Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201208/22111-gia-canh-ngheo-rot-mong-toi-cua-thu-khoa-dh-395862/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201208/22111-gia-canh-ngheo-rot-mong-toi-cua-thu-khoa-dh-395862/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Gia cảnh nghèo rớt mồng tơi của thủ khoa ĐH - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 05/08/2012, 09:25 [GMT+7]
22111

Gia cảnh nghèo rớt mồng tơi của thủ khoa ĐH

Bấm Play để xem video. Nguồn: VTV
 
Lê Đức Duẩn được các bạn gọi là Duẩn còi vì quá gày gò, bé nhỏ dù đã 18 tuổi. Trong khi nhiều bạn lớp Toán 12A1 Trường THPT Đồng Quan - Phú Xuyên đã phổng phao, ra dáng thanh niên lắm, thì Duẩn nặng vỏn vẹn có 37kg và chỉ đứng đến vai các bạn.

Thế nhưng, thành tích học tập của cậu trò này luôn khiến bạn bè "phải ngước nhìn": Ba năm cuối cấp Duẩn liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện, năm lớp 12 đoạt giải nhì cuộc thi học sinh giỏi toán thành phố và mới nhất, thủ khoa Trường Đại học Dược Hà Nội với tổng số điểm 29,5.
Ngoài giờ học, Duẩn tranh thủ đan rổ giúp mẹ kiếm tiền.

Tuổi thơ với những chuỗi ngày cực nhọc

Ngôi nhà cấp 4 vẹo vọ của ba mẹ con Duẩn nằm tận cuối làng Nhị Khê, xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên, nhưng chỉ mới cất lời hỏi thăm, mấy người dân ở đầu làng đã sốt sắng dẫn nhà báo đến tận nơi, vừa đi vừa "khoe" chuyện Duẩn học giỏi, chăm ngoan như chuyện con cái trong nhà. Cái nhà - gọi là vậy vì nó cũng là chỗ chui ra, chui vào có tuổi đời nhiều gấp rưỡi tuổi Duẩn nom trống huếch trống hoác, tường vôi lở loang lổ, nhìn rõ từng mảng gạch đỏ, mái ngói thủng lỗ chỗ.

Mỗi khi mưa, nước dột từ mái nhà xuống thành dòng, chảy ra sân. Đây là ngôi nhà ông bà nội xây cho bố mẹ Duẩn từ lúc bắt đầu ra ở riêng, đến nay vẫn chưa được sửa chữa gì thêm. Ngoài hai chiếc giường gỗ trải tấm chiếu cói đã sờn rách, chiếc ti vi cũ được tiếng mất hình, tài sản giá trị nhất có lẽ là những tấm bằng khen, giấy khen đỏ chói treo trên tường mang tên Lê Đức Duẩn.

Trong ngôi nhà ấy, có một góc nhỏ luôn được che chắn, gia cố cẩn thận nhất để nước mưa không thể dội vào, ấy là bàn học của anh em Duẩn. Chiếc bàn này Duẩn được bố tìm thợ đóng cho từ năm lớp 1, lấy gỗ từ cây xoài đầu ngõ nhiều năm không ra quả. Chiếc bàn cũng thủng lỗ chỗ, ánh lên màu đen bóng mà giờ đây, mỗi khi ngồi học, Duẩn lại phải cúi lom khom vì sau 17 năm, cái bàn đã trở nên quá thấp với cậu.

Nhắc đến bố Duẩn, không khí trong nhà đột nhiên chùng xuống. Lên 8 tuổi, Duẩn mất người anh trai 13 tuổi vì căn bệnh ung thư máu. Nỗi đau nối tiếp nỗi đau, bốn năm sau đó, bố Duẩn qua đời sau ba tháng bị căn bệnh ung thư gan hành hạ, khi đó em trai Duẩn mới 4 tuổi.

