Phóng sự

Vạch mặt những kẻ xuyên tạc lịch sử

17:17, 21/04/2019 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Lịch sử dân tộc ta chưa bao giờ phẳng lặng. Rất nhiều thế hệ cha ông đã phải hy sinh máu xương, tính mạng để bảo vệ non sông bờ cõi, giữ vững độc lập. Bất kỳ đối tượng nào muốn bịa đặt, xuyên tạc về lịch sử đất nước ta, đều cần phải xử lý nghiêm. Hành vi đó không thể bào chữa, đó không chỉ bất nhân, mà còn là tội ác!
 
Cứ đến hẹn lại lên, trong khi cả nước ta đang chuẩn bị kỷ niệm các ngày lễ lớn, các chiến thắng vang dội của đất nước, một số đối tượng thù địch lại đưa ra những thông tin, chia sẻ bịa đặt. Thắng lợi ngày 30/4/1975 đã được khẳng định trên thực tiễn và trong tiến trình lịch sử dân tộc, thế nhưng, một số đối tượng, kẻ cơ hội chính trị lại tìm cách xuyên tạc.
 
Trong suốt hơn 4 thập kỷ qua, Chiến thắng 30/4 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã khẳng định giá trị và ý nghĩa bền vững trong chiều dài đất nước. Tuy nhiên, vẫn có những kẻ không hiểu hoặc cố tình không hiểu về ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng 30/4/1975. Thắng lợi cách đây hơn 40 năm đã chứng tỏ một chân lý: Không phải bao giờ sức mạnh của cường quyền bạo lực và đồng tiền cũng đè bẹp được chính nghĩa.
 
Đấu tranh cho hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước, Việt Nam là đại diện chân chính cho chính nghĩa, bởi vậy trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, Đảng và nhân dân ta đã nhận được sự đồng tình ủng hộ to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần của bạn bè quốc tế và lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Tính chất phi nghĩa, tàn bạo của đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn bộc lộ rõ trong cuộc chiến tranh, đã ngày càng bị thế giới, trong đó có cả nhân dân tiến bộ Mỹ lên án, phản đối.
Chiến thắng 30/4/1975 - mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc
Chiến thắng 30/4/1975 - mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc
Đối với dân tộc ta, để giành được thắng lợi trong cuộc chiến tranh khốc liệt đó, hơn 3 triệu đồng bào, chiến sỹ cả nước đã ngã xuống; hàng nghìn làng mạc đã bị san phẳng. 44 năm đã qua, tức là chiều dài lịch sử hơn gấp đôi khoảng thời gian diễn ra cuộc chiến, nhìn nhận sự kiện này, cộng đồng quốc tế vẫn luôn dành sự ca ngợi về sức mạnh của Việt Nam.
 
Đó là những minh chứng thuyết phục lòng người khi nói rõ tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà quân và dân ta đã hao tổn bao xương máu suốt hơn 20 năm trời đằng đẵng, mới khiến kẻ thù khuất phục hoàn toàn. Thực tế cũng cho thấy, Chiến thắng 30/4/1975 đã mở ra kỷ nguyên mới đối với dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
 
Thế nhưng, đâu đó vẫn còn tiếng nói lạc lõng của các đối tượng phản động, những kẻ cơ hội, những người cố tình không hiểu để che đậy cho hành vi xuyên tạc, chống phá của mình và đồng bọn. Thậm chí là muốn biến tội thành công, muốn lịch sử phải công nhận những điều không có thật. Một số đối tượng còn lợi dụng chiêu bài hòa hợp dân tộc, muốn “xét lại chiến thắng”, muốn đánh tráo khái niệm để bao biện cho những ngộ nhận, mơ hồ trong đánh giá về tầm vóc chiến thắng, về khát vọng thống nhất của toàn thể nhân dân ta. Một số đối tượng phản động ở nước ngoài còn xuyên tạc cho rằng: “Cuộc chiến tranh Việt Nam mang tính chất ủy nhiệm” hay “cuộc chiến mang tính ý thức hệ”.
 
Ngược dòng lịch sử chúng ta thấy rằng, cuộc chiến tranh này là do Mỹ khởi xướng với sự tiếp tay của ngụy quyền Sài Gòn.  Thắng lợi của cuộc kháng chiến suốt 30 năm có sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô và các nước XHCN, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự quyết tâm, đoàn kết một lòng của quân dân cả nước. Việc dùng cụm từ 30/4 là “ngày hòa hợp dân tộc” là hành động đánh tráo khái niệm cho ngày “giải phóng dân tộc”.
 
