Phóng sự

Tăng cường chống buôn lậu những ngày cuối năm

08:58, 13/12/2016 (GMT+7)

Ngay từ những tháng giữa năm 2016, lãnh đạo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (C74) đã triển khai lực lượng phối hợp với các đơn vị chức năng truy bắt hàng chục vụ buôn lậu với quy mô lớn đưa ra xử lý trước pháp luật.

Thời gian gần đây, tình trạng buôn lậu tại khu vực cửa khẩu các tỉnh phía Nam diễn ra hết sức phức tạp. Ngoài các mặt hàng tiêu dùng, thuốc lá điếu, đường cát… liên tục được giới buôn lậu tìm cách tuồn qua biên giới các tỉnh Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang vào tiêu thụ trong nội địa thì thực phẩm chức năng và thuốc tân dược, đặc biệt là ngà voi, sừng tê giác, được ngụy trang dưới nhiều hình thức cũng liên tục được đưa vào trong nước qua đường hàng không và cảng biển.

Hàng chục tấn ngà voi nhập lậu qua cảng Cát Lái.
Hàng chục tấn ngà voi nhập lậu qua cảng Cát Lái.

Trước tình hình này, ngay từ những tháng giữa năm 2016, lãnh đạo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (C74) đã triển khai lực lượng phối hợp với các đơn vị chức năng truy bắt hàng chục vụ buôn lậu với quy mô lớn đưa ra xử lý trước pháp luật.
Theo một trinh sát Cục C74B cho biết: Trước đây dân buôn lậu thường tập kết ngà voi, sừng tên giác, vảy tê tê tại một nước ngoài châu Phi rồi nhét vào trong ruột các loại máy móc, thiết bị, bao phân bón hoặc các loại hàng hóa khác trước khi đóng vào container đưa về Việt Nam bằng đường tàu biển.

Tuy nhiên do bị cơ quan chức năng liên tục phát hiện, bắt giữ nên gần đây dân buôn lậu thuê luôn những thợ cưa ở Mozambique, Nam Phi, Togo… đục những thân cây gỗ lớn, nhét ngà voi vào trong, phủ lên một lớp sáp hoặc thạch cao trộn mùn cưa trước khi dùng miếng gỗ khác làm nắp đậy lên rồi đóng đinh lại hòng vượt qua được công tác soi chiếu của Hải quan cửa khẩu.

Vụ việc liên tục bị bại lộ, hàng tấn ngà voi bị thu giữ và chủ hàng cũng bị xử lý trước pháp luật nhưng có lẽ vì lợi nhuận quá lớn nên vào những tháng cuối năm 2016, cũng bằng chiêu thức nhập khẩu gỗ, dân buôn lậu tiếp tục tuồn ngà voi về Việt Nam.

Vẫn những thân cây gỗ lớn như trước, nhưng họ trang bị những loại máy móc, thiết bị hiện đại để khi đục những lõi gỗ sao cho mắt thường khó có thể phát hiện. Sau khi nhét đầy ngà voi vào trong và nấu sáp đổ vào vừa là để bảo vệ, vừa làm cho ruột gỗ đặc lại, dân buôn lậu còn sử dụng những loại keo dán đặc biệt có màu giống như màu gỗ để hàn những nắp đậy mà nếu nhìn bằng mắt thường thì ai cũng nghĩ là gỗ nguyên khối.

Đặc biệt những lô hàng này thường được nhập theo dạng quá cảnh chờ xuất đi một nước thứ 3, nhưng thực tế khi hàng hóa nếu ra khỏi cổng cảng, các chủ hàng thường cho tập kết tại một địa điểm hoang vắng nào đó hoặc một kho bãi kín đáo để móc hết những khúc gỗ có chứa ngà voi bên trong rồi mới tiếp tục hành trình đến cửa khẩu làm thủ tục xuất đi Campuchia.

Ngoài ra chủ hàng thực sự cũng không bao giờ ra mặt mà họ thường ủy thác cho những công ty có chức năng xuất nhập khẩu hàng hóa vận chuyển để lỡ bị cơ quan chức năng phát hiện thì ung dung đứng ngoài nhìn mà không bị xử lý trước pháp luật.

