Phóng sự
Người anh hùng miền biên cương Tây Bắc
Bốn thanh niên đó vừa tốt nghiệp Trường Sỹ quan Cảnh sát (nay là Học viện Cảnh sát nhân dân) và xung phong lên nhận công tác tại Công an tỉnh Sơn La. Một trong bốn người có tướng mạo “con nhà võ”, dáng người dong dỏng, ánh mắt luôn nhìn thẳng, cặp lông mày sắc nét trên gương mặt cương nghị, tên là Trần Anh Tuấn.
Trải qua 11 vị trí công tác gần 4 thập kỉ, từ anh Công an phụ trách xã tới Giám đốc Công an tỉnh, đến tháng 5-2019, Đại tá Trần Anh Tuấn được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Bộ trưởng Tô Lâm trao bằng danh hiệu Anh hùng LLVTND tặng Đại tá Trần Anh Tuấn (tháng 6-2019). |
Sinh trưởng trong một gia đình gốc gác nông dân nhưng có ông và bố là nhà Nho, nhà giáo đất học Thành Nam, anh Tuấn từng nghĩ mình sẽ làm nghề “gõ đầu trẻ”.
Năm học cuối cấp III, anh đã ghi danh thi vào Đại học Sư phạm nhưng một hôm, người bác họ công tác ở Ty Công an Hà Nam Ninh đến chơi nhà và bảo: “Cháu có tác phong nhanh nhẹn, quyết đoán; nên vào bộ đội hoặc công an thì phù hợp hơn!”.
Giữa lúc anh Tuấn đang phân vân thì hình ảnh nhân vật Bôm-bốp và Dia-nốp lái xe rất cừ, bắn súng bách phát bách trúng trong bộ phim “Trên từng cây số”, đã khích lệ anh lựa chọn Trường Sỹ quan Cảnh sát.
“Mấy anh em được người quen giới thiệu vào một ngôi trường cấp III có cái tên rất đẹp “Thảo Nguyên”, xin nghỉ nhờ. Đêm miền núi đầu tiên, chúng tôi ngồi quanh bếp lửa trò chuyện với mấy cô giáo đều là người dưới xuôi. Cái rét miền ngược đúng là thấu xương. Những cơn gió ào ạt tràn qua các triền núi, luồn vào khe hở của căn phòng tập thể, khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng vì nhớ nhà và cảm giác lạ lẫm, xa xôi”… anh Tuấn nhớ lại.
Vậy mà, Đại tá Trần Anh Tuấn đã gắn bó cả cuộc đời công tác với vùng đất biên viễn Sơn La. Đến nay, tròn 37 năm công tác, 36 năm tuổi Đảng, anh luôn coi Sơn La là quê hương thứ 2 của mình.
Vụ án đầu tiên anh được giao điều tra là một vụ trộm tại cửa hàng bách hóa Chiềng Mai, bị mất mấy trăm súc vải – một tài sản có giá trị lúc bấy giờ. Vận dụng kiến thức và những biện pháp nghiệp vụ được trang bị, anh và đồng đội đã nhanh chóng xác định tang vật đang được lén lút bán tại chợ Hát Lót. Thủ phạm vụ trộm nhanh chóng bị bắt giữ, tài sản Nhà nước được thu hồi.
Cái Tết đầu tiên ở Sơn La (Tết Quý Hợi – 1983) được coi là rét nhất trong nhiều năm, anh em múc bát nước để qua đêm là thành đá. Đêm trừ tịch xa xôi nghe râm ran tiếng pháo, anh cùng đồng đội quây quần quanh bếp lửa với ấm trà, kẹo lạc miền xuôi để quên đi nỗi nhớ bố mẹ và anh chị em trong gia đình…
Thế rồi, công việc lại cuốn lấy anh. Tháng 6 năm 1983, anh được cấp trên gọi lên “làm công tác tư tưởng”: “Cháu còn trẻ, được đào tạo bài bản, cần về cơ sở để đào tạo, để gần dân, rèn luyện qua nhiều môi trường thì sau này càng thêm tiến bộ, trưởng thành”.
Ngay tuần sau, Trần Anh Tuấn trở thành Đồn trưởng Đồn Công an sân bay Nà Sản. Đồn có nhiệm vụ đảm bảo an ninh hàng không và ANTT 5 xã quanh sân bay. Anh là Đồn trưởng nhưng lại được cấp trên giao kiêm luôn phụ trách địa bàn trọng điểm xã Chiềng Mung, trở thành cán bộ Công an phụ trách xã từ đó.
Có một kỉ niệm khiến anh nhớ mãi: Một hôm, Đồn trưởng Trần Anh Tuấn đang nghiên cứu hồ sơ trong phòng làm việc, thì có chú bé chừng mười tuổi thập thò bên ngoài. Anh ra hiệu mời vào, thằng bé khép nép lại gần anh và nói bằng tiếng phổ thông chưa sõi lẫn tiếng Thái, khiến anh chỉ hiểu lõm bõm, đại ý: “Ông cháu mời chú vào nhà ăn đám giỗ”.
Anh vui vẻ nhận lời và chuẩn bị vài thứ đồ lễ trong chiếc túi rết, mấy gói lạc rang, một chai rượu và cây đèn pin, chiều tối đi bộ vào bản. Bà con nhiệt tình tiếp đón, chúc rượu và ai hỏi, ai nói gì anh cũng gật gù, cũng cười vì… hầu như không hiểu được gì.
