Phóng sự
Chuyện bên lề cuộc truy lùng nhóm lừa đảo hàng chục tỷ đồng qua Facebook
Công an TP Vinh, tỉnh Nghệ An vừa triệt phá băng chuyên lừa đảo người chơi Facebook do Nguyễn Hữu Tiến (SN 1995, trú khu phố 1, phường 2, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) cầm đầu. Bước đầu Cơ quan điều tra đã làm rõ có hàng chục người bị chúng lừa đảo, trong đó có nạn nhân bị chiếm đoạt trên 500 triệu đồng...
Lần theo những lá đơn tố cáo
Đầu năm 2018, Công an TP Vinh liên tục nhận được nhiều đơn tố cáo của quần chúng nhân dân trên địa bàn về việc họ bị nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua tài khoản mạng xã hội Facebook.
Từ những thông tin trên, Công an TP Vinh tiến hành vào cuộc xác minh, điều tra thì phát hiện, những đối tượng lừa đảo không chỉ người Nghệ An mà còn liên quan đến một số tỉnh, thành khác. Việc chuyển tiền đều thông qua dịch vụ Internet Banking. Cụ thể là các đối tượng hack Facebook chiếm đoạt mật khẩu rồi nhắn tin cho người thân, bạn bè chủ tài khoản đó để hỏi mượn tiền.
13 đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo qua mạng xã hội bị Công an TP Vinh tạm giữ. |
Hầu hết người bị hại sau khi nhận được tin nhắn đã nhẹ dạ, cả tin đồng ý chuyển khoản cho tài khoản ngân hàng mà nhóm đối tượng mua trôi nổi trên internet.
Khi tiền được chuyển vào tài khoản ngân hàng, số tiền chiếm đoạt được sẽ được chuyển qua nhiều tài khoản khác, thậm chí vào các tài khoản game để mua tiền ảo rồi bán đi để lấy tiền thật. Hoặc cho những chân rết khác đến ngay các cọc ATM rút ngay tiền trước khi bị hại phát giác.
Sau khi tập kết được tiền, các đối tượng mới bắt đầu “ăn chia”, chia cho những đối tượng đi rút tiền 5%, nhóm đứng trung gian (nhóm “rửa riền”) 10%, số còn lại chuyển cho nhóm chuyên hack Facebook.
“Khi biết mình bị lừa đảo lấy cả trăm triệu, lúc đó tôi mới tá hỏa ra thì đã muộn. Bởi nó hiểu về tôi như bạn thân của tôi vậy, nói vanh vách về bạn bè, người thân trong gia đình. Trước khi hỏi vay tiền tôi, hoặc bạn tôi, nó thường nhắn tin trước. Tôi nghĩ “bạn” bè nó làm ăn cần tiền nên mới hỏi mình vay nóng chẳng lẽ không giúp… có ngờ đó là tên lừa đảo sánh vai là bạn mình”,một bị hại nói.
Từ trái qua phải: đối tượng Tiến cầm đầu vụ lừa đảo và hai đồng phạm tích cực của Tiến. |
Sau khi lập chuyên án, quá trình điều tra, thu thập các tài liệu, Ban chuyên án đã dựng lên được chân dung băng lừa đảo này là một nhóm thanh niên đều trú tại tỉnh Quảng Trị và đã hoạt động chuyên nghiệp từ nhiều năm nay.
Trung bình mỗi ngày, nhóm đối tượng lừa đảo khoảng 50 tài khoản Facebook ở bất cứ tỉnh thành nào trên cả nước, thậm chí cả người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài.
Bằng kiến thức hiểu biết về công nghệ, các đối tượng vào phần tin nhắn của chủ tài khoản của bất kỳ ai đó, nghiên cứu, tìm hiểu kỹ chủ tài khoản thường tâm sự nói chuyện thân quen với ai, có mối quan hệ thế nào rồi từ đó nhắn tin vay tiền. Mỗi vụ lừa đảo chúng chiếm đoạt với số tiền trung bình từ 50 - 100 triệu đồng, nhưng cũng có một số trường hợp hơn 500 triệu đồng.
