Sáng 1-10 (giờ địa phương), cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập tại Catalunya (Tây Ban Nha) đã diễn ra trong bầu không khí hỗn loạn do vấp phải sự phản đối từ phía chính quyền trung ương Tây Ban Nha.
Cảnh sát quốc gia Tây Ban Nha phong tỏa một địa điểm bỏ phiếu ở Catalunya. |
Theo dự kiến, 2.300 điểm bỏ phiếu mở cửa vào đúng 9h để đón cử tri nhưng chính quyền Madrid tuyên bố hủy bỏ hơn một nửa trong số này trước đó 1 ngày. Sự kiện này được đánh giá là mối nguy lớn cho Liên minh châu Âu (EU), thậm chí còn sâu sắc hơn cả việc nước Anh rời khỏi “ngôi nhà chung” hồi năm ngoái.
Khẳng định cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề độc lập này là bất hợp pháp, Chính phủ Tây Ban Nha trong thời gian qua đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn sự kiện này. Bên cạnh việc tịch thu nhiều tài liệu, biểu ngữ và gần 10 triệu lá phiếu, Cảnh sát quốc gia Tây Ban Nha đã điều động khoảng 10.000 nhân viên đến Catalan nhằm ngăn chặn cuộc bỏ phiếu.
Theo Bộ Nội vụ Tây Ban Nha, trong hai ngày 30-9 và 1-10, cảnh sát quốc gia đã thu giữ các thùng phiếu và phiếu bầu tại các điểm bỏ phiếu ở Catalunya. Tại một điểm bỏ phiếu ở Barcelona, thủ phủ của Catalunya, cảnh sát được trang bị lá chắn chống bạo động đã đụng độ với hàng trăm cử tri khi những người này liên tục hô vang “Chúng tôi là những con người của hòa bình” và “Chúng tôi không sợ”.
Nhiều xe thiết giáp và một xe cấp cứu cũng có mặt gần khu vực này. Tính tới tối 30-9, cảnh sát đã phong toả 1.300 trường học trong số 2.315 ngôi trường trong khu vực được chỉ định để tiến hành trưng cầu dân ý. Trước đó, nhà chức trách Tây Ban Nha đã bắt giữ ít nhất 14 quan chức địa phương, trong đó có quan chức phụ trách kinh tế của Catalunya, do đã có những hành động ủng hộ tiến hành cuộc trưng cầu được coi là bất hợp pháp này.
Ngoài ra, Chính phủ Tây Ban Nha cũng tuyên bố sẽ đình chỉ việc cấp ngân sách cho Catalunya nếu chính quyền vùng vẫn xúc tiến cuộc trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, bất chấp những động thái ngăn trưng cầu dân ý của chính quyền trung ương Tây Ban Nha, trong một tuyên bố hôm 29-9, Thủ hiến Catalunya Carles Puigdemont khẳng định rằng họ vẫn sẽ kiên trì và không có thỏa hiệp nào vào phút cuối.
Ông Puigdemont cho biết: “Tất cả mọi thứ đã được chuẩn bị tại hơn 2.000 điểm bỏ phiếu… nơi có mọi thứ người dân cần để bày tỏ quan điểm của họ”.
Catalunya là một cộng đồng tự trị của Tây Ban Nha, tọa lạc ở miền đông-bắc Bán đảo Iberia, bao gồm bốn tỉnh: Barcelona, Girona, Lleida, và Tarragona. Thủ phủ và thành phố lớn nhất Catalunya là Barcelona, và cũng là thành phố lớn thứ nhì Tây Ban Nha. Đây là một khu vực giàu có của Tây Ban Nha, với số dân chỉ khoảng 7,5 triệu người (16% dân số Tây Ban Nha) nhưng lại đóng góp tới 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.
Thủ phủ Barcelona là cảng biển lớn nhất Địa Trung Hải và là điểm đến lớn thứ 4 thế giới của các con tàu du lịch khổng lồ. Bên cạnh đó, Barcelona còn có hai trường kinh doanh quốc tế hàng đầu là ESADE và IESE và vùng đất này là nơi sản sinh ra rất nhiều doanh nhân giỏi. Chưa hết, Catalunya là nơi thu hút tới 1/3 tổng đầu tư nước ngoài vào Tây Ban Nha và là vùng sản xuất ra 1/3 sản phẩm xuất khẩu của đất nước.
Điều này cho thấy, mặc dù mang màu sắc chính trị, nhưng việc Catalunya đòi độc lập không thể tách khỏi lý do kinh tế. Do đó, dù kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 1-10 có ra sao, được chấp nhận hay không, thì cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới không chỉ Tây Ban Nha mà cả EU.
Trong kịch bản Catalunya trở thành quốc gia độc lập, họ sẽ thành quốc gia có sức mạnh kinh tế ngang với Đan Mạch và Phần Lan. Mặc dù Tây Ban Nha vẫn sẽ là nền kinh tế lớn thứ 4 trong EU, nhưng sẽ bị suy yếu đi rất nhiều. Bên cạnh đó, nếu kịch bản này xảy ra, EU sẽ gặp phải khá nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Đầu tiên là sự đối đầu của một nước Catalunya mới với Tây Ban Nha, giữa một bên muốn gia nhập EU còn một bên tuyên bố sẽ chống đối chuyện này đến cùng.
Chưa hết, sự ra đi của Catalunya còn gây ra mối quan ngại cho EU, vốn đang cố gắng trở thành một tổng thể hợp nhất sau vụ “chia tay” của Anh, về khả năng châm ngòi cho một loại sự kiện ly khai khác tại các nước thành viên của khối này, và thậm chí là tại Scotland của Anh.
Trở lại với cuộc trưng cầu dân ý, Chính quyền Catalunya cam kết sẽ tuyên bố độc lập 48 giờ đồng hồ nếu phe ủng hộ giành hơn 50% số phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân. Còn về phía EU, mặc dù họ khẳng định ủng hộ Chính phủ Tây Ban Nha, nhưng nêu rõ đây là vấn đề nội bộ của Tây Ban Nha và cần có các cuộc thảo luận chính trị sau cuộc bỏ phiếu này. Kết quả cuộc bỏ phiếu sẽ được thông báo sau 72 giờ.