Phóng sự
Chung lòng vì Biển Đông
08:51, 19/10/2019 (GMT+7)
Từ ngàn đời nay, Biển Đông cùng với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một phần máu thịt thiêng liêng không thể tách rời của mọi người dân đất Việt. Quyết tâm giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đã thôi thúc nhân dân Việt Nam đoàn kết hơn, chung sức, đồng lòng vì biển đảo thân yêu.
1. Việt Nam là đất nước trải qua nhiều thăng trầm, đau thương và mất mát. Có đi dọc những nghĩa trang liệt sỹ ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước; có gặp, nói chuyện với những người đã gửi một phần tuổi trẻ, thanh xuân cho đất nước; có tận mắt nhìn những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam..., thì mới thấm thía giá trị của hòa bình, mới quý trọng vô cùng máu xương của cha anh đã dâng hiến cho Tổ quốc. Những người trẻ chưa đi qua cuộc chiến, sẽ chưa hiểu hết sự khốc liệt của chiến tranh. Nhưng chúng ta có thể thấy ở những quốc gia đang hàng ngày phải hứng chịu bom rơi đạn nổ, có thể gặp các thế hệ đi trước, để biết rằng, không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đại thắng mùa xuân 1975 trở thành dấu son chói lọi đối với dân tộc và mỗi người con quê hương Việt Nam.
Kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng Tổ quốc |
Từ đó đến nay, Đảng và Nhà nước ta vẫn quyết tâm bảo vệ chủ quyền, bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Đường lối đối ngoại từ trước đến nay của ta vẫn là hòa bình, đối thoại. Với biển đảo quê hương, Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán được xác lập tại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trải qua nhiều mất mát, đau thương nên Việt Nam luôn thực tâm mong mỏi và quyết tâm gìn giữ hòa bình, ổn định và an ninh trên Biển Đông. Song, Việt Nam cũng bằng mọi biện pháp để luôn mạnh mẽ đấu tranh không khoan nhượng trước hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của mình đã được công nhận theo luật pháp quốc tế.
Trên thực tế, với những bằng chứng lịch sử và pháp lý, với các nguồn tư liệu thành văn bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, những tấm bản đồ cổ của phương Tây là minh chứng cho thấy, từ hơn 5 thế kỷ trước, Việt Nam đã xác lập chủ quyền quốc gia trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo các tài liệu nghiên cứu, trong các tấm bản đồ cổ được vẽ từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX bởi các nhà truyền giáo, hàng hải Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan... đều có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, được vẽ thành một dải liền nhau, hình lá cờ đuôi nheo nhằm trải dài ngoài khơi dọc theo bờ biển miền Trung Việt Nam.
Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam gồm nhiều đảo đá san hô rất nhỏ ở giữa Biển Đông. Các tư liệu cho thấy Nhà nước Việt Nam, từ thời kỳ phong kiến đến thời kỳ xã hội chủ nghĩa ngày nay, đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và nhiều vùng biển đảo khác thuộc lãnh thổ Việt Nam, ít nhất là từ thế kỷ XVII, khi 2 quần đảo chưa hề thuộc về bất cứ nước nào khác. Đó là một quá trình liên tục, lâu dài, diễn ra trong hòa bình, được ghi nhận trong nhiều nguồn sử liệu của Việt Nam và các nước, đặc biệt là những tư liệu, bản đồ được soạn vẽ, xuất bản từ thế kỷ XVI đến nay ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
2. Trong phát biểu “Tăng cường sức sống của chủ nghĩa đa phương vì hòa bình và phát triển bền vững” của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại phiên thảo luận cấp cao Khóa 74 Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) ngày 28/9 đã khẳng định rõ quan điểm nhất quán từ trước đến nay của chúng ta: “Việt Nam cho rằng, tôn trọng luật pháp quốc tế là cách thức hữu hiệu nhằm ngăn ngừa xung đột cũng như tìm kiếm những giải pháp lâu bền cho tranh chấp, xung đột. Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực thực hiện các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp theo Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, từ thương lượng, hòa giải tới việc sử dụng các cơ chế pháp lý quốc tế...”. Và rằng: “Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) - “Hiến chương của Biển và Đại dương”. Việt Nam cũng đã nhiều lần nêu rõ sự lo ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, trong đó có việc vi phạm các quyền chủ quyền, quyền tài phán tại các vùng biển của Việt Nam được xác định theo UNCLOS 1982. Các bên liên quan cần kiềm chế và tránh có những hành động đơn phương làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982...”.
