Để chủ động kiểm soát, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh bạch hầu, không để lây lan, tại Công điện số 862/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp chính quyền và các Sở, ban, ngành đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu của bệnh, phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Tổ chức việc giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, xử lý triệt để không để dịch bùng phát, lan rộng; điều trị kịp thời người mắc bệnh, người lành mang trùng, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.
Bên cạnh đó, xác định rõ địa bàn, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh; tổ chức tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho các nhóm đối tượng, nhất là ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên; bảo đảm đủ kinh phí, phương tiện, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, thực hiện tốt công tác chẩn đoán sớm, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân.
Trên cơ sở xác định địa bàn, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh của từng địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh; Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát, chẩn đoán, điều trị; chỉ đạo bảo đảm cung ứng đủ vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho các tỉnh.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư và phòng ngừa việc phát sinh các vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế.
Trong đó, về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương, hàng năm rà soát, đánh giá việc đàm phán, ký và thực hiện các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế của Việt Nam về đầu tư; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện, sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hiệu lực của các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế về đầu tư không còn phù hợp với Việt Nam; xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn, đặc biệt là các nguyên nhân cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế về đầu tư.
Bên cạnh đó, khẩn trương tập hợp, sắp xếp, bảo quản và lưu giữ đầy đủ hồ sơ đàm phán các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế của Việt Nam về đầu tư phục vụ cho việc giải thích, áp dụng các quy định liên quan; nghiên cứu xây dựng điều ước quốc tế mẫu về đầu tư của Việt Nam...
Về phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương rà soát, đánh giá việc thực hiện các cơ chế lựa chọn, sàng lọc nhà đầu tư nước ngoài ngay từ khi nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam; tập hợp, lưu giữ đầy đủ thông tin về hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đề xuất các giải pháp hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2021...
Quy định về tuyển chọn, đào tạo sĩ quan dự bị
Việc tuyển chọn, đào tạo sĩ quan dự bị Quân đội nhân dân Việt Nam được quy định tại Nghị định số 78/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Nghị định quy định đối tượng được tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị gồm: Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ; hạ sĩ quan dự bị, cán bộ, công chức, viên chức và công dân tốt nghiệp đại học trở lên; sinh viên khi tốt nghiệp đại học.
Chế độ phụ cấp đối với quân nhân dự bị
Chính phủ ban hành Nghị định 79/2020/NĐ-CP quy định chế độ, chính sách trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.
Nghị định này quy định phụ cấp đối với quân nhân dự bị đã xếp vào đơn vị dự bị động viên; phụ cấp trách nhiệm quản lý đơn vị dự bị động viên; phụ cấp theo ngày làm việc; chế độ khám bệnh, chữa bệnh; chế độ trợ cấp tai nạn, trợ cấp chết do tai nạn hoặc chết do ốm đau, tai nạn rủi ro; trợ cấp đối với gia đình quân nhân dự bị; chế độ, chính sách đối với học viên đào tạo sĩ quan dự bị; chế độ viếng sĩ quan dự bị từ trần.
Dịch vụ công trực tuyến kiểm soát xuất nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động
Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2020/NĐ-CP quy định việc quản lý, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh; dịch vụ công trực tuyến phục vụ cấp, quản lý, kiểm soát hộ chiếu của công dân Việt Nam; kiểm soát xuất nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động.
Trong đó, Nghị định quy định dịch vụ công trực tuyến phục vụ cấp, quản lý, kiểm soát hộ chiếu của công dân Việt Nam và kiểm soát xuất nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động.
Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
Theo "Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, giai đoạn 2020-2025" đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 972/QĐ-TTg, chủ động giám sát phát hiện sớm, cảnh báo, áp dụng kịp thời, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP); bảo đảm áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh nhằm giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tác động xấu của giá thịt lợn đến chỉ số giá tiêu dùng, môi trường và các hoạt động thương mại động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam.
Đẩy mạnh ứng dụng Cổng dịch vụ công quốc gia
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành triển khai đẩy mạnh ứng dụng Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó cần đẩy nhanh việc cung cấp các nhóm dịch vụ công, thủ tục hành chính có tính liên thông, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, giảm thiểu thủ tục hành chính để tạo thuận lợi doanh nghiệp trong thực hiện. Truyền thông và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức giải quyết thủ tục hành chính và vận hành các hệ thống trực tuyến để thực sự tạo bước chuyển của các cơ quan hành chính nhà nước trong mối quan hệ với người dân, doanh nghiệp;...
Thúc đẩy phát triển du lịch phù hợp với diễn biến dịch bệnh COVID-19
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đánh giá các kịch bản phục hồi tăng trưởng du lịch giai đoạn hậu COVID-19, chủ động thực hiện các biện pháp phù hợp để thúc đẩy phát triển du lịch phù hợp với diễn biến dịch bệnh COVID-19.
Đánh giá, đề xuất phương án sắp xếp lại các tổng cục
Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về việc đánh giá mô hình tổ chức cấp tổng cục và đề xuất phương án sắp xếp lại theo hướng giảm cấp trung gian.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổng cục và các đơn vị trực thuộc, đề xuất mô hình tổ chức phù hợp, sắp xếp lại các đơn vị trực thuộc tinh gọn, hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ tổng hợp kết quả rà soát nêu trên, xây dựng Đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
.