Quốc hội thảo luận về dự án Luật đấu giá tài sản. Đa số các đại biểu cho rằng dự án Luật này cần phải tập trung chế định chặt chẽ, không để sơ hở cho những người tiêu cực lợi dụng.
Qua phát biểu, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật đấu giá tài sản, góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản; khắc phục những bất cập đang tồn tại hiện nay và bảo đảm tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan.
Đại biểu Thân Đức Nam- TP Đà Nẵng phát biểu tại Hội trường về Luật đấu giá tài sản Ảnh: Đình Nam
Việc ban hành Luật đấu giá tài sản nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu về xã hội hóa và tính chuyên nghiệp trong hoạt động đấu giá tài sản, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập quốc tế.
Đại biểu Thân Đức Nam- TP Đà Nẵng cho rằng, từ thực trạng đấu giá tài sản trong thời gian vừa qua, do khuôn khổ pháp luật thiếu chặt chẽ và đạo đức của một số bộ phận đấu giá viên yếu kém, tiêu cực trong thực tiễn thi hành nhiệm vụ nên tình trạng thông đồng, quân xanh, quân đỏ trong hoạt động đấu giá, làm mất niềm tin và xâm hại quyền lợi của người có tài sản đấu giá, nhất là đấu giá tài sản thi hành án dân sự và gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Do đó, đại biểu đề nghị dự án luật này cần phải tập trung chế định chặt chẽ, không để những chỗ hở cho những người tiêu cực lợi dụng, kể cả xem xét tính đồng bộ của các luật pháp có liên quan khác.
Đồng thời, đại biểu đề nghị chuyển Điều 8 về các hành vi nghiêm cấm vào Chương II là chế định thêm một khoản quy định về những điều cấm và biện pháp chế tài đối với đấu giá viên và doanh nghiệp vi phạm về đạo đức nghề nghiệp như thông đồng, nội gián hoạt động đấu thầu, chế tài nghiêm đối với các hành vi dùng thủ đoạn đè ép giá, dùng thủ đoạn để tạo ra quân xanh, quân đỏ.
Đại biểu Nguyễn Thành Tâm- Tây Ninh phát biểu tại Hội trường
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Thành Tâm- Tây Ninh cho ý kiến về các hành vi nghiêm cấm quy định tại Điều 8, hiện nay trong dự thảo Luật chỉ quy định các hành vi nghiêm cấm đối với đấu giá viên và doanh nghiệp, đại biểu cho rằng quy định này chưa đủ. Trong thực tế không chỉ có đấu giá viên, doanh nghiệp có thể tham gia vào các hoạt động chúng ta gọi quân xanh, quân đỏ để thông đồng gây ra các cuộc đấu giá hình thức, cần phải tiếp tục nghiên cứu quy định về hành vi nghiêm cấm đối với người tham gia đấu giá và những người thực hiện quản lý có liên quan vì những người này có khả năng tác động đến hoạt động đấu giá.
Đại biểu đề nghị nên rà soát lại các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật xử lý vi phạm hình sự để có sự thống nhất trong quy định về xử lý đối với vi phạm liên quan đến hoạt động thông đồng, móc nối liên kết tạo áp lực để biến các cuộc đấu giá trở thành hình thức trục lợi đây là vấn đề rất bức xúc trong thời gian vừa qua, bên cạnh các quy định thủ tục hành chính đã quy định.
Để khắc phục tình trạng này, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp- TP Cần Thơ cho rằng, về trách nhiệm của người có tài sản đấu giá được quy định trong dự thảo Luật, theo đó người có tài sản đấu giá có các quyền bao gồm giám sát quá trình đấu giá để đảm bảo việc đấu giá tuân thủ theo quy định của Luật đấu giá và pháp luật có liên quan, tham dự và cử người đại diện tham dự cuộc đấu giá; Yêu cầu doanh nghiệp đấu giá tài sản, dừng việc tổ chức đấu giá khi có căn cứ cho rằng doanh nghiệp đấu giá tài sản có hành vi vi phạm trình trự thủ tục đấu giá; Yêu cầu đấu giá viên điều hành ngừng cuộc đấu giá khi có căn cứ cho rằng đấu gia viên và người tham gia đấu giá có thông đồng, có dìm giá; Đơn phương chấm dứt, hủy hợp đồng đấu giá tài sản hoặc hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc đề nghị tòa án tuyên hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản vô hiệu theo quy định pháp luật về Luật dân sự.
Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp- TP Cần Thơ phát biểu tại Hội trường
Đại biểu Phạm Huy Hùng- TP Hà Nội đề nghị ghi thêm tại Khoản e, Điểm 1, Khoản b, Điểm 2: "Nghiêm cấm thông đồng, móc nối với người có tài sản đầu đấu giá, người tham gia đấu giá, đơn vị thẩm định giá, giám định tài sản đấu giá để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá". Đề nghị bổ sung Điểm 3, trong Điều 8 là nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân khác bên ngoài, không được đe dọa, khống chế, ngăn cản, hạn chế các đơn vị cá nhân có mong muốn tham gia đấu giá.
Địa điểm đấu giá tại Điều 34, đại biểu đề nghị quy định tại nơi tài sản đấu giá để kết quả đấu giá được minh bạch, công khai, chính xác, hiệu quả. Đồng thời bổ sung quy định trang thiết bị bố trí chỗ ngồi trong phòng tổ chức buổi đấu giá, vì tránh những người tham gia đấu giá ngồi tụ với nhau, dễ thông đồng, dìm giá, chia lợi ích