Sáng 19/10, tại TP. Hội An (Quảng Nam), trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính (FMM) APEC 2017 đã diễn ra Hội nghị quan chức Tài chính cao cấp (SFOM) APEC.
Với vai trò chủ trì tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC 2017, cho đến nay, Bộ Tài chính đã hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng như: Chủ trì thành công Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương (FCBDM) tháng 2 tại Nha Trang; chủ trì thành công SFOM tháng 5 tại Ninh Bình; phối hợp với các đối tác quốc tế tổ chức nhiều hội thảo quốc tế về các chủ đề ưu tiên, được các đối tác và các thành viên APEC đánh giá cao.
Theo chương trình làm việc, Bộ Tài chính tiếp tục chủ trì FMM lần thứ 24 ngày 21/10 tại Hội An. Đây là sự kiện quan trọng nhất của Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC. Trước FMM sẽ diễn ra SFOM và FCBDM APEC vào ngày 19-20/10 nhằm chuẩn bị nội dung, kiện toàn các báo cáo và văn kiện để báo cáo lên các bộ trưởng.
Hội nghị SFOM APEC điễn ra ngày 10/10. |
Tham dự FMM APEC 2017 và các hội nghị liên quan có khoảng 300 đại biểu quốc tế và trong nước, trong đó bao gồm các bộ trưởng tài chính, lãnh đạo cơ quan tài chính và lãnh đạo ngân hàng Trung ương của 21 nền kinh tế thành viên trong khu vực, lãnh đạo cấp cao của các tổ chức tài chính quốc tế như IMF, WB, ADB và OECD.
Tại hội nghị, các bộ trưởng tài chính sẽ thảo luận về tình hình kinh tế và tài chính vĩ mô toàn cầu và khu vực, xem xét kết quả tiến trình hợp tác tài chính về 4 chủ đề ưu tiên trong năm, cập nhật tình hình triển khai Kế hoạch hành động Cebu và thảo luận các vấn đề quan tâm khác.
Bên cạnh đó, các bộ trưởng sẽ có phiên đối thoại với Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) và lãnh đạo cao cấp một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong khu vực. Bên lề hội nghị, các bộ trưởng có phiên họp kín để thảo luận riêng về các vấn đề quan tâm.
Trên cơ sở định hướng chủ đề quốc gia APEC 2017 “Tạo thêm động lực mới, cùng vun đắp tương lai”, tại FCBDM tháng 2/2017, các thứ trưởng và phó thống đốc đã thống nhất 4 chủ đề ưu tiên hợp tác trong năm 2017, bao gồm: Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng, xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận, tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai, tài chính bao trùm.
Về đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng: Chủ đề tập trung vào giải quyết các vấn đề nhằm huy động nguồn vốn dài hạn của khu vực tư nhân cho các dự án cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ chế bảo đảm lợi ích và giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư tư nhân khi tham gia vào dự án hợp tác công tư (PPP).
Về chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận: Đây là vấn đề được nhiều nền kinh tế thành viên APEC đặc biệt quan tâm và được các tổ chức quốc tế, nhất là OECD và WB hỗ trợ mạnh mẽ.
Về tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai, chủ đề tập trung vào các giải pháp tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai và bù đắp thiệt hại khi xảy ra thiên tai.
Về tài chính bao trùm: Chủ đề ưu tiên tập trung thảo luận về phát triển thị trường tín dụng và các sản phẩm dịch vụ tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp và nông thôn, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu và phát triển một nền nông nghiệp có chất lượng.
Các quan chức tài chính cũng phối hợp với các đối tác quốc tế chia sẻ các báo cáo nghiên cứu nhằm thúc đẩy tài chính bao trùm trong khu vực APEC và triển khai các hoạt động hợp tác tăng cường chia sẻ thông tin tín dụng.
Các nội dung trao đổi trong 4 lĩnh vực ưu tiên trên được báo cáo lên các bộ trưởng vào ngày 21/10, trên cơ sở đó các bộ trưởng sẽ ra Tuyên bố chung thể hiện quan điểm về các vấn đề liên quan đến hợp tác tài chính khu vực, các chủ đề hợp tác ưu tiên trong năm và định hướng của Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC trong thời gian tới.
Kết quả của FMM APEC sẽ được báo cáo lên Ủy ban Quốc gia APEC 2017 để chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Cấp cao APEC vào tháng 11/2017. Thành công của FMM APEC đóng góp thiết thực vào kết quả của Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017 cũng như thành công chung của Việt Nam trong Năm APEC 2017.
Bên lề hội nghị, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Rick Hsiang-Heng Wang, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban giám sát tài chính Đài Loan (Trung Quốc) đánh giá cao việc Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng cho hội nghị quan chức tài chính APEC năm nay: “Chúng tôi luôn ủng hộ 4 chủ đề mà Việt Nam đưa ra thảo luận và chúng tôi cũng sẽ có những kiến nghị, đề xuất làm sao thúc đẩy sự hợp tác trong vấn đề tài chính giữa các nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.
Còn ông John A Uware, Trợ lý thứ nhất Bộ trưởng Tài chính Papua New Guinea cho biết, là một đất nước đang phát triển và là một nước trẻ trong khối các nước châu Á- Thái Bình Dương, Papua New Guinea sẽ hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các quốc gia khác, cũng như tiếp thu những công nghệ mới để phát triển đất nước, từ đó chuẩn bị cho hội nghị sẽ được tổ chức ở nước này vào năm tới. Trong năm tới, Papua New Guine sẽ tập trung chủ yếu vào vấn đề hợp tác kỹ thuật giữa các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trẻ, phát triển hệ thống kỹ thuật tân tiến.
“Người dân của chúng tôi xuất phát điểm làm nông nghiệp chiếm tới 70% dân số, nên về vấn đề quản lý tài chính, hay tham gia vào lĩnh vực ngân hàng là rất thấp, vì vậy, việc đào tạo họ hiểu về tài chính là hướng ưu tiên”, ông John A Uware chia sẻ.
.