Phá án
Sau một thời gian điều tra, Ban chuyên án có đủ tài liệu chứng cứ xác định, nhóm thanh niên thực hiện hành vi lừa đảo gồm 13 đối tượng đều trú tại tỉnh Quảng Trị, trong đó Nguyễn Hữu Tiến (SN 1995, trú khu phố 1, phường 2, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) là đối tượng cầm đầu trong các vụ lừa đảo trên.
Tuy nhiên, khi các trinh sát có mặt tại Quảng Trị thì biết Tiến vắng mặt tại địa phương từ nhiều tháng nay, thi thoảng có ghé về nhà rồi đi đâu không rõ. Kế hoạch vây ráp các đối tượng khác cũng được triển khai. Hơn chục trinh sát trong Ban chuyên án được giao nhiệm vụ lần đến các địa chỉ nơi cư trú từng đối tượng một, nhưng đều không có kết quả vì tất cả các đối tượng không có mặt tại địa phương.
Tiền mặt và các dụng cụ, tài liệu liên quan. |
“Việc tìm ra thủ đoạn, danh tính nhóm đối tượng là cả một quá trình vất vả. Nhưng việc định vị xác định nhóm đối tượng đang ở đâu cũng là cả một vấn đề không đơn giản chút nào. Để hạn chế hậu quả mà nhóm đối tượng có thể tiếp tục gây ra cho người khác, chúng tôi quyết định áp dụng đồng bộ các biện pháp mở rộng địa bàn hoạt động. Ban chuyên án cũng nhận định, 13 đối tượng hiện đang lẩn trốn tại một địa phương nào đó, tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo. Từ nhận định trên, chúng tôi bố trí các trinh sát có mặt tại Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Thừa Thiên- Huế, trong đó Đà Nẵng được xác định nhiều khả năng bọn chúng đang ẩn dật tại đây” - Trung tá Nguyễn Hữu Cường, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Phó trưởng Công an TP Vinh, Trưởng Ban chuyên án nhận định như vậy.
Cho đến cuối tháng 4-2019, Ban chuyên án phát hiện các đối tượng này “dời đô” tập trung về TP Đà Nẵng để tiếp tục hành vi lừa đảo. Kế hoạch bắt nhóm đối tượng được triển khai chi tiết, cụ thể, trong đó có phương án đề phòng các đối tượng manh động, sử dụng hung khí để tẩu thoát cũng được vạch ra.
Khi màn đêm vừa buông xuống, 4 mũi trinh sát đã nhanh chóng áp sát mục tiêu, đồng loạt ập vào các phòng trọ và khách sạn bắt giữ 13 đối tượng, trong đó có 3 đối tượng vừa chiếm được tài khoản Facebook và đang lừa một người phụ nữ ở địa phương khác và người này đã chuyển 50 triệu đồng cho bọn chúng.
Tiến hành khám xét nhà trọ và khách sạn nơi các đối tượng lưu trú, thu giữ được 750 triệu đồng tiền mặt, nhiều ổ cứng, máy vi tính, điện thoại, thẻ ATM… để phục vụ hoạt động lừa đảo và 8 viên hồng phiến. Cơ quan chức năng đang tiếp tục trích xuất các thẻ ATM của các đối tượng để xác định thêm số tiền chiếm đoạt của các bị hại.
Trong 13 đối tượng đang bị Công an TP Vinh tạm giữ hình sự thì Nguyễn Hữu Tiến (SN 1995, trú khu phố 1, phường 2, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) là sinh viên. Các đối tượng còn lại đều không có nghề nghiệp ổn định. Phần lớn số tiền các đối tượng chiếm đoạt được dùng để mua sắm cá nhân và ăn chơi trác táng.
