Thứ Hai, 18/10/2021, 15:22 [GMT+7]

Nêu gương trong phòng chống dịch ở Nghệ An (bài 1)

BÀI 2: NGHIÊM KHẮC ĐỂ VỮNG VÀNG CUỘC CHIẾN TRƯỜNG KÌ

(Congan.nghean.gov.vn)-Phòng chống dịch bệnh Covid-19 là “cuộc chiến” trường kì. Trên mặt trận không tiếng súng nhưng vô cùng cam go, thử thách này, tỉnh Nghệ An đã phát huy sức mạnh tập thể, huy động cả hệ thống chính trị và cả xã hội vào cuộc với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi khối xóm là một pháo đài”. Trong quá trình đó, vai trò nêu gương của những người đứng đầu rất quan trọng, họ chính là nguồn cảm hứng, nguồn động lực to lớn để huy động sức mạnh cộng đồng trong phòng chống dịch.

BÀI 1: TỰ GIÁC NÊU GƯƠNG 

Việt Nam phát hiện ca bệnh Covid-19 đầu tiên vào ngày 23/01/2020. Từ đó đến nay, nước ta đã phải đối phó với làn sóng dịch thứ 4 với cường độ và sự khốc liệt ngày càng tăng. Tại Nghệ An, ngay từ khi thế giới xuất hiện dịch, thông tin về dịch bệnh được cập nhật thường xuyên trên các báo, đài; người dân tuân thủ các khuyến cáo 5K về phòng, chống dịch. Chính vì vậy, trong suốt năm 2020, Nghệ An vẫn được xem là thành trì an toàn mà Covid-19 chưa thể chạm tới. Mãi đến làn sóng dịch thứ 4, với biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh, mạnh và đáng sợ thì cũng như nhiều tỉnh khác, Nghệ An phải đối diện với nhiều ca nhiễm ở nhiều huyện, thành thị.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An kiểm tra, thăm hỏi lực lượng làm nhiệm vụ tại khu cách li. Ảnh: Thành Duy
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An kiểm tra, thăm hỏi lực lượng làm nhiệm vụ tại khu cách li. Ảnh: Thành Duy
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An động viên lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch Covid-19. Ảnh: Phạm Bằng
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An động viên lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch Covid-19. Ảnh: Phạm Bằng

Ngay từ khi Nghệ An xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên (tối 06/5/2021) tại thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An đã khẩn trương huy động các lực lượng để khoanh vùng, dập dịch; đồng thời nâng cao công tác phòng chống dịch trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch. Tinh thần là phải lập được kỷ cương, phải quyết liệt từ chỉ đạo đến hành động. Có như vậy mới đủ sức mạnh kìm chế và chiến thắng dịch bệnh.

Đồng chí Thiếu tướng Phạm Thế Tùng - Giám đốc Công an Nghệ An và lãnh đạo huyện Hưng Nguyên kiểm tra công tác phòng chống dịch tại chốt cầu Bến Thủy 2. Ảnh Xuân Bắc
Đồng chí Thiếu tướng Phạm Thế Tùng - Giám đốc Công an Nghệ An và lãnh đạo huyện Hưng Nguyên kiểm tra công tác phòng chống dịch tại chốt cầu Bến Thủy 2. Ảnh: Xuân Bắc

Mệnh lệnh từ trái tim

Trong cuộc chiến chống Covid-19, lực lượng ở tuyến đầu chống dịch phải chịu thiệt thòi, hi sinh nhiều nhất là cán bộ y tế. Mỗi y bác sĩ, mang trong tim ngọn lửa yêu nước với lời thề Hippocrates thiêng liêng, đã vắt hết sức lực và trí tuệ để cùng người dân xứ Nghệ chống lại dịch bệnh Covid-19 quái ác. Rất nhiều bác sĩ hàng tháng trời không được về nhà; nhiều nữ y tá ngất xỉu trong bộ quần áo bảo hộ nóng nực; nhiều cán bộ phải thức trắng hàng đêm để tổng hợp số liệu nhằm thông tin chính xác nhất cho người dân… Tuy vất vả, nhưng ai cũng làm việc với ý chí, quyết tâm cao, với niềm tin về một ngày không xa, cuộc sống bình yên sẽ trở lại trên xứ Nghệ anh hùng…

Tiến sĩ Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An kiểm tra tại một điểm lấy mẫu test nhanh Covid-19 giữa đêm khuya. Ảnh: Trung Thành
Tiến sĩ Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An kiểm tra tại một điểm lấy mẫu test nhanh Covid-19 giữa đêm khuya. Ảnh: Trung Thành

