Phóng sự

Những day dứt của tử tù hai lần viết đơn xin tha tội chết

16:23, 09/05/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Món nợ 200 ngàn đồng đã biến Lê Văn Quân, (sinh năm 1984, trú tại thị trấn Tân Bình, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) thành kẻ giết người, để rồi những ngày trong buồng biệt giam, anh ta đau đớn nhận ra người thiệt thòi nhất chính là những đứa trẻ.
 
Với mong muốn có cơ hội bù đắp thiệt thòi cho 3 đứa trẻ là con mình và con nạn nhân, Quân hai lần viết đơn xin ân xá. May mắn được tha tội chết, Quân bảo đó là cơ hội để ước nguyện của mình có thể được thực hiện.
 
Cảm giác không trọng lượng khi được ân xá
 
Giống như bao kẻ phạm tội giết người khác, Quân tỏ ra dè dặt khi kể về mình, cho dù trong lòng, anh ta hiểu rằng có muốn giấu cũng không được, bởi điều đó đã thể hiện hết trong hồ sơ phạm nhân. Thế nên để buổi trò chuyện được thoải mái hơn, chúng tôi chỉ hỏi anh ta về những chuyện ngoài lề. 
 
Chuyện về gia đình, về công việc và cả cuộc sống trong trại. Quân trả lời hết, không lảng tránh câu nào. Ngay cả những điều tâm tư giấu kín trong lòng, Quân cũng đem ra bộc bạch. Dường như với Quân, đó là điều mà anh ta có thể chia sẻ, trừ lý do gây án.
 
“Tôi không muốn bào chữa về tội lỗi của mình vì có nói gì thì mọi chuyện cũng đã xảy ra. Điều bây giờ phải nghĩ tới là làm gì để sửa chữa sai lầm ấy”, Quân nói. 35 tuổi nhưng cuộc hôn nhân của người đàn ông này đã dở dang ngay từ khi mới tròn hai mươi tuổi, thế nên vì vậy mà anh ta trở nên bê tha, bài bạc.
 
Sinh ra trong một gia đình có bố mẹ đều là công chức nhà nước nên chuyện học hành của chị em Quân đều được quan tâm chu đáo. Cũng ước mơ giảng đường và mong muốn có tấm bằng đại học để tìm một công việc phù hợp nhưng hai lần thi đại học không đỗ, Quân đành chấp nhận làm công nhân trong công ty của mẹ. Tại đây, Quân đã yêu rồi nên duyên với một nữ đồng nghiệp mà theo lời anh ta thì đã thầm yêu trộm nhớ từ lâu rồi.
 
“Cô ấy học cùng trường cấp ba với tôi, nhà cũng gần nhà tôi nên mỗi khi đi học, tôi thường đi qua ngõ nhà cô ấy. Tiếc là thời gian sống chung của vợ chồng tôi lại quá ngắn ngủi”, Quân kể. 
Lê Văn Quân.
Lê Văn Quân.
Sống với nhau được 3 năm thì mỗi người mỗi ngả vì không hợp tính nhau, nhưng theo lời Quân thì lỗi là do hai vợ chồng còn quá trẻ đã không biết cách chia sẻ trước những áp lực do cuộc sống khó khăn đem lại. 
 
Tuy nhiên, sau khi chia tay, Quân nhận nuôi con gái cho dù đồng lương công nhân khiêm tốn. Tuy nhiên, vì hai nhà cách nhau chưa đầy cây số nên đứa trẻ thi thoảng lại được mẹ đón về bên ngoại chăm sóc. Chỉ có Quân, không được bàn tay người vợ chăm sóc thành ra buông thả. 
 
Ngoài những giờ đi làm, Quân chúi đầu vào bài bạc, rượu chè, đề đóm. Trong một lần chơi bài, bị đòi nợ khoản tiền 200 ngàn đồng trước đó, Quân đã cho rằng Hiếu cố tình hạ nhục mình trước đám đông nên xuống tay giết người. Sau khi giết bạn, Quân tìm cách phi tang và chiếm đoạt số tài sản của bị hại nên bị kết án tử hình.
 
Quân bảo không thể quên được thời gian 2 năm 18 ngày sống trong buồng biệt giam với chiếc cùm chân. Anh ta không chỉ đếm từng ngày sống trong đó mà còn nhớ như in cái buổi được tha tội chết.
 
“Tôi không còn nhớ cảm giác lúc nghe thông báo được ân xá vì nó thật khó diễn tả. Một cái gì đó vừa bồng bềnh vừa nằng nặng đè trên vai, trên lưng và lơ lửng trong đầu. Tôi không cảm giác gì ngoài một ý nghĩ vang lên trong đầu: thế là được sống”, Quân kể.
 
Dù chưa một lần chứng kiến tử tù đi thi hành án song giống như một thứ luật bất thành văn mà Quân biết được rằng tử tù thường đi trả án vào lúc sáng sớm. Trước khi ra pháp trường hành quyết, tử tội được tắm rửa sạch sẽ, được mặc bộ quần áo mới và ăn một bữa cơm nhân đạo. Thế nên hôm đó, khi thấy một tốp người hiện diện tại buồng giam của mình vào lúc 5h chiều, Quân đã chột dạ. Không biết chuyện gì xảy ra nhưng anh ta đoán chắc rằng không phải đi trả án.
 
“Trong lúc tôi nghĩ mông lung vì không biết chuyện gì xảy ra thì bỗng giật mình vì có ai đó vỗ rất mạnh vào vai tôi. Rồi cảm giác bồng bềnh khó tả khi nghe mọi người nói câu chúc mừng. Tôi cảm nhận được sự vui mừng của các cán bộ, hiểu rằng mình có cơ hội được sống nhưng không sao cất lên lời. Tôi cứ ngồi đực ra đó đến khi sực tỉnh thì mọi người đã ra về từ lúc nào”, Quân kể.
 
