Phóng sự

Chuyện đời của hai 'quái nhân'

10:14, 10/12/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Người ta chỉ biết đến họ trong các chương trình biểu diễn võ thuật hay những màn kinh công kinh dị, ít ai biết, cuộc đời và mối lương duyên của hai vị quái kiệt này đều đẫm lệ.

1. Nguyễn Kim Tuấn sinh ra và lớn lên ở Đồng Tháp Mười. 6 tuổi, Kim Tuấn theo thầy học võ rồi từ đó nghiệp đeo vào người. Là đệ tử ruột được thầy hết mực yêu thương, Kim Tuấn sớm lĩnh hội được nhiều bí quyết kinh công cũng như phương pháp bí truyền. Trở thành võ sư khi tuổi đời còn rất trẻ, Kim Tuấn tham gia huấn luyện, giảng dạy trong các trung tâm.

Kim Tuấn được mệnh danh là thiên hạ đệ nhất
Kim Tuấn được mệnh danh là thiên hạ đệ nhất "răng lột dừa".

Ông nổi tiếng là một võ sư có thân hình vạm vỡ, ăn cả kí gạo không thấy no. Phát hiện ra khả năng "đội trời, đạp đất", Kim Tuấn dần thể hiện đẳng cấp bằng những lần vận khí công với trọng lượng hàng tấn. Đầu của ông dùng để đóng đinh xuyên thấu khúc gỗ dày 10cm. Đôi tay dùng đập gạch, đập đá vỡ tung tóe.

Điều đặc biệt, hàm răng của Kim Tuấn được ví như đá cẩm thạch vì trong  một phút, ông dùng răng lột sạch 3 trái dừa khô. Rồi ông có thể kẹp một quả cau tươi hoặc già vào hai ngón tay rồi dùng nó để xẻ dừa.

Để tăng thêm thử thách, võ sư Kim Tuấn còn tự chế tạo ra thảm đinh dày đặc rồi lấy thân mình nằm trên đó, xong để đá cứng lên bụng cho một lực sĩ dùng búa đinh nện vỡ toác cục đá. Đứng dậy, bình thản phủi tay, mọi người chạy ào tới quan sát xem người ông có bị trầy xước hay rỉ máu không. Nhưng cơ thể Kim Tuấn vẫn bình thường, không một vết trầy dù là nhỏ.

Kể ra thì rất nhiều màn biểu diễn thật sự gay cấn, hồi hộp. Người xem không chỉ căng thẳng được tận mắt chứng kiến công phu tuyệt đỉnh của người phàm, mà họ còn nóng lòng chờ đợi kết thúc sau một pha biểu diễn như thế, vị võ sư này sẽ được và mất những gì.

Võ sư Kim Tuấn cho biết, không phải người học võ nào cũng làm được điều này và không phải ai thích, ai đam mê cũng có thể làm được. Để có được công phu tuyệt đỉnh như ngày hôm nay, võ sư Kim Tuấn đã phải đánh đổi rất nhiều thậm chí cả cuộc đời mình.

Lần đầu tiên tập lột dừa, hai tay phồng ráp, răng tê cứng, không thể há miệng nhai cơm. Những lần vận khí công mà chưa thoát hết, làm bụng chướng lên, chân tay bủn rủn, ông tưởng mình chết. 20 năm đi biểu diễn là ngần ấy thời gian, người diễn viên phải lao công khổ tứ. Con đường để đi đến thành công là cả một quá trình tập luyện bền bỉ.

50 tuổi, võ sư Kim Tuấn trải qua hai đời vợ. Năm 1996, anh kết duyên với một cô gái cùng quê miệt vườn, có với nhau một bé gái xinh xắn. Tuy nhiên đời vợ chồng chẳng được bao lâu thì đứt gánh giữa đường.

Năm 2001, Kim Tuấn rời quê lên Tp Hồ Chí Minh lập thân. Vốn sẵn dòng dõi con nhà võ, ông nhanh chóng có một chỗ đứng trong làng nghệ thuật biểu diễn chuyện lạ. Nhưng rồi, cũng nay đây mai đó, một thân một mình lang bạt từng xóm trọ, cho đến khi cập bến đò khác.

