Văn hóa - Giáo dục

Người bén duyên với những làn điệu dân ca

09:27, 14/02/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Những làn điệu dân ca xứ Nghệ thấm vào tâm hồn ông từ ngày còn tấm bé. Những vở kịch, tuồng chèo trên sân khấu lôi cuốn ông bởi cái hay, cái đẹp, bởi ý nghĩa nhân văn. Chính ông đã khai sinh ra làn điệu tứ hoa độc đáo, góp phần gìn giữ và lưu truyền giá trị văn hóa của dân tộc. Ông là Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Đình Bảo.
 
Mảnh đất Trung Phường, Diễn Minh, Diễn Châu là nơi ông đã sinh ra và lớn lên. Vùng quê với những làn điệu dân ca, là xứ ca trù nức danh một thời. Từ nhỏ theo bà, theo mẹ đi xem các đoàn văn công về biểu diễn, cậu bé Bảo đã say mê, thích thú với những hoạt cảnh, những vở kịch, những điệu tuồng, chèo. Chính điều đó đã thôi thúc ông theo đuổi nghệ thuật.
 
Học hết lớp 7, ông tham gia vào đoàn văn công. 17 tuổi, nghệ sĩ Đình Bảo được tuyển vào Đoàn chèo Nghệ An. Hơn 10 năm gắn bó với chèo, những vai diễn của ông đã để lại dấu ấn trong lòng khán giả. Ông chia sẻ: “Những làn điệu dân ca thấm vào hồn tôi từ tấm bé. Nó là hồn quê sâu nặng nghĩa tình. Chỉ cần cất lên những điệu hò, câu ví biết ngay là người con xứ Nghệ không thể lẫn vào đâu được”. Không dừng lại ở đó, nghệ sĩ Đình Bảo thường tìm về các miền quê để sưu tầm, lưu giữ những làn điệu dân gian. Với cuốn sổ trong tay, đi đến đâu ông cũng say sưa học hỏi rồi ghi chép lại. Đến nay, ông đã có cả một kho tàng về vốn dân ca.
 
Nghệ sĩ ưu tú Đình Bảo - tấm gương sáng cho thế hệ trẻ
Nghệ sĩ ưu tú Đình Bảo - tấm gương sáng cho thế hệ trẻ
 
Năm 1973, Đoàn Dân ca Nghệ An chính thức được thành lập. Tạm xa sân khấu, nghệ sĩ Đình Bảo bắt tay vào công việc chuyển thể và lồng điệu. Với khả năng vốn có, với tình yêu cháy bỏng và không ngừng sưu tầm, học hỏi đã giúp ông khẳng định tên tuổi của mình trong những vở kịch. Cùng với các nhạc sĩ có tên tuổi như: Thanh Lưu, Vi Phong… tham gia hàng loạt các vở kịch hát dân ca như: Chuyện tình ông vua trẻ, Linh hồn của đá, Hạt lúa quê ta… Ngoài ra, ông còn tham gia lồng điệu cho các vở: Phan Bội Châu, Hoa khôi dạy chồng…
 
Nhắc đến làn điệu tứ hoa, nghệ sĩ Đình Bảo cười cho biết: Như duyên tiền định với nó. Đó là vào năm 1984, khi Đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh đang dựng vở Mai Thúc Loan, đến trích đoạn Mai Thúc Loan bị tống giam. Để tìm ra một làn điệu có thể chuyển tải tâm trạng đau đớn chốn tù đày với nỗi nhớ nhung khắc khoải dồn nén trong giờ phút gặp mặt là câu hỏi khiến tôi quyết tâm tìm bằng được. Vào một đêm, nằm nghĩ mãi, tôi bỗng ngồi dậy cầm lấy cây đàn ghi ta và rồi tự sáng tác nên lời hát. 10 giờ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau là cả một quá trình thai nghén trong tôi để cho ra làn điệu. Làn điệu ấy tôi đặt tên là tứ hoa, được mọi người tán dương và đồng thuận. Đây là làn điệu có sự kết hợp của 4 tứ làn điệu ví, giặm, thơ trung và quân tử phu dịch trong chèo. Chất trữ tình của dân ca Nghệ Tĩnh nói chung cùng với câu ví, thơ trung tha thiết, giặm giàu chất tự sự, kể lể, phân trần kết hợp với quân tử phu dịch dùng dằng, nhớ thương tạo nên những biến tấu trong dòng cảm xúc. Diễn tả được những cung bậc tình cảm. Những làn điệu dân ca cũng từ đó được sử dụng rộng rãi vào các lớp kịch cao trào, có tình huống gây cấn hay yêu thương, giận hờn, tình cảm vợ chồng… Đến nay, làn điệu tứ hoa xuất hiện hầu hết ở các vở kịch dân ca Nghệ Tĩnh.
 
Với những cống hiến vì nghệ thuật, năm 1997, nghệ sĩ Đình Bảo được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Về già, ông chuyển về TP Vinh ở. Dù tuổi đã cao, nhưng đều đặn mỗi ngày trên chiếc xe đạp cũ, ông vẫn đến với Đoàn Dân ca Nghệ An để truyền dạy kinh nghiệm hát cho thế hệ trẻ. Ông là tấm gương sáng để lớp trẻ học tập và noi theo.

Phan Tuyết

Các tin khác