Văn hóa - Giáo dục
Kho sử vàng nơi vùng đất sỏi đá xứ Nghệ
(Congannghean.vn)-Chiến tranh đã đi qua hơn 30 năm nhưng những dấu tích để lại đủ để người ta hồi tưởng về một quá khứ hào hùng của dân tộc. Cây sui Diên Tràng, nhà thờ họ Nguyễn Duy, Nguyễn Ích, Nguyễn Bá ở xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương, Nghệ An là những minh chứng rõ nét nhất về thời kì chiến tranh gian khổ của quân và dân Thanh Phong trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Thanh Phong là một mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Nơi đây từng là căn cứ địa cách mạng quan trọng của Xứ ủy Bắc Kì và được Tỉnh ủy Nghệ An chọn làm cơ sở hoạt động bí mật trong thời kì Xô Viết 1930-1931. Theo năm tháng, cụm di tích lịch sử xã Thanh Phong hiện nay không chỉ là một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia mà còn là biểu tượng cho sự dũng cảm, hi sinh của nhiều chiến sĩ trong thời kì kháng chiến chống kẻ thù dân tộc.
Cụ Nguyễn Duy Thọ sinh năm 1925, giới thiệu về di tích |
Tiếp chúng tôi tại ngôi nhà đơn sơ nhưng có phần ấm cúng của mình, cụ Nguyễn Duy Thọ ( sinh năm 1925 )- người từng chứng kiến nhiều cuộc truy lùng của địch và là người hàng ngày đảm nhiệm việc chăm nom nhà thờ Nguyễn Duy say sưa kể chuyện: "Trước kia, mảnh đất này gọi là Phong Sơn, đến năm 1953, Uỷ ban kháng chiến quyết định đổi tên là Thanh Phong. Hồi ấy, biết dân chứa cán bộ nên bọn địch truy lùng ghắt ghao lắm, chúng đi lục lọi từng nhà một nên cán bộ, chiến sĩ phải di chuyển liên tục để khỏi bị bắt. Bao nhiêu tài liệu quan trọng của Đảng đều được cất giấu kín đáo trong ruột cây sui nên bọn đích không ngờ được."
Trong không khí kháng chiến sục sôi của phong trào Xô Viết, tháng 10-1930 Cơ quan tỉnh ủy chuyển về làng Diên Tràng làm việc. Bí thư là Nguyễn Tiềm và đồng chí Nguyễn Liễu- Xứ ủy Trung Kỳ cũng nhiều đồng chí khác đã họp bàn và chọn nhà thờ họ Nguyễn Duy làm cơ quan của tỉnh ủy,đồng thời chọn làm cơ quan ấn loát, cây sui hổng ruột làm nhà kho cất giữ tài liệu và truyền đơn.
Cây sui cổ tại xã Thanh Phong |
Cuối năm 1930, Đảng ủy Trung Kì đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình đòi giảm tô giảm chức, sưu thuế chia lại công điền; cùng năm này đã bảo vệ cơ quan tỉnh uỷ Nghệ An an toàn tuyệt đối và thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của xã Thanh Phong.
Cụm di tích lịch sử nhà thờ họ Nguyễn Duy, Nguyễn Ích và Nguyễn Đình, cây sui làng Diên Tràng đã tổ chức cuộc khởi nghĩa Tổng Đại Đồng lật đổ chính quyền cũ, xây dựng chính quyền mới dân chủ nhân dân, lập chính quyền Xô Viết bao gồm : Tự vệ đỏ, Nông hội đỏ, Thanh Niên, Phụ nữ và nông dân. Chính quyền Xô Viết dưới sự lãnh đạo của chi bộ đã đấu tranh lấy lại 33 mẫu 22 sào ruộng đất công, thu hồi 560 quan tiền, 1220 kg thóc đem chia cho nhân dân và bãi bỏ các sưu thuế.
Gốc sui từng là nơi giấu tài liệu của các nhà yêu nước |
Những năm 1930-1931 được coi là những năm tháng khó khăn nhất của lực lượng bộ đội ta khi liên tục phải di chuyển địa bàn hoạt động, những gương mặt chủ chốt trong cơ quan tỉnh ủy lần lượt bị bọn gián điệp phát giác, tra khảo và bị bắn ngay tại làng như cụ cố Phan Văn Sân, Phan Văn Sanh, Võ Tỉnh. Trong tình hình khó khăn là vậy nhưng những tài liệu mật của cơ quan Đảng và chi bộ được cất giấu trong ruột của cây sui vẫn được đảm bảo tính an toàn tuyệt đối. Những lúc bị động các đồng chí được nhân dân che chở; người và tài liệu truyền đơn đều được đưa lên trốn và cất giấu ở cây sui Diên Tràng. Cây sui có đường kính tầm 2 mét, cao hơn 30 mét có tán lá rộng, gốc cây có một hốc lớn là nơi ẩn náu của các đồng chí khi cơ sở bị lộ, trong hốc cây được đóng nhiều đinh để cất dấu tài liệu của cơ quan Tỉnh uỷ.
