Phóng sự

Sự thật về "biệt dược" trên đỉnh Tây Phong Lĩnh

08:51, 10/10/2014 (GMT+7)
Một củ nấm ngọc cẩu được rao bán
Một củ nấm ngọc cẩu được rao bán

Những ngày qua, thiên hạ phát sốt trước thông tin được nhiều trang mạng xã hội loan tải rằng tại núi Tây Phong Lĩnh (huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang), có loại nấm quý hiếm được gọi là "ngọc cẩu" với nhiều tác dụng bất ngờ. Với trách nhiệm của mình, nhