Phóng sự
Đeo 'họa' vào cổ con
Yêu chiều con, nhiều bậc cha mẹ đã chưng diện, làm đẹp cho "thiên thần" bé nhỏ của mình bằng những món đồ trang sức xinh xắn, như sợi dây chuyền, bông tai, vòng, lắc, nhẫn... Chưa biết đứa trẻ trông có đáng yêu hơn hay không, nhưng chiều con kiểu ấy dễ mà đeo "họa" vào cổ con.
Tùy theo khả năng tài chính của phụ huynh mà món nữ trang ấy có thể được làm bằng vàng bạc, đá quý thật, hay những đồ mỹ ký nhìn cũng "long lanh" chẳng kém cạnh gì hàng xịn.
Chưa biết đứa trẻ trông có đáng yêu hơn hay không, nhưng chiều con kiểu ấy dễ mà đeo "họa" vào cổ con. Bởi đồ trang sức không chỉ gây ra những tác hại không nhỏ về sức khỏe với trẻ, mà còn biến chúng thành "mồi" thu hút "đạo tặc" đến làm hại.
Biến con thành "mồi"
Cuối năm 2015, Công an TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình đã bắt quả tang đối tượng Dương Thị Thêm (27 tuổi, trú tại đội 5, xã Xuân Quang, huyện Thọ Sơn, Thanh Hóa) khi thị vừa tháo 1 đôi hoa tai bằng vàng tây, 1 dây chuyền bạc, 1 lắc tay bạc của bé gái học lớp 1.
Đối tượng Dương Thị Thêm - kẻ gây ra gần 30 vụ chiếm đoạt đồ trang sức của trẻ em tại tỉnh Ninh Bình cuối năm 2015.
Đối tượng Dương Thị Thêm - kẻ gây ra gần 30 vụ chiếm đoạt đồ trang sức của trẻ em tại tỉnh Ninh Bình cuối năm 2015. |
Điều tra mở rộng vụ án, cơ quan Công an đã làm rõ Thêm chính là thủ phạm gây ra hàng loạt vụ chiếm đoạt đồ trang sức đắt tiền của gần 30 bé gái là học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Thủ đoạn phạm tội của Thêm là lợi dụng thời điểm buổi sáng và đầu giờ chiều có rất đông phụ huynh đưa con đến lớp, cổng trường nhộn nhạo người ra vào, để trà trộn lọt vào trong trường.
Thị đến dãy hành lang lớp 1 tìm những cháu đeo đồ trang sức có giá trị (như vòng, lắc, dây chuyền, hoa tai, nhẫn bằng vàng, bạc, vàng tây, đá quý), rồi dụ ra khu nhà vệ sinh hoặc lán để xe ít người qua lại.
Tại đây, Thêm tự xưng là cô giáo trong trường, hoặc là người được bố mẹ trẻ nhờ cất giữ hộ đồ cho con… rồi tự tay tháo nữ trang của trẻ mà không nhận bất cứ phản kháng nào của các cháu.
Những vụ án nhằm vào trẻ em để chiếm đoạt tài sản vẫn thường xuyên xảy ra, như vụ cưỡng đoạt tài sản của học sinh các trường THPT và THCS trên địa bàn huyện Vũ Thư (Thái Bình) của ổ nhóm đối tượng hình sự, hay như vụ một nhóm đối tượng cướp dây chuyền bạc và đôi hoa tai vàng tây của cháu N.T.B.A (5 tuổi) khi đang chơi ở Nhà Văn hóa huyện Thanh Trì (Hà Nội). Trên địa bàn huyện Sóc Sơn (Hà Nội) thời gian qua cũng đã xảy ra hàng loạt vụ cướp giật táo tợn của 2 đối tượng nam giới.
Sau một thời gian truy xét, cơ quan CSĐT - Công an huyện Sóc Sơn đã bắt giữ các tên Đỗ Bá Quang và Đỗ Trọng Trường (đều trú tại xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội).
Chúng được xác định là thủ phạm gây ra 5 vụ cướp giật tài sản của trẻ em. Con "mồi" mà ổ nhóm này nhắm tới là những cô, cậu bé đeo dây chuyền, đang chơi ở nơi công cộng hay trên đường đi học về.
Trong các vụ cướp, Trường là đối tượng điều khiển xe máy, còn Quang ngồi sau thực hiện hành vi cướp giật. Nạn nhân không chỉ bị cướp đi tài sản, mà còn tổn hại sức khỏe và hoảng loạn tinh thần.
