Văn hóa - Giáo dục

Nên đưa ngoại ngữ thành môn thi tự chọn

15:07, 14/01/2014 (GMT+7)
Bản dự thảo điều chỉnh phương án thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm của đông đảo học sinh, phụ huynh, giáo viên và các nhà quản lý giáo dục. Một trong hai phương án Bộ đưa ra, nếu được áp dụng ngay trong năm 2014 thì sẽ là một sự thay đổi lớn trong giáo dục, góp phần giảm áp lực, tốn kém cho xã hội, thi cử bớt căng thẳng hơn. Rất nhiều nhà giáo, nhà khoa học, quản lý giáo dục đều đồng tình với phương án 1 mà Bộ đưa ra. Tuy nhiên, hầu hết đều đề xuất, môn ngoại ngữ phải được đưa vào thành môn tự chọn, chứ không phải là môn khuyến khích như dự thảo đề xuất.
 
Hào hứng với thi tốt nghiệp 4 môn
 
Nếu phương án 1 được phê duyệt, có nghĩa là thi tốt nghiệp chỉ còn 4 môn (thay vì 6 môn như trước đây): Có hai môn bắt buộc là toán và ngữ văn; 2 môn tự chọn trong số các môn vật lí, hóa học, sinh học, địa lý và lịch sử. Ngoài ra, học sinh có thể đăng ký thi thêm môn ngoại ngữ để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp (bài thi ngoại ngữ đạt 9,0 điểm trở lên sẽ được cộng 2,0 điểm; đạt 7 điểm trở lên được cộng 1,5 điểm và đạt 5,0 điểm trở lên được cộng 1,0 điểm).
 
Chia sẻ với chúng tôi, PGS.TS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh cho biết, ông ủng hộ phương án thi càng ít môn càng tốt, do đó, ở thời điểm này, thi 4 môn là hợp lí. Trước Bộ GD&ĐT chọn hộ học sinh 3 môn thì nay các em được quyền lựa chọn 2 môn để thi, như vậy, các em sẽ tùy năng lực, sở trường của mình mà chọn môn thi cho phù hợp. Ít môn thi hơn thì chi phí chắc chắn sẽ giảm. Tuy nhiên, theo PGS Cương thì kể cả khi thi 4 môn thì kỳ thi vẫn kéo dài, trong đó hai môn văn, toán sẽ chiếm trọn 1 ngày, còn các môn được xếp vào tự chọn cũng sẽ chiếm 2 – 3  ngày. Do đó, việc cải tiến thi này đứng về quyền lợi học sinh là nhẹ nhàng hơn nhiều, nhưng đứng ở góc độ nhà tổ chức thì kỳ thi vẫn khá phức tạp. PGS.TS Văn Như Cương còn đề xuất đưa môn tiếng Anh vào thành môn tự chọn. Như thế vừa khuyến khích được nhiều em học tiếng Anh, hướng tới việc thực hiện Đề án Ngoại ngữ 2020 và Bộ cũng không phải tốn thêm một buổi tổ chức thi tiếng Anh theo dạng là môn khuyến khích.
 
Là một hiệu trưởng lâu năm, Nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng Trường THPT Wellsprings – Mùa xuân (Hà Nội) cho biết, hiện nay, giáo viên, phụ huynh và học sinh đang rất hào hứng với phương án thi tốt nghiệp 4 môn. Ông đề xuất, Bộ nên công bố phương án thi sớm hơn so với dự kiến, có thể ngay sau Tết âm lịch để học sinh, giáo viên ổn định tâm lý dạy và học, không nhất thiết phải công bố vào cuối tháng 3 như thường lệ.
 
Giảm bớt môn thi tốt nghiệp sẽ giảm chi phí cho xã hội, giảm áp lực thi cử cho người học
Giảm bớt môn thi tốt nghiệp sẽ giảm chi phí cho xã hội, giảm áp lực thi cử cho người học
Thầy giáo Đặng Đình Đại cho hay, rất nhiều giáo viên trường ông đều ủng hộ phương án 1 của Bộ GD&ĐT và mong muốn Bộ nên áp dụng ngay trong kỳ thi này mà không gây sốc cho người học. Thầy giáo Đặng Đình Đại cũng đề xuất, nên đưa ngoại ngữ vào thành môn thi tự chọn vì ở các trường phổ thông, lượng thí sinh thi đại học khối D rất đông, do đó, nếu ngoại ngữ xuất hiện với tính chất là môn khuyến khích thì không hợp lý. Thêm nữa, điều chỉnh phương án thi lần này nhằm giảm môn thi, giảm ngày thi, giờ lại thêm môn ngoại ngữ khuyến khích thì cũng vẫn phải mất một buổi để tổ chức thi (dù có thể số lượng thí sinh đăng ký không nhiều).
 