Dù rỗng phần gốc nhưng cây sui vẫn xanh tốt cả trăm năm nay |
Cụm di tích lịch sử Thanh Phong gồm nhà thờ Nguyễn Duy, nhà thờ họ Nguyễn Ích, nhà thờ họ Nguyễn Bá, cây Sui Diên Tràng cùng với nhân dân Thanh Phong đã có nhiều đóng góp trong phong trào cách mạng 1930-1931. Di tích nhà thờ Nguyễn Duy nằm trên vùng đồi thấp của núi Tròn xã Thanh Phong. Kiến trúc nhà thờ kiểu chữ nhị đơn giản, lợp ngói vảy, mái nhà trang trí hình đầu rồng uốn lượn. Vách giữa gian chính điện trang trí hình hai con công. Trong nhà có hương án thờ tự và một số tài liệu hiện vật như yên thư làm việc, cặp đựng tài liệu của đồng chí Nguyễn Tiềm và các cán bộ Tỉnh uỷ.
Di tích nhà thờ Nguyễn Ích nằm phía bên trái nhà thờ Nguyễn Duy, được xây dựng năm 1921 gồm 3 gian nhà gỗ. Nhà xây theo kiểu kiến trúc bình thường, lợp ngói vảy. Đây là nơi làm việc của cơ quan ấn loát Tỉnh uỷ. Trưởng ban ấn loát là đồng chí Hoàng Văn Tâm (bí danh là Thanh) người Nghi Lộc. Các tài liệu truyền đơn được phát hành tại đây bằng kỹ thuật in bản thạch đơn giản kịp thời chuyển về các địa phương chỉ đạo phong trào đấu tranh.
Nhà thờ Nguyễn Duy - di tích lịch sử văn hóa quốc gia - từng là cơ quan làm việc của Tỉnh ủy |
Nhà thờ Nguyễn Bá nằm phia Tây - bắc nhà thờ Nguyễn Duy xây dựng năm 1922, kiến trúc đơn giản gồm 3 gian 2 chái, lợp ngói vảy. Hiện còn nguyên vẹn. Tại nhà thờ Nguyễn Bá đã diễn ra Hội nghị kiện toàn tổ chức, triển khai Nghị quyết Thanh đảng của Xứ uỷ Trung kỳ. Hội nghị kéo dài 7 ngày vào trung tuần tháng 12 năm 1930 do đồng chí Nguyễn Phong Sắc - uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ uỷ Trung kỳ chủ trì.
Trong suốt thời kì kháng chiến, nhân dân đã nhường cơm sẻ áo nuôi cán bộ trong suốt thời gian gần nửa năm, trong khoảng thời gian đó, cán bộ và dân đã gắn bó với nhau, cùng nhau làm nhiệm vụ dân tộc.
Nhà thờ Nguyễn Ích cũng từng là nơi hội họp của các chi bộ Đảng |
Xét công lao của nhân dân xã Thanh Phong đối với sự nghiệp cách mạng, năm 1998 Nhà nước đã tặng bằng khen ca ngợi nước cho nhà thờ họ Nguyễn Duy, nhà thờ họ Nguyễn Ích, nhà thờ họ Nguyễn Bá cùng 15 gia đình cơ sở bảo vệ cách mạng, trong đó di tích nhà thờ Nguyễn Duy đã được Bộ Văn hoá Thông tin cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hoá quốc gia theo quyết định số 1288 QĐ –VH ngày 16 tháng 11 năm 1988. Từ đó đến nay, cụm di tích nhà thờ Nguyễn Duy, Nguyễn Ích, Nguyễn Bá luôn phát huy vai trò to lớn trong công tác giáo dục truyền thống yêu nước dân tộc đến các lớp con cháu, góp phần làm cho thế hệ trẻ hiểu hơn về truyền thống lịch sử của quê hương.
Cây sui Diên Tràng và cụm di tích các nhà thờ thực sự trở thành một biểu tượng lịch sử hào hùng của người Nghệ nói chung , nhân dân Thanh Phong nói riêng và là nguồn cảm hứng vô tận cho những nhân chứng thời chiến khi họ có dịp ngồi kể lại chuyện xưa cho lớp con cháu về sau.
Đào Phan - Đan Phượng