LTS: Ralph Wetterhahn là một phi công Mỹ chuyên lái máy bay tiêm cường kích McDonnell F-4 Phantom trong Chiến tranh Việt Nam. Sau cuộc chiến này, ông có trở lại Việt Nam vào cuối thập niên 1990 để tìm kiếm thông tin về một phi công Mỹ khác mất tích trong chiến tranh, tên là John “Robbie” Robertson – ông này từng thuộc cùng phi đoàn với Wetterhahn. Trong chuyến thăm Việt Nam, ông đã có dịp gặp gỡ phi công Việt Nam Nguyễn Văn Bảy (người đã lập chiến công bắn hạ được 7 máy bay của đối phương) và đối chiếu thông tin về các trận không chiến giữa đôi bên. Sau đây là lược dịch phần ghi chép của phi công Wetterhahn (các tít do VOV.VN đặt):
***
(Kỳ 1)
Ngày 6/9/1966 Wetterhahn và Robbie cùng lái máy bay F-4C cất cánh từ căn cứ không quân Thái Lan Ubon trong chiến dịch Rolling Thunder (Sấm Rền) ném bom miền Bắc Việt Nam. Trong phi vụ lần này, Robbie bay trước và không bao giờ quay trở lại.
Một máy bay tiêm kích MiG-17 được trưng bày tại Bảo tàng Không quân ở Hà Nội. Ảnh: Trung Hiếu/VOV.VN. |
Cuộc chạm trán khiến phi công Mỹ Robbie mất tích
Chuông báo động vang lên ở sân bay Gia Lâm (Hà Nội) vào đầu giờ chiều. Ông Nguyễn Văn Bảy bay ở vị trí thứ 3 trong biên đội 4 máy bay do Hồ Văn Quỳ chỉ huy. Ông Quỳ đã lập công bắn hạ một phi cơ F-4 của đối phương. Còn vào lúc này, ông Bảy đã bắn rơi 1 chiếc F-4, một chiếc Vought F-8 Crusader (của hải quân Mỹ), và chiếc F-105 Thunderchief. Lưu Huy Chao bay ở vị trí số 2 yểm trợ cho máy bay chỉ huy. Ông Chao ngày đó cũng bắn hạ được 3 máy bay địch và về sau trở thành một phi công hạng ace (bắn rơi được từ 5 máy bay địch trở lên).
Nguyễn Văn Bảy là người đầu tiên phát hiện ra đường bay của Robbie. Khi ông Bảy xin phép được công kích, ông Quỳ bày tỏ nghi ngại máy bay MiG có tốc độ chậm hơn liệu có đuổi kịp F-4 hay không. Nhưng khi các chiếc phi cơ MiG đang chật vật cố thu hẹp khoảng cách thì ông Bảy phát hiện các máy bay Phantom mắc sai lầm. Ông phát hiện chúng bắt đầu chuyển hướng đi lên. Cơ hội đã đến.
Theo lời kể của Hubert Buchanan - phi công ngồi ở ghế sau của Robbie, họ luôn bay ở vị trí số 3.
Lần đó là phi vụ tác chiến thứ 17 của Buchanan và là một trong các đợt không kích lớn nhất mà ông tham gia.
Buchanan kể lại: “Chúng tôi khi ấy cố gắng tránh bị sóng radar Việt Nam phát hiện. Chúng tôi bay khá thấp, nhưng không thấp đến mức có thể dính hỏa lực từ mặt đất bắn lên và đợt không kích ồ ạt sắp diễn ra. Máy bay phủ kín lên vùng mục tiêu. Và rồi ở vị trí nào đó giữa Hải Phòng và Hà Nội, một trong các thành viên đội bay của chúng tôi la lên rằng có tiêm kích MiG ở vị trí 6h (tức phía sau đuôi máy bay – ND).