Ngư dân Nghệ An sau mỗi lần ra khơi |
Thông cáo chung của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại đề mục "Các vấn đề khu vực và quốc tế" nhấn mạnh quan điểm về Biển Đông ở 2 mục 75 và 76. Trong đó, tập trung các nội dung như sau: Tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố 2002 về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), "Việt Nam hoan nghênh sự hợp tác tiếp tục được cải thiện giữa ASEAN và Trung Quốc, được thúc đẩy bởi tiến trình đàm phán thực chất hướng tới hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử hiệu quả và thực chất ở Biển Đông (COC). Chúng tôi đã thảo luận về tình hình ở Biển Đông, trong đó một số bộ trưởng đã lo ngại về việc cải tạo đất đai, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng trong khu vực, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”.
Việc duy trì hòa bình và trật tự trong khu vực, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế đem lại lợi ích chung cho các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Bởi vậy, Việt Nam đã và đang nỗ lực thể hiện vai trò của một quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế và mong muốn các quốc gia khác thực thi nghiêm túc luật pháp quốc tế nhằm tạo dựng một khu vực hòa bình, ổn định, góp phần thúc đẩy hòa bình và phát triển trên thế giới.
3. Chung tay góp sức với những việc làm ý nghĩa vì biển đảo quê hương, người dân toàn tỉnh đã dấy lên nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa vì biển đảo Tổ quốc. Với lòng yêu nước, trách nhiệm với biển đảo quê hương, các cấp, ngành, đơn vị đóng góp ủng hộ Trường Sa; các đơn vị tổ chức thăm hỏi và giúp đỡ thân nhân của các gia đình chiến sỹ Trường Sa, tham gia phong trào “Viết thư gửi lính đảo Trường Sa”, triển khai các giờ ngoại khóa về biển đảo trong học sinh phổ thông...
Tuy nhiên, lợi dụng tình hình trên, các thế lực thù địch và số đối tượng phản động đã xuyên tạc đường lối đối ngoại của Việt Nam, kích động tâm lý chống đối, gây mất ANTT trong một bộ phận người dân. Tinh thần dân tộc, lòng yêu nước vẫn luôn cuộn chảy trong mỗi người con đất Việt. Tuy nhiên, chúng ta phải bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và đúng pháp luật. Phải hiện thực hóa bằng việc đưa đất nước ta phát triển hơn, ổn định hơn và nâng tầm Việt Nam trên trường quốc tế. Chúng ta cần nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của chúng để không bị mắc lừa, bởi sự mất đoàn kết, thiếu hiểu biết sẽ là cơ hội để chúng thực hiện kế sách chống phá Nhà nước ta.
Việc bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông đang được thực hiện một cách có lộ trình với những bước đi, tính toán kỹ lưỡng, chứ không thể "thích thì làm" và bất chấp mọi mối tương quan và những hệ lụy có thể đến. Chúng ta kiên trì đấu tranh trên các mặt trận, mọi cấp độ, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các quốc gia trên thế giới, thẳng thắn, kiên quyết đấu tranh, trao công hàm, tiếp xúc đại diện, lên tiếng phản đối Trung Quốc, yêu cầu tôn trọng chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Đồng thời, duy trì lực lượng chuyên trách, sử dụng biện pháp đấu tranh “hòa bình” không để xảy ra xung đột vũ trang.
Biển đảo là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Một viên đá, một ngụm nước biển thuộc chủ quyền của nước mình cũng không thể để mất đi. Mỗi người dân Việt Nam, nhất là các bạn trẻ, hãy yêu nước bằng sự tỉnh táo, bình tĩnh, tuyệt đối tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc xử lý các vấn đề trên Biển Đông. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc của các đối tượng xấu; tăng cường củng cố khối đại đoàn kết, gia tăng sức mạnh để bảo vệ đất nước.
MAI HẬU