Mất anh, mất cha, cộng thêm món nợ hàng chục triệu đồng mẹ chạy vạy vay mượn khắp nơi để thuốc thang cho bố, tuổi thơ của Duẩn là chuỗi ngày cực nhọc, đẫm nước mắt. Mẹ Duẩn - bà Nghiêm Thị Thu cũng bị đủ thứ bệnh hành hạ, thường xuyên đau ốm nhưng vẫn phải gắng gượng cày cấy 3 sào ruộng khoán.

Lúc nông nhàn, bà tranh thủ đi xách vữa phụ hồ, chuyên chở vật liệu xây dựng thuê cho các chủ công trình hoặc ra đồng mò cua bắt cá; đêm đến lại ngồi gia công sản phẩm mây tre đan… Làm quần quật tối sớm, số tiền thu được cũng chỉ đủ cho ba mẹ con rau cháo qua ngày. Anh em họ hàng sống gần đó nhưng ai cũng nghèo quá, chỉ biết động viên tinh thần chứ cũng không giúp được gì nhiều.

Bác Lê Thị Viên - chị gái cả của bố Duẩn nói chuyện với chúng tôi mà ngân ngấn nước mắt: "Nhà chỉ có mình mẹ là lao động chính, ngoài giờ học, anh em nó cũng phải ra đồng với mẹ. Bắt được con cá nhinh nhỉnh là đem bán lấy tiền mua quần áo, sách vở, con nhỏ mới mang về ăn. Thế nên cháu tôi đang cái tuổi "bẻ gãy sừng trâu" mà gày gò như suy dinh dưỡng thế này. Đi học qua đường bờ sông những hôm mưa bão, tôi chỉ lo gió thổi cả cháu lẫn xe đạp xuống sông mất".

Theo tay bà Viên chỉ, tôi nhìn ra chiếc xe đạp nữ vẫn dựng ở góc sân. Khung xe đã tróc hết sơn, trơ sắt hoen gỉ, nhìn không còn rõ là màu gì. Lốp trước, lốp sau đều rách tứ tung mà không được thay, phải lấy dây cao su quấn lại cho chặt. Duẩn kể, đây là chiếc xe đạp bà nội cho từ khi em học lớp ba, bà bảo bố em ngày xưa cũng từng đi chiếc xe đó. Nhìn chiếc xe đạp của Duẩn, ai cũng phải chạnh lòng.

Các thầy cô thấy em nhiều lần đi học muộn cũng cảm thông vì xe thường xuyên thủng săm, rách lốp, phải dắt bộ. Mà quãng đường từ nhà đến trường dài cả chục cây số toàn đường đất ven sông, nhà cửa thưa thớt, Duẩn có thể kiếm đâu ra nơi sửa xe đạp? Và dù có chỗ sửa, chắc gì em đã có tiền...

Lấp lánh ước mơ...

Thương mẹ vất vả mà vẫn chẳng đủ ăn, từ năm học lớp 6 Duẩn đã quyết định nghỉ học ở nhà cày cấy giúp mẹ, nhường cho em trai đến trường. Tiếc cho cậu bé học giỏi, ngoan ngoãn, thầy cô bạn bè và các cô bác họ tộc đã đến động viên, khuyến khích rất nhiều. Duẩn cũng nhận được sự quan tâm của chính quyền thôn xã khi xét gia đình vào diện hộ nghèo, cậu được đến trường không phải đóng góp tiền học phí, xây dựng, ngày lễ tết được thăm hỏi, tặng quà.

Đến năm học lớp 10, vào thời điểm nhà trường thu các khoản đóng góp đầu năm, Duẩn lại nghỉ học. Hai tuần không thấy Duẩn đến lớp, cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Hường hỏi thăm tìm đến nhà mới biết cậu học trò của mình nghỉ vì không có tiền đóng học phí. Được sự giúp đỡ của cô và nhà trường, Duẩn lại được đến trường. Nhiều thầy cô trong trường biết chuyện cũng tặng Duẩn quần áo, sách vở, miễn giảm tiền học thêm. Và lần này, Duẩn quyết tâm học thật giỏi để thỏa nguyện ước mơ được vào đại học.