“Lúc đó, chúng tôi đã thả hết thùng nhiên liệu cùng đạn bom và bắt đầu quẹo trái leo lên. Các máy bay MiG bắt đầu cắt qua đường bay của chúng tôi và cũng leo lên”.
Tiếp cận thật gần và nã pháo
Phi cơ của ông Bảy lúc đó được trang bị 3 pháo. Ông kể: “Tôi lượn vào phía sau chiếc Phantom. Kính ngắm của chúng tôi khá kém. Nên tôi phải bay sát vào cự ly 100-150m tính từ máy bay đối phương và khai hỏa. Tôi tính toán, điều chỉnh thông qua theo dõi các đường đạn dò đường”.
Buchanan nhớ đã nói với Robbie như thế này: “Anh ta đang bám sát đuôi chúng ta và có thể nổ súng bất cứ lúc nào!”.
Ông Bảy gióng lại đường bay, và lại nhả đạn. Ông nhìn thấy một chiếc bánh văng ra từ bên dưới cánh của chiếc F-4 và bay vút qua vòm kính của mình. Nhưng với Buchanan mọi thứ bỗng đen ngòm.
Buchanan nói: “Đó có thể là do lực G quá nhiều khiến máu bị rút khỏi mắt của tôi, tôi không chắc lắm. Mũ của tôi nảy lung tung. Tôi không thực sự nhớ rõ việc bung dù của mình. Cứ như mộng mị vậy. Tôi mơ màng kéo cần gạt giữa 2 chân để nhảy dù. Tôi có lẽ nghe thấy những tiếng bùm bùm, như thể vòm kính bị thổi bay. Rồi tôi cảm nhận các luồng gió. Kế đó dù tôi bung ra”.
Sau đó khi tiếp đất ở một ngôi làng nhỏ, Buchanan bị bắt và tiếp tục làm tù binh ở Việt Nam đến năm 1973.
Còn lúc đó, ông Bảy thoát ly khỏi khu vực máy bay Phantom bốc cháy rồi bay vòng lại để quan sát mục tiêu đã trúng đạn và phát hiện có một chiếc dù bung ra.
Trận đấu không cân sức giữa “David và Goliath”
Trong số 16 phi công của Không quân Nhân dân Việt Nam đạt đẳng cấp Ace, chỉ có 3 người (gồm ông Bảy và ông Chao) là lái tiêm kích MiG-17, 13 người còn lại lái máy bay MiG-21 hiện đại hơn. MiG-21 được trang bị radar và tên lửa tầm nhiệt và được coi là ngang cơ với F-4 và F-8 về độ cơ động và khả năng bứt tốc. Trong khi đó, MiG-17 cổ lỗ của thập niên 1950 khó kiểm soát khi xoay quanh trục dọc và trục ngang ở tốc độ cao, lại không được trang bị cả radar lẫn tên lửa. MiG-17 chỉ được trang bị 1 pháo 37mm và 2 pháo 23mm. Kính ngắm của tiêm kích này cũng không có radar tính khoảng cách nên ông Bảy phải dựa vào đạn dẫn đường để điều chỉnh đường ngắm. Ưu điểm của MiG-17 là khả năng quan sát tốt và tốc độ rẽ cực lớn nhưng máy bay này lại bị áp đảo về số lượng trước các phi cơ hiện đại hơn của Mỹ là Phantom, Crusader và Thunderchief.
Cuộc chiến trên không của Mỹ ở Việt Nam kéo dài từ năm 1965 đến 1973. Đối với một phi công MiG, bản thân việc sống sót trong gần 8 năm chiến tranh này đã là một kỳ tích, chưa nói đến chuyện bắn hạ hơn 5 máy bay đối phương để trở thành phi công ace.
Trận giao chiến đầu tiên của ông Bảy là vào ngày 6/10/1965. Ông bị một chiếc F-4 tấn công, chiếc này gần như chắc chắn là do phi công hải quân Mỹ Dan McIntyre lái. Tổ lái của chiếc F-4 đã phóng một tên lửa AIM-7D về phía MiG-17. Trong khi đó, ông Bảy nhớ một tên lửa nổ phía bên ngoài cánh bên trái của máy bay ông. “Tôi cảm nhận được sức nóng từ vụ nổ... Máy bay chúi xuống và bắt đầu rung”.