Chúng tôi gặp Tiến sĩ Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An bên lề một cuộc họp phòng chống dịch ở thành phố Vinh vào trung tuần tháng 9. Sau nhiều tháng chống dịch, gương mặt ông đen đúa và gầy gò trông thấy, nhưng ánh mắt vẫn rất cương nghị và kiên quyết. Ông và đồng nghiệp đã trải qua rất nhiều cảm xúc trong quá trình phòng chống dịch. Đó là niềm tự hào xen lẫn lo lắng khi tiễn 52 cán bộ lên đường “chia lửa” cùng Hà Tĩnh phòng chống dịch vào đầu tháng 6/2021; Là nỗi buồn không thể diễn tả khi tỉnh Nghệ An có thêm ca tử vong vì Covid-19; Là khoảnh khắc nao lòng khi bắt gặp một em bé mới 2 tuổi vẫn thức cùng mẹ đến nửa đêm để test nhanh Covid; Là khóe mắt ngấn lệ khi chứng kiến các nhân viên y tế ngất xỉu vì nhiều giờ đồng hồ bọc mình trong bộ đồng phục chống dịch…

Nhiều tháng nay, “căn phòng” thường trực của ông là không gian chiếc ô tô cao gầm. Hầu hết các chỉ đạo nóng đều được truyền tải qua chiếc điện thoại luôn trong tình trạng cắm vào cục pin di động. Mới sáng sớm đang ở Diễn Châu, giữa trưa, ông đã tham dự cuộc họp chỉ đạo thành lập khu cách li ở Tương Dương; tối cùng ngày, mọi người đã thấy ông ở điểm lấy mẫu test nhanh ở phường Vinh Tân, thành phố Vinh… Chiếc xe của vị Giám đốc sở như con thoi, chạy qua chạy lại trên mỗi cung đường, từng góc phố. Không phải vì ông ôm đồm công việc hay thiếu tin tưởng cấp dưới, mà vì ông phải trực tiếp đến từng điểm cụ thể, chứng kiến những khó khăn, những điểm chưa hợp lí để kịp thời điều chỉnh và chỉ đạo cho những tình huống tiếp theo. Thay vì chờ báo cáo, đó là cách nhanh nhất…

Những hi sinh lặng thầm

Tối 06/8/2021, cả xứ Nghệ như chùng xuống khi nghe tin Trung úy Nguyễn Văn Chiến (sinh năm 1995), cán bộ Đội An ninh Công an huyện Quỳnh Lưu, hi sinh khi đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại chốt kiểm soát thuộc xã Quỳnh Văn. Điểm chốt nằm trên Quốc lộ 1A – đêm hôm đó, một chiếc xe tải lao nhanh… và… anh không còn nữa. Đám tang anh diễn ra lặng thầm bởi cả huyện Quỳnh Lưu đang phải phong tỏa để chống dịch. Người bố lặn lội từ miền Nam xa xôi về, lặng thầm thắp cho người con trai duy nhất một nén nhang rồi phải đi cách li tập trung theo quy định. Đồng đội lặng thầm tiễn đưa anh bằng những vần thơ da diết:

“...Nhưng em ơi, có sự thật - rất thật
Em ra đi rất đỗi tự hào
Sau một đêm giữa trời ngập ánh sao
Em ngã xuống cho bình yên Tổ quốc …
Chẳng có gì thiêng liêng hơn đất nước
Nơi mà em đã im lặng hòa vào
Và thế giới ở trên những tầng cao
Sẽ tỏa sáng vì có em ở đó...”

Trung úy Nguyễn Văn Chiến hi sinh trong khi làm nhiệm vụ phòng chống Covid-19
Trung úy Nguyễn Văn Chiến hi sinh trong khi làm nhiệm vụ phòng chống Covid-19

...Một trong những chỉ đạo kịp thời và rất hợp lí của tỉnh Nghệ An trong cuộc chiến phòng chống dịch chính là giao nhiệm vụ truy vết cho lực lượng Công an. Đây là lực lượng “thiện chiến” với đầy đủ kiến thức nghiệp vụ và kinh nghiệm thực tế để truy vết dịch. Khi nhận nhiệm vụ, Thiếu tướng Phạm Thế Tùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Giám đốc Công an Nghệ An đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phải huy động những cán bộ giỏi về nghiệp vụ, vững vàng về tâm lí để triển khai công tác truy vết kịp thời, chính xác, hiệu quả.

Hàng trăm cán bộ Công an các địa phương trong tỉnh phải ăn ở tập trung hàng tháng trời để “thần tốc” truy vết. Ngay khi có thông tin về F0, hàng chục cán bộ an ninh lại phải tắm hóa chất, bọc mình trong bộ quần áo kín mít để trò chuyện với bệnh nhân.. Nhiều lúc nội dung câu chuyện chẳng liên quan gì đến dịch bệnh hay điểm đi, điểm đến mà chỉ là những chia sẻ trong cuộc sống. Mục đích là để bệnh nhân rất thoải mái, tâm lí ổn định, từ đó bình tĩnh để nhớ lại những lần tiếp xúc từ 10, 15 ngày trước đó…

