Phóng sự
Biết đủ để cuộc vui trọn vẹn
09:46, 13/02/2017 (GMT+7)
Người hàng xóm của tôi năm nay mới ngoài 40 nhưng tôi phải kính nể anh ta hai khoản: kiếm tiền và uống rượu. Kiếm tiền thì khỏi phải bàn. Là giám đốc một công ty tư nhân trong lĩnh vực công nghệ thông tin, với sự năng động, biết nắm thời cơ và gặp nhiều may mắn, công ty của anh ta đã có nhiều hợp đồng lớn và ngày càng ăn nên làm ra.
Gọi là "hàng xóm" cho thơm lây chứ nhà tôi chỉ bằng 1/10 diện tích nhà anh, bởi nhà anh là một biệt thự hoành tráng trong ngõ rộng, có vườn cây và đậu được vài chiếc ô-tô.
Khoản uống rượu của anh ta cũng làm tôi phát sợ. Tôi biết điều này vì cuối năm, gần chục hộ trong ngõ lại liên hoan tất niên, mỗi nhà phụ trách một năm vào ngày 28 Tết. Vốn thông minh, hài hước, anh ta vừa xuất hiện là có không khí ngay.
Ảnh minh họa - Lê Tâm |
Riêng màn "chào mâm" với cánh đàn ông, anh ta đã uống liên tục chục ly Whisky mà mặt vẫn tỉnh bơ. Kể từ lúc đó, anh ta làm chủ bữa tiệc, viện ra vô số lý do để cạn ly với từng người. Đến gần đêm, bữa tiệc mới tan và người ta đoán riêng số rượu trôi vào bụng anh ta cũng phải ngót nghét 2 chai.
Mồng 4 Tết, vợ anh hớt hải chạy sang nhà tôi, nhờ tôi đưa vào bệnh viện, giọng mếu máo cho biết anh ta vừa được bạn bè đưa đi cấp cứu, nhiều khả năng bị ngộ độc rượu. Vào tới nơi, tôi không thể nhận ra người hàng xóm của mình nữa. Toàn thân bất động, khuôn mặt tái mét, trên người chằng chịt các loại dây dợ.
Đã vào bệnh viện thì chỉ còn biết trăm sự nhờ thầy thuốc. Tôi hỏi bác sĩ trực ca để nắm thêm tình hình thì được biết bệnh nhân đang trong tình trạng rất nguy kịch, chảy máu nội tạng, tiểu cầu thấp, mất huyết áp, dự là rất xấu.
Người vợ trẻ chỉ nghe được có vậy là đổ sụp xuống nền nhà. Hơn ai hết, chị là người chứng kiến và chịu hậu quả mỗi khi anh đi nhậu trở về. Và hẳn cũng đã nhiều lần, vợ chồng cãi nhau, giận dỗi chỉ vì tật xấu này của anh. Các cụ ngày xưa nói chẳng sai, đúng là tài thường đi với tật là thế.
Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, người ta lại có vô vàn lý do để ăn nhậu và trong bữa tiệc, rượu là thứ không thể thiếu. Tất nhiên, uống vừa đủ bao giờ cũng vui, tạo không khí cởi mở, ấm cúng, mọi người gần gũi, chia sẻ với nhau nhiều hơn. Còn một khi đã vượt ngưỡng, đó là lúc cố uống, ép uống, mượn rượu để cạnh khóe những việc khác… thì không còn vui nữa và hậu quả xảy ra thật khó kiểm soát.
Kết quả của một công ty nghiên cứu thị trường nổi tiếng Fitch (Mỹ) vừa đưa ra sẽ khiến chúng ta không khỏi buồn lòng: Năm qua, người Việt đã bỏ ra 9 tỉ USD cho rượu, bia. Khoản tiền này gấp 3 lần chi cho y tế và 72 lần chi cho phát triển thể thao. Uống rượu, bia nhiều chỉ mang đến nhiều tác hại trong khi có 2 vấn đề mà một xã hội văn minh nào cũng rất quan tâm, đầu tư thỏa đáng là y tế và thể thao. Người dân được chăm sóc y tế tốt đương nhiên sẽ có một cơ thể khỏe mạnh. Còn hoạt động thể thao sẽ giúp con người năng động, vững vàng và đủ sức chịu được những áp lực từ cuộc sống.
Mặc dù đã được cảnh báo về mối nguy hiểm khi "quá chén" trong ngày Tết nhưng theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 3 ngày từ 30, mồng 1 và 2 Tết, có tới 391 người phải nhập viện vì ngộ độc rượu, bia. Đây là con số tương đối, bởi chỉ tính những người đến bệnh viện cấp cứu. Chắc chắn còn những trường hợp khác bị ngộ độc nhưng không kịp đưa đến bệnh viện.
Còn theo báo cáo nhanh của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 5 ngày Tết (từ 29 đến mồng 3) đã có 192 vụ tai nạn giao thông, làm 118 người chết và 197 người bị thương. Các vụ tai nạn chủ yếu xảy ra ở đường bộ với hơn 110 người chết. Tôi tin là trong số những vụ tai nạn đó, hẳn có nhiều vụ có nguyên nhân từ việc người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu.
Biết đủ bao giờ cũng tốt, đặc biệt là việc uống rượu, bia trong dịp lễ, Tết. Bài học này không mới nhưng luôn có ý nghĩa trong việc cảnh tỉnh những người nghiện rượu, bia bởi đó là một trong những nguyên nhân chính gây ra những bi kịch cho gia đình, xã hội.
Nguồn: Báo CAND