Phóng sự

Bi hài những lão nông bị 'dính' lừa qua mạng xã hội

15:18, 14/10/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Rất nhiều "tín đồ" mạng xã hội là những ông bà nông dân chính hiệu, mới tập tành làm quen với công nghệ nên dễ dàng lọt vào ma trận lừa đảo qua các hình thức "tặng quà, tri ân". Các hình thức lừa đảo kiểu này ngày càng tinh vi, đánh vào tâm lý "miễn phí" của đa số người nông dân. Sau cùng, nạn nhân phải ngậm đắng nuốt cay mất tiền cho một loại phí cứng gọi là "phí vận chuyển" để được miễn phí một món hàng rẻ rúng, kém chất lượng.

"Ma trận" lừa đảo

Ông Lê Văn Huynh (65 tuổi, ngụ Cai Lậy, Tiền Giang) cả đời chân lấm tay bùn nào biết đến mạng xã hội là gì. Năm ngoái, con trai ông đi xuất khẩu lao động bên Nhật Bản gửi về tặng một chiếc điện thoại "xịn" để hai ba con nói chuyện qua video không mất tiền.

Thích thú với món quà, ông Huỳnh đi khoe khắp làng. Hễ rảnh việc đồng áng là ông ôm lấy chiếc điện thoại "khám phá". Cháu ông lập cho một tài khoản Facebook, ông bấm kết bạn tứ tung và ai kết bạn ông cũng đồng ý, thậm chí cả những người nước ngoài lạ hoắc.

Cơ quan Công an bắt giữ các đối tượng lừa đảo qua Facebook.
Cơ quan Công an bắt giữ các đối tượng lừa đảo qua Facebook.

Một ngày đẹp trời, ông Huynh phát hiện trên "tường" Facebook của mình có một dòng tin nhắn "tri ân khách hàng" với quà tặng là chiếc vòng cổ có đính hạt ngọc trai chính hiệu. Nội dung tin nhắn ghi rõ: "Hàng quý hiếm, chỉ tặng không bán, số lượng có hạn". Ông Huynh mừng muốn rơi chiếc điện thoại đang cầm trên tay. Ông gọi giật đứa cháu đang học bài, bắt nó nhắn lại cho người ta để cảm ơn và cung cấp thông tin nhận quà.

Phản hồi được chừng 10 phút, ông Huynh nhận được cuộc gọi giới thiệu là nhân viên của công ty có quà tặng. Họ lấy thông tin chi tiết của ông Huynh rồi căn dặn vài hôm nữa bưu điện sẽ chuyển hàng tới cho ông và khẳng định không hề mất một đồng phí nào.

Hai ngày sau, nhân viên bưu điện gọi cho ông Huynh ra nhận quà và mang theo 720 ngàn tiền phí vận chuyển cộng thuế. Ông Huynh ngớ người, rõ ràng công ty nói không phải mất đồng nào. Nhân viên bưu điện giải thích, họ chỉ biết thu từng ấy tiền phí, nếu ông không nhận bưu điện sẽ trả lại bên giao.

Vợ chồng ông Huynh nhìn nhau, thở dài rồi nghĩ, bỏ ra có mấy trăm ngàn mà được chiếc vòng cổ trị giá mấy chục triệu thì bõ bèn gì. Thế là hai ông bà quyết định đi lấy hàng. Ký nhận và giao tiền phí tại bưu điện, ông Huỳnh hồi hộp ôm gói quà về mở ra thì hỡi ơi, một chiếc vòng gỗ, đính vài hạt ngọc trai nhựa, gắn thêm tấm mặt Phật bằng nhựa màu xanh, trị giá chỉ khoảng 30 ngàn đồng.

Những tin nhắn tặng quà, trúng thưởng từ mạng xã hội khiến nhiều nạn nhân
Những tin nhắn tặng quà, trúng thưởng từ mạng xã hội khiến nhiều nạn nhân "sập bẫy".

Ông Huynh tức tối gọi điện cho nhân viên công ty hỏi cho ra nhẽ thì số máy đã tắt. Ôm nỗi nhục bị lừa, ông Huynh không dám kể cho con trai biết.

Sau cú lừa tức anh ách, ông Huynh chơi Facebook cẩn trọng hơn. Ông cảnh giác với tất cả các tin nhắn quảng cáo, rao giảng trên "tường" của mình nhưng tin nhắn qua Messenger thì lại hoàn toàn mới mẻ với ông Huynh.