Đêm lạnh trở về đồn, Trần Anh Tuấn trằn trọc trở mình mãi không chợp mắt được. Anh xác định, phải học bằng được ngôn ngữ của bà con thì mới gần được dân và được dân giúp. Vậy là, chỉ sau gần một năm nỗ lực tự học, anh đã giao tiếp thành thạo bằng tiếng Thái và được bà con trong vùng coi như người nhà. Mọi việc vui, buồn, giỗ chạp, cưới hỏi… bà con đều mời chú Tuấn và các chú trong Đồn tới dự.
Trải qua nhiều cương vị công tác, đến năm 2014, Đại tá Trần Anh Tuấn trở thành Giám đốc Công an tỉnh Sơn La.
Với tác phong làm việc nghiêm túc, sâu sát, anh đã cùng tập thể Đảng ủy, Ban Giám đốc tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Công an chỉ đạo công tác bảo đảm ANTT trên địa bàn, với những chương trình, kế hoạch mang tính chiến lược, cũng như tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về ANTT, đấu tranh cương quyết, hiệu quả với tội phạm ma túy, đặc biệt là tội phạm vận chuyển, mua bán ma túy có vũ trang qua biên giới. Điển hình là Phương án 279 (được triển khai từ năm 2013, kết thúc năm 2018) và Chuyên án 279-LL, đã góp phần “hóa giải” nhiều điểm nóng, vùng đất dữ về ma túy.
Qua hơn 3 năm đấu tranh, các lực lượng chức năng đã tiêu diệt, bắt giữ 25 đối tượng, thu giữ tang vật gồm 498 bánh heroin (170,1kg); gần 36.000 viên ma túy tổng hợp; 21 khẩu súng các loại… Thành công lớn nhất của chuyên án này là đã ngăn chặn và làm giảm cơ bản hoạt động của các toán vũ trang vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới vào Mộc Châu, Vân Hồ; qua đó làm giảm “dòng chảy ma túy” từ “Tam giác vàng” vào Tây Bắc.
Đặc biệt là chuyên án 18TN và 19TN “dành cho” hai ông trùm ma túy ở “chảo lửa Lóng Luông” là Nguyễn Thanh Tuân và Nguyễn Văn Thuận (Thuận chuột).
Đại tá Trần Anh Tuấn đã nhiều lần trực tiếp báo cáo kế hoạch, phương án đấu tranh và được lãnh đạo Bộ Công an nhất trí. Nhớ lại “chiến dịch” này, Đại tá Trần Anh Tuấn kể: “Được lãnh đạo Bộ giao chỉ huy các lực lượng phá án, tôi lo lắm chứ. Lo nhất là sự an toàn của anh em, của người dân. Bởi lẽ, Tuân và Thuận là 2 đối tượng có nhiều quyết định truy nã đặc biệt về tội liên quan đến ma túy, rất biết cái giá phải trả nếu bị bắt nên đã biến nơi cư trú của chúng thành “cứ điểm” rất kiên cố với hầm ngầm, có nhiều đệ tử trung thành, vũ khí, lương thực, nước uống để có thể cầm cự lâu dài. Các “cứ điểm” đều tựa vào lưng núi, trước mặt là đường độc đạo; chúng dễ thủ, dễ công và dễ thoát lên rừng, chạy sang bên kia biên giới nhờ đường hầm ngược lên đỉnh núi”.
Cái lo của người chỉ huy là tất yếu, nhất là chỉ vài năm trước tại tỉnh bạn, trong một cuộc vây bắt tội phạm ma túy, đã có 4 cán bộ chiến sỹ bị hi sinh, một số đồng chí bị thương. Đó là sự hi sinh quá lớn và đau xót giữa thời bình...
Phía sau sự thắng lợi của 2 chuyên án 18TN và 19TN là những ngày ròng rã “nằm gai nếm mật”, đối diện với hiểm nguy của hơn 300 cán bộ chiến sĩ Công an. |
Sau 4 ngày đấu tranh vũ trang (từ 26/6 - 30/6/2018), chuyên án 18TN và 19TN thành công tốt đẹp. Lực lượng Công an đã bắt giữ, xử lý 10 đối tượng, trong đó có 4 đối tượng gồm cả Tuân và Thuận quyết tử thủ nên buộc phải tiêu diệt. Thu giữ số lượng lớn vũ khí gồm: 49 khẩu súng quân dụng các loại, 17 lựu đạn, hơn 7.000 viên đạn và nhiều vũ khí, tang vật liên quan.
Một năm sau ngày kết thúc chuyên án 18TN và 19TN, đến bản Tà Dê, bình yên đã trở lại nơi đây, cuộc sống đồng bào đã đổi thay từng ngày. Sau khi kết thúc chuyên án, Công an tỉnh đã tham mưu cho tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đã hỗ trợ nhân dân trồng 14ha bơ, 15ha chanh leo. Đến nay, những trái ngọt đầu mùa đã có mặt trên thị trường và xuất khẩu ra nước ngoài.
Chúng tôi gặp lại Đại tá Trần Anh Tuấn tại trụ sở mới của Công an tỉnh Sơn La. Đó là một tòa nhà đẹp, hiện đại và thể hiện rõ tính trang nghiêm của lực lượng vũ trang. Vẫn cái bắt tay chặt và nụ cười ấm áp. Bao kỉ niệm buồn vui của đời thường, của trận mạc ùa về trong câu chuyện với người Anh hùng miền Tây Bắc.
Chia tay anh, chúng tôi cũng như nhiều đồng nghiệp, chắc hẳn còn lưu giữ mãi hình ảnh của người Anh hùng miền biên cương Tây Bắc Trần Anh Tuấn với mũ sắt, áo giáp điềm tĩnh sát cánh cùng những người lính xông pha nơi mũi tên, hòn đạn trong các trận đánh trực tiếp với tội phạm ma túy.
Nguồn: Duy Hiển, Anh Hiếu, Linh Chi/Báo CAND