Sau khi được Chủ tịch nước tha tội chết, ngày 28-8-2014, tử tù Lê Văn Quân về Trại giam Quyết Tiến thi hành bản án chung thân.
 
Và những day dứt về con mình, con người  
 
Về Trại giam Quyết Tiến cải tạo ở đội làm mi giả, Quân vui vì được sống nhưng mỗi khi nghe thấy ai đó nhắc đến con cái, anh ta lại day dứt nghĩ tới con mình. Rồi Quân lại chạnh lòng nghĩ tới hai đứa con của nạn nhân. 
 
Anh ta tâm sự: “Ngày ở trong buồng biệt giam, tôi luôn nghĩ về những đứa trẻ này. Tôi cầu nguyện cho con mình khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Tôi cũng cầu xin cho hai đứa con của anh ấy ngoan, khỏe. Bây giờ được sống rồi, thấy con mình khỏe mạnh, tôi đoán hai con của anh ấy chắc cũng khỏe mạnh như con mình”.
 
Con gái Quân giờ đã học lớp 6, đã biết viết thư cho bố và mỗi khi được ông bà cho xuống trại thăm bố, đã biết kể mọi chuyện ở nhà cho bố nghe. Nhìn nét mặt con hớn hở khi được gặp bố, Quân cảm giác như được tiếp thêm động lực sống. Trong lòng anh ta, cảm giác tội lỗi lại ùa về, day dứt.
 
“Rất nhiều lần tôi hỏi bố mẹ về bọn trẻ nhà anh ấy nhưng bố chỉ nói rằng chúng khỏe. Con tôi với hai con anh ấy học cùng trường nên nhiều lúc ông bà đèo cháu đi học cũng gặp gia đình bên kia đưa con đi học. Tôi hỏi về thái độ của nhà họ nhưng bố không nói gì hoặc có nói thì cũng chỉ bảo là bình thường. Tôi biết là gia đình giấu tôi, muốn tôi không phải lo nghĩ nhiều để yên tâm cải tạo”, Quân giãi bày.
 
Theo lời anh ta thì lá đơn đầu tiên gửi Chủ tịch nước xin tha tội chết, Quân viết với tâm trạng làm cho có chứ không hy vọng gì. Nhưng rồi anh ta đã suy nghĩ khác khi viết lá thư thứ hai. 
 
“Trước khi cầm bút viết lá thư thứ hai, tôi đã suy nghĩ rất nhiều, cân nhắc từng câu, từng lời, làm sao để diễn tả hết tâm trạng, suy nghĩ và những day dứt, ân hận của mình”, Lê Văn Quân nhớ lại.
Đội làm mi giả của phạm nhân Lê Văn Quân.
Đội làm mi giả của phạm nhân Lê Văn Quân.
Khi được tha tội chết, Quân lại sợ “thời gian không ủng hộ” vì bố mẹ đã già và con còn nhỏ dại. Và khi nghĩ đến tình phụ tử, Quân không khỏi se lòng khi nghĩ đến con mình và hai đứa con của người thiệt mạng. 
 
Ngày Quân xuống tay giết Hiếu, hai đứa con của anh này còn rất bé trong đó có đứa còn đang ẵm ngửa. Chỉ vì sự nóng giận của Quân đã đẩy cả ba đứa trẻ trong đó có cả con Quân vào vòng côi cút. Thương con bao nhiêu, Quân lại thương các con của nạn nhân bấy nhiêu. Anh ta bảo sau này nếu được về sớm sẽ đi làm kiếm tiền để bù đắp một phần mất mát cho con nạn nhân.
 
Nghe Quân nói thế, chúng tôi hỏi anh ta có dự định gì cho sau này, anh ta cười buồn: “Tôi mới về trại Quyết Tiến được mấy năm, luôn chấp hành tốt nội quy của trại, lao động cũng luôn hoàn thành vượt định mức nhưng vì còn nợ số tiền bồi thường nên không được xếp loại khá”.
 
Theo hồ sơ phạm nhân, phán quyết của tòa án cáo buộc Quân phải bồi thường cho gia đình nạn nhân số tiền 400 triệu đồng bao gồm cả tiền chi phí tang lễ, tổn thất tinh thần cho 5 con người bao gồm bố mẹ, vợ và hai con của nạn nhân. 
 
Số tiền ấy, với hoàn cảnh gia đình Quân lúc này là cả một gia tài, nhưng nếu đem so sánh với tính mạng con người thì Quân cho rằng không thể so sánh được. Quân không muốn bố mẹ phải gánh thay tội lỗi của mình nên khát khao có cơ hội chuộc lỗi.
 
 “Tôi mong gia đình bên ấy hiểu cho hoàn cảnh mà nhận số tiền bố mẹ tôi đưa sang. Chỉ là vài chục triệu đồng thôi nhưng đó là cả tấm lòng của hai người già như bố mẹ tôi. Mong sao hai con anh ấy ngoan ngoãn và chăm chỉ. Còn tôi nếu có cơ hội trở về sẽ cố gắng bù đắp thiệt thòi cho các cháu”, Quân tâm sự.
 
Quân bảo dù biết còn rất nhiều chông gai nhưng được sống là còn có cơ hội để nghĩ tới chuyện chuộc lỗi và mong ước duy nhất của anh ta lúc này là chuyên tâm vào việc cải tạo. Dường như Quân đã xác định được con đường phải đi của mình cho dù thời gian có dài bao lâu nữa.

Nguồn: Vĩnh Hà/CAND

Các tin khác