Phóng sự
Ký ức hào hùng của những chiến sĩ Điện Biên năm xưa
09:14, 06/05/2019 (GMT+7)
65 năm trôi qua, sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Điện Biên hôm nay đã chuyển mình, không ngừng xây dựng phát triển trở thành một thành phố du lịch đậm lịch sử tại khu vực phía Tây Bắc của Tổ quốc.
Như bao người dân Điện Biên nói riêng, Việt Nam nói chung, những ngày này tất cả đều đắm chìm trong sự tự hào, hân hoan và kiêu hãnh, sự cảm phục trước tinh thần chiến đấu, hy sinh của những cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.
Trên chuyến xe 36 chỗ của Bộ Quốc phòng từ Hà Nội về nguồn, chúng tôi may mắn được đi cùng Đoàn đại biểu là những nhân chứng về tham quan, tìm hiểu khu di tích chiến trường Điện Biên Phủ. Quãng đường dài hơn 500km với những khúc cua tay áo ngoằn ngoèo, cũng chẳng làm những gương mặt tuổi đã cao trong đoàn mất đi sự tươi tỉnh, háo hức.
Sau hơn 300km, Đoàn dừng chân nghỉ tại đèo Pha Đin - một trong “tứ đại đèo” vùng Tây Bắc. Đèo Pha Đin, hay là dốc Pha Đin, có độ dài 32km, điểm cao nhất của đèo là 1.648 mét so với mực nước biển, một bên là vách núi, một bên là vực sâu, thuộc quốc lộ số 6, là cửa ngõ vào tỉnh Điện Biên.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng với Ngã ba Cò Nòi, đèo Pha Đin cũng là một trong những trọng điểm giao thông bị thực dân Pháp đánh phá vô cùng ác liệt. Bởi địch hiểu nếu cắt đứt được tuyến đường huyết mạch này thì quân đội ta sẽ gặp nhiều khó khăn khi không nhận được đầy đủ chi viện là lương thực, súng đạn từ hậu phương.
65 năm đi qua, những tàn tích phá hoại của bom đạn trong chiến tranh đã phai mờ, thay vào đó là một cung đường đèo hùng vĩ trùng điệp, thơ mộng được trải rộng, thảm nhựa, giảm cua gấp, hạ độ cao đảm bảo cho các loại phương tiện tham gia giao thông thuận tiện đi qua.
Các cựu chiến binh và người dân tự hào tới tham quan quần thể di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ. |
Tại đây, chúng tôi gặp Tổ công tác do Thiếu tá Nguyễn Đức Lượng, Phó Trạm trưởng Trạm CSGT Tuần Giáo đang làm nhiệm vụ nhắc nhở một số trường hợp tài xế lái xe du lịch đi đúng phần làn đường, giữ cự ly để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Tranh thủ phút nghỉ ngơi, anh cho biết: “Các khu vực điểm đen của đèo Pha Đin bây giờ không còn hiểm trở như nhiều năm về trước, nhiều đoạn đã được hạ độ cao, đường không còn hẹp như xưa, dẫu vậy vẫn còn nguyên vẹn 8 cung đường lúc lên, lúc xuống ngoằn ngoèo và vô số khúc cua tay áo, cua chữ Z, chữ A tiềm ẩm nguy hiểm…”.
Cũng theo Thiếu tá Nguyễn Đức Lượng, để tránh tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ và xảy ra tai nạn giao thông tại các điểm đen trên quốc lộ, nhất là điểm du lịch, Phòng đã tham mưu Công an tỉnh xây dựng kế hoạch và tăng cường lực lượng cùng các Công an các huyện, lực lượng Công an các xã tiến hành phân luồng, hướng dẫn giao thông tại các điểm du lịch.
Trước đó, đơn vị cũng đã phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng xây dựng nhiều phóng sự tuyên truyền trên các chuyên mục và phát sóng thường xuyên để phản ánh cũng như cảnh báo về tình hình trật tự an toàn giao thông, tình hình tai nạn giao thông và công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn...
Đặt chân đến thành phố Điện Biên Phủ, khắp các cung đường dẫn tới các điểm di tích, hình ảnh cờ hoa, biểu ngữ rợp phố. Bên cạnh đó, những ngày này từng đoàn khách trong nước, quốc tế tấp nập đến thưởng thức cảnh quan, tìm hiểu về mảnh đất “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” rất đông, ước lượng mỗi ngày vài nghìn người.
