Phóng sự
Hung thần trên phố
Có bao nhiêu hung thần đang vận hành trên đường trong cả nước? Có lẽ chẳng có một thống kê chính xác nào có thể tổng hợp nổi. Đánh vào google sẽ xuất hiện nhan nhản quảng cáo các xưởng chế tạo những loại xe này để hiểu số lượng lớn các loại xe hung thần có mặt trên đường.
Kính gửi nạn nhân của các loại xe ba bánh, xe đầu ngang, xe tự chế, xe thô sơ trong cả nước.
“Thư gửi từ cuộc sống” số này phải làm một việc ngược đời thậm chí là trái quy luật khi gửi thư cho các nạn nhân của những xe ba bánh, đầu ngang, xe tự chế, xe thô sơ. Bởi ngoài số nạn nhân đã chết còn rất nhiều nạn nhân mang thương tật vĩnh viễn phải đối mặt với vô vàn khó khăn trong cuộc sống.
Và cũng bởi không thể để danh sách những nạn nhân tăng thêm nên buộc lòng “Thư gửi từ cuộc sống” mới phải cực chẳng đã góp thêm một tiếng nói nhằm cùng xã hội hy vọng chấm dứt những tai họa từ các hung thần của phố phường kia. Sự lên tiếng này thật dễ hiểu khi ngay trong những ngày tháng 9 này tại Hà Nội đã xảy ra 2 vụ tai nạn thảm khốc gây chết người một cách không thể thương tâm hơn.
Ngày 25/9, một nạn nhân nữ 66 tuổi (trú Hòa Bình) bị một vết thương dài 20 cm ở cổ nhập viện Quân y 103 trong tình trạng đứt khí quản. Được cấp cứu nhưng 40 phút sau nạn nhân tử vong. Cái cách nạn nhân bị tử vong vô cùng oan khốc khi đang ngồi bên lề đường, đoạn cầu Chương Mỹ (Hà Nội) thì có xe bò chở tôn đi qua. Dây chun chằng xe bò bị đứt, tấm tôn bung ra và cứa trúng cổ nạn nhân.
Trước đó chiều 23/9, trên phố Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội), bé trai 9 tuổi đạp xe trên đường do không để ý chiếc xích lô chở tôn đỗ bên đường nên đâm vào. Cú đâm mạnh khiến miếng tôn cứa ngang cổ cậu bé. Được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, nhưng vết thương quá nặng, mất máu nhiều, nên cháu bé đã rời bỏ cuộc sống này. Cả hai cái chết đều do các hung thần phố phường gây ra.
Hung thần của phố phường là gì? Xin thưa ai cũng hiểu đó là những chiếc xe ba bánh được đóng thùng dán mác thương binh chạy trên đường phố. Chủ nhân của chúng có không ít người tham gia chiến tranh giữ nước bị thương tật được công nhận là thương binh. Vì chính thương tật, vì hoàn cảnh họ buộc phải chọn lấy cái nghề vất vả này để mưu sinh. Cũng có chiếc xe 3 bánh là phương tiện di chuyển cho chính các thương binh nhưng đa phần là để chở hàng hóa, chở người.
Đáng nói là ngoài số thương binh thật có rất nhiều xe 3 bánh trá hình ẩn dưới nhãn hiệu thương binh hành nghề một cách trái phép. Chủ nhân của chúng là những người lao động chọn nghề này để sinh nhai. Kế đó là những chiếc xe đầu ngang. Đó là loại xe có cấu trúc tương tự xe tải. Đầu xe gắn một đầu máy nổ nằm ngang, có vô lăng điều khiển. Các xe đầu ngang này thiếu các thiết bị an toàn như đèn, còi… không đăng kí, đăng kiểm xe và người điều khiển xe cũng không có giấy phép lái xe.
Trên thực tế loại xe này gần như đã bị triệt tiêu ở các thành phố lớn nhưng lại lộng hành ở nông thôn đặc biệt là vùng sâu, vùng xa là những nơi chính quyền buông lỏng quản lý. Đó còn là các loại xe tự chế với rất nhiều chủng loại. Xe gắn máy được gắn thêm chiếc thùng để chở hàng. Thùng hàng gắn phía sau hoặc phía trước chiếc xe gắn máy.
Không thể phủ nhận những chiếc xe này tiện lợi trong việc chuyên chở hàng hóa, đi được trong ngõ trong hẻm thậm chí nhiều công ty môi trường ở các thành phố cũng đã sử dụng các xe thùng gắn máy kiểu này để thu gom vận chuyển rác. Còn phải kể những chiếc xe thô sơ như ba gác, xích lô, xe súc vật kéo tham gia giao thông một cách phổ biến.
Có bao nhiêu hung thần đang vận hành trên đường trong cả nước? Có lẽ chẳng có một thống kê chính xác nào có thể tổng hợp nổi. Đánh vào google sẽ xuất hiện nhan nhản quảng cáo các xưởng chế tạo những loại xe này để hiểu số lượng lớn các loại xe hung thần có mặt trên đường.
