Phóng sự
Trào lưu 'phượt' đêm của giới trẻ
Khi phố vào đêm
Vui chơi, khám phá những thắng cảnh của Thủ đô vào ban đêm cũng khá tuyệt diệu! Nhiều bạn trẻ đã thốt lên như thế. Không chỉ bơi khi đêm xuống, thành phố trở nên bình yên hơn, có những góc phố lung linh, những khu chợ "không ngủ", hay những bãi cỏ, bờ sông đầy gió.
Theo tìm hiểu, đa số các nhóm "phượt" đêm được tự phát tổ chức, từ 4 đến 20 người, cả nam và nữ, có thể là những người cùng quê học chung một trường đại học; một nhóm thiện nguyện, cũng có khi là những người chung sở thích.
Anh Phạm Văn Khắc, là nhân viên nhà hàng, từng học Trường Cao đẳng nghiệp vụ Du lịch Hà Nội, nhớ lại: "Thú vui khám phá đêm Hà Nội thật ra có từ lâu. Từ năm 2002 đổ về trước, khu vực Mỹ Đình, Cổ Nhuế… vẫn còn nhiều ruộng lúa. Ngắm đồng lúa đêm rì rào giữa đô thị cũng là cái thú. Nhiều nhóm trẻ ngày đó chỉ có xe đạp, họ vẫn tích cực đạp vài cây số để "thưởng thức" vị đậm đà của đồng quê trong cảm giác xa quê da diết. Nhưng rồi đô thị phát triển, muốn hít hà hương sữa đòng đòng phải đi ra hẳn ngoại thành".
Giới trẻ tụ tập đông vào những ngày lễ, Tết. |
Chia sẻ những nỗi niềm của anh Khắc, chị Nguyễn Thị Khuyên, sống trên phố Nguyễn Hoàng Tôn cho hay:Thật ra tôi sống ở gần sông Hồng, cũng nhận thấy rằng việc sinh viên khám phá những nét đẹp của thành phố về ban đêm là một nét văn hóa. Sau này, người ta hay dùng chữ "phượt", kể cả trong nội thành Hà Nội.
Tôi muốn nhấn mạnh trong khoảng 5 năm trở lại đây, khi phong trào đi "phượt" tại những vùng đất xa xôi, hẻo lánh đã trở nên bão hòa, hoặc trở thành quá phổ biến, thì xu hướng "phượt" gần, đi vào làng quê, các di tích, đi vào ban đêm lại trở nên thịnh hành".
Bạn Nguyễn Văn Dũng, thành viên nhóm phượt sáu người chuyên tìm các địa điểm để ngắm sông Hồng, ngắm công viên về đêm tâm sự: "Khi thành phố vắng người về đêm, cảm giác se lạnh, nhìn xuống sông thấy mờ mờ, ảo ảo, ánh điện sáng lung linh soi mặt nước thật thích thú. Đêm muộn, phố vắng, cảm giác đặc biệt lắm!".
Trào lưu du lịch ít tốn kém
Có thể nói chỗ vui chơi của thanh niên ở thành phố Hà Nội khá nghèo nàn. Vào các ngày lễ đặc biệt, thanh niên nô nức đổ ra đường đông nghẹt đến nỗi tắc đường. Nhiều nhóm chia sẻ trên mạng xã hội, sẽ bớt ra đường vào những ngày đặc biệt, mà dịp lễ bình thường hay ngày cuối tuần mới đổ ra đường "săn" đêm.
Gần đây nhất, vào ngày lễ Noel 2016, trên cầu Long Biên có hàng chục nhóm ngắm cảnh, uống nước, chụp ảnh, hát hò và cả uống bia vào giữa khuya. Hàng quán bán phục vụ đến 4 giờ sáng.
Bạn Hoàng Văn Hòa, sinh viên năm thứ 2, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, thành viên của nhóm "Hoa sương", nhóm bạn trẻ yêu thích đêm Hà Nội được kết nối với nhau qua facebook cho biết: "Chuyến đi không tốn nhiều tiền, không cần mất thời gian tổ chức, cũng chẳng cần quá nhiều thời gian. Chỉ cần chiếc xe máy, xe đạp cũng được, giấy tờ tùy thân đầy đủ, áo mặc ấm, cùng vài người bạn yêu thích khám phá đêm, thế là đi được. Chúng em duy trì mỗi tuần một lần, vào một đêm cuối tuần, bắt đầu từ 11 giờ. Trong những chuyến đi chúng em đã lưu giữ được hàng nghìn bức ảnh Hà Nội về đêm rất đẹp".
Những chị bán hàng kiếm ăn giữa đêm. |
Nhóm của Hòa thường đến các khu chợ như Long Biên, Quảng Bá, là những chợ hoa quả, hoa tươi đầu mối dường như "không ngủ" vào ban đêm. Ngoài ra, nhóm cũng dạo quanh đường ven hồ Tây, lên cầu Long Biên ngắm sông Hồng trong bàng bạc sương đêm.
Cái được của du lịch đêm, theo nhiều bạn trẻ là sự trải nghiệm một cảm giác mới, tăng thêm những kỷ niệm của bạn bè, của thời sinh viên và đặc biệt không tốn kém. Hay nhóm của bạn Lương Thảo, vừa tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn lại có những chuyến du lịch đêm ngẫu hứng, kết hợp cùng một số nhóm thiện nguyện khác làm từ thiện.
