Phóng sự
Đã là luật thì phải chấp hành
Bạn tôi có máu kinh doanh. Điều kiện kinh tế gia đình không phải khó khăn nhưng hễ "ngửi" thấy loại hình kinh doanh nào có tính khả thi là lao vào ngay. Cách đây hơn chục năm, bạn mở một studio ảnh cưới với những bức ảnh đẹp lung linh, huyền ảo khiến các cặp tình nhân mê ly.
Được vài năm, khi thành phố bão hòa loại dịch vụ này, bạn chuyển sang kinh doanh hàng xách tay với một đội quân bên ngành hàng không hỗ trợ.
Khi hàng xách tay bán chậm vì không thể lại được với rất nhiều người bán hàng trên mạng, bạn lại thuê nhà mở hàng café. Thật ra là bán chỗ ngồi cho những người nhàn rỗi, thích tụ tập tán gẫu, lướt web, chơi phây nên địa điểm phải đẹp, thuận tiện, có bãi đỗ xe chứ đồ uống ở đây thì quá tệ.
Minh họa của Lê Tâm |
Rồi quán café cũng vãn khách vì hàng loạt quán khác mở ở những vị trí đẹp hơn, bạn tôi lại đóng cửa ủ mưu kinh doanh mặt hàng mới.
Có lẽ do tuổi cao, sức kiệt nên loại hình kinh doanh mới của bạn bây giờ cũng không ồn ào nữa. Bạn quyết định trút phần lớn số vốn cả đời ki cóp để mua 4 căn hộ chung cư tại khu đô thị phía tây thành phố.
Nghĩa là giá cả vừa phải, không quá xa trung tâm, gần trục đường chính, ô-tô đậu thoải mái. Việc tiếp theo là bạn quảng cáo cho thuê nhà trên mạng và đối tượng thuê phải là các công ty, kiên quyết không cho thuê trọ.
Rất nhanh, gần 2 tuần sau, cả 4 căn hộ đều được các công ty thuê với tổng số tiền trên ba chục triệu đồng, hợp đồng 3 năm, sau mỗi năm sẽ điều chỉnh phù hợp với giá cả thị trường, các loại thuế phía công ty gánh chịu. Bên thuê đã tính toán chán.
Cùng diện tích sàn như vậy nhưng nếu thuê nhà ở phố hay các khu văn phòng, giá thuê sẽ đội lên gấp 3, 4 lần. Vậy là không phải thức khuya dậy sớm, bươn bả kinh doanh mà mỗi tháng bạn tôi vẫn đút túi một lượng vàng, vốn liếng vẫn được bảo toàn.
Thật ra, hình thức đầu tư như trên đang khá phổ biến hiện nay, không chỉ tại Hà Nội mà còn vươn tới các thành phố lớn. Kinh doanh kiểu gì cũng có tính hai mặt của nó. Ưu điểm thì đã nói ở phần trên, còn hạn chế?
Một chuyên gia trong ngành bất động sản khẳng định: Nhà được xây dựng với chức năng gì thì phải sử dụng đúng chức năng đó. Khu chung cư xây là để ở, còn khu văn phòng xây để làm việc. Một khi văn phòng đặt trong chung cư sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân tại đây.
Điều ai cũng có thể nhìn thấy ngay là gây quá tải các dịch vụ như bãi giữ xe, thang máy, điện nước... vì văn phòng thường rất đông người, có thể lên đến vài chục người, trong khi một căn hộ chung cư chỉ thiết kế cho một hộ gia đình khoảng 3-6 người ở.
Tiếp đó, các văn phòng nằm trong chung cư có thể gây ra các vấn đề ảnh hưởng đến trật tự tại đây. Khi đặt trụ sở sẽ có nhiều người lạ ra vào, khách đến làm việc, giao dịch gây phức tạp về trật tự xã hội. Thậm chí, có thể xảy ra bất đồng hay tranh chấp giữa công ty với khách hàng, giữa các công ty với nhau rất dễ dẫn tới mất trật tự trị an...
Bên cạnh hai quan điểm rõ ràng trên, một số người lại cho rằng, cần tôn trọng quyền sở hữu của người dân, nghĩa là nếu nhà họ không ở thì có quyền cho người khác thuê lại, miễn là hai bên cùng có lợi.
Mặt khác, với những công ty nhỏ, số lượng người ít hay những sinh viên mới khởi nghiệp chưa có nhiều vốn để thuê những trụ sở bề thế thì giải pháp thuê nhà chung cư là có thể chấp nhận được.
Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh không thực hiện việc đăng ký đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại các căn hộ trong chung cư.
Vấn đề này hoàn toàn không mới, đã được quy định trong Luật Nhà ở năm 2014 nhưng rồi… bỏ lửng vì cũng không quy định rõ tổ chức nào làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, đã là luật thì phải chấp hành một cách triệt để, không thể có ngoại lệ và càng không thể lấy những lý do khác nhau để bao biện cho những việc làm vi phạm pháp luật. Chỉ có như vậy, kỷ cương phép nước mới được giữ vững, góp phần vào việc giữ ổn định an ninh trật tự tại các thành phố.
Nguồn: Báo CAND