Cũng có trường hợp chủ hàng bỏ tiền ra lập những công ty thương mại, xuất nhập khẩu nhưng không trực tiếp đứng tên làm giám đốc mà thuê những người chạy xe ôm hoặc người giúp việc trong nhà đứng tên và đứng đằng sau điều hành mọi việc.

http://static.cand.com.vn/Files/Image/chienthang/2016/12/12/c8fce0c6-643d-482f-a5a8-329e9fb5a842.JPG
Đối tượng Nguyễn Đức Nguyên vận chuyển sừng tê giác từ Nghệ An vào TP. Hồ Chí

Chiều tối ngày 28-11-2016, các trinh sát Cục C74B phối hợp với Đội 4, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải Quan, Bộ đội Biên phòng và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (lực lượng phối hợp) tiến hành kiểm tra 3 container gỗ từ châu Phi quá cảnh qua cảng Cát Lái trước khi tái xuất sang Campuchia.

Qua kiểm tra phát hiện bên trong các lõi gỗ có chứa tổng cộng 529kg ngà voi. Cũng bằng thủ đoạn này, vào ngày 7-11-2016, lực lượng phối hợp cũng đã phát hiện 600kg ngà voi và 277kg vảy tê tê nhập lậu thông qua cảng Cát Lái.

Trước đó, ngày 5-10-2016, lực lượng phối hợp kiểm tra 2 container gỗ xoan đào do Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Diệu Tiên có trụ sở tại phường 11, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh nhập về từ Mozambique.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng phối hợp phát hiện trong lõi một số khối gỗ lớn có dấu hiệu của vật thể lạ (không phải là lõi gỗ như bình thường) nên đã tiến hành lập biên bản cho chẻ những khối gỗ có dấu hiệu nghi vấn. Đến chiều ngày 7-10-2016, sau khi cho chẻ các khối gỗ, lực lượng phối hợp đã thu giữ trên 2 tấn ngà voi.

Mặc dù trong tờ khai Hải quan thể hiện số hàng này là của Công ty Diệu Tiên có trụ sở tại phường 11, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh, nhưng khi lực lượng Công an tìm đến địa chỉ trên thì không có công ty này mà ở đó chỉ là một tiệm tạp hóa.

Phải mất nhiều thời gian, lực lượng Công an mới có thể gặp được Giám đốc của công ty này là bà Võ Thị Hồng D, nhưng bà phủ nhận việc mình có liên hệ với giới buôn lậu ở Mozambique để vận chuyển lậu ngà voi về Việt Nam mà chỉ nhận ủy thác vận chuyển gỗ xoan đào cho một công ty ở Campuchia.

Quanh co chối tội nhưng khi được yêu cầu cung cấp hợp đồng ủy thác cùng những thông tin về đối tác ở nước ngoài thì bà D không thể chứng minh được nên đã phải khai nhận toàn bộ hành vi của mình.

Ngoài ngà voi thì sừng tê giác, thuốc lá và thuốc tân dược cũng được dân buôn lậu liên tục cho vượt biên để luân chuyển vào các tỉnh trong nội địa. Cụ thể vào đêm ngày 13-7-2016, các trinh sát Cục C74B phối hợp Tiểu đoàn đặc nhiệm số 2 bắt gọn 11 xuồng máy chở 90.000 gói thuốc lá lậu qua biên giới thuộc địa bàn xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.

Tối ngày12-9-2016, phối hợp với Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An bắt giữ 50.000 gói thuốc lá Jet, Hero đang được các con buôn tuồn qua biên giới.

Lúc 10h 45’  ngày 18-11-2016, các trinh sát Phòng 6, Cục C74 Bộ Công an phối hợp với Công an quận Tân Bình và Trung tâm An ninh sân bay Tân Sơn Nhất tiến hành kiểm hành lý mang theo người của hành khách mang tên Nguyễn Đức Nguyên, 29 tuổi tại Diễn Châu, Nghệ An đi trên chuyến bay VN1263 từ TP.Vinh vào TP. Hồ Chí Minh.

Qua kiểm tra, lực lượng phối hợp phát hiện bên trong thùng hành lý có chứa 1 chiếc sừng nghi là tê giác còn nguyên vẹn và hai miếng nhỏ khác đã được cưa vuông vức với tổng trọng lượng 4kg cùng một số miếng nghi là cao động vật hoang dã.
Trong quá trình làm việc với cơ quan Công an, Nguyên đã liên tục kêu đau bụng đòi đi nhà vệ sinh và khi được đồng ý thì tung cửa chạy ra ngoài đường hòng trốn thoát.

