Văn hóa - Giáo dục
'Ngoại ngữ sẽ là môn thi tốt nghiệp bắt buộc'
PGS. TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí&Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) khẳng định việc đưa ngoại ngữ thành môn thi tốt nghiệp bắt buộc là tất yếu, đang được thực hiện một cách có lộ trình và sẽ có thay đổi căn bản.
Ông Mai Văn Trinh (bên trái) và Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển (Ảnh: Văn Chung). |
Bắt buộc phải có lộ trình
- Bộ GD-ĐT nghiêng về chủ trương đổi mới thi tốt nghiệp theo phương án 2 môn thi bắt buộc, 2 môn tự chọn nhận được đồng tình lớn của dư luận. Môn ngoại ngữ rất quan trọng trong xu thế hội nhập toàn cầu. Tại sao thời điểm này bộ không lựa chọn đưa ngoại ngữ là môn thi bắt buộc?
Ông Mai Văn Trinh: Ngoại ngữ là môn học công cụ rất quan trọng để giúp chúng ta hội nhập quốc tế thành công, nhất là với thế hệ học sinh hôm nay. Chính vì vậy cần có những giải pháp nâng cao chất lượng dạy học thực chất môn này. Hiện nay chúng ta đang triển khai Đề án ngoại ngữ 2020, trong đó đặc biệt coi trọng đổi mới cách thức thi, đánh giá năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu giao tiếp (nghe, nói, đọc, viết);
Dạy học ngoại ngữ hiện nay ở các trường phổ thông trong cả nước là rất khác nhau do điều kiện, môi trường giữa các vùng miền.
Với cách thức dạy, học và thi ngoại ngữ như hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu. Cần thiết phải đổi mới phương pháp dạy học, thi ngoại ngữ. Để khuyến khích các em yêu thích và học tốt ngoại ngữ thì môn ngoại ngữ được chọn làm môn thi khuyến khích để cộng điểm thi tốt nghiệp.
Đảm bảo đánh giá môn ngoại ngữ thực chất hơn, tạo điều kiện để Bộ và các trường có thời gian triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học theo yêu cầu của Đề án ngoại ngữ 2020, ví dụ, không bắt buộc thi thì các trường mới cử được giáo viên đi học nâng cao năng lực để dạy được chương trình mới; Như thế nó không những không ảnh hưởng đến Đề án 2020 mà còn tạo ra những điều kiện cơ sở những tiền đề để Đề án được triển khai hiệu quả hơn.
Như vậy, việc đưa ngoại ngữ thành môn thi tốt nghiệp bắt buộc là tất yếu, đang được thực hiện một cách có lộ trình và sẽ có thay đổi căn bản về đánh giá theo chuẩn 6 bậc của khung tham chiếu châu Âu.
Chúng ta sẽ cố gắng để rút ngắn lộ trình và sẽ có các hình thức thi, thời gian thi linh hoạt, thực chất và thuận lợi hơn cho học sinh.
- Theo ông việc chỉ chấm khuyến khích học sinh thi thêm môn ngoại ngữ, không đưa vào môn tự chọn có thúc đẩy việc dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường hiện nay?
Thực tế cho thấy với những học sinh có năng khiếu, yêu thích môn ngoại ngữ và được sống, học tập ở những nơi có điều kiện để học ngoại ngữ thì các em rất cố gắng học tập môn này. Có nhiều học sinh có năng lực ngoại ngữ tốt, đạt chuẩn hoặc thậm chí là cao hơn chuẩn hiện hành đối với học sinh phổ thông.
Việc đưa môn ngoại ngữ vào môn thi để lấy điểm khuyến khích, một mặt khẳng định vị trí của môn học này, mặt khác tạo động lực để thúc đẩy các em có năng khiếu học ngoại ngữ, và cũng khuyến khích việc dạy ngoại ngữ đi vào thực chất. Biết thêm một ngoại ngữ là sống thêm một cuộc đời, bởi vậy cuộc sống tươi đẹp tự nó đã là ước vọng của những người có khát vọng và ước mơ.
Việc thúc đẩy dạy học ngoại ngữ theo diện rộng, có chiều sâu đang được thực hiện một cách căn cơ, bài bản qua đề án 2020 như đã nói ở trên.
Nhiều bất cập, yếu kém
- Với lựa chọn như vậy, phải chăng theo Bộ GD-ĐT chất lượng dạy và học ngoại ngữ tại các trường THPT hiện nay đang tồn tại bất cập, yếu kém?
Như đã nói ở trên, chất lượng dạy học ngoại ngữ hiện nay không đồng đều, chưa đạt được mục tiêu đặt ra là học sinh sau khi tốt nghiệp có thể sử dụng được ngoại ngữ ở cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Bộ GD-ĐT đã nhận thấy vấn đề và đã chủ động đề xuất để có hệ thống giải pháp tổng thể nhằm khắc phục những bất cập, yếu kém đang tồn tại. Đề án ngoại ngữ 2020 chúng ta đang thực hiện sẽ cải thiện được tình hình. Thực tế sau 3 năm triển khai đề án, trình độ ngoại ngữ của giới trẻ Việt Nam đã được nâng lên 13 bậc (theo kết quả đánh giá của tổ chức quốc tế).
- Tới đây, Bộ có biện pháp gì để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở trường phổ thông, thưa ông?
Không thể nói là có thể sử dụng một hay một vài biện pháp mà có thể nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở trường phổ thông một cách bền vững được.
Chúng ta đang triển khai một cách đồng bộ hệ thống các giải pháp bao gồm: Đổi mới mục tiêu dạy học; Đổi mới chương trình – SGK ngoại ngữ; Xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn; Đổi mới phương pháp dạy học ngoại ngữ; Đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập; Hiện đại hóa phương tiện, thiết bị dạy học ngoại ngữ...trong đó chuẩn hoá năng lực ngoại ngữ và phương pháp dạy học của đội ngũ giáo viên, đổi mới phương pháp đánh giá năng lực sử dụng ngoại nữ của người học là 2 khâu then chốt.
Bộ GD-ĐT tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với tất cả các hoạt động trong khuôn khổ của đề án ngoại ngữ 2020. Chúng ta có thể lạc quan về kết quả sẽ đạt được của đề án này.
Tăng cường câu hỏi mở
- Những dự kiến đổi mới trong việc ra đề thi tốt nghiệp THPT năm nay như thế nào để khắc phục tình trạng học sinh học lệch, học tủ?
Tăng cường câu hỏi mở đối với các môn tự luận nhằm phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của học sinh vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn, khắc phục tình trạng học sinh giải quyết vấn đề một cách máy móc theo khuôn mẫu có sẵn; Tạo điều kiện cho các em được trình bày vấn đề theo quan điểm cá nhân với khả năng sáng tạo và lập luận phong phú của mỗi thí sinh, phụ thuộc vào mức độ hiểu biết và năng lực của từng học sinh;
Trong đề thi sẽ tăng các câu hỏi theo hướng học sinh phải vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng vào giải quyết vấn đề, giảm thiểu việc đoán mò và “học tủ”;
Với môn ngoại ngữ ngoài phần trắc nghiệm như những năm trước sẽ có thêm phần viết luận.
Chinhphu