Các bạn trẻ cùng quyên góp tiền, mua đồ ăn, nước uống trao tận tay những người vô gia cư, đang ngủ ở vỉa hè hoặc các gầm cầu. Bạn Lương Thảo cho rằng, đi như vậy có thể vừa được trải nghiệm vừa làm được những điều có ý nghĩa nho nhỏ.
Theo tìm hiểu, hiện ở Hà Nội có tới 5 nhóm thiện nguyện hoạt động theo hình thức vừa "phượt" đêm, vừa tổ chức tặng đồ ăn cho người nghèo, người vô gia cư. Đây là những điều thật đáng trân quý, bởi các bạn trẻ đã kết hợp được việc vừa chơi, vừa gây dựng lòng tốt.
Cần kỹ năng và kiến thức
Nói gì thì nói, "phượt" đêm đang là một trào lưu nở rộ trên cộng đồng mạng của giới trẻ đang sinh sống, học tập tại Hà Nội. Đôi khi còn bị coi là sự đua đòi. Bởi theo lẽ thường người ta nghĩ không tốt về những thanh niên "đi đêm về hôm".
Nhưng khoan hãy nói đến chuyện đó, vấn đề cần bàn hơn là những nguy cơ mà các bạn trẻ phải đối mặt, đó là nạn "xin đểu", dọa nạt bởi các đối tượng nghiện hút, trộm cướp.
Như bạn Thu An, sinh viên Học viện Tài chính kế toán, thành viên của nhóm "Đồng hương Phú Thọ", cho biết: "Ngoài phải đối mặt với sự hỏng hóc của xe pháo vào ban đêm, sẽ rất khó tìm được chỗ sửa chữa, có lần chúng em bị những người xăm trổ đầy mình cầm bơm kim tiêm dọa để xin tiền. May mắn chúng em đã được giúp khi có sự xuất hiện của các chiến sĩ Cảnh sát cơ động".
Qua hỏi chuyện không ít bạn trẻ cho biết, nguyên tắc cơ bản của đi vào ban đêm là dù có bạn quá khích đến mấy cũng phải bảo nhau giữ trật tự, để không ảnh hưởng đến người dân xung quanh, không bị nhắc nhở, và phải luôn đi sát lề đường, tránh gặp phải nguy hiểm nếu chẳng may va chạm với các nhóm đua xe hay phần tử quá khích. Khi gặp tình huống bị các đối tượng dọa nạt để xin tiền, cần khéo léo ứng phó để khỏi thiệt thân, tránh đến những nơi quá vắng vẻ, quá tối và nên đi đông người.
Ngoài ra, cũng phải nói rằng chuyện tụ tập, kinh doanh buôn bán trên cầu Long Biên phần nào ảnh hưởng đến giao thông, đi lại của người dân, dù thời điểm ban đêm khá ít người. Tâm sự với các chị bán hàng, họ cho biết thời điểm khuya xuống cầu khá vắng vẻ, rất ít người đi lại.
Các thanh niên tụ tập thì cũng chẳng ảnh hưởng gì. "Chúng tôi bán hàng gọn nhẹ, chủ yếu là ngô, khoai, mực nướng, hoa quả xanh, củ đậu, bia, thịt bò khô. Chỉ cần trải mấy manh chiếu là khách ngồi được. Rất đơn giản thôi", chị Tâm nhấn mạnh.
Nhưng cũng cần cảnh báo chuyện các bạn trẻ không nên trào ra ray đường sắt trên cầu Long Biên chụp ảnh. Nhiều người cho rằng, chụp ảnh ở khu vực này vào ban ngày đã nguy hiểm, chứ chưa nói gì đến ban đêm, trời nhập nhoạng, rất dễ trượt chân ngã. Đó là chưa kể đến chuyện các bạn trẻ mải mê chụp ảnh khi tàu đi qua, rất dễ cuốn người theo.
Cùng ca hát. |
Một bạn sinh viên phát biểu: "Ban đêm trên cầu Long Biên sôi động lắm. Có lúc quá tải bởi nào người, nào xe máy chiếm diện tích. Rồi người bán hàng còn trải chiếu ra cho khách uống nước, cũng tạo nên những hình ảnh nhộn nhạo trên cây cầu lịch sử".
Một số ý kiến bạn trẻ cho rằng, dù chỉ là đi chơi, khám phá Hà Nội về đêm hay ban ngày thì mỗi bạn cũng cần giữ gìn an ninh trật tự, không xả rác bừa bãi, không nẹt pô, gây mất trật tự vào ban đêm khi người dân đi ngủ. Đồng thời, cần phải tuân thủ giao thông, không nên thấy đường vắng mà phóng nhanh vượt ẩu, kẻo gây ra tai nạn đáng tiếc.
Rõ ràng, tuổi trẻ là thích khám phá, xê dịch. Song để hài hòa giữa vui chơi, hưởng thụ, khám phá và mức độ văn hóa, an toàn, an ninh trật tự, thì cần thêm những hướng dẫn của các cơ quan chức năng, đồng thời chính các bạn trẻ phải tự lên kế hoạch, điều tiết và chọn lựa địa điểm, để có chỗ vui chơi về đêm được an toàn.
Nguồn: CSTC/Báo CAND