Văn hóa - Giáo dục
Cần sớm có chính sách cho nghệ nhân dân gian
(Congannghean.vn)-Nghệ An được xem là cái nôi của các làn điệu dân ca ví, giặm, trong đó nghệ nhân là những người trực tiếp giữ gìn và lưu truyền vốn tài sản tinh thần quý giá đó. Tuy nhiên, phải thừa nhận một điều rằng, sự đóng góp của các nghệ nhân trong việc bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc là rất lớn nhưng trên thực tế, họ vẫn chưa được đền đáp xứng đáng. Và đến nay, chế độ chính sách dành cho các nghệ nhân dân gian vẫn đang còn trong tình trạng chờ đợi.
Bà Đỗ Thị Nụ - Phó Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An cho biết: Toàn tỉnh có 42 nghệ nhân dân gian được Hội Văn nghệ Dân gian và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh làm hồ sơ xét tặng danh hiệu. Ngoài việc tỉnh hỗ trợ 1 triệu đồng kèm giấy chứng nhận danh hiệu nghệ nhân trong đợt Liên hoan dân ca ví, giặm vừa rồi thì đến nay vẫn chưa có chính sách cụ thể gì cho các nghệ nhân dân gian.
Được biết, đến thời điểm hiện tại, chưa có quy chế riêng để xét công nhận danh hiệu nghệ nhân dân gian mà việc xét tặng chủ yếu dựa trên các văn bản của cấp trên và tham khảo ở các tỉnh bạn. Về cơ bản, việc xét tặng danh hiệu dựa trên các tiêu chí như: Bản thân người đó phải có giọng hát hay, biết và lưu giữ được các làn điệu dân ca gốc, có sự trao truyền cho nhiều thế hệ và có nhiều thành tích trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống. Và quan trọng nhất là phải được xã hội thừa nhận vì những cống hiến to lớn trong quá trình hoạt động của mình.
Cần phải có chính sách đãi ngộ dành cho các nghệ nhân dân gian để việc bảo tồn các giá trị văn hoá của dân tộc được bền vững |
Đóng góp là vậy nhưng trên thực tế thì đa số nghệ nhân đều lưu giữ các giá trị văn hóa tinh thần bằng lương tâm và niềm đam mê cháy bỏng chứ không ai sống được bằng nghề, bởi họ chưa có bất kỳ chính sách hay chế độ đãi ngộ gì. Có những nghệ nhân năm nay đã bước sang tuổi 102 như cụ Nguyễn Thị Đồng ở Thanh Chương - Cái tuổi gần đất xa trời nhưng trong thâm tâm, cụ chỉ biết cống hiến bằng cách truyền dạy cho các thế hệ con cháu với mong muốn vốn tài sản quý giá không bị mai một theo sự thay đổi của thời gian. Cụ cũng không bao giờ nghĩ đến, liệu công sức của mình bỏ ra có được đền đáp một cách xứng đáng. Có chăng, với những nghệ nhân giàu tâm huyết như cụ thì sự quan tâm từ Nhà nước và chính quyền địa phương là một niềm vui nho nhỏ trong cuộc đời. Vậy nên, dù chưa có thù lao hay chính sách hỗ trợ gì, nhưng các cụ vẫn hăng say cống hiến.
Ở những miền quê xa xôi hay ngay tại lòng thành Vinh náo nhiệt, chúng ta sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh hàng đêm, tại các câu lạc bộ dân ca ví, giặm, các thành viên luôn hăng say, miệt mài luyện tập. Nhiều cụ già tóc trắng ngồi bên nhau cùng đàm đạo, tâm tình bên ấm chè xanh còn nóng hổi. Họ chia sẻ, truyền dạy cho các thế hệ sau những kiến thức về các làn điệu hay vốn kinh nghiệm mà họ đã có trong chặng đường thăng trầm cùng dân ca ví, giặm. Kinh phí hoạt động của các câu lạc bộ hiện nay chủ yếu dựa trên tinh thần đóng góp tự nguyện của mỗi thành viên. Sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương có chăng cũng chỉ là số tiền ít ỏi, góp thêm để trang trải cho việc thuê trang phục hay nhạc công biểu diễn.
Cuộc sống của các nghệ nhân phần lớn phụ thuộc vào đời sống kinh tế của gia đình họ. Những người may mắn có điều kiện khá giả hơn thì có thêm thời gian để đóng góp và cống hiến cho niềm đam mê của mình. Tuy nhiên, cũng có không ít những nghệ nhân hay thành viên của các câu lạc bộ có đời sống kinh tế vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Hàng ngày, họ phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh bằng những gánh hàng rong, làm nghề bốc vác thuê hay đạp xích lô chở hàng để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống. Nhưng cũng không vì thế mà tình yêu dành cho dân ca ví, giặm của họ bị lung lay hay mờ nhạt mà ngược lại, với họ, đó lại là động lực để họ say mê hát và truyền dạy cho các thế hệ sau.
“Những nghệ nhân như chúng tôi luôn sống bằng cái tâm dành cho nghề. Dù cuộc sống mưu sinh có vất vả, nhọc nhằn nhưng mỗi đêm được quây quần, đoàn tụ bên nhau để cất lên làn điệu thân quen, gần gũi là ai cũng thấy tự hào và hạnh phúc dâng trào. Chưa nói đến chính sách cho các nghệ nhân, chỉ mong sao có thêm sự hỗ trợ kinh phí để các câu lạc bộ có thêm cơ sở vững chắc mà duy trì hoạt động” - Nghệ nhân Hoàng Thị Cẩm Vân, Chủ nhiệm CLB Dân ca phường Vinh Tân, TP Vinh chia sẻ.
Dù chưa được đền đáp xứng đáng nhưng các nghệ nhân vẫn giữ nguyên tình yêu với các làn điệu quê hương để hát và truyền dạy cho con cháu. Khi được hỏi tâm nguyện về các chính sách đãi ngộ, các nghệ nhân chỉ cười, họ bảo nếu có được sự hỗ trợ hàng tháng, dù ít ỏi thì đó chính là sự quan tâm, động viên để bản thân cảm nhận được những đóng góp của mình được trân trọng và công nhận. Trao đổi về vấn đề này, bà Đỗ Thị Nụ cho biết thêm: Chế độ chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân dân gian là điều rất cần thiết, đó cũng là một nguồn động lực nhằm khuyến khích các nghệ nhân cống hiến cho việc gìn giữ và lưu truyền các giá trị nghệ thuật truyền thống. Trên thực tế, tỉnh cũng đã có những định hướng nhằm tôn vinh các nghệ nhân và quan tâm đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của họ, nhưng hiện nay chính sách chế độ cụ thể thì đang phải chờ các cấp, ngành Trung ương trả lời.
Đến nay, chính sách cho nghệ nhân dân gian vẫn đang nằm trong tình trạng chờ đợi, trong khi có không ít nghệ nhân ngày một già đi và ở vào cái tuổi gần đất xa trời. Thiết nghĩ, nên sớm có các chính sách đãi ngộ cụ thể cho các nghệ nhân dân gian. Bởi đó cũng là cách thể hiện sự quan tâm, trân trọng những đóng góp, cống hiến của những người đã dành trọn cuộc đời cho tình yêu nghệ thuật truyền thống.
Ngọc Anh