Nguyễn Văn Bảy lập tức ngoành máy bay về phía sân bay Nội Bài và cố gắng hạ cánh an toàn. Trên mặt đất, ông đếm được 82 lỗ thủng trên máy bay.
Ông Bảy nhớ lại: “Tôi cảm giác như mình là một võ sĩ quyền Anh hạng nhẹ cố gắng đấu với một võ sĩ hạng nặng. Chúng tôi bị áp đảo về số lượng, một chọi với 4 hoặc 5. Suy nghĩ của chúng tôi là phải cố gắng sống sót”.
Áp dụng lối đánh hiểm để khắc chế đối phương
“Tiêm kích Mỹ bay nhanh hơn chúng tôi”, ông Bảy nói. “Chúng tôi phải buộc chúng thực hiện động tác rẽ. Khi rẽ như vậy, tốc độ không còn là lợi thế của họ nữa. Chúng tôi có thể thay đổi trọng tậm của vòng tròn và bay tắt qua đường kính để đuổi kịp đối phương. Chúng tôi chỉ cần sử dụng góc phù hợp để cắt qua đường bay vòng của họ và khi ấy pháo của chúng tôi phát huy hiệu quả”.
Pháo của ông Bảy đã phát huy hiệu quả lần đầu tiên vào cuối tháng 4/1966. Khi mạng radar phát hiện máy bay Mỹ đang tiến đến các khu vực duyên hải Bac Son và Dinh Ca, một sĩ quan chỉ huy đã lệnh cho 4 phi cơ MiG-17 cất cánh để nghênh chiến, các phi cơ này do các phi công Bảy, Chao, Tran Triem và Hồ Văn Quỳ lái.
Ngay sau khi cất cánh, ông Bảy phát hiện 8 chiếc F-4. Một chiếc F-4 bay tản rộng ra khi đội hình này thực hiện rẽ. Nguyễn Văn Bảy cắt qua đường bay của chiếc F-4 và bay sát vào cự ly bắn. Ông Bảy nhớ lại: “Khi toàn thân chiếc F-4 đó đã choán chiếm kính chắn gió của tôi, tôi khai hỏa, và chiếc F-4 rụng xuống”./.
Kỳ 2:
Phi công Nguyễn Văn Bảy cùng đồng đội tả xung hữu đột với máy bay Mỹ
Trong cuộc chiến không cân sức với không quân Mỹ hùng hậu, có những lúc phi công Nguyễn Văn Bảy và đồng đội đã bị vây giữa đông đảo máy bay địch.
Mùa hè năm 1966, không quân Mỹ mở các cuộc không kích đều đặn nhằm vào Hà Nội, Hải Phòng và các trung tâm công nghiệp, quân sự ở miền bắc Việt Nam. Trong thời kỳ này về phía Việt Nam đã có sự tham chiến của các máy bay tiêm kích MiG-21.
Trong khi đó ông Nguyễn Văn Bảy lại bắn hạ thêm một máy bay Mỹ nữa (một chiếc F-105) vào tháng 6/1966.
Phi công Nguyễn Văn Bảy (bìa phải) và các đồng đội. Ảnh: Tư liệu. |
Phân tích thế mạnh của địch và ta
Suy nghĩ của phi công Nguyễn Văn Bảy và các đồng chí của mình về các máy bay Mỹ không ngừng xâm nhập bầu trời miền Bắc như sau: “Máy bay Mỹ được trang bị tốt. Vừa hiện đại hơn, lại vừa đông hơn. Chúng tôi đều ý thức được sức mạnh của họ. Nhưng điểm yếu của họ là bay từ xa tới. Tất cả bọn họ đều cảm thấy bị hàng ngàn cặp mắt theo dõi và bị hàng ngàn họng súng từ mặt đất chĩa vào. Họ không thể tập trung 100% sự chú ý vào máy bay của chúng tôi. Do vậy, chúng tôi thường phát hiện ra họ trước khi họ kịp phát hiện ra chúng tôi”.