Khi được hỏi vì sao chọn Trường Đại học Dược, Duẩn nói giản dị rằng, bố và anh trai em đã mất vì bệnh hiểm nghèo, mẹ lại thường xuyên đau ốm, em muốn trở thành dược sĩ giỏi để chữa bệnh cho mẹ và các cô bác. Mẹ Duẩn cho biết thêm, Duẩn cũng muốn thi vào Học viện An ninh để bớt gánh nặng cho mẹ nhưng không đủ tiêu chuẩn vì nhẹ cân quá.

Nhìn đứa con trai nhỏ thó, bà Thu ngậm ngùi: "Bữa cơm hằng ngày của mấy mẹ con chỉ có dưa cà, đậu. Cặp lồng cơm buổi sáng Duẩn tự chuẩn bị rồi mang đi học cũng chỉ có thế. Lâu lắm cả nhà mới có bữa có cá, thịt".

Còn Duẩn thì hồn nhiên nói: Em thấp bé nhẹ cân nhất lớp, các bạn rất hay trêu đùa nhưng em không khi nào thấy mặc cảm mà thường xuyên mời các bạn về nhà chơi. Mặc áo rách, đi xe đạp cũ nhưng Duẩn luôn sống hòa đồng, vui vẻ cùng các bạn. Mỗi ngày đến trường với Duẩn là mỗi ngày vui với nhiều kỷ niệm khó quên.

Ba năm học trung học phổ thông, Duẩn chỉ có duy nhất hai chiếc áo trắng, mùa đông thì thêm hai cái áo khoác. Quần thì mặc từ cấp hai, đã bạc màu, chẳng giống quần dài mà cũng không ra quần ngắn. Bạn bè thường đùa, Duẩn có nhiều giấy khen hơn quần áo.

Những hôm mưa gió, Duẩn phải mặc quần áo ẩm ướt đến trường. Duẩn cũng chỉ có một đôi dép tổ ong, nên một quy định của nhà trường là học sinh phải đi dép quai hậu, Duẩn cũng không thực hiện được, các bạn phải xúm vào giúp. Những ngày biết tin Duẩn đỗ thủ khoa, nhiều bạn cũng tìm về nhà chơi, chúc mừng em. Cô giáo Nguyễn Thị Hường, chủ nhiệm ba năm cuối cấp của Duẩn, thì không tiếc lời khen ngợi cậu học trò chăm chỉ, hiếu học, ngoan ngoãn của mình. Thời điểm này, lớp Toán 12A1 của Duẩn cũng liên tiếp nhận được tin vui: 52/53 bạn trong lớp đã thi đỗ vào các trường đại học danh tiếng của cả nước.

Đến hôm nay, tấm gương vượt khó học giỏi của Duẩn đã được nhiều người biết đến. Nhiều nhà hảo tâm đã tìm về tận nhà, mua tặng em xe đạp mới, quần áo, sách vở, góp tiền cho em nộp học phí. Những ngày này, căn nhà nhỏ tồi tàn của ba mẹ con luôn tràn ngập tiếng cười, lời thăm hỏi, chúc mừng của bà con xóm giềng. Vẫn biết còn nhiều khó khăn đang chờ phía trước, cậu học trò Lê Đức Duẩn vẫn háo hức và tràn đầy tự tin chờ ngày nhập học. "Em sẽ cố gắng học thật giỏi, giành học bổng để tự trang trải tiền học phí. Em cũng sẽ tìm việc làm thêm cho mẹ đỡ vất vả và cố gắng về nhà vào cuối tuần để giúp em trai học hành" - Duẩn nói, ánh mắt rạng ngời niềm vui, khi tiễn chúng tôi ra về trên con đường làng đầy nắng.


T.H
.