Thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục rung chuyển sau vụ đánh bom kinh hoàng làm 34 người chết, 125 người bị thương trong đó 19 người đang nguy kịch.
Đây là vụ đánh bom khủng bố nghiêm trọng thứ 2 tại trung tâm đầu não chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng chưa đầy 1 tháng qua.
Theo nguồn tin an ninh, vụ đánh bom xảy ra vào lúc 18h45 tối qua (giờ địa phương), tức 1h45 sáng nay – 14/03 (giờ Việt Nam) ở khu vực Quảng trường Kizilay, khu vực nằm gần các tòa nhà chính phủ và tòa án tối cao ở thủ đô Ankara.
Hiện trường vụ đánh bom tối 13/3 tại thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Reuters) |
Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận ít nhất 34 người thiệt mạng và 125 người khác bị thương. Số người thiệt mạng có thể còn tăng do có rất nhiều người bị thương đang trong tình trạng nguy kịch. Hiện chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ đánh bom trên song theo một nguồn tin an ninh Thổ Nhĩ Kỳ, vụ đánh bom có liên quan đến đảng công nhân người Kurd, vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu liệt vào danh sách tổ chức khủng bố.
Điều tra cho thấy, 2 trong số 3 kẻ đánh bom nằm trong số những nạn nhân thiệt mạng. Theo Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Efkan Ala, lực lượng chức năng đã tiến hành điều tra và danh tính của thủ phạm sẽ sớm được công bố trong ngày hôm nay sau khi có kết quả điều tra sơ bộ: “Cho đến nay, chúng tôi vẫn đang tiến hành điều tra vụ đánh bom và chúng tôi cũng đã thu thập được các dấu hiệu và bằng chứng quan trọng. Chúng tôi sẽ công bố tên tổ chức thực hiện vụ tấn công sau khi điều tra kết thúc. Tôi tin là cuộc điều tra sẽ được hoàn tất trong ngày hôm nay và kết quả điều tra sẽ được công bố."
Vụ nổ đã gây thiệt hại lớn về vật chất cho các khu vực liền kề. Nhiều ngôi nhà bị hư hại và hàng chục xe ô tô bị hư hỏng nặng sau vụ đánh bom.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã ngay lập tức triệu tập một cuộc họp an ninh sau vụ đánh bom để đánh giá và giải quyết tình hình. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã lên án mạnh mẽ vụ đánh bom, đồng thời nhấn mạnh, vụ tấn công càng làm tăng quyết tâm của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống khủng bố.
Đây không phải là lần đầu tiên thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ trở thành mục tiêu tấn công của các vụ tấn công khủng bố. Trước đó hôm 17 tháng 2 vừa qua, một vụ đánh bom xe nhằm vào các xe chở quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã khiến 29 người thiệt mạng.
Giới phân tích nhận định, vụ đánh bom này một lần nữa cho thấy lỗ hổng an ninh lớn tại Thổ Nhĩ Kỳ khi mà lực lượng an ninh đã không phát hiện trước được các âm mưu tấn công nhằm vào nước này. Giới phân tích cũng cho rằng, ít nhất 10 người có liên quan đến việc lên kế hoạch và thực hiện vụ tấn công trên.
Trước đó, một tài liệu tình báo quân sự được trang web Thổ Nhĩ Kỳ minute.com đăng tải hôm 4/3 vừa qua đã cảnh báo, đảng công nhân người Kurd có thể sẽ thực hiện một vụ tấn công khủng bố nhằm vào thủ đô Ankara. Đại sứ quán Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tuần qua cũng đã cảnh báo về nguy cơ tấn công khủng bố tại Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời phát cảnh báo đặc biệt, khuyến cáo người dân Mỹ tránh xa khỏi khu vực đông người.
Dư luận quốc tế đã ngay lập tức lên án vụ đánh bom. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cùng lãnh đạo nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Anh David Cameron, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrautt và Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã đồng loạt lên án vụ tấn công đẫm máu này.
Trong một thông báo mới đưa ra, ông Ban Ki-moon bày tỏ sự sẻ chia sâu sắc với những mất mát của các gia đình nạn nhân, đồng thời khẳng định LHQ sẽ luôn ủng hộ và sát cánh cùng nhân dân và Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trong thời điểm khó khăn này.