Theo quan điểm của nhà giáo Đặng Đình Đại, thi ngoại ngữ bằng hình thức trắc nghiệm cũng không phải là tối ưu; học sinh chỉ cần “tích” là có thể ăn điểm, trong khi ngoại ngữ đòi hỏi 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Do đó, để hướng tới việc đổi mới đồng bộ môn ngoại ngữ theo tinh thần của Đề án Ngoại ngữ 2020 thì cũng phải cải tiến cả hình thức thi.
 
Phải lường trước được mặt trái khi miễn thi cho 20% học sinh
 
Một vấn đề nữa đang được các địa phương, các nhà trường sôi nổi thảo luận là tỷ lệ miễn thi tốt nghiệp tối đa cho mỗi địa phương sẽ là 20%. Chia sẻ về tỷ lệ này với PV Báo CAND, ông Lê Văn Ngọ, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, trong bối cảnh hiện nay thì tỷ lệ 20% là chấp nhận được, như thế khuyến khích các em tự phấn đấu, học giỏi chăm chỉ hơn. Nhưng cũng phải lường trước được mặt trái của chủ trương này là tình trạng “chạy” để được xét miễn tốt nghiệp. Do đó, ông Lê Văn Ngọ đề xuất, khi xét các trường phải có hội đồng xét, trong đó có sự tham gia của các giáo viên bộ môn, chủ nhiệm, quản lý, công đoàn. Theo ông Ngọ, không thể cào bằng tất cả các trường đều miễn 20% mà phải tính toán, trường giỏi thì tỷ lệ miễn cao hơn trường chưa giỏi, lấy chỗ nhiều bù vào chỗ ít.
 
Cùng chung quan điểm, thầy giáo Đặng Đình Đại cũng đề xuất, để đưa ra được một tỷ lệ miễn tương đối chính xác thì cần phải dựa vào một số tiêu chí như: tỷ lệ học sinh khá, giỏi của năm trước, tỷ lệ học sinh đoạt giải trong các cuộc thi và tỷ lệ học sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi đại học. Thông tin về số lượng học sinh được miễn cần phải được tính toán một cách trung thực, minh bạch và công khai. Tuy nhiên, điều băn khoăn của nhiều nhà giáo là 20% học sinh được miễn thi của Hà Nội sẽ khác 20% học sinh được miễn thi của Lào Cai, Lai Châu. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay thì việc chọn phương án thi ít tốn kém, giảm căng thẳng thì tỷ lệ này cũng sẽ giúp giảm 1/5 số lượng thí sinh dự thi, giảm cả số phòng thi, giáo viên coi thi thì cái được sẽ nhiều hơn.
 
ThS Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An)
 
“Theo tôi, Bộ GD&ĐT cần tham khảo nhiều ý kiến chuyên gia, đặc biệt là đội ngũ các thầy cô giáo đang giảng dạy ở bậc học THPT trên toàn quốc – bởi họ mới chính là những giáo viên đang đối mặt trực tiếp nhất trong mọi sự thay đổi dù phù hợp hay chưa phù hợp.
 
Thực tế gần 10 năm qua cho thấy, chủ trương “hai không” được Bộ GD&ĐT được thực thi trong gần 10 năm qua vẫn chưa thật sự mang lại kết quả như mong đợi. Hay nói cách khác, bệnh thành tích trong giáo dục và thi tốt nghiệp THPT vẫn là “nan y” và chưa có phương thuốc nào tối ưu để đặc trị. Nếu đổi mới được hình thức kiểm tra, đánh giá (ra đề như thế nào) và thật sự nghiêm túc và công bằng trong khâu tổ chức thi (coi thi ra sao) sẽ giải quyết được cơ bản phương án thi 4 môn hay 5 môn. Theo quan điểm của cá nhân tôi, tôi đề xuất 3 môn bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ, môn tự chọn có thể là 1 trong 5 môn lý, hóa, sử, địa, sinh còn lại”.

CAND

Các tin khác