Theo lãnh đạo Công an tỉnh Điện Biên, để bảo đảm an ninh trật tự các sự kiện diễn ra trong dịp nghỉ lễ, hay kỷ niệm như 110 năm thành lập tỉnh, 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh và 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, đơn vị đã chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố tăng cường cơ sở bám, nắm tình hình, chủ động giải quyết các vấn đề không để phát sinh, các vấn đề phức tạp, nhất là các loại tội phạm ma túy, hình sự.
Ngoài xây dựng, triển khai các phương án bảo đảm trật tự an toàn giao thông, dẫn đoàn, phân luồng, chống ùn tắc giao thông, phòng chống cháy nổ; phát động tốt phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ; các đơn vị còn tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, nhất là các điểm di tích, khu vui chơi công cộng, các địa điểm tổ chức các sự kiện…
Cựu chiến binh Phạm Bá Miều, nguyên Tiểu đội trưởng, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 - người trực tiếp có mặt trong những trận đánh giành giật từng tấc đất ở đồi A1 năm nay đã gần 90 tuổi. Tuy tuổi cao nhưng cụ vẫn còn rất minh mẫn khi kể lại trận chiến cách đây 65 năm khá chi tiết trong cảm xúc.
Theo cụ Miều, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị cụ được giao nhiệm vụ đánh chiếm đồi A1, vừa chiến đấu vừa kiến thiết công sự, đào hào từ Tà Lèng xuống đồi A1, sau đó phối hợp đại đội công binh tiếp tục đào đường hầm ngầm từ chân lên đỉnh đồi để đặt khối bộc phá.
“Để đưa được khối bộc phá nặng 960kg, chúng tôi phải hoàn thành đường hầm mất 13 ngày. Đất đồi thì cứng, trời mưa tầm tã, hàng trăm chiến sỹ thay nhau đào chỉ với cuốc chim và xẻng gấp thô sơ thôi. Đêm 6-5-1954, đơn vị tôi được lệnh kích nổ khối bộc phá, gần một đại đội của địch bị tiêu diệt, Trung đoàn 174 đánh chiếm toàn bộ cứ điểm A1 chỉ trong vài giờ, nhưng rất nhiều chiến sĩ đã hy sinh vì chết ngạt…”, cụ Phạm Bá Miều bồi hồi nhớ lại.
Giờ đây, đồi A1 ác liệt năm xưa, nay đã được bảo tồn thành một điểm di tích trong quần thể di tích đặc biệt quốc gia Điện Biên Phủ. Vết tích của quả bộc phá nặng gần 1 tấn vẫn hằn sâu trên đồi.
Những hàng rào thép gai, hầm chỉ huy của địch, chiếc xe tăng “chiến lợi phẩm” của quân đội ta… - những dấu tích của một trận thắng vĩ đại đều đã được lưu giữ tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ gần đó.
Vừa đi cùng đoàn tham quan các khu di tích Điện Biên Phủ, cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chấp, khẩu đội trưởng cối 82 ly, Đại đội 290, Tiểu đoàn 166, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 - đơn vị nhận mệnh lệnh khai hỏa mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ chia sẻ: Sau ngày giải phóng Điện Biên năm 1954, hàng trăm chiến sỹ tham gia chiến dịch đã ở lại, cùng chung tay xây dựng đưa Điện Biên đi lên.
“Hồi đó, làm đường thủ công chủ yếu bằng cuốc xẻng chứ không phải máy móc như bây giờ nên rất vất vả, khó khăn. Hơn 5.400 thanh niên xung phong ở khắp các tỉnh không quản ngại khó khăn, cùng nhau đào đất, phá đá, làm hàng trăm cây cầu, cống, mở thông hơn 100km tuyến đường từ huyện Tuần Giáo đi Tây Trang” – cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chấp chia sẻ khó khăn những ngày đầu khi hàng nghìn chiến sỹ thanh niên xung phong tập trung mở rộng con đường từ huyện Tuần Giáo đi Cửa khẩu Tây Trang.
Đã 65 năm trôi qua, người lính khi đó tuổi đôi mươi nay đã 89 tuổi. Hơn ai hết, ông hiểu rõ sự đổi thay trên mảnh đất Điện Biên, mảnh đất Him Lam.
Lấy chiếc mũ quệt ngang những giọt mồ hôi đang lăn trên chán, cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chấp phấn khởi cho biết: Đời sống nhân dân các dân tộc từng bước ổn định và cải thiện, du khách trong nước và quốc tế đến Điện Biên ngày một đông, giờ đây, mọi người không chỉ biết đến một Điện Biên Phủ Anh hùng mà còn thấy ở đây một tinh thần thiện chí, một dân tộc yêu chuộng hòa bình…
Nguồn: CAND