Văn hóa - Giáo dục

Vui Tết cổ truyền cùng đồng bào Thổ

08:55, 25/01/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Khi những cánh hoa đào, hoa mai hé nở báo hiệu một mùa Xuân nữa lại về, cũng là lúc đồng bào các dân tộc nhộn nhịp chuẩn bị đón Tết. Cũng như đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng miền khác, đối với đồng bào dân tộc Thổ ở miền Tây Nghệ An, Tết cổ truyền là Tết quan trọng nhất trong năm. Mặc dù, giờ đây cuộc sống đã ít nhiều thay đổi, nhưng bản sắc văn hóa và hồn dân tộc của đồng bào Thổ vẫn được gìn giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay.
 
Dân tộc Thổ hiện nay có hơn 14.000 người sinh sống tại Nghệ An, phân bố chủ yếu ở các huyện miền núi phía Tây như Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Thái Hòa, Tân Kỳ… Trải qua hàng nghìn năm xây dựng và phát triển, dân tộc Thổ ngày nay vẫn lưu giữ nhiều bản sắc văn hóa truyền thống. Trong đó, Tết cổ truyền của đồng bào Thổ tại Nghệ An có những nét đặc sắc, độc đáo, khác biệt với các vùng miền khác.
 
Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Thổ diễn ra trong vòng 12 ngày, từ ngày 25/12 - 7/1 âm lịch. Đây là dịp để đồng bào Thổ thăm hỏi, chúc phúc cho nhau, cũng là dịp giao lưu, gặp gỡ mọi người cùng vui mừng năm mới, uống rượu, đánh chiêng, trống, tổ chức các sinh hoạt văn nghệ dân gian truyền thống. Bắt đầu từ ngày 25 tháng Chạp âm lịch, các gia đình dân tộc Thổ làm Lễ tảo mộ. Ngày này, mỗi nhà cùng nhau ra mộ ông bà, tổ tiên dọn dẹp, sửa sang phần mộ sạch sẽ, đắp thêm đất mới, thắp hương, đặt hoa, quả thành kính tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, đồng thời, mời ông bà, tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Đó là sự thể hiện lòng thành kính của người đang sống đối với người đã khuất. Sau Lễ tảo mộ là Lễ Thắp ấn, con cháu báo với ông bà, tổ tiên tạm thời nghỉ các công việc đồng áng để chuẩn bị đón năm mới. Ngày 27, 28 tháng Chạp là thời gian đồng bào Thổ tích cực làm các công việc chuẩn bị cho ngày Tết như chuẩn bị củi lửa, các nguyên liệu gói bánh, lương thực, thực phẩm, cùng nhau quét dọn, trang trí lại nhà cửa và bàn thờ tổ tiên.
 
Theo quan niệm của người Thổ, ngày Tết trong nhà phải sạch sẽ thì cả năm mới gặp nhiều may mắn. Khi nhà cửa được dọn dẹp xong xuôi, vào trưa ngày 30 tháng Chạp, từng gia đình sẽ làm một mâm cúng ngọt gồm các loại bánh, kẹo, đường, chuối…. Đến chiều 30, họ bắt đầu nấu thịt lợn, thịt gà, làm bánh để cúng. Bên cạnh các loại bánh truyền thống như bánh chưng, bánh tét thì dân tộc Thổ còn có một số loại bánh đặc trưng khác, đó là bánh ít, bánh vọt, bánh đầu chó, bánh thính… Ngoài chức năng là phẩm vật trong mâm cỗ cúng gia tiên, những ngày Tết, các loại bánh này còn là những món quà để các chủ nhà chúc Tết và mừng tuổi khi trẻ đến chơi nhà. Không phải là sơn hào hải vị, nhưng từ trong tâm thức sâu xa, khách sẽ cảm nhận hết được giá trị chân tình của chủ nhà qua những chiếc bánh dân dã này.
 