Tác nhân gây bệnh
Theo bác sỹ Nguyễn Trung Kiên (Bệnh viện Bạch Mai) thì đồ trang sức bằng kim loại có những tác hại không nhỏ đối với sức khỏe của trẻ em. Ông nói: "Đồ trang sức được làm từ nhiều loại chất liệu, như vàng, bạc, nhôm, nickel, đồng, crom hoặc sắt, cadmi… Nên nhớ rằng, không phải chất liệu nào cũng phù hợp với làn da và cơ thể của trẻ.
Một nghiên cứu về sức khỏe cộng đồng mới đây đã cho biết, có tới 57% đồ trang sức kim loại (như lắc, vòng, dây chuyền, khuyên tai, nhẫn…) đang được bán trên thị trường hiện nay có chứa các hóa chất gây độc hại cho sức khỏe con người. Đó chính là những món đồ trang sức mỹ ký giá rẻ, trang sức giả đang được rất nhiều người sử dụng.
Thượng tá Trịnh Kim Vân (nguyên điều tra viên cao cấp, Phòng PC45 - Công an TP Hà Nội). |
Một số chất liệu nếu sử dụng lâu ngày có thể gây ngứa da, đặc biệt là những chất liệu như sắt, đồng thường sau một thời gian sử dụng với tác động của môi trường, mồ hôi… sẽ bị gỉ sét, từ đó gây kích ứng da, nổi mụn nước, nổi mẩn tại những điểm tiếp xúc… khiến da dễ bị nhiễm khuẩn, thậm chí là mưng mủ. Nguyên nhân của tình trạng này là do da của bé quá mẫn cảm nên phản ứng lại trước những tiếp xúc với hợp chất lạ.
Chưa kể, một số trang sức có góc cạnh hoặc có kiểu dáng sắc nhọn, chi tiết rườm rà như hình ngôi sao, hình chữ thập có thể cọ xát đâm vào da của bé, khiến da vốn mỏng manh dễ bị trầy xước, làm xây xát, gây viêm nhiễm da và sinh mủ".
Vẫn theo bác sỹ Kiên, trẻ em- nhất là các bé sơ sinh, thường có thói quen nghịch, ngậm, mút đối với đồ trang sức nên dễ nhiễm bệnh.
Nếu cho trẻ đeo các đồ trang sức rẻ tiền, trôi nổi không có rõ nguồn gốc…thì mối nguy hiểm tới sức khỏe của trẻ càng tăng. Trẻ có thể bị nhiễm các kim loại độc hại với nồng độ vượt hàng trăm lần cho phép.
Hiện nay có nhiều nhà sản xuất sử dụng cadmi - (một kim loại rẻ tiền, có đặc tính sáng bóng và dễ gia công, giúp nữ trang sáng bóng, lấp lánh) vào chế tác nữ trang rẻ tiền, thường được bán cho trẻ em.
Chất này nguy hại hơn cả chì, được mệnh danh là "sát thủ" gây ung thư. Với chì người ta chỉ nhiễm độc khi thường xuyên tiếp xúc với mật độ cao, còn với cadmi - dù với một lượng nhỏ cũng có thể gây ra các bệnh ở thận, xương và gan.
Kích thích lòng tham
Trao đổi về những nguy cơ tiềm ẩn khi trẻ đeo đồ trang sức ra đường, đến trường, Thượng tá Trịnh Kim Vân (nguyên Điều tra viên cao cấp, phòng cảnh sát hình sự - Công an TP Hà Nội) phân tích: "Trẻ em còn non nớt về thể chất và tinh thần, chưa có khả năng tự bảo vệ, chưa biết giá trị và biết giữ gìn tài sản cũng như trang sức, nên việc bố mẹ chưng diện, làm đẹp cho con bằng đồ trang sức đắt tiền là lời mời gọi kẻ xấu đến làm hại con mình. Người lớn đeo đồ trang sức đi ra chốn đông người còn đứng trước những nguy cơ bị cướp giật, nói gì tới con trẻ.
Thực tế là như vậy! Khi thấy một đứa trẻ mang trên mình trang sức có giá trị, lại không có người trông coi, kẻ xấu sẽ nảy sinh lòng tham và mong muốn chiếm đoạt tài sản này. Động cơ đó thúc đẩy đối tượng thực hiện một trong các hành vi như: lừa gạt, dụ dỗ trẻ cho xem đồ trang sức rồi chiếm đoạt.
