, anh đang bán các loại cá chép đỏ thường, chép Koi phục vụ tết ông Công, ông Táo. Giá cả tùy loại to nhỏ. Chép đỏ thường có giá từ 30.000-50.000 đồng/bộ, chép Koi giá 400.000 đồng/đôi, khách hàng lấy càng nhiều giá cả rẻ.
“Chợ cá chép online năm nay khá đắt hàng. Chiều qua tôi vừa nhập về 1.500 con cá chép đỏ, sáng nay khách đã đặt hết 2/3 số hàng”, anh Tuấn cho hay.
Theo anh Tuấn, dân văn phòng có tâm lý ngại ra chợ chọn cá cộng với việc sợ cá chép đỏ cháy hàng, giá tăng chóng mặt nên năm nay, mọi người đặt mua cá chép đỏ trên các trang mạng rất nhiều.
Dân công sở, sinh viên tranh thủ đi bán cá chép kiếm tiền tiêu Tết |
Đợt này, do nắm bắt được nhu cầu mua cá chép đỏ tăng cao nên một số người là dân công sở, sinh viên cũng tranh thủ đi buôn cá chép kiếm thêm ít tiền mua sắm Tết cho bản thân và gia đình.
Chị Nguyễn Thị Trang - nhân viên một công ty ở Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) bán cá chép online, chia sẻ, quê chị là làng nuôi cá chép đỏ ở huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) nên chuyện lấy buôn cá khá dễ dàng. Chỉ cần gọi điện về nhà đặt hàng lấy với số lượng bao nhiêu là người nhà sẽ đi mua, đóng bao oxy rồi gửi xe ô tô chuyển xuống Hà Nội. Trong lúc chờ bán, cá chép sẽ được thả vào bể (bể bơi phao của con gái) rồi sục oxy để tránh cá bị chết.
“Cũng may, đợt này chồng tôi làm xây dựng nên được nghỉ Tết sớm, 2-3 ngày nay chỉ ở nhà chuyên đi giao cá chép cho khách. Còn tôi đi làm tranh thủ lướt facebook những lúc rảnh để nhận đơn đặt hàng của khách”, chị Trang nói.
Mỗi ngày, chị Trang có khoảng 200 đơn đặt hàng. Trừ hết chi phí, hai vợ chồng chị cũng bỏ túi vài trăm nghìn đồng.
Tương tự, muốn kiếm thêm ít tiền để về quê tiêu xài dịp Tết, Phan Văn Hoàng (sinh viên ĐH Công nghiệp Hà Nội) cũng tranh thủ đi bán cá chép dạo. Việc kiếm được vài trăm nghìn/ngày vào dịp tết ông Công, ông Táo, theo Hoàng, là không khó, song nhiều khi cũng gặp rủi ro.
“Mình ít kinh nghiệm, thỉnh thoảng cá bị chết do buộc túi không chặt, bơm thiếu oxy hay đi đường va quệt xe bị đổ. Những lúc thế, tiền lãi bị thâm hụt đáng kể, thậm chí cá chết nhiều thì lỗ chỏng vó”, Hoàng nói.
VNN