Phóng sự
Ngăn chặn việc hành xử bằng bạo lực
Một nhóm thanh niên kẹp 3, kẹp 4 lao từ trong ngõ ra, kẻ cầm lái cười hô hố, quay hẳn lại cười đùa với mấy người ngồi sau, tạo thành cú đâm cắt ngang xe của nhóm thanh niên khác đang đi tới. Cả 2 xe cùng đổ kềnh ra đường. Sau mấy câu chửi rủa tục tĩu, họ lăn xả vào nhau bằng mọi thứ vơ được.
Cuộc va chạm giao thông ấy lập tức biến thành trận hỗn chiến ngay trước mũi xe tôi, trên hành trình rời quê hương để trở lại với công việc của một năm mới.
Trong một cộng đồng mà xu hướng bạo lực đang gia tăng, việc hiểu biết căn nguyên của vấn nạn cùng kỹ năng ứng phó là sự chuẩn bị cần thiết để thích nghi và tồn tại.
Những con số đau lòng
Con đường như dải lụa mềm hanh hao trong nắng xuân, bạt ngàn cây cối ven đường đang căng tràn nhựa sống… nhưng trong tôi không có được cảm giác thư thái, bởi văng vẳng lời mẹ dặn trước lúc lên đường: "Đường Tết, con đi cẩn thận. Bọn trai quê rượu vào rồi ra đường lạng lách, hò hét, phóng xe bạt mạng. Vô phúc va vào đám ấy, không tai nạn thì cũng xô xát".
Lên đường chưa được chục cây số, vụ ẩu đả ấy đã xảy ra. Cả 2 bên hơn chục gã trai hùng hổ lao vào nhau như muốn "ăn sống nuốt tươi", rồi gạch đá được quại "thật lực" về phía đối thủ. Cả đoạn đường dài bị tắc nghẽn, nhưng rồi sự việc đột nhiên tan biến nhanh như lúc nó xảy ra, khi có tiếng còi khẩn cấp vọng đến.
Câu chuyện chấm dứt tại đó, nhưng dễ mà sẽ âm ỉ, kéo dài khi lòng hận thù giữa 2 nhóm đã được "kích hoạt". Điều này thì chúng tôi tin, bởi ngay lúc được người đi đường giúp băng bó, Lò Văn T. (người bị ném đá trúng đầu), dù mặt đang bê bết máu vẫn nói rất "cứng" trong hơi rượu nồng nặc: "Được rồi, mấy thằng ôn này em biết ở đâu rồi…".
Theo báo cáo của Bộ Y tế, chỉ trong 3 ngày Tết (ngày 30 đến hết mồng 2 Tết Nguyên đán Đinh Dậu, tức từ ngày 27-1 đến 29-1-2017), các bệnh viện toàn quốc đã tiếp nhận trên 2.200 người vào viện do đánh nhau gây thương tích, trong số này có 990 người phải nhập viện điều trị nội trú, trên 260 người bị thương tích nặng phải chuyển lên tuyến trên và 14 người trong số đó đã tử vong. Riêng mồng 1 Tết có 352 ca đánh nhau phải nhập viện.
So sánh với các năm gần đây, thấy rằng con số năm nay không phải là hiện tượng gì mang tính "đột biến", bởi theo Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, trong 5 ngày Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 (tính từ ngày 29 tết) có hơn 3.400 ca nhập viện do đánh nhau.
Còn Tết Ất Mùi 2015 có tới 195 nghìn ca khám cấp cứu, với hơn 6 nghìn người phải nhập viện do thương tích trong 3 ngày Tết. Ngày cao nhất có 900 ca nhập viện, trong đó có 11 người tử vong.
Ths.Nguyễn Cao Cường (Giảng viên đại học Quốc gia Hà Nội) nhận xét: "Những con số rùng rợn ấy đã báo hiệu những diễn biến bất thường trong xã hội. Không gì bất hạnh hơn với mỗi gia đình khi tai họa giáng xuống ngay trong những ngày đầu năm mới. Niềm vui đoàn tụ, sum họp gia đình, gặp gỡ bạn bè, kết nối tình bằng hữu... sao còn được, khi người nhà nhập viện, bị bắt, thậm chí vĩnh viễn nằm lại hiện trường của các vụ ẩu đả. Rồi thì người thân, bạn bè, xóm giềng, khu phố... của "người trong cuộc" cũng bị ảnh hưởng. Tình máu mủ, tình làng nghĩa xóm, tương thân tương ái… sẽ tan nát sau sự cố. Tết mất vui và ý nghĩa ngày đầu xuân tiêu tan hết".