Thượng tá Trần Đình Vinh - Phó trưởng Công an thành phố Vinh (Nghệ An), Tổ trưởng Tổ truy vết thành phố Vinh cho biết: Việc truy vết khá nhạy cảm, hầu hết bệnh nhân khi biết mình bị nhiễm bệnh đều rất sợ lây cho người thân và cộng đồng nên trong một thời gian ngắn không thể nhớ được tất cả các địa điểm đi và đến. Vì vậy, cán bộ làm công tác truy vết phải rất kiên nhẫn, tỉ mỉ, luôn trò chuyện theo phương pháp gợi mở để bệnh nhân cảm thấy rất thoải mái và chia sẻ…

Từ tháng 6/2021 đến thời điểm này (17/10/2021), Công an Nghệ An đã truy vết hơn 2.000 trường hợp F0, hơn 23.000 F1 và khoảng 55.000 F2. Riêng Công an thành phố Vinh đã truy vết 721 F0, hơn 10.100 F1 và gần 15.600F2…

Lực lượng Công an các địa phương với công tác truy vết bất kể giờ giấc. Ảnh: Bình Minh
Lực lượng Công an các địa phương với công tác truy vết bất kể giờ giấc. Ảnh: Bình Minh

Facebook của nữ Phó bí thư phường

2 năm nay, trên “tường” Facebook của chị Nguyễn Thị Nga Sơn (Phó Bí thư thường trực Đảng ủy phường Hà Huy Tập - thành phố Vinh) ngập tràn thông tin về phòng chống dịch. Là nữ phó bí thư thuộc thế hệ 8x nên chị cũng làm việc theo phong cách “trẻ”. Chị tận dụng lợi thế lan tỏa nhanh, kết nối mạnh của các mạng xã hội để tuyên truyền, vận động và ghi nhận ý kiến giám sát của người dân trong công tác phòng, chống dịch.

Ca nhiễm Covid-19 đầu tiên của thành phố Vinh là ở phường Hà Huy Tập. Đêm 13/6/2021, hệ thống chính trị cả phường không ngủ khi mẫu xét nghiệm khẳng định trường hợp nữ nhân viên cắt tóc gội đầu nhiễm Covid-19. Là phường rộng, dân cư đông đúc, lại chưa có kinh nghiệm về phòng chống dịch nên tâm lí người dân khá lo lắng. Sau những phút đầu bỡ ngỡ, phường đã nhanh chóng triển khai công tác phòng, chống dịch với tinh thần: "Giặc Covid-19 đã ở ngay trước cửa. Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; Chúng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; Chúng ta đã quyết tâm càng quyết tâm hơn nữa”. Các phần việc được phân công rõ ràng cho từng bộ phận, từ vận động Nhân dân test nhanh đến hỗ trợ gia đình khó khăn; từ bố trí lực lượng trực chốt đến duy trì lương thực, thực phẩm cho vùng phong tỏa. Với phong cách làm việc “thần tốc”, đến 7h sáng hôm sau, 6.000 mẫu của người dân khu vực phong tỏa của phường đã được các cán bộ y tế lấy, đưa về CDC Nghệ An xét nghiệm. Chính nhờ sự phân công rõ ràng nhiệm vụ và trách nhiệm của từng bộ phận nên không hề có một chút lúng túng, bối rối nào khi xử lí các tình huống liên quan đến các ca nhiễm tiếp theo.

Thông điệp phòng chống dịch trên Facebook của bà Nguyễn Thị Nga Sơn - Phó bí thư thường trực Đảng ủy phường Hà Huy Tập - thành phố Vinh.
Thông điệp phòng chống dịch trên Facebook của bà Nguyễn Thị Nga Sơn - Phó bí thư thường trực Đảng ủy phường Hà Huy Tập - thành phố Vinh.

Và, trên Facebook cá nhân của chị Nguyễn Nga Sơn cũng được cập nhật theo phong cách “thần tốc”. Mọi thông tin đều được công khai để người dân và tổ chức theo dõi, giám sát. Từ đó công dân vững tin hơn vào hệ thống chính trị và đồng lòng chống dịch. Nhờ vậy, phường Hà Huy Tập xuất hiện nhiều điểm sáng, cách làm hay thể hiện rõ tinh thần chung sức, đồng lòng, dựa vào dân để chống dịch. Đó là phát huy vai trò của cán bộ khối phố “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để truy vết dịch; là hơn 52 điểm chốt luôn vững vàng bất chấp tình cảnh “cơm niêu nước lọ”; là “Đội shipper áo xanh” hỗ trợ vận chuyển và mua đồ dùng thiết yếu cho các hộ dân bị cách ly; là “Nhật ký phòng, chống Covid-19” rất sinh động đăng tải trên mạng xã hội để thông tin đến từng người dân trong phường...

Khi “cơn bão” Covid-19 trên địa bàn đã qua đi, nữ Phó Bí thư trẻ vẫn miệt mài đăng “tút” về phòng, chống dịch trên Facebook cá nhân của mình - không phải để đếm “like” mà để kết nối lòng dân...

BÀI 2: NGHIÊM KHẮC ĐỂ VỮNG VÀNG CUỘC CHIẾN TRƯỜNG KÌ

.

Bình Minh