Ông Bảy giải thích thêm về chiến thuật của mình với viên phi công Mỹ Ralph Wetterhahn khi ông này quay trở lại Việt Nam: “Điều quan trọng nhất là phải phát hiện địch đầu tiên, nhằm giành tốc độ và độ cao lớn hơn, để chiếm thế tốt hơn. Chúng tôi học nhiều bài học và nghiên cứu nhiều trận cận chiến trên không nổi tiếng trong Thế chiến 2 giữa phi công Liên Xô và Đức cũng như các trận không chiến ở Thái Bình Dương sử dụng máy bay cánh quạt và pháo. Ai nổ súng trước, bên đó giành chiến thắng”.
Lợi thế nữa của các phi công Không quân Nhân dân Việt Nam trong việc phát hiện đối phương là sự trợ giúp từ các hệ thống radar đánh chặn kiểm soát mặt đất (GCI) bố trí ở ngoại thành Hà Nội và gần với bờ biển sát Hải Phòng. Radar cung cấp cho các sĩ quan dẫn đường một bức tranh về các trận không chiến diễn ra dần. Sĩ quan kiểm soát mặt đất ra lệnh cất cánh và ngăn tên lửa đất đối không (SAM) của Việt Nam không bắn vào máy bay của không quân Việt Nam. Họ là người ra quyết định cuối cùng về việc có tung máy bay vào trận hay không.
Tuy nhiên trong lúc chiến đấu ác liệt và phức tạp , đôi lúc dẫn đường cũng bị nhầm lẫn, dẫn tới tình trạng tên lửa SAM được phóng lên và nổ sát máy bay Việt Nam khiến phi công phải nhảy dù.
Đánh nhanh diệt gọn trong 45 giây
Vào ngày 5/9/1966, sĩ quan kiểm soát mặt đất Lê Thành Chơn dẫn đường cho phi công Nguyễn Văn Bảy và số 2 Võ Văn Mẫn xuất kích từ sân bay Gia Lâm vào lúc 16h hướng tới một mục tiêu chưa rõ về phía nam. Trong lúc bay, ông Bảy phát hiện một phi đội cường kích A-4 đang bay khỏi một cây cầu bốc khói. Ngay phía trước mặt ông, ông phát hiện 2 chiếc F-8 đang tiếp cận A-4 từ bên phải một đám mây tích lớn hướng về nơi mà cả phi công Bảy và Mẫn đang bay tới.
Các máy bay MiG liền vứt bỏ thùng nhiên liệu phụ để chuẩn bị tác chiến.
Ông Bảy nói: “Máy bay F-8 hướng về phía A-4 và chiếm lĩnh vị trí phía sau để hộ tống chúng rời khỏi mục tiêu”. Toàn bộ đám máy bay Mỹ này bắt đầu di chuyển xung quanh gờ phía trái của đám mây.
Sĩ quan Chơn phát hiện tất cả các diễn biến này trên radar GCI. Ông ra lệnh cho ông Bảy tiếp tục bay về phía trước, lướt qua cạnh bên phải của đám mây và cho phép ông Bảy giao chiến.
Ông Bảy kéo cần lái thoát ly rồi cơ động cho luồng đạn thứ 3 thì thấy phi công F-8 nhảy dù còn máy bay F-8 rơi xuống. Trận chiến kéo dài 45 giây”.