Đồng bào Thổ vui hội cồng chiêng ngày Tết
Đồng bào Thổ vui hội cồng chiêng ngày Tết
 
Phong tục đón Tết của người Thổ ở Nghệ An khá độc đáo và đặc sắc. Điểm nổi bật trong ngôi nhà của đồng bào những ngày Tết, đó là bàn thờ cúng tổ tiên được trang hoàng lộng lẫy và được đặt trang trọng ở trung tâm nhà, thẳng với cửa ra vào. Phụ nữ trong gia đình không được soạn lễ, thắp hương ở bàn thờ cúng tổ tiên, công việc này chỉ dành riêng cho đàn ông. Đặc biệt, bàn thờ tổ tiên của từng gia đình thì người trong gia đình mới được thắp hương, còn người ngoài thì không. Ngoài thờ cúng tổ tiên, người Thổ còn có một bàn thờ nhỏ đặt ngoài sân gọi là thờ Thiên Đài, để thờ cúng những người phụ nữ không chồng, không con đã khuất.
 
Vào đêm 30, các gia đình làm một mâm cơm cúng tổ tiên và đón giao thừa. Sau khi mâm cỗ được chuẩn bị xong, từng gia đình mời thầy mo đến làm lễ cúng. Tất cả đều thể hiện mong ước của con cháu, hy vọng ông bà, tổ tiên sẽ phù hộ cho gia đình sang năm mới mạnh khỏe, may mắn… Ngoài ra, những công cụ lao động như dao, rựa, cày, bừa, cuốc, thuổng... cũng được xếp vào một nơi rồi thắp hương. Theo đồng bào nơi đây, những vật dụng đó đã gắn bó và theo họ suốt một năm lao động vất vả, nên chúng cũng phải được nghỉ ngơi đón Tết. Cũng vào đêm giao thừa, mọi sự thăm thú được kết thúc, bắt đầu từ 12 giờ đêm 30 kéo dài đến 12 giờ trưa mồng 1 Tết. Lúc này, mọi nhà đều đóng chặt cửa cổng, không cho bất cứ ai ra, vào, nhất là trẻ con lại càng không được ra ngoài đường. Bởi, người Thổ quan niệm, khoảng thời gian này, có người đến nhà chơi sẽ mang lại nhiều tai ương, vận hạn cho gia đình. Vì vậy, đây được xem là một điều kiêng kỵ. Vào 6 giờ sáng mồng 1 Tết, mỗi gia đình đều làm một mâm cơm, còn gọi là mâm cơm “Xết cả”, với ý nghĩa ngày này được ăn no thì cả năm sẽ sung túc, đủ đầy. Đến chiều mồng 1 hoặc sáng mồng 2 Tết, các gia đình đều cho trâu, bò ăn bánh, để cầu mong vật nuôi không bị bệnh tật và trả ơn các con vật trong năm qua đã vất vả giúp người. Đây được gọi là Lễ trả ơn - Một nét đặc sắc trong lễ, Tết của dân tộc Thổ.
 
Lễ hội đón Tết của người Thổ đều bắt đầu từ ngày mồng 2 Tết Nguyên đán. Các gia đình làm lễ tiễn ông bà về với tổ tiên, đồng thời, tổ chức nhảy múa, hát hò… Những đôi nam nữ cùng nhau hát điệu Dạ ời (hay còn gọi là hát giao duyên). Nam xướng, nữ họa, nam đối, nữ đáp, trai một câu rồi đến gái một câu, trao nhau những lời đằm thắm, êm dịu, ân tình. Vừa hát, họ vừa đưa mắt nhìn nhau, để cho trái tim cùng rung động. Họ cầm tay nhau, đứng bên nhau hát, múa, hòa theo tiếng cồng chiêng cùng tiếng kèn, tiếng trống quyện với thiên nhiên, cây, cỏ, tạo nên nét đặc sắc của văn hóa đồng bào Thổ.
 