Qua đấu tranh ban đầu, Tiến thừa nhận là đối tượng có vai trò cầm đầu vụ án. Tiến không có nghề nghiệp ổn định, nhưng qua kiểm tra trong máy điện thoại và máy tính của Tiến thì phát hiện có gần 400 tài khoản đã bị đối tượng này hack. Và lượng tiền chuyển khoản giao dịch lên đến 10 tỷ đồng.
Bước đầu, Cơ quan điều tra nhận định, nhóm này đã chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng sau thời gian dài hoạt động phạm tội tại một số tỉnh, thành phố và nạn nhân của bọn chúng rất nhiều, có cả trong và nước ngoài. Thủ đoạn của nhóm này là lên mạng xã hội, phá mật khẩu Facebook người khác rồi tìm các quan hệ giữa chủ Facebook với những người khác thông qua các tin nhắn trò chuyện.
Sau đó, chúng chiếm quyền sử dụng bằng cách thay đổi mật khẩu rồi dựng lên màn kịch vay tiền, mượn tiền với nhiều lý do. Khi nạn nhân chuyển tiền, các đối tượng này nhanh chóng chuyển qua tài khoản khác, mua tiền ảo hoặc cử chân rết hóa trang thành dân lái xe taxi đi đến các cây ATM rút hết tiền trước khi bị hại tỉnh ngộ.
Lá thư đẫm nước mắt của người cha
Có mặt tại nhà thăm hỏi phạm nhân Công an TP Vinh, tôi bất ngờ khi gặp gần chục người là ông nội, bố mẹ, anh chị của 13 đối tượng vừa bị bắt mang theo hoa quả, đồ sinh hoạt cá nhân ký gửi cho con em đang bị tạm giữ hình sự tại đây. Trong số đó có người đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, khi hay tin đứa cháu đích tôn bị bắt, cũng không quản đường xá xa xôi có mặt tại TP Vinh.
Từ Quảng Trị ra thăm con trai đang bị tạm giữ tại đây, vợ chồng ông H xin gửi một bức thư viết vội trên trang giấy nhòe nước mắt: “Gửi con trai của ba má. Ba má đang ngồi cách con chỉ hai chục mét, trước mặt là bức tường ngăn cách của pháp luật. Bức tường này đồng nghĩa với việc ngăn cách con đường đi tới giảng đường của con mỗi ngày. Con là sinh viên, được ăn học, được mọi người yêu thương, chăm lo từng li từng tý, vậy làm sao mà con lại vào ngồi ở đây, làm sao mà ba má lê nổi những bước chân rời khỏi nơi đây ra về.
Từ hôm hay tin con bị bắt, mấy đêm liền ba đâu chợp mắt ngủ. Phần vì thương con, phần vì buồn với bà con lối xóm. Có kẻ bạo miệng bảo là con hư tại mẹ…con hiểu được tâm trạng của ba má khổ tâm dường nào không? Chỉ còn mấy tháng nữa là con tốt nghiệp ra trường, đó là điều mong đợi, mong muốn của ba má, của người thân, sau bao nhiêu năm nuôi con ăn học…Vậy mà con đã đi ngược lại những gì mà mọi người đang mong đợi…
Ba dự định dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 này ba sẽ đưa mẹ con vào thăm đồng đội của ba, thăm chiến trường xưa của ba để các con thấy được ba và đồng đội của ba đã phải đổ một phần xương máu nơi chiến trường ấy như thế nào… phải sống những ngày dưới mưa bom, đạn lửa như thế nào…Vậy mà giờ đây ba phải ngồi đây với một tâm trạng buồn, đau hơn cả vết thương bom đạn thời chiến…”.
Giờ đây khi đọc được lá thư này, có thể đứa con ông sẽ ân hận, nhưng tất cả đã quá muộn.
Nguồn: ANTG/Báo CAND