Phóng sự
Hiểm họa vây bủa quanh ta
Có những tai nạn do thiên nhiên, khách quan mang lại. Nhưng cũng có những tai nạn thảm khốc do chính bàn tay con người gây ra. Vào thời điểm đó, họ nghĩ gì khi gieo rắc tội ác, mang nỗi đau đến cho đồng loại? Tất nhiên, mọi hành vi của con người đều phải trả giá, song cái giá mà họ phải trả đôi khi không thấm tháp gì so với những bất hạnh mà họ đã gây ra.
Chở hàng cồng kềnh, nghênh ngang trên phố, nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn thương tâm |
1. Khi bi kịch kinh hoàng nhất đổ ập xuống ngôi nhà của mình trong một ngày định mệnh, tôi không biết chị Vũ Thị Thanh (ở phường Phương Nam, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) sẽ sống ra sao trong những ngày tiếp theo.
Đầu tiên là cái chết của chồng trong một vụ tai nạn giao thông, tiếp theo là mẹ đẻ cùng 2 con và một đứa cháu bị sát hại bởi bàn tay tàn độc của một người họ hàng. Những người thân yêu nhất của chị lần lượt ra đi.
Trong ngôi nhà mới xây khang trang đó giờ chắc lạnh lẽo lắm. Người mẹ già cả đời tần tảo chăm sóc chồng con, giờ là nuôi nấng các cháu tưởng sẽ có những năm tháng an nhàn nơi tuổi già, vậy mà bị sát hại hết sức dã man trong một đêm thành phố Uông Bí đang chìm sâu vào giấc ngủ. Những đứa trẻ vô tội cũng bị tước đoạt mạng sống đầy oan ức.
Mỗi sáng bận rộn lo cho con ăn, giục con chuẩn bị sách vở tới trường đâu còn nữa. Người mẹ trẻ ấy giờ sống mà còn khổ hơn là chết. Và cả ngôi nhà nữa, nhìn đâu chị cũng thấy kỷ niệm, gợi cho chị hình bóng người thân khiến trái tim nhỏ bé của chị quặn thắt, loạn nhịp.
Bàng hoàng, căm phẫn, nghẹt thở, đau xót..., đó là những từ được dùng nhiều nhất trong những ngày qua, khi vụ thảm án ở Uông Bí lan nhanh trên mạng. Giết người luôn được coi là tội ác ghê tởm nhất, đê hèn nhất dù với bất cứ động cơ gì, nhưng giết người già và trẻ em thì tội ác như được nhân lên gấp nghìn lần. Doãn Trung Dũng - kẻ sát nhân máu lạnh ấy đáng bị xẻ xác, phanh thây thành trăm nghìn mảnh hay bị ném vào vạc dầu sôi mới tương xứng với những gì y đã gây ra.
Người ta chỉ có thể cảnh giác với người ngoài. Còn với người trong nhà, hầu như chúng ta ít cảnh giác. Kẻ giết người đã lợi dụng việc này để thực hiện hành vi đen tối của mình. Nếu đêm hôm đó y không được bà Nguyễn Thị Hát cho ngủ lại, chắc chắn y không thể có điều kiện thuận lợi để ra tay tàn độc với các nạn nhân. Bi kịch của lòng tin chính là chỗ đó.
Về góc độ pháp luật, hành vi của y có nhiều tình tiết tăng nặng: Giết nhiều người, nạn nhân không có khả năng kháng cự, thực hiện hành vi phạm tội xong bỏ trốn, gây khó khăn cho công tác điều tra, tái phạm nguy hiểm, giết người vì động cơ đê hèn... Từng ấy tình tiết đủ thấy y hoàn toàn xứng đáng với khung hình phạt cao nhất. Và dư luận cũng rất mong các cơ quan chức năng sẽ khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ vụ án để sớm đưa ra xét xử, buộc y phải nhận sự trừng phạt của pháp luật.
Ma túy đã phá hủy tất cả, từ sức khỏe tới nhân cách người sử dụng. Doãn Trung Dũng không phải là ngoại lệ. Hư hỏng, lêu lổng từ nhỏ, y đã bị mất phương hướng ngay từ những ngày chập chững vào đời. Mối quan hệ giữa những người trong gia đình cũng rời rạc, lỏng lẻo, vô trách nhiệm đã đẩy y vào vòng xoáy tội lỗi.
Ngoài 40 tuổi, y vẫn sống bản năng như thế, vẫn vô trách nhiệm với chính bản thân mình. Những ảo giác do ma túy mang lại đã biến y thành một con thú hung tợn, độc ác, vô cảm để rồi trong cái đêm kinh hoàng ấy, y lần lượt ra tay sát hại 4 người trong một gia đình.
Khi những ảo giác qua đi, y hiểu rằng kết cục sẽ đến với mình để rồi tìm mọi cáh lẩn trốn. Song, tất cả đều đã muộn. Các chiến sĩ Công an ðã lên rất nhiều kế hoạch truy bắt, đón lõng, rà soát tất cả những địa bàn y có thể đi qua để rồi sau một thời gian ngắn, y đã bị sa lưới như một lẽ đương nhiên.