Lại một ngày vào khoảng tháng 7 năm 2019, ông Huynh nhận được tin nhắn "chúc mừng sinh nhật" kèm phần quà là một chiếc quạt hơi nước. Rút kinh nghiệm cú lừa lần trước, ông Huynh chưa vội tin mà cẩn thận thẩm tra thật kỹ. Ông qua nhà hàng xóm tham khảo ý kiến của ông Tư, là bạn vong niên và bạn Facebook.

Ông Tư vỗ đùi khoái chí: "Cái này là thật rồi, không ai lừa đảo mà lại nhắn tin kiểu này". Được lời như cởi tấm lòng, ông Huynh lọ mọ nhắn tin trao đổi qua lại với "người tặng quà". Cũng như lần trước, ông Huynh cung cấp địa chỉ, số điện thoại của mình. Ngay lập tức, một giọng nữ gọi cho ông thông báo buổi chiều nay sẽ có người giao tận nhà cho ông. Cô này nhắc đi nhắc lại, quà tặng mừng sinh nhật hoàn toàn miễn phí nên ông Huynh không còn gì phải bận tâm.

Chiều đến, một nam thanh niên chở kiện hàng gói cẩn thận tới nhà ông Huynh và xin 900 ngàn tiền phí vận chuyển. Ông Huynh liên tưởng đến lần lừa đảo trước đó nên không chịu giao tiền. Nhân viên nói, quà thì công ty miễn phí còn phí vận chuyển thì người nhận phải trả, hơn nữa đơn hàng có giá trị cả chục triệu đồng nên phí từng đó là phải.

Nếu ông không nhận thì họ sẽ chở về. Nhìn thùng quà to vật vã, liên tưởng đến chiếc quạt hơi nước mát rượi mùa nóng làm ông Huynh xốn xang tiếc nuối. Vừa lúc đó thì ông Tư chạy qua, tận mắt nhìn thấy thùng quà, ông Tư khích luôn: "Quà về  tận nhà ông còn do dự gì nữa, cái này là thật đấy".

Ông Huỳnh nháy mắt vợ vào nhà lấy tiền nộp để nhận quà. Nhân viên giao hàng vụt đi, quà hiện ra trước mắt vợ chồng ông Huynh là một chiếc quạt bình thường như bao chiếc quạt khác, làm gì có sương và nước ở đây. Chiếc quạt người ta bán đầy ở chợ, có giá 250 ngàn đồng. Ông Huynh nhìn ông Tư, méo mồm không nói được lời nào. 

Có lẽ, không có hành trình lừa đảo nào lại dễ lấy lòng tin của người nông dân khi chỉ bằng một thông báo được phát lên tường Facebook. Theo tìm hiểu của chúng tôi, thì để có được những thông báo gắn trên tường của người dùng mạng xã hội, đối tượng sẽ tạo một hộp box tự động chứa các thông tin.

Bằng một khoản chi trả quảng cáo, các kênh bán hàng này sẽ được nhận một danh sách khách hàng phù hợp. Hiện, rất nhiều "tín đồ" Facebook là những ông bà nông dân chính hiệu, mới tập tành làm quen với công nghệ nên dễ dàng "vào tròng" lừa đảo qua các hình thức "tặng quà, tri ân".

Các hình lừa đảo kiểu này ngày càng ma mãnh, đánh vào tâm lý "miễn phí" của đa số người nông dân. Sau cùng, nạn nhân phải ngậm đắng nuốt cay mất tiền cho một loại phí cứng gọi là "phí vận chuyển" để được miễn phí một món hàng rẻ rúng, kém chất lượng.

Đá phong thủy nhặt ngoài đường

Đánh vào tâm lý sùng tín ngưỡng của một bộ phận các ông bà ở miệt vườn, đối tượng lừa đảo nghĩ ra trăm phương ngàn kế chiêu dụ, gạ gẫm tặng quà là các mặt hàng phong thủy. Sau khi thám thính kỹ lưỡng sở thích, tính cách của chủ nhân Facebook thông qua các staturs, đối tượng tiến hành tung mồi nhử, rất nhiều nạn nhân đã nuốt trọn món quà tặng chỉ là một viên đá nhặt ở ngoài đường.

Tin nhắn “tặng quà” sinh nhật gửi cho ông Huynh.
Tin nhắn “tặng quà” sinh nhật gửi cho ông Huynh.