Tuy nhiên, Nguyên chỉ chạy được gần 1km thì bị lực lượng chức năng đuổi theo bắt giữ trở lại. Biết không thể thoát được, Nguyên đã khai nhận số sừng tê giác trên có giá trị hàng tỷ đồng do một người quen tên Thắng ở TP. Hồ Chí Minh nhờ mang từ Nghệ An vào.

Trước giờ bay 1 tiếng, khi Nguyên đến sân bay Vinh thì Thắng gọi điện cho một người làm an ninh sân bay (không rõ họ tên) đưa tất cả hành lý cùng thùng đựng sừng tê giác qua máy soi chiếu, sau đó không thấy ai hỏi gì nên Nguyên gom các thùng hàng và hành lý đi thẳng vào trong chờ lên máy bay.

Trong toàn bộ quá trình làm các thủ tục, Thắng liên tục gọi điện thoại để kiểm tra tình hình và khi biết đã lọt qua cửa an ninh soi chiếu thì dặn Nguyên khi hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất thì thông báo để Thắng cho người ra đón, nhưng Nguyên chưa kịp liên lạc thì đã bị cơ quan Công an phát hiện.

Trung tá Trần Thanh Hiển - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (C74) cho biết: Dường như đã thành quy luật, cứ vào những tháng giữa năm trở đi, tình trạng buôn lậu lại gia tăng đột biến gây tổn hại rất lớn đến sản xuất trong nước.

Tại khu vực cửa khẩu thuộc địa bàn các tỉnh Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang tiếp giáp với Campuchia, các loại hàng tiêu dùng, đường cát và đặc biệt là thuốc lá được dân buôn lậu tìm đủ mọi cách đưa qua biên giới mang vào tiêu thụ trong nội địa.

Tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và cảng biển xung quanh TP. Hồ Chí Minh, các loại thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, sừng tê giác, ngà voi cũng được dân buôn lậu ngụy trang cất giấu trong ruột những thùng hàng hóa thông thường, thậm chí còn khoét các khúc gỗ lớn rồi nhét hàng lậu vào trong để tìm cách đưa vào tiêu thụ trên thị trường.

Tang vật một vụ buôn thuốc lá lậu tại xã Phước Chỉ, Trảng Bàng, Tây Ninh.
Tang vật một vụ buôn thuốc lá lậu tại xã Phước Chỉ, Trảng Bàng, Tây Ninh.

Buôn lậu trên tuyến đường bộ và đường sắt Bắc - Nam cũng diễn ra hết sức nhức nhối mà cụ thể là hàng nhập lậu từ Trung Quốc với số lượng lớn cũng đã được dân buôn đưa lên tàu hỏa vận chuyển từ các tỉnh biên giới phía Bắc vào đến tận ga Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai trước khi bị bắt giữ.

Trước tình trạng buôn lậu ngày càng phức tạp, ngay từ những tháng giữa năm 2016, lãnh đạo Cục C74B đã chỉ đạo cho cán bộ chiến sỹ trong đơn vị tăng cường lực lượng phối hợp với các đơn vị chức năng tại các địa phương có tuyến biên giới và cửa khẩu, liên tục thực hiện các biện pháp kiểm tra, kiểm soát nhằm kịp thời đấu tranh, xử lý đối với các loại hình buôn lậu và gian lận thương mại.

Ngoài ra còn phải tập trung kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng cấm, các loại vũ khí, vật liệu nổ nhằm bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Cho đến nay, cán bộ chiến sỹ Phòng 6, Cục C74B đã phối hợp với Công an các tỉnh Long An, Tây Ninh, An Giang, Đồng Tháp triệt phá nhiều đường dây buôn lậu đường cát, hàng tiêu dùng các loại và thuốc lá điếu với số lượng lớn.

Phối hợp với Hải quan cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, sừng tê giác… Phối hợp với cục chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan, Bộ đội Biên phòng và Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực 1 bắt giữ 6 vụ vận chuyển trái phép hàng tấn ngà voi từ các nước châu Phi trị giá nhiều tỷ đồng vào tiêu thụ tại Việt nam.

Để bảo đảm an toàn cho thị trường hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến, vừa qua, Cục cũng đã chỉ đạo cho cán bộ chiến sỹ tăng cường các biện pháp nghiệp vụ ngày đêm tuần ta kiểm soát tại những điểm nóng để nắm bắt tình hình, sẵn sàng đấu tranh ngăn chặn tình trạng buôn lậu mọi lúc mọi nơi.

Nguồn: Báo CAND

Các tin khác