2. Một chiều cuối tháng 9, Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Quân y 103 tiếp nhận một bệnh nhân nữ 66 tuổi, quê ở Hòa Bình bị một vết thương dài gần 20cm ở mặt trước cổ. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị đứt khí quản, tổn thương mạch cảnh hai bên, ngừng tuần hoàn. Dù được tập thể y bác sĩ tận tình cứu chữa trong gần một giờ đồng hồ bằng những biện pháp tích cực nhất, cuối cùng bệnh nhân vẫn tử vong.
Người nhà bệnh nhân kể lại trong tiếng nấc: Trước đó, bệnh nhân đang ngồi bên lề đường đoạn cầu Chương Mỹ, Hà Nội thì có một chiếc xe bò chở tấm tôn dài đi qua. Đến đúng đoạn bệnh nhân ngồi thì bất ngờ dây chun chằng xe bò bị đứt, tấm tôn dài bung ra xa với một lực rất mạnh và cứa trúng cổ nạn nhân gây nên cái chết thương tâm.
Ngôi nhà nơi xảy ra vụ thảm sát |
Trước đó, một vụ tai nạn khiến nhiều bậc cha mẹ cũng không khỏi cay mắt, xót xa. Một bé trai 9 tuổi đạp xe trên phố Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội do không để ý chiếc xích lô chở tôn đỗ bên đường nên đâm vào. Cú đâm mạnh khiến miếng tôn cứa ngang cổ bé. Được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, nhưng vết thương quá nặng, mất máu nhiều nên cháu bé đã tử vong.
Một vụ tai nạn khác cũng vừa xảy ra vào cuối tháng 9 trên Quốc lộ 27 (đoạn qua xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) làm một phụ xe tải chết tại chỗ khiến nhiều người chứng kiến hết sức bàng hoàng.
Vào thời điểm trên, một chiếc xe tải biển số Hà Nội chạy theo hướng Đắk Lắk - Lâm Đồng đi đến đây thì vướng sợi dây cáp quang nên dừng lại. Dây cáp này mắc qua đường từ lâu, nhưng do trận mưa lớn đêm hôm trước làm cọc cáp quang bị đổ khiến sợi dây sà xuống mặt đất. Xe tải trên có tài xế và phụ xe. Trong lúc phụ xe đang leo lên nóc ca bin tháo sợi dây cáp vướng vào xe thì một chiếc xe khách chạy cùng chiều tiếp tục vướng vào dây kéo anh ngã xuống đường chết tại chỗ.
Những tai nạn như trên nhiều lắm, không thể kể hết được và nó vẫn rình rập chúng ta mỗi ngày. Có những tai nạn do thiên nhiên, khách quan mang lại. Nhưng cũng có những tai nạn thảm khốc do chính bàn tay con người gây ra. Vào thời điểm đó, họ nghĩ gì khi gieo rắc tội ác, mang nỗi đau đến cho đồng loại? Tất nhiên, mọi hành vi của con người đều phải trả giá, song cái giá mà họ phải trả đôi khi không thấm tháp gì so với những bất hạnh mà họ đã gây ra.
3. Người bạn thân của tôi khá bất hạnh. Chồng chị đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài rồi định cư, sống với một cô gái trẻ tóc vàng, mắt xanh bên đó. Chị cùng cô con gái ở trong một ngôi nhà nhỏ trên đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, Hà Nội. Số phận đã cho chị sự may mắn vào một đêm mùa đông năm ngoái khi con gái xin mẹ đến ngủ nhà bà ngoại. Một mình trong ngôi nhà vắng vẻ, chị kiểm tra kỹ các cửa trước khi đi ngủ.
Đêm đó rất lạnh. Chị nghe rõ tiếng gió rít ngoài song cửa và cả bước chân vội vã của một gã đàn ông to lớn bước ngoài hành lang. Tim chị như muốn nhảy ra lồng ngực. Vậy là kẻ trộm đã đột nhập từ cửa tum nhà chị để xuống dưới. Rất may chị luôn khóa cửa phòng ngủ, nếu không, không biết tai họa gì sẽ xảy ra trong cái đêm khủng khiếp đó.
Ngay sáng hôm sau, chị gọi thợ sắt đến làm thêm một loạt cửa ra ban công và tầng tum. Bởi như chị nói, ngôi nhà là nơi nương náu cuối cùng bình yên nhất. Mình phải làm tất cả những gì có thể để nó thật sự an toàn bởi không chỉ tài sản bị mất mà ngay cả tính mạng của mình đôi khi cũng bị kẻ xấu tước đoạt trong một ngày tưởng chừng yên ả nhất.
Niềm hạnh phúc của tôi rất đơn giản. Đó là bữa cơm chiều, khi mọi người trong gia đình tụ tập đông đủ, bát cơm nóng được xới ra và chuyển đến các bàn tay. Các con tôi líu ríu kể những câu chuyện trong ngày, rồi tiếng cười nói vang lên. Hơi ấm tràn ngập căn phòng.
Vâng! Được nhìn thấy nhau mỗi ngày, niềm hạnh phúc quả thật bình dị bởi sau một ngày bươn bả với bao nỗi lo và những tai họa có thể trút xuống bất cứ lúc nào, những người thân của ta lại trở về, bình yên vô sự. Và cuộc sống của ta lại tiếp diễn với những nỗi lo thường trực khác, những bận tâm khác…
Nguồn: Báo CAND