Chính những người thua trận sau cuộc chiến cũng phải cay đắng thừa nhận thực tế. Trong cuốn hồi ký “Nhìn lại quá khứ - Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam”, Robert S. MacNamara, từng là Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ thời kỳ chiến tranh Việt Nam, không chỉ thừa nhận thất bại của Mỹ, coi đó là “một tấn thảm kịch”, mà còn khẳng định cuộc chiến tranh Hoa Kỳ gây ra là do những sai lầm của nhiều đời tổng thống Mỹ.
 
Trong những thước phim còn lưu giữ lại, chúng ta cảm nhận rõ ràng về niềm hạnh phúc ngập tràn của quân dân Nam Bắc; trong câu chuyện của những thương binh đã hiến phần thân thể cho Tổ quốc, họ vẫn giữ mãi niềm tự hào vì mình là một nhân chứng lịch sử của cuộc kháng chiến trường kỳ. Sau hơn 40 năm, Việt - Mỹ từ hai bên bờ chiến tuyến, đã bình thường hóa quan hệ, trở thành đối tác và nâng lên thành đối tác toàn diện. Đã hai, rồi ba thế hệ con cháu chúng ta ra đời và trưởng thành. Có độc lập, được tự do, phát triển, chúng ta càng thấy thấm thía.
 
Nghiên cứu lịch sử để tôn vinh sự thật, rút ra những bài học kinh nghiệm, phát huy là điều đáng trân quý. Nhưng lợi dụng danh xưng “xét lại lịch sử”, xuyên tạc để cố tính đánh tráo khái niệm, bản chất vấn đề, sự kiện lịch sử, thậm chí khơi dậy hận thù dân tộc là hành vi đáng lên án. Với vỏ bọc đi tìm lại “sự thật” của lịch sử nhưng thực chất là bôi nhọ, hạ thấp uy tín của lãnh tụ, xuyên tạc, bóp méo một cách trơ tráo lịch sử của dân tộc, các đối tượng đã chứng tỏ mình là người không có trí tuệ, con tim và lương tâm.
 
Tất cả những việc làm của họ suy cho cùng chỉ là phục vụ cho âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, tìm cách gây ra sự bất ổn, xáo trộn trong đời sống xã hội. Mục đích chính là gây suy giảm niềm tin trong quần chúng nhân dân về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo cớ thực hiện âm mưu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta...
 
Sau hơn 20 năm chiến tranh và hơn 40 năm sau chiến tranh, sự thật và chân lý đã được lịch sử kiểm chứng. Những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, sự ngụy biện, xuyên tạc nhằm phục vụ cho một mưu đồ nào đó, không những chỉ là ảo tưởng, mà còn là tội lỗi với lịch sử, với các thế hệ ông cha đã không tiếc máu xương hy sinh cho sự yên bình và hạnh phúc của đất nước này. “Lịch sử là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và là ánh sáng phản chiếu của tương lai trên quá khứ”. 
 
Do vậy, khi nhìn nhận về các sự kiện, vấn đề lịch sử cần đặt trong quan hệ mật thiết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Ngày 19/5/2009, Tổng thống Nga lúc đó là Medvedev đã ký sắc lệnh thành lập một ủy ban đặc biệt nhằm chống lại các âm mưu xét lại, xuyên tạc, bóp méo lịch sử, phá hoại các lợi ích của nước Nga. Ủy ban này trực tiếp do Văn phòng Tổng thống phụ trách, bao gồm nhiều thành viên thuộc Văn phòng Tổng thống, Cục An ninh liên bang, Cục Tình báo nước ngoài, Duma Nga, các cơ quan khoa học cũng như các bộ ngành ngoại giao, tư pháp, văn hóa...
 
Nhìn về nước Nga, lại nghĩ về mình. Chúng ta phải kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, đấu tranh không khoan nhượng với những kẻ có âm mưu xét lại lịch sử với ý đồ đen tối.
 
Vậy nên, đã là người Việt Nam, dù ở địa vị nào, ở bất kỳ nơi đâu, hoàn cảnh nào cũng đừng quên cội nguồn dân tộc, phải nhớ đến quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, gốc rễ tổ tiên và xa hơn nữa là lịch sử nước nhà. Nắm vững lịch sử dân tộc sẽ không chỉ giúp cho chúng ta hiểu biết về dân tộc ta với chặng đường đấu tranh dựng nước và giữ nước đầy xương máu, nước mắt của ông cha mà còn ý thức hơn trọng trách của bản thân.
 
Từ đó, chúng ta cảm thấy tự hào, trân trọng giá trị lịch sử, biết ơn những thế hệ đi trước, nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và bảo vệ nền độc lập dân tộc.
 
Còn những kẻ xuyên tạc lịch sử, họ sẽ chỉ nhận lại sự khinh thường, thiếu tôn trọng của nhân dân muôn đời.

TRẦN LÂM

Các tin khác