Ấy là chưa kể không ít xe 3 bánh được nhập khẩu từ Trung Quốc. Giá của những chiếc xe tự chế, xe 3 bánh không phải là quá đắt chỉ tầm vài chục triệu trở xuống nên chủ nhân của chúng tuy là những người nghèo khó nhưng cũng có thể đầu tư được. Với sự đa dạng về vận chuyển nhỏ lẻ và luồn lách ngang tắt trong ngõ ngách cùng cách tiếp cận nguồn hàng trong bãi chợ, bến sông… thì những chiếc xe này rõ ràng là tiện dụng về phương thức vận chuyển. Quan trọng nó đang là nguồn sống của rất nhiều người lao động.
Kính thưa các nạn nhân!
Không thể có bất cứ lý giải nào để biện hộ cho sự tồn tại của các loại xe hung thần ở phương diện tham gia giao thông nếu nhìn vào sự thiệt hại mà các nạn nhân phải gánh chịu. Mỗi năm trong các thống kê danh sách các nạn nhân từ xe hung thần là con số không hề nhỏ. Trong đó có những vụ tai nạn giao thông thảm khốc khiến dư luận rúng động. Hai vụ tai nạn mới nhất vừa nêu trên đây là những minh chứng đau lòng.
Chủ chiếc xe chở tôn gây ra cái chết thương tâm cho cháu bé 9 tuổi là một cựu chiến binh được xác nhận bởi bạn bè (anh này thất lạc giấy tờ) và là một người rất nghèo. Khẳng định rằng chủ nhân của những chiếc xe hung thần đều là những người nghèo khó.
Người viết có một người bạn thân là lính thời chống Mỹ có gia cảnh khá đặc biệt. Anh không phải thương binh nhưng có một người con là nạn nhân chất độc da cam mất hoàn toàn khả năng sống bình thường. Cả hai bố con được hưởng tiêu chuẩn trợ cấp chính sách của Nhà nước.
Không có nghề nghiệp ổn định, từ nhiều năm nay cả gia đình bạn đều trông vào thu nhập từ chiếc xe 3 bánh chở hàng. Nhà cửa không có, mấy năm trước người viết đã vận động kêu gọi bạn bè, xã hội quyên góp giúp cho gia đình anh một nếp nhà nho nhỏ ở ngoại thành.
Ngày ngày, người bệnh binh 64 tuổi cùng chiếc xe từ tinh mơ đến tối mịt rong ruổi vào phố phường kiếm ăn độ nhật. Điều gì sẽ xảy ra nếu như xã hội thực hiện triệt để lệnh cấm lưu hành các loại xe 3 bánh, xe đầu ngang, xe tự chế và xe thô sơ?
Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ đã thể hiện sự quyết tâm xóa bỏ các loại xe không đảm bảo an toàn giao thông trong đó có các loại xe hung thần. Dù nghị quyết này đã có từ gần chục năm trước nhưng xem ra việc thực thi không hiệu quả. Đấy chưa kể còn những quy định cụ thể trong Luật Giao thông đường bộ 2016 và không ít các nghị quyết cũng như các lệnh cấm của Hội đồng nhân dân và chính quyền các địa phương.
Tại Hà Nội, năm 2015 Công an thành phố có một đợt ra quân rầm rộ để triệt phá những xe lưu hành trái phép. Kết quả những đợt ra quân thường chỉ có khi tiến hành rồi... lịm dần đi sau đó. Chính quyền các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thật sự có những khó khăn về bài toán xóa bỏ các xe hung thần.
Có quá nhiều người mưu sinh bằng các phương tiện này. Họ tìm mọi cách để duy trì hoạt động cũng là duy trì nguồn sống của mình. Lực lượng công an dù cố gắng mấy cũng khó mà duy trì sự kiểm soát suốt 24 giờ trong ngày để ngăn chặn.
Cũng có những giải pháp như chuyển đổi nghề cho các thương binh bằng hỗ trợ một khoản kinh phí nhất định nhưng cũng không mấy kết quả. Và thế là tình trạng xe bị cấm vẫn ngang nhiên lưu hành. Vẫn biết khi lệnh cấm lưu hành với các xe trong danh mục được thực hiện triệt để thì nhiều gia đình trong đó có gia đình bạn người viết sẽ lâm vào tình cảnh cực kỳ khốn khó, nhưng chẳng nhẽ vì thế mà chúng ta tiếp tục để danh sách các nạn nhân kéo dài?
Tai nạn thương tâm mới nhất cướp đi sinh mạng 2 con người ở Hà Nội đã làm dậy sóng dư luận. Nhiều chính trị gia, nhà quản lý, trí thức, nhân sĩ và đông đảo người dân ủng hộ việc chấn chỉnh lại việc quản lý các loại xe 3 bánh, xe đầu ngang, xe tự chế và thô sơ.
Trước mắt chưa triệt để được ngay thì cần phải có một lộ trình cấm hợp lý. Quản lý chặt chẽ với số xe đã có đăng ký, cấp phép. Hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các đối tượng chính sách xã hội. Có sự trợ giúp từ cộng đồng đối với những hoàn cảnh khó khăn đặc biệt khi mất đi nguồn sống. Kiên quyết loại bỏ những xe bất hợp pháp.
Chính quyền các cấp nhất là lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra quản lý địa bàn, nắm vững số phương tiện trong danh mục cấm. Nếu làm được thế tôi tin rằng sẽ có sự chuyển biến để đi đến cái kết chấm dứt danh sách các nạn nhân bị oan khốc.
Hy vọng ngày xã hội nói không với các xe hung thần ở trong một thì không xa.
Nguồn: Báo CAND