Bà Lê Thị Tám (60 tuổi, ở Bến Cát - Bình Dương) rất thích đá phong thủy. Bà Tám thường xuyên chia sẻ ảnh đá lên trang facebook của mình, cùng với các comment trao đổi giữa bạn bè với nhau. Nắm được sở thích này, đối tượng nhắn tin làm quen với bà Tám, giới thiệu là thầy phong thủy. Sau một hồi lân la, "thầy" gửi hình ảnh các loại đá phong thủy vô cùng hấp dẫn, đủ chủng loại, màu sắc nhằm "rửa mắt" bà Tám.

"Thầy" còn hào phóng xem cho bà Tám một quẻ công danh sự nghiệp qua màu sắc của viên đá. Bà Tám mê đắm đuối, tin sái cổ "thầy" phong thủy trên facebook. Hôm sau, "thầy" nhảy vào hỏi thăm rồi vui vẻ gửi tặng bà Tám tấm ảnh viên đá phong thủy đúng với "gu" của bà. "Thầy" nhắn: "Viên đá này sinh ra để dành cho chị. Nó không thể dùng tiền hay bạc vàng để mua được, chỉ có thể là tình yêu mà thôi".

Bà Tám ái ngại, nói sẽ mua vì không thể nhận quà của một người chưa biết mặt. Tuy nhiên, "thầy" phong thủy quả quyết không lấy tiền. Sau một hồi cò cưa, cuối cùng bà Tám cũng đồng ý nhận món hàng của "thầy" với sự hàm ơn không sao tả xiết.

Ngày hôm sau, nhân viên giao hàng liên hệ với bà Tám và chở cục đá tới tận nhà. Cũng như bao trò lừa đảo khác, nhân viên "xin" bà Tám 1,2 triệu tiền phí vận chuyển. Bà Tám lúc này vẫn u mê, nghĩ được tặng cả cục đá vô giá như thế mà có 1,2 triệu tiền công thì nhằm nhò gì. Bà hào phóng rút ra 1,5 triệu cho luôn anh giao hàng.

Mở hộp quà ra, bà Tám giật mình khi phát thấy cục đá xám ngắt, không hề mượt mà lung linh, lóng lánh có vầng hào quang như tấm ảnh "thầy" phong thủy gửi cho.

Bà Tám điên tiết nhắn tin chửi một tràng dài cho "thầy" phong thủy nhưng lần này nick chát của "thầy" đã tắt đèn và không bao giờ phản hồi nữa.       

Chuyên gia nghiên cứu phong thủy, Tiến sĩ Lê Văn Tuấn nhìn nhận: "Hiện nay, một bộ phận người lớn tuổi ở các vùng quê rất quan tâm đến phong thủy. Vấn đề này xuất phát từ công việc làm nông, trồng cây cảnh, trông hướng, nhìn trời dự báo thời tiết cũng như vận hạn mùa màng. Những kẻ lừa đảo nếu không đánh vào tâm lý này của nông dân thì làm sao kiếm được tiền.

Đôi khi chỉ một hòn đá nhặt ở dưới suối về, họ vẽ thêm vài họa tiết nữa là thành đá phong thủy, rồi lùng sục đối tượng để làm quen. Thường thì những vật liên quan đến phong thủy đều không có giá, nó phụ thuộc vào sở thích của từng người.

Có thể lên tới hàng tỷ đồng một viên đá nhưng cũng chỉ là vật tặng cho, biếu không. Vì vậy, người nông dân cần rất cảnh giác với các đối tượng tự xưng thầy phong thủy kết bạn làm quen. Thầy phong thủy thật sẽ chẳng bao giờ lang thang trên mạng xã hội gạ gẫm người khác".

Sau hàng loạt cú lừa ngoạn mục qua mạng xã hội, rất nhiều lão nông đã tỉnh ngộ, cảnh giác cao độ. Tuy nhiên, với trình độ hiểu biết về công nghệ của những người này còn hạn chế trong khi các chiêu thức lừa đảo thì ngày càng tinh vi, biến hóa khôn lường của các đối tượng sử dụng thuần thục mạng xã hội, thiết nghĩ sẽ vẫn còn những nạn nhân tiếp theo "sập bẫy", vấn đề chỉ là hình thức nào mà thôi.

Nguồn: Ngọc Thiện/Báo Công an nhân dân

Các tin khác