Giữa vòng vây của máy bay địch
Vài tuần sau đó, vào ngày 21/9/1966, phi công Nguyễn Văn Bảy gặp khó khăn lớn. Ông Bảy được kiểm soát dẫn đường tới mục tiêu cách biên đội của ông 16km. Biên đội gồm 4 máy bay do ông Bảy dẫn đầu. Sau khoảng 7 phút, ông Bảy nhìn thấy 2 phi cơ F-105 ở độ cao 3-4km. Ông Bảy nghiêng cánh đuổi theo mục tiêu. Biết rằng máy bay Thunderchief thường bay theo phi đội 4 chiếc, ông Bảy nhìn khắp bầu trời để tìm những chiếc còn lại. Thường thì dễ phát hiện máy bay này nhưng lần đó ông không thấy cái nào khác cả. Thế là ông yên tâm để cho số 2 trong biên đội, Đỗ Huy Hoàng, thực hiện tấn công một trong 2 chiếc F-105 bị phát hiện. Chiến thuật của không quân Việt Nam linh hoạt cho phép số 2 độc lập tác chiến khi điều kiện cho phép.
Phi công Hoàng bay giãn rộng ra bên trái, gióng về phía sau chiếc F-105 thứ hai và cùng với ông Bảy đợi các “con mồi” thực hiện rẽ.
Nhưng lúc đó, ngay phía sau chiếc F-15 đi đầu là 2 máy bay Mỹ do các phi công Karl Richter và Ralph J. Beardsley điều khiển. Các máy bay này bay rất thấp nên không bị radar GCI phát hiện.
Trong lúc chiếc F-105 đi đầu tìm các bãi tên lửa SAM để tấn công thì hai phi công còn lại chuẩn bị nối đuôi tấn công mục tiêu.
Và cũng khi đó, Richter phát hiện ra 2 chiếc MiG, cách ông ta khoảng 2,4-3,2km. Richter đã chớp cơ hội để nhả đạn 20mm liên hồi với tốc độ 100 viên/giây vào máy bay MiG.
Máy bay của phi công Hoàng trúng đạn. Ông Hoàng bình tĩnh cố gắng giữ thăng bằng cho máy bay. Richter nhả đạn một lần nữa. Lần này thì máy bay của ông Hoàng bắt đầu vỡ tung. Phi công Hoàng bị đau ở sườn và lưng. Ông cố với tay đến cần gạt bật dù, nằm ở giữa 2 chân.
Đúng lúc Richter hết đạn thì cánh phải của máy bay MiG do ông Hoàng lái bung ra. Khi Richter vọt lên để tránh mảnh vỡ thì ông ta thấy phi công MiG đã nhảy dù. Thế rồi 2 chiếc F-105 bay vút đi với tốc độ nhanh.
Cùng lúc đó, một phi đội F-4 lâm chiến. Một mình phi công Nguyễn Văn Bảy phải tránh hết quả tên lửa này đến tên lửa khác. Ông Bảy phải ngoặt đột ngột liên lục để vô hiệu hóa các đòn tên lửa của đối phương nhưng điều này lại khiến máy bay của ông mất độ cao và cạn nhiên liệu.
Ông Bảy nhớ lại: “Tôi có thể tránh được tên lửa, nhưng trong một tình thế rất khó khăn. Nhiên liệu gần hết. Ban đầu tôi định nhảy dù nhưng khi xuống thấp hơn tôi đột nhiên thấy máy bay Mỹ bay đi. Sau đó tôi thấy Võ Văn Mẫn ở phía trước tôi. Tôi bay theo Mẫn hạ cánh an toàn”.
Trong khi đó phi công Hoàng hạ cánh trên một cánh đồng lúa và bị thương, không đi được. (Sau này khi hồi phục, ông chuyển sang lái MiG-21).
Sau đó trong 4 tháng đầu năm 1967, Nguyễn Văn Bảy bắn hạ thêm 3 máy bay Mỹ nữa và nâng tổng số máy bay Mỹ bị ông bắn rơi lên thành 7 chiếc. Tiếng tăm ông nổi lên như cồn. Ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh quý mến và thường được dùng cơm với lãnh tụ./.
(Còn nữa)