Phóng sự

Quy định lạnh lùng

08:26, 26/04/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Trong cuộc đời, tôi sợ nhất là đi nuôi người nhà nằm bệnh viện, bởi ngay từ cổng vào đến các phòng khám, phòng lưu bệnh nhân, phòng bệnh, tất cả đều quá tải.
 
Bệnh nhân chen chúc nhau ngồi chờ khám, hàng hàng lớp lớp. Người bệnh, người nhà nằm la liệt khắp các ngõ ngách, tràn từ hành lang ra cả ngoài sân. Tôi không thể hình dung được đó lại là bệnh viện.
 
Ai đã từng đi nuôi bệnh mới hiểu được nỗi vất vả của người nhà bệnh nhân. Hầu hết các bệnh viện đều chật chội, nhà vệ sinh thì bẩn thỉu. Nếu người nhà bệnh nhân sơ ý thì bị trộm móc hết tiền, đứng mà khóc ròng, dù ở bệnh viện nhưng cảm giác lúc nào cũng bất an.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Nếu may mắn gặp được người nào đó “họp gu”, tám chuyện thì sẽ đỡ buồn và thời gian sẽ trôi nhanh hơn. Sau một tuần ăn dầm nằm dề ở bệnh viện, tôi cũng làm quen được một người nuôi bệnh cùng phòng.
 
Đó là một người đàn ông trung niên có nước da trắng bệch, gương mặt hốc hác, mắt thâm quầng, dáng người nhỏ thó. Anh luôn tay xoa bóp, đút ăn, lau rửa cho một ông cụ bệnh nhân lớn tuổi. Gần như anh túc trực bên giường bệnh 24/24.
 
Nhìn anh chịu khó chăm sóc, nói năng nhỏ nhẹ, rất mực ân cần với người bệnh, tôi nhủ thầm: “Ông cụ thật là may mắn! Vì có một người con, người cháu hiếu thảo như vậy!”.
 
Thế nhưng qua trò chuyện, tôi thật bất ngờ khi biết anh không phải là thân nhân của người bệnh, mà là người nuôi bệnh thuê. Anh tên Nguyễn Văn Tiến, 47 tuổi.
 
Anh bảo tôi:
 
- Người nhà của ông cụ bận nên thuê tôi chăm sóc.
 
Tôi hỏi:
 
- Anh làm công việc này có vất cả lắm không?
 
Anh Tiến tâm sự:
 
- Ngày trước, tôi đi nuôi người nhà nằm bệnh viện, thấy tôi có mặt ở bệnh viện 24/24 nên nhiều người nhờ tôi trông chừng người nhà của họ mỗi khi có việc bận. Sau đó, họ bồi dưỡng năm bảy chục ngàn. Tôi thấy công việc này cũng kiếm sống được nên làm luôn. Lúc đầu vất vả lắm, nhưng làm riết rồi cũng quen. Gặp những bệnh nhân khó tính hay quát mắng, cũng phải ráng nhẫn nhịn. Nếu gặp người khó ngủ, mình cũng phải thức theo để trò chuyện với họ.
 
Anh Tiến cho hay hơn 10 năm qua, cả gia đình gồm cha mẹ già, vợ và hai đứa con ở quê đều trông chờ vào đồng lương làm thuê chăm sóc người bệnh của anh.
 
Trong những ngày chăm sóc người nhà tại bệnh viện, tôi mới biết có khá nhiều “anh nuôi”, “chị nuôi”, “hộ lý tay ngang” như anh Tiến. Nếu để ý một chút, chúng ta không khó để nhận ra có rất nhiều người làm nghề chăm sóc người bệnh.
 
Khéo léo, nhanh nhẹn, nhẹ nhàng, nhẫn nhịn, chịu thương chịu khó, có kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân, biết nấu ăn ngon là những gì mà tôi cảm nhận được ở những người nuôi bệnh thuê như anh Tiến. Mối quan hệ giữa họ với người bệnh không chỉ là trách nhiệm, mà còn có cả tình yêu thương giữa con người với con người.
 
Anh Tiến còn nói thêm:
 
- Làm cái nghề này phải có tâm với người bệnh và chịu khó mới trụ lại được.
 
Anh Tiến cho biết công việc anh đang làm có thu nhập cũng tạm ổn, mỗi ngày khoảng 250.000 đồng; nếu làm cả ban đêm thì được thêm 50.000 đồng. Như vậy, thu nhập tốt hơn làm nông ở quê nhiều.
 
Những ngày nuôi bệnh của tôi cứ trôi qua đều đều, hết chăm sóc bệnh nhân rồi lại hàn huyên tâm sự với anh Tiến. Nhưng bỗng một hôm, anh Tiến đến gặp tôi nói lời chào và không làm nghề nuôi bệnh thuê nữa. Tôi gặng hỏi lý do thì được anh giải thích:
 
- Vì bệnh viện “thu phí người nuôi bệnh”, nên thu nhập của tôi chẳng còn bao nhiêu, tiền đâu mà gửi về quê cho gia đình.
 
Nghe anh Tiến nói xong, lòng tôi xót xa vô cùng. Một người chịu thương chịu khó như anh, trụ được với rất nhiều bệnh nhân khó tính, vậy mà vẫn không trụ được với cái quy định lạnh lùng của bệnh viện 

Nguồn: CAND

Các tin khác