Phóng sự

Ông giáo già 22 năm tìm học trò nơi xóm nghèo, bãi rác

14:58, 12/10/2014 (GMT+7)
Cách đây 2 Thế kỉ, tại ngôi làng Trung tự thuộc phường Đông Tác của Hà Nội xưa, ngôi trường Đại Tập Chí Đình được xây dựng và cùng với trường của các danh nhân như Trương Hán Siêu, Đặng Xuân  Bảng… đã góp phần chấn hưng nền văn hóa giáo dục đất Thăng Long cuối thế kỉ 19. Nay cũng tại nền đất của ngôi trường Chí Đình ngày ấy, một lớp học được ông giáo già mở ra chỉ để dạy dỗ những trẻ em nghèo, những đứa bé lang thang không biết đến học hành là gì.
 
400 năm nghề giáo
 
Lớp học do thầy Nguyễn Trà mở ngay tại khu đất của gia đình mình, nằm trên địa phận phường Phương Liên (Đống Đa, Hà Nội). Được biết dòng họ nhà thầy Trà đã sinh sống trên mảnh đất này 600 năm nhưng đặc biệt hơn là đã có 400 năm theo nghề giáo. Thầy Nguyễn Trà nay đã 82 tuổi. Ở cái tuổi đó, con người ta thường bị thời gian làm lu mờ trí óc nhưng với thầy Trà thì điều đó dường như không xảy ra. Ông có thể nhớ đến từng chi tiết lịch sử cũng như thời điểm bắt đầu nghề giáo của dòng họ.
 
Tốt nghiệp trường Bưởi năm 1954, ông thi đỗ vào đại học và trở thành sinh viên khóa đầu tiên của khoa Vật lý, Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông tiếp tục xin về giảng dạy ở trường THPT Lê Quý Đôn. Nghỉ hưu năm 1992, nghề giáo trong huyết mạch của thầy Trà dường như vẫn còn sôi sục.
 
Thời điểm đó ông tham gia công tác trông coi đình đền tại địa phương, trong một ngày đang dọn dẹp án thờ thì có các cháu nhỏ cầm sách vở đến hỏi bài vì biết ông từng dạy học . Bắt đầu từ thời điểm ấy, ý tưởng về một lớp học cho trẻ em nghèo được ông Trà nung nấu.
 
22 năm thầy đi tìm trò
 
Từ khi bắt đầu mở lớp học, thầy Trà đã hướng tới việc dạy học miễn phí cho các em học sinh nghèo khó. Sau buổi học, ông nhắn nhủ nhờ các em đi tìm xem có bạn nhỏ nào gia đình khó khăn, không đủ điều kiện đi học thì rủ các bạn đến lớp học. Còn về phần mình, ông giáo già tự mình đi lang thang khắp các vùng xung quanh, đầu tiên là những nhà hàng xóm, các khu nhà trọ, khu chợ lao động rồi đến cả bãi rác tập trung nhiều người nghèo mưu sinh chỉ để tìm… học sinh. Gặp ai thầy cũng hỏi han, động viên rồi nhắn nhủ họ dẫn con đến học. Nhờ sự tận tâm của ông giáo già mà lớp học ngày càng đông, nhà chật không đủ chỗ ngồi, thầy trò lại mang bảng ra sân rồi căng bạt che mưa, che nắng để học.
 
Lớp học ngày còn ở đình
Lớp học ngày còn ở đình
 
Nghe chuyện của ông Trà, nhiều người vô cùng cảm động nhưng cũng không ít người nói ông điên khùng, chỉ mang gánh nặng vào người chẳng được lợi lộc gì.
 
Thấm thoát lớp học cũng mở được 22 năm và đó cũng là khoảng thời gian ông Trà lang thang đi tìm học sinh cho lớp của mình. Lớp học ban đầu chỉ là một cái bảng gỗ đã cũ, chục bộ bàn ghế nhựa rẻ tiền, học sinh thì nhốn nháo đủ lứa tuổi nhưng ngồi học lại rất nghiêm túc.
 
Những số phận bi thương
 
Kể về những học sinh của mình, thầy Trà lại ngậm ngùi: "Có những cháu khổ lắm, như cháu Dương bỏ học từ năm 10 tuổi do bố mẹ mất sớm phải ở với bà, tôi phải động viên mãi cháu mới đi học. Sau khi nhận nhiều sự giúp đỡ thì cháu cũng đã học hết cấp 3. Còn có những cháu sáng đi học xong lại tất bật về đi nhặt rác với mẹ, nhìn rất thương…".
 
Có một học trò tên Nguyễn Thị Thanh bố mất sớm, mẹ thì bị ho lao nên hoàn cảnh rất khó khăn, khi biết thầy Trà mở lớp liền chạy tới xin học, ông Trà cũng từng hỗ trợ cho Thanh ăn học và tiền điều trị cho mẹ em. Mới đây cháu đến tận cổng báo tin vui là cháu đỗ được vào Đại học Sư phạm. Còn có những cô học sinh như Phương, Vân, Hằng nay đã sang Đức để làm thuê, trước khi đi vẫn chạy sang chụp với thầy kiểu ảnh kỉ niệm.
 
Để kỉ niệm mỗi năm học, thầy Trà luôn lưu giữ cho mình cuốn sổ ghi chép tên tuổi các học trò nhỏ, đó là một kỉ vật quý báu đối với ông. Cũng nhờ lớp học này mà nhiều em nhỏ tưởng chừng như không biết đến ngày mai đã có cơ hội thì đỗ vào đại học, trung cấp hay trường nghề. Và với thầy Trà, mỗi khi các em đến báo tin mừng thì đó lại là một lần công lao của ông giáo già được đền đáp.
 
Bà Phạm Thị Lợi - Tổ trưởng Tổ dân phố tổ 23B, phường Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội): "Thầy Trà là người làm công tác từ thiện cho các cháu từ lâu lắm rồi. Các cháu học ở lớp của thầy đều có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Việc làm đó của thầy rất đáng được trân trọng, nhất là khi ở cái tuổi của thầy mà vẫn hăng say với công việc dạy học cho các cháu.

Nguồn: cstc.cand.com.vn

Các tin khác