Phóng sự

Sẻ chia sự sống bằng hiến mô tạng

14:51, 15/12/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Nhu cầu ghép mô, tạng tại nước ta là hơn 13.500 người, nhưng từ năm 1992 đến này chỉ có 24 năm nhưng số ca ghép tạng ở Việt Nam mới chỉ gần 2.000 ca. Chính điều đó là một phần nguyên nhân nạn buôn bán nội tạng người trái phép.

Hiện nay, nhu cầu ghép mô, tạng tại nước ta là hơn 13.500 người, trong đó: ghép thận khoảng 6.000 trường hợp; ghép gan: 1.500 trường hợp (riêng một số thành phố lớn trong cả nước) và ghép giác mạc khoảng 6.000 trường hợp...

Tuy nhiên, từ năm 1992 cho đến nay đã là 24 năm nhưng số ca ghép tạng ở Việt Nam mới chỉ gần 2.000 ca thành công. Không phải do trình độ kĩ thuật của chúng ta không đủ mà do nguồn cung từ việc hiến mô, tạng là quá ít ỏi.

Các đại biểu tham dự buổi giao lưu trực tuyến do Báo CAND tổ chức.
Các đại biểu tham dự buổi giao lưu trực tuyến do Báo CAND tổ chức.

Điều đó cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến việc buôn bán người và buôn bán nội tạng trái phép, một vấn đề nhức nhối đang được nhắc đến trong thời gian gần đây...

Cung không đủ cầu, mối nguy phạm tội

Mới đây, báo CAND đã phối hợp cùng Trung tâm điều phối về ghép bộ phận cơ thể người và Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ và truyền thông LC Việt Nam tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến "Hiến tạng: Sẻ chia sự sống và khía cạnh pháp lý".

Khách mời buổi giao lưu có hai ông Phó Giám đốc Trung tâm điều phối về ghép bộ phận cơ thể người là PGS.TS Đồng Văn Hê và ông Nguyễn Hoàng Phúc; Đại tá Trần Mười, Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an.

Tại buổi giao lưu trực tuyến, trả lời câu hỏi của độc giả, Đại tá Trần Mười đã cho biết, tình hình tội phạm mua bán người và mua, bán nội tạng người có liên quan đến nhau. Tình hình này trên thế giới và Việt Nam diễn ra rất phức tạp. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, Interpol… trên thế giới có khoảng 63 triệu người bị đưa ra nước ngoài một cách trái phép mỗi năm.

Trong đó, khá đông là nạn nhân của tội phạm mua bán người. Tội phạm mua bán người có tính quốc tế hóa, không chỉ diễn ra ở duy nhất một quốc gia, khu vực nào, hoạt dộng thành những mạng lưới, đường dây mua bán.

Trong đó, địa bàn mua bán chủ yếu từ Việt Nam là sang Trung Quốc (chiếm đến 60 đến 70% tổng số vụ), ngoài ra còn sang các nước như Lào, Đài Loan, Nam Phi, Campuchia… Tội phạm mua bán người thường thu lợi nhuận khổng lồ, được đánh giá là chỉ sau mua bán ma túy.

Ca phẫu thuật ghép đa tạng cứu sống 4 người.
Ca phẫu thuật ghép đa tạng cứu sống 4 người.

Về vấn đề mua bán nội tạng trái phép: Ước tính có đến hàng chục ngàn vụ mua bán nội tạng người trái phép xảy ra hàng năm, nhưng trên thực tế, con số này có thể lớn hơn rất nhiều. Ở Việt Nam mỗi năm có đến hơn 1.000 ca ghép tạng, nhưng rất khó để xác minh được là có trái phép hay không.

Nguyên nhân trước hết là do cầu vượt quá cung. Chúng ta còn thiếu những quy định của pháp luật, nhận thức của người hiến tạng còn thấp và sự tuyên truyền của các cơ quan chức năng còn chưa thực sự hiệu quả.. Nhu cầu ghép tạng, nhu cầu được chữa bệnh của người dân là rất lớn, nhưng hiểu biết về pháp luật còn hạn chế dẫn đến tình trạng ghép "chui".