Ngày Tết, cũng như các đồng bào dân tộc khác, đồng bào dân tộc Thổ không thể thiếu những trò chơi dân gian như ném còn, đánh đu, thi cà kheo… Các trò chơi này thể hiện tính cộng đồng của dân tộc Thổ trong đời sống sinh hoạt thường ngày cũng như trong các dịp lễ, Tết, thường được tổ chức tại Nhà văn hóa cộng đồng các xóm, đều có ý nghĩa cầu mong mùa màng tươi tốt, nhà cửa ấm no, sung túc, yên vui. Đây là dịp để nam thanh, nữ tú dân tộc Thổ thi tài, cũng là dịp gặp gỡ, giao duyên của họ. Ngoài ra, bà con dân tộc Thổ còn có trò chơi trèo cây chuối. Một cây chuối to được trồng ngọn xuống đất ở giữa sân cỏ, trên đỉnh được đặt một thau nước đầy. Khi trèo lên, nước từ trong thau đổ xuống làm trơn thân cây chuối, tạo thêm sự khó khăn cho người trèo. Bởi vậy, người chơi đòi hỏi phải có sức khỏe. Người thắng cuộc sẽ nhận được những phần thưởng cắm ở trên đỉnh cây chuối. Trò chơi này nhằm rèn luyện sức khỏe, đồng thời, thể hiện bản lĩnh của người đàn ông Thổ, dù khó khăn, vất vả đến đâu cũng phải cố gắng chinh phục và giành chiến thắng.
 
Từ ngày mồng 3 - 6 Tết là những ngày bà con trong làng đi thăm hỏi, chúc Tết lẫn nhau. Riêng ngày mồng 4, đồng bào Thổ còn làm Lễ cột tay, cúng vía cầu mong những người cao tuổi trong gia đình mình được sống lâu bên con cháu. Đến ngày mồng 7, dân tộc Thổ bắt đầu làm Lễ xuống đồng khai hạ, với hy vọng sẽ có một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bội thu, con người được bình an, mạnh khỏe. Đây cũng là dịp để đồng bào dân tộc Thổ tưởng nhớ các vị thần đã cứu dân làng khỏi hiểm họa, ban cho dòng suối mát, dân có nguồn nước trong sạch để ăn, mùa màng tươi tốt. Sáng sớm, nhân dân các nơi đổ về tham gia lễ hội chật các thửa ruộng, đồi nương. Trước một khoảng không đã được đặt sẵn những mâm lễ cúng trời đất, thần linh, đến giờ hoàng đạo, các vị chức sắc và thầy cúng bắt đầu tổ chức Lễ cúng dân gian. Sau Lễ cầu an, người chủ hội dắt 1 con trâu đực đã được chọn lựa từ trước để đi những đường cày đầu tiên của năm mới. Người nông dân tin rằng, nếu đường cày thẳng thì năm ấy họ sẽ gặp được nhiều may mắn, mùa màng bội thu… Tiếp đó, người dân lại quay về với các trò chơi thể thao như kéo co, đẩy gậy, các tiết mục văn nghệ của đội văn nghệ các xóm, các xã với sự cổ vũ nhiệt tình của hàng nghìn người. Khi Lễ xuống đồng kết thúc cũng là lúc mọi người bắt đầu quay trở lại với cuộc sống thường nhật, bận rộn với nương rẫy, ruộng vườn.
 
Việc đón Tết Nguyên đán của người Thổ ở Nghệ An là như vậy. Đó không chỉ là dịp để đồng bào được ăn ngon, mặc đẹp mà còn tạo được sự gắn kết giữa các thành viên trong mỗi gia đình, dòng tộc và cả cộng đồng làng xã, qua những lời ca, tiếng hát, những chén rượu, lời chúc tốt đẹp gửi đến nhau khi Tết đến, Xuân về.

Hằng Nga

Các tin khác