Thiệt hại lúc này là vật chất, tài sản; dùng sức mạnh để xô ngã, đánh gục rồi giằng, cướp, cướp giật đồ trang sức trẻ đang đeo trên người, gây thiệt hại về cả tài sản và sức khỏe của trẻ; bắt cóc trẻ em đến địa điểm thuận lợi để cướp tài sản trên người, gây thiệt hại về tài sản, uy hiếp sự an toàn về tính mạng và sức khỏe của trẻ; giết trẻ để cướp đồ trang sức. Hành vi này rất dễ xảy ra khi trẻ la hét, giằng giữ lại tài sản, hoặc đe dọa tố cáo thủ phạm sau khi bị chúng tước đoạt tài sản của.
Khi quyết định thực hiện tội phạm với trẻ em, đối tượng bị vật trang sức đắt tiền hấp dẫn, làm theo sự thúc đẩy của lòng tham nên chúng có thể là bất kỳ ai, ngay cả với những người quen biết, cùng làng xóm, hoặc những tên nghiện, những kẻ lạ vì túng thiếu, bấn quẫn sinh làm liều.
Không chỉ là những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, trẻ em là nạn nhân trong các vụ án này còn bị sang chấn tâm lý, rơi vào trạng thái hoảng loạn, khủng hoảng tâm thần trong một thời gian dài".
Dường như những điều "phiền toái" xung quanh món nữ trang vẫn chưa dừng lại. Thượng tá Vân kể đã từng giải quyết một vụ bạo lực học đường gây hậu quả nghiêm trọng, mà nguyên nhân đến từ việc có một nữ sinh đeo đồ trang sức đắt tiền, thường đem ra khoe với các bạn, với thái độ "sang chảnh", "ta đây", vô tình đã làm một nhóm nữ sinh khác "nóng mắt" và bạo lực xảy ra.
Kết cục, cô gái bị mất đồ còn bạn học thì dính vào lao lý vì giật món nữ trang ấy vất đi cho… bõ ghét.
Yêu con đúng cách
Bác sỹ Nguyễn Trung Kiên nói: "Cha mẹ không nên chưng diện, làm đẹp cho con bằng đồ trang sức. Nếu thích thì chỉ nên cho trẻ đeo các loại trang sức phù hợp với lứa tuổi.
Nhưng cũng không nên mua các loại đồ trang sức rẻ tiền, không có rõ nguồn gốc, xuất xứ, vì dễ gây ngộ độc cho trẻ. Nếu thấy trẻ em có bất cứ biểu hiện ngứa, da đỏ, nổi mụn… thì phải tháo đồ trang sức ra ngay và không sử dụng nữa.
Ổ nhóm cướp giật dây chuyền của trẻ em gồm các tên: Đỗ Bá Quang và Đỗ Trọng Trường bị Công an huyện Sóc Sơn bắt giữ. |
Chọn lựa đồ trang sức cho trẻ thì nên chọn các đồ có hình dáng vòng tròn, trơn, ít gây nguy hiểm, không nên chọn những loại có hình dáng sắc nhọn như hình sao, hình mũi tên, chữ thập. Tuyệt đối không chọn những món đồ dễ gẫy, rụng, đồ gắn các loại hạt, vì nếu trẻ nhỏ cho vào miệng trẻ có thể bị hóc.
Với trẻ sơ sinh, không nên cho trẻ đeo bất cứ loại trang sức nào để tránh gây dị ứng da. Không nên chọn mua cho trẻ đồ trang sức bóng đẹp, màu sắc bắt mắt, vì rất dễ có chất cadmi.
Những trang sức làm bằng vàng bạc là tương đối an toàn, nhưng không nên cho trẻ đeo để đề phòng "đạo tặc". Nếu vẫn cho trẻ đeo, cần phải giám sát chặt chẽ và phải tháo ra khi trẻ đến trường hay ở nơi không có người trông coi".
Cùng quan điểm trên, Thượng tá Vân nói: "Để bảo đảm an toàn cho học sinh, các nhà trường nên cấm học sinh đeo trang sức đến trường và thường xuyên quán triệt, nhắc nhở học sinh và phụ huynh.
Trong các gia đình, bố mẹ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, phân tích để trẻ nhận thức rõ vấn đề, tự giác theo lời người lớn. Nếu không tự giác, trẻ có thể lén lút mang đồ trang sức theo người khi đến trường, khi đi chơi với bạn bè, rất khó kiểm tra và như vậy dễ phát sinh những vấn đề phức tạp".
Nguồn: Báo CAND