Tội phạm mua bán nội tạng người lợi dụng những nhu cầu và sự kém hiểu biết của người dân để thực hiện hành vi phạm tội của mình. Trên thực tế, nhiều người hiến tạng ở trong độ tuổi còn rất trẻ, thanh niên, sinh viên, nhưng do điều kiện, hoàn cảnh khó khăn nên đã trở thành nạn nhân của tội phạm này.

Cách đây không lâu, sau khi tiếp nhận thông tin báo chí, Cục C45 đã phối hợp với Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, Công an Hà Nội để xác minh và triệt phá đường dây làm giả giấy tờ để mua bán thận trái phép do Nguyễn Việt Dũng (hay còn gọi là Dũng "trọc", trú tại Hàng Kênh, Hải Phòng) cầm đầu.

Theo đó, lợi dụng nhu cầu cần được ghép thận đang tăng cao, Dũng đã lên mạng internet tìm người hiến thận. Mỗi người hiến thận sẽ được nhận từ 150-180 triệu đồng, mỗi lần môi giới thành công, Dũng bỏ túi được hơn chục triệu đồng.

Ngoài ra lực lượng chức năng còn phát hiện nhiều vụ mua bán người có quy mô lớn xuyên quốc gia. Ví dụ gần đây là vụ 17 cháu bé bị đưa sang Đài Loan, hoặc vụ 5 cháu bé sơ sinh ở TP Hồ Chí Minh bị bán sang Trung Quốc. Hàng trăm phụ nữ Việt Nam đang hoạt động mại dâm ở Malaysia... Đây là những dấu hiệu cho thấy tội phạm buôn bán người, thậm chí là nguy cơ buôn bán nội tạng.

Để giải quyết vấn đề đó, hiện nay, các cơ quan chức năng đang phối hợp rất chặt chẽ để phát hiện, điều tra, ngăn chặn và xử lý những trường hợp mua bán trái phép nội tạng người.
Hiến mô tạng để chia sẻ sự sống

Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ cho biết: "Hàng năm ở nước ta có khoảng 1 triệu người bị chấn thương sọ não (trong đó có tới 70-80% do tai nạn giao thông). Tại một số bệnh viện lớn như Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy... trung bình một ngày có từ 2-4 bệnh nhân chết vì chấn thương sọ não nhưng rất ít trường hợp tự nguyện hiến mô tạng. Như vậy có thể thấy, số lượng người không may bị TNGT, bị chấn thương sọ não dẫn tới tử vong là rất lớn, song số lượng mô, tạng được hiến và cứu sống người bệnh vẫn ít...".

Tuy nhiên, ngoài lí do nói trên, một phần là do phong tục tập quán của người Việt là chết phải toàn thây nên không có ý định hiến mô, tạng sau khi qua đời. Thậm chí, với nhiều trường hợp đăng kí hiến mô tạng, sau khi qua đời, các bác sĩ đến nhận nhưng bị người nhà ngăn cản do quan niệm truyền thống.

"Theo tôi, việc này không chỉ 1-2 năm mà phải cần tới 10-20 năm, thậm chí nhiều hơn nữa. Muốn vậy phải làm tốt công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân", PGS.TS Đồng Văn Hệ chia sẻ.

Theo số liệu ghép tạng tính đến ngày 21-10-2016, ở nước ta đã có 1.637 ca; ghép thận; 61 ca ghép gan; 20 ca ghép tim; 8 ca ghép tuỷ; 1 ca ghép thận và tụy; 1 ca ghép tim và phổi. Đó là một con số không đáng là bao so với số lượng 13.500 bệnh nhân đang chờ ghép mô, tạng.

Hiện nay, nhận thức của người dân về việc ghép mô, tạng đã cải thiện đáng kể, đã xuất hiện những ngôi làng hiến giác mạc như ở Kim Sơn (Ninh Bình), nhiều tấm gương hiến tạng đầy nhân văn như vợ chồng chị Phạm Thị Tuyết (Kiến Thiết, Tiên Lãng, Hải Phòng) với hai lần hiến tạng hay gần đây nhất là trường hợp một gia đình ở Quốc Oai đồng ý hiến tạng người con trai đã chết não của mình để cứu sống 4 người khác.