Một vụ ẩu đả trong ngày Tết. |
Đi tìm nguyên nhân
Phân tích nguyên nhân dẫn đến các cuộc ẩu đả, xô xát trong dịp tết, nhất là ở các vùng nông thôn, Thượng tá Nguyễn Chí Dân (Trưởng phòng công tác chính trị, Công an tỉnh Yên Bái) cho biết: "Có "ngàn lẻ một" nguyên nhân khiến con người ta vung nắm đấm vào nhau trong dịp tết, nhưng có lẽ tác động của "nồng độ cồn" cao trong máu là lý do trực tiếp và phổ biến nhất.
Người Việt quanh năm chung sống với cồn, rượu bia có mặt ở mọi ngóc ngách trong đời sống sinh hoạt và thói quen "thù tạc" đã trở thành một "nét văn hóa" riêng có của người Việt. Tết là dịp nghỉ ngơi, gặp gỡ, nên lượng rượu bia tiêu thụ càng mạnh. Hệ quả của nó là cả một cộng đồng cùng nhau say sưa. Khi rượu vào, người ta khó kiểm soát bản thân và dễ bị kích động bởi những tác động từ môi trường, hoàn cảnh.
Với nhiều người, kỹ năng quản trị cảm xúc không có, dưới tác động của men rượu, họ sẵn sàng hành xử theo bản năng. Nguyên nhân của những cuộc ẩu đả bên bàn rượu hay trên đường vào dịp tết, thường thì rất đơn giản, đôi khi chỉ vì các bên tranh nhau phần đúng. "Rượu vào lời ra" khiến người ta không có khả năng nghe đối phương trình bày.
Khi đã "tranh đúng" bằng lời mà không được, thì việc "tranh đúng" bằng nắm đấm là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, tôi nghĩ rượu bia chỉ là nguyên nhân trực tiếp trong những cuộc ẩu đả cộng đồng. Trong sâu thẳm, tôi nghĩ đó là hệ quả tất yếu từ sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Khi đạo đức bị băng hoại, những giá trị truyền thống của dân tộc Việt chìm vào quên lãng, con người ta sống vô cảm, chạy đua theo lợi ích vật chất hay danh vọng, việc tranh giành, chụp giật, khinh nhờn pháp luật…trở thành thói quen sinh hoạt của một bộ phận người, thì đó là sự khởi đầu của bạo lực cộng đồng".
Lý giải về hiện tượng bạo lực bất thường trong cộng đồng, GS Trần Ngọc Thêm (Trường Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Việt Nam hiện nay là điển hình cho một xã hội đang chuyển mình. Nếp sống văn hóa nông nghiệp truyền thống dựa trên tình nghĩa gần như đã bị phá vỡ, trong khi nếp sống của văn hóa đô thị và công nghiệp dựa trên pháp luật mới bắt đầu hình thành.
Mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và văn hóa đã bị đẩy tới mức giới hạn khiến cho văn hóa ứng xử giữa người với người xuống cấp báo động. Mâu thuẫn ấy thể hiện qua các vấn đề: pháp luật thiếu nghiêm minh, "hành xử" nặng về quan hệ hơn là trí tuệ…; những chính sách đi ngược lại với lợi ích của số đông được ban hành; nhiều người đặt lợi nhuận kinh tế lên trên hết để đầu độc môi trường, đầu độc nhau trong những bữa ăn hằng ngày bằng đủ loại hóa chất độc hại…
Qua thời gian, những vấn đề này được tích tụ, khiến người ta cảm thấy cuộc sống của mình trở nên bất an, thiếu niềm tin. Và đó cũng là lúc người ta nảy sinh sự nghi kỵ, oán hờn với những người xung quanh, dẫn đến thiếu khả năng kiềm chế, cư xử nóng vội, bạo lực, đánh nhau… "Lẽ ra, phát triển kinh tế phải song hành với văn hóa. Văn hóa là nền tảng cho phát triển kinh tế. Nhưng ở ta, đáng tiếc, vế thứ hai chưa làm tốt được" - GS Thêm phân tích.
Một nạn nhân được cấp cứu. |
"Quân tử phòng thân"
Bảo đảm an toàn khi tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng và biết cách ứng xử khi chẳng may bị cuốn vào một cuộc ẩu đả… là những kỹ năng sống cần thiết trong đời sống mà bạo lực đang có xu hướng gia tăng.
Võ sư Trịnh Hồng Minh (môn phái Nhất Nam) tư vấn: "Theo tôi, khi gặp phải một trận ẩu đả, giải pháp tốt nhất là tránh cho xa khu vực ấy. Tuyệt đối không dừng lại xem chỉ vì tò mò. Cần tỉnh táo khi quyết định can thiệp vào một vụ ẩu đả có nguy cơ biến thành xung đột lớn.
Nếu tự thấy không có đủ khả năng và trách nhiệm giải tán đám đông… thì tốt nhất là tránh cho xa. Bởi vì chính bạn có thể trở thành bị hại tiếp theo khi xen vào đám đông đang kích động, vì có thể bị nhầm là đồng bọn của kẻ họ đang trút giận.
Tuy bỏ đi, nhưng bạn vẫn có thể giúp đỡ nạn nhân, hay ngăn chặn hậu quả xấu bằng cách gọi 113, hoặc báo CSGT, CSTT đang làm nhiệm vụ trên đường.
Trường hợp chẳng may chính mình là nạn nhân, cách thoát ra khỏi một cuộc ẩu đả là tránh hẳn nó đi, ngay cả khi nó tự tìm đến mình. Thực tế, trong các vụ xô xát, người ta chỉ bốc hỏa dẫn đến hành động mất kiểm soát khi tranh giành nhau. Đó có thể là tranh phần đúng, tranh vị thế, sỹ diện hão. Xử sự khôn ngoan là mềm mỏng, không đôi co vì sỹ diện, sẵn sàng nhận sai và xin lỗi đối phương.
Nếu đã xử nhũn, mà đối phương vẫn hùng hổ xấn tới thì giải pháp khôn ngoan là chạy. Hãy chạy vào nhà dân, chạy đến các chốt Công an đang làm nhiệm vụ trên đường, vừa chạy vừa kêu cứu. Chạy khỏi khu vực nguy hiểm không hề là hèn nhát, mà đó là cách mạnh mẽ nhất để bạn bảo vệ bản thân mình.
Trường hợp bị "đuổi cùng giết tận", hãy nhớ rằng pháp luật dành cho bạn quyền phòng vệ chính đáng. Bạn có quyền tự vệ bằng những phương tiện, biện pháp mà bạn cảm thấy cần thiết để ngăn chặn hành vi tấn công đang thực tế diễn ra. Kể cả bạn gây ra những thiệt hại cho kẻ tấn công thì hành vi đó cũng có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, vì tính chất phòng vệ đã loại bỏ tính nguy hiểm của hành vi chống trả".
Để giữ mình không bị cuốn vào bạo lực, theo Ths. Nguyễn Cao Cường thì trong đời sống hằng ngày, mọi người nên tạo lập những mối quan hệ tốt, biết lắng nghe và chia sẻ với nhau để tránh hiềm khích. Trong giao tiếp xã hội luôn để ý tiết chế cảm xúc, cẩn trọng trong giao tiếp, tránh những hiềm khích, xung đột không đáng có.
"Khi đã xảy ra xích mích giữa các bên, thì phương châm xử lý là giữ bình tĩnh, cố gắng giải quyết nhẹ nhàng bằng lời nói. Nếu thấy đối phương có dấu hiệu say xỉn, muốn gây sự, tốt nhất là hãy tìm mọi cách thoát thân. Chỉ chống trả khi là biện pháp cuối cùng để bảo đảm sự an toàn về tính mạng, sức khỏe của mình. Trong những tình huống đó, việc chuẩn bị trước những kiến thức võ thuật, làm chủ kỹ thuật tự vệ chiến đấu sẽ là giải pháp bảo đảm cho sự an toàn của mỗi người" - ông Cường tư vấn.
Nguồn: CSTC/Báo CAND