Võ sư Kim Tuấn biểu diễn màn mắt gánh đồ vật.
Võ sư Kim Tuấn biểu diễn màn mắt gánh đồ vật.

Người vợ thứ hai là một cô gái trẻ đẹp, được nhiều người nhòm ngó, tán tỉnh nhưng chẳng hiểu sao cô lại xiêu lòng trước Kim Tuấn hơn mình đến hàng chục tuổi. Vợ chồng thuê một căn phòng trọ ở quận 7 (Tp Hồ Chí Minh) làm tổ ấm.

Những lần Kim Tuấn đi diễn, vợ trẻ theo sau làm hậu cảnh. Theo chồng mãi cũng chán, gặp được "vệ tinh" là cô ấy lại dứt áo theo trai. Ngày ra tòa, cả bầu trời như sụp đổ trước mặt Kim Tuấn, mới hai năm chung sống với nhau thôi, đâu đủ dài để kịp trao gửi cho nhau tất cả. Vậy mà, người đàn ông được cho là có sức khỏe vô biên đành bất lực trước sự thật phũ phàng.

6 năm sau ngày chia tay ở cổng tòa án, Kim Tuấn vẫn chưa lấy lại thăng bằng. Bạn bè nói ông là đồ khùng, đồ hâm đi nhớ thương kẻ phản bội. Nhưng ông lý lẽ: "Tôi cũng là người bằng xương bằng thịt. Có trái tim, có cảm xúc và có tình yêu".

2. Quốc Cường xuất hiện trước mắt chúng tôi với bộ dạng dữ dằn, với bộ tóc để dài ngang vai, hơi quăn, trán quấn một chiếc khăn màu da trăn, khuôn mặt đen cháy nắng.

Ông cười, bảo: "Mình hiền khô à, nhưng làm nghề biểu diễn chuyện lạ thì hình hài cũng phải "gấu" thế mới hợp". Sinh ra ở miền đất võ Bình Định, tuổi thơ của Nguyễn Quốc Cường dầm dề với cuộc sống nghèo khó, thiếu thốn, gia đình neo đơn, túng quẫn khiến ông không được theo học đến nơi đến chốn.

Thủa ấy, trường làng thường xuyên tổ chức các đợt đấu võ thi tài giữa các bậc võ thuật có thứ hạng, Quốc Cường thường hay thập thò phía sau sàn diễn, chứng kiến những thế võ tấn công, phòng thủ rất lạ của bậc đàn anh.

Ngoài giờ phụ giúp gia đình, Cường lén tìm đến các lớp dạy võ xin thầy theo học. Vì còn quá nhỏ, nên ông chỉ nhận được cái lắc đầu của tất cả các thầy. Nhưng nỗi thèm khát, mong mỏi được luyện võ không vì thế mà tắt lịm.

Màn biểu diễn khí công đập quả sầu riêng vào đầu của võ sư Quốc Cường.
Màn biểu diễn khí công đập quả sầu riêng vào đầu của võ sư Quốc Cường.

Cường kiên trì, mỗi ngày đều tới tiếp diện thầy, quét dọn sân trường, lau chùi bàn ghế mục đích cũng chỉ là học lỏm bài thầy dạy. Cảm động trước nhiệt huyết của cậu trò nghèo, thầy cho phép Cường được học nội công, khí công và võ cổ truyền.

13 tuổi, Cường phiêu bạt kì hồ khắp nơi, có khi sang cả Campuchia theo đoàn mãi võ. Những năm 80 đầu năm 90 của thế kỉ trước, Cường bắt đầu nghiệp mãi võ mưu sinh.

Ông đi biểu diễn ở những tụ điểm quán bar, sân khấu, tạp kỹ các tỉnh phía Nam. Lúc đó, khả năng của ông đã nuốt được rắn lục, cho rắn hổ mang cắn vào tay, dùng tay chẻ sầu riêng, một ngón tay đục thủng dừa khô và nhai bóng đèn…
Lạ nhất là Quốc Cường có thói quen ăn bóng đèn từ năm 30 tuổi. Lúc đầu chỉ ăn để khám phá điều kì diệu ở một vật thể lạ. Mỗi ngày ăn hai bóng, ăn 30 năm thì số lượng bóng đèn lên đến mười mấy ngàn cái. Một điều tưởng chừng không thể đối với người bình thường nhưng với Quốc Cường bây giờ đã trở thành thói quen mỗi ngày. Ông bảo, ngày nào không được nhai bóng đèn thì thèm lắm và đã nghiện rồi.

Đó là chuyện nhai bóng đèn, còn chuyện nuốt rắn lục sống càng khó tin hơn, thậm chí có người còn ngất xỉu ngay tại chỗ khi chứng kiến màn nuốt chửng rắn quái đản, kỳ dị của ông.

Hai con rắn lục đang ngoe nguẩy bỗng bị tóm cổ đưa đầu vào miệng rồi từ từ trôi xuống dạ dày. Xong ông chép miệng một cái, uống một ngụm nước rồi há miệng ra cho mọi người xem.

Lần đầu tiên biểu diễn ở Hà Nội, ông bị khán giả giữ lại không cho về để họ theo dõi xem rắn phân hủy ra sao. Một ngày, hai ngày không có biểu hiện gì, họ cho ông đi với sự ngỡ ngàng xen lẫn hoang mang.

Qua hơn 40 năm làm xiếc cho thiên hạ cười, vui buồn, tủi hổ, thành công và thất bại đối với ông vô cùng, lắm khi phải đánh cược tính mạng. Năm 1992, Quốc Cường thoát xác thử tài với nghiệp diễn viên điện ảnh.

Trong cảnh quay của bộ phim "Vết thù năm tháng", ông đóng vai đại ca. Nhớ mãi phân cảnh đối thủ đứng hiên ngang giữa nhóm đàn em của mình, còn Quốc Cường phải nuốt con trăn để thể hiện sự cao cơ hơn. Đến đoạn cuối, con trăn ngộp quá đã cắn luôn vào vòm họng. Máu phun xối xả không cách gì cầm lại được.

Ông được đưa tới bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu nhưng bác sĩ lắc đầu, vì ông đã tắt thở. Bệnh viện có ý muốn giữ thi thể lại mấy ngày để phẫu thuật cổ, phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học.

Khi ê kíp thực hiện ca mổ vừa xong thì ông cử động trở lại. Mọi người được một phen "rụng tim". Ngày ra viện, Quốc Cường thề với mọi người và chính bản thân mình là không bao giờ nuốt trăn nữa, nhưng sẽ chuyển sang nuốt rắn.

Sở hữu thân hình đồ sộ, ông được mời đóng các vai phản diện trong những bộ phim hành động. Ông nhớ mãi cảnh quay làm không tặc khống chế tiếp viên hàng không, do chưa chuẩn bị nên ông bị "người hùng cứu mỹ nhân" tung một cú đá trời giáng vào bụng, thế là ông ngất xỉu tại chỗ.

Lần khác đi Bình Dương thực hiện pha dùng đầu đập gạch, người chủ muốn thử tài đã chọn ra những viên gạch "sịn" nhất để đấu với "quả đầu" Quốc Cường. Ông vận công đập mà toát cả mồ hôi, đập tóe cả máu mới làm cho khán giả thỏa mãn.

Nổi tiếng trong và ngoài nước với những pha biểu diễn độc, lạ, mạo hiểm, nhưng cuộc đời Quốc Cường lắm nỗi truân chuyên. Cách đây 5 năm, người vợ hơn 20 năm gắn bó đã ra đi vì một căn bệnh hiểm nghèo. Còn một mình, ông chôn vùi nỗi đau vào những màn khí công.

Quốc Cường tâm sự: "Tôi cố gắng tìm kiếm cho riêng mình một bờ vai, một hậu phương khi về già mà sao khó quá. Ba năm có đến 12 người phụ nữ đến với tôi nhưng rồi họ đều lặng lẽ ra đi không chút vương vấn. Tôi mạnh mẽ vậy đó, nhưng lần nào chia tay cũng khóc".

Nguồn: Báo CAND

Các tin khác