Vợ chồng chị Phạm Thị Tuyết ở Hải Phòng với hai lần hiến tạng.
Vợ chồng chị Phạm Thị Tuyết ở Hải Phòng với hai lần hiến tạng.

Chính những người biết chia sẻ sự sống, chia sẻ niềm tin, tình yêu thương giữa con người đã giúp số lượng người đăng ký hiến tạng tăng gấp nhiều lần chỉ sau ba năm.

Theo số liệu của Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia (TTĐPGTQG) thì năm 2014, số người đăng ký hiến tạng sau khi chết và chết não là  265 trường hợp (trong đó 88 trường hợp đăng ký qua TTĐPGTQG; Bệnh viện Chợ Rẫy 177 trường hợp).

Năm 2015, số người đăng ký hiến tạng sau khi chết và chết não là: 3.542 trường hợp (trong đó 2.348 trường hợp đăng ký qua TTĐPGTQG; Bệnh viện Chợ Rẫy 1.194 trường hợp). Và cho đến năm 2016, số người đăng ký hiến tạng sau khi chết và chết não đã là: 6.659 trường hợp (trong đó 3.759 trường hợp đăng ký qua TTĐPGTQG; Bệnh viện Chợ Rẫy 2.900 trường hợp).

Như vậy, với việc nhiều người hiểu biết và đồng ý hiến mô, tạng đã góp một tay vào việc cứu sống được nhiều người khác đang trong cơn hoạn nạn. Một phần đẩy lùi được hành vi phạm tội trong việc buôn bán người, buôn bán nội tạng. Hành động nhân văn ấy sẽ góp phần làm cho xã hội thêm tươi sáng và biết sẻ chia hơn nữa.


*Nếu một người muốn đăng ký hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết và chết não thì người đó có thể đến cơ sở y tế gần nhất để bày tỏ ý nguyện đó. Cơ sở y tế sẽ có trách nhiệm tiếp nhận thông tin để báo về Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia và Trung tâm sẽ thông tin đến cơ sở y tế có chức năng phù hợp để tiếp nhận đơn đăng ký hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết/chết não và hoàn tất thủ tục pháp lý, tư vấn, cấp thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng (hiến sau khi chết và chết não).

*Hoặc người hiến có thể trực tiếp tới cơ sở y tế có chức năng lấy, ghép mô, tạng để đăng ký hiến (khi còn sống hoặc sau khi chết): BV Hữu nghị Việt Đức; BV Quân y 103; BV Nhi TW; BV Bạch Mai; BV 198 - Bộ Công an; BVĐK Xanh Pôn; BVĐK Phú Thọ; BV TW Huế; BVĐK Đà Nẵng; BV Chợ Rẫy; BV Nhi đồng 2; BV Nhân dân Gia Định; ĐH Y dược TP. Hồ Chí Minh; BV Nhân dân 115; BVĐK Kiên Giang.

*Nếu người hiến muốn đăng ký hiến mô thì có thể liên hệ trực tiếp đến một trong các ngân hàng mô sau: Ngân hàng Giác mạc-BV Mắt TW; Trung tâm mô, phôi - ĐH Y Hà Nội; Ngân hàng Mô- BV Bỏng Lê Hữu Trác; ĐH Y Phạm Ngọc Thạch; Ngân hàng tế bào gốc Mekophar.

* Nếu người hiến muốn đăng ký hiến xác thì có thể liên hệ trực tiếp đến một trong các trường ĐH y để đăng ký hiến xác: ĐH Y Hà Nội; ĐH Y Thái Nguyên; ĐH y Thái Bình; ĐH Y Hải Phòng; Học viện Quân Y (Bộ môn Giải phẫu); ĐH Y Huế (Bộ môn Giải phẫu); ĐH Y Tây Nguyên; ĐH Y Cần Thơ (Bộ môn Giải phẫu); ĐH Y dược TP HCM (Bộ môn Giải phẫu); ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (Bộ môn giải phẫu).

* Ngoài ra, một cách đơn giản hơn, người hiến có thể tới hoặc liên hệ trực tiếp với Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia để được tư vấn, trợ giúp hoặc hỗ trợ trực tiếp để đăng ký hiến tạng khi còn sống hoặc cấp thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng (sau khi chết và chết não).

Nguồn: Báo CAND

Các tin khác