Phóng sự
Báo động đỏ bạo lực học đường
10:59, 03/05/2019 (GMT+7)
Theo thống kê của ngành Công an, trong một năm có khoảng 2.000 vụ bạo lực học đường, trong đó hơn 53% số vụ xảy ra trong trường học. Điều đáng nói, ngành Giáo dục không nắm được dữ liệu về bạo lực học đường.
Trong một nghiên cứu mới đây về Đề tài Bạo lực học đường - một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia, PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Trinh, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, tình trạng bạo lực học đường (BLHĐ) ở Việt Nam xảy ra ngày càng thường xuyên hơn, mở rộng đối tượng bị bạo lực và gây bạo lực.
Số liệu thống kê năm 2012 cho thấy tình trạng BLHĐ ở Việt Nam đã tăng gấp 10 lần so với 10 năm trước đó.
Một báo cáo về BLHĐ do UNESCO thực hiện ở Việt Nam năm 2014 - 2015 cũng cho thấy, hơn một nửa (51,9%) số học sinh tham gia khảo sát (2.636 em) cho biết là đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực trong vòng 6 tháng trước cuộc khảo sát.
Theo thống kê của ngành Công an, trong một năm có khoảng 2.000 vụ BLHĐ, trong đó hơn 53% số vụ xảy ra trong trường học. Điều đáng nói, ngành Giáo dục không nắm được dữ liệu về bạo lực học đường.
Vụ 5 nữ sinh đánh bạn dã man ở Hưng Yên đến nỗi bạn phải nhập viện tâm thần chưa hết gây phẫn nộ, bàng hoàng trong dư luận thì lại đến vụ học sinh đánh bạn ở Nghệ An, rồi mới đây nhất là 8 em học sinh ở Vĩnh Long đánh bạn ngất xỉu phải cấp cứu ở bệnh viện... nói lên một thực trạng đau lòng về vấn đề bạo lực tuổi học trò. Liệu rằng, gia đình, nhà trường, xã hội sẽ phải làm gì để ngăn chặn tình trạng này?
Ảnh hưởng của các vụ bạo lực không dừng ở phạm vi hẹp mà nhanh chóng lan rộng qua việc quay và phát tán clip trên mạng xã hội với cảnh đánh nhau rất kinh hoàng không chỉ giữa học sinh nam với nhau, mà gần đây các nhóm học sinh nữ cũng thể hiện các hành vi bạo lực một cách tàn bạo, man rợ, ai xem cùng phải khiếp đảm.
Tình trạng học sinh đánh bạn ngày càng nhiều, nghiêm trọng phần nào bộc lộ các vấn đề cơ bản, như gia đình bỏ rơi giáo dục con cái, nhà trường thầy cô còn thờ ơ, chưa thực sự quan tâm sát sao đến học sinh. Cả gia đình và nhà trường chưa hiểu con em mình, nhất là sự phát triển tâm sinh lý của các em tronng những độ tuổi có nhiều thay đổi.
Các kết quả nghiên cứu cho thấy, thành tố quan trọng trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện ở cơ sở giáo dục đó chính là mối quan hệ lành mạnh và tôn trọng lẫn nhau giữa người dạy, người học, người lớn làm việc với trẻ em, thông qua việc hình thành kết nối cảm xúc tích cực và hỗ trợ giữa các thành viên trong nhà trường.
Thực tế hiện nay, mặc dù học sinh là đối tượng bị bạo lực, hoặc đối tượng gây ra bạo lực, nhưng các em lại không được coi là trung tâm trong giải quyết BLHĐ vì thông thường khi sự việc xảy ra, người lớn giải quyết vấn đề là chính, gạt các em sang một bên. Thậm chí trong nhiều trường hợp, trẻ em bị bỏ mặc.
Hiện nay, chưa có được sự phối hợp chặt chẽ của 3 lực lượng giáo dục cơ bản: Nhà trường - gia đình - cộng đồng. Trong đó quan trọng nhất là yếu tố gia đình. Nhiều gia đình cha mẹ bận công việc làm ăn, gần như phó mặc con cho nhà trường, xã hội. Phụ huynh không có khả năng kiểm soát những gì con tiếp xúc hàng ngày, trên mạng xã hội, phương tiện giải trí.
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội phân tích: “Hiện nay, học sinh đang bị ảnh hưởng nhiều từ mạng xã hội, từ hành vi của người lớn nên nhiều em có những hành vi quá mức cần thiết. Ngoài ra, các em đã không được giáo dục đầy đủ từ phía gia đình và nhà trường. Vấn đề quản lý giáo dục của nhà trường và gia đình chưa thực sự hiệu quả. Nhiều gia đình có tâm lý "trăm sự nhờ thầy cô, trăm sự nhờ nhà trường", còn ở trường, vai trò của giáo viên chủ nhiệm chưa được chú trọng. Việc dạy học trò không phải chỉ là quát mắng, mà phải tâm sự, chia sẻ, do đó, giáo viên chủ nhiệm phải có kỹ năng đàm phán, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng về giáo dục tâm lý”.
PGS.TS Trần Thành Nam còn có một lý giải khác, rằng nguyên nhân khác dẫn đến BLHĐ là cha mẹ cũng sử dụng bạo lực. Nhiều bậc làm cha mẹ cũng không kiểm soát được hành vi của mình vô hình trung trẻ con bắt chước. Ngoài ra, cha mẹ không tạo được sợi dây tình cảm gắn kết với con, vì vậy làm cho các con cảm thấy bất an. Trong nhiều gia đình hiện đại, bữa cơm cuối ngày thường không đủ các thành viên, bố mẹ không nhất quán trong dạy bảo con dẫn đến tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.
Ảnh minh họa |
Cha mẹ bỏ mặc hoặc kỷ luật quá khắc nghiệt đều có thể dẫn đến hành vi bạo lực của con cái. Đặc biệt hiện nay trẻ bị ảnh hưởng quá nhiều từ mạng xã hội. Cha mẹ cần phải nhìn thấy trách nhiệm mình trong việc quản lý các kênh truyền thông có thể tác động tiêu cực đến con cái. Phải kiểm soát được phim ảnh con xem có nội dung bạo lực hoặc nội dung không phù hợp. Phải hiểu rõ tác động của mạng xã hội đối với con mình.
Để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng BLHĐ gia tăng hiện nay, rất cần sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các ngành các cấp, các tổ chức đoàn thể xã hội để xây dựng các môi trường giáo dục nhà trường, môi trường gia đình và môi trường xã hội lành mạnh, tạo điều kiện cho học sinh phát triển hài hòa thể chất, trí tuệ, tâm hồn và đạo đức. Bộ GD&ĐT cần chỉ đạo các Sở GD&ĐT và các cơ sở giáo dục tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, thông qua giảng dạy tích hợp các môn học.
Ngoài việc giáo dục gia đình cần được khái niệm lại, nghĩa là các bậc phụ huynh nghiêm túc nhìn nhận việc dành thời gian cho con, gần gũi con, thì ở khía cạnh quản lý nhà nước cũng phải có những thay đổi phù hợp. Như cấm không bán các chất kích thích, thuốc lá, rượu bia cho các em ở độ tuổi này. Thêm vào đó, cần có những địa điểm, cơ sở vui chơi, giải trí phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, mạng xã hội đang ngày càng có những ảnh hưởng phức tạp lên giới trẻ, nhất là các em học sinh đang độ tuổi cắp sách tới trường. Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước cần có những biện pháp cụ thể, thiết thực hơn, thắt chặt kiểm soát những thông tin, nội dung đăng tải trên Internet, những phim ảnh và trò chơi lưu hành ngoài thị trường, những hội nhóm trên mạng được thành lập với mục đích lôi kéo giới trẻ. Chính quyền địa phương cần chặt chẽ hơn nữa trong việc phối hợp với nhà trường và gia đình quản lý và giáo dục những học sinh cá biệt, những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt.
Đặc biệt, trong xử lý các vụ việc BLHĐ cần có cái nhìn bao dung với sai phạm trong lứa tuổi học trò để có phương án xử lý thích hợp, mang tính răn đe và phòng ngừa chung, nhưng cũng luôn tạo cơ hội để các em vi phạm hiểu và sửa đổi. Cùng với đó, cần xử lý, nhắc nhở những hành vi và biểu hiện cổ súy BLHĐ như quay video clip rồi đưa lên mạng...
Có thể nói, ở lứa tuổi đang có những thay đổi về tâm sinh lý, cộng thêm sự thiếu quan tâm sát sao của gia đình và nhà trường, nhiều em học sinh rất dễ có những suy nghĩ và cách hành xử thiếu chuẩn mực trong giải quyết những va chạm hàng ngày.
Một số em có xu hướng xem bạo lực như một cách giải quyết mọi mâu thuẫn và để khẳng định cái tôi của mình. Điều đang lưu ý là, khi các vụ BLHĐ bị phát hiện, nhiều khi biện pháp xử lý lại là buộc các em phải thôi học hoặc là tự học sinh sẽ bỏ học.
Theo nhiều chuyên gia, cách xử lý vấn đề BLHĐ như vậy rất nguy hiểm và có thể dẫn đến những hậu quả lớn hơn. Nguy cơ các em đi vào con đường phạm pháp là rất lớn. Bởi thế, xử lý vấn đề BLHĐ nên kiên quyết nhưng phải tinh tế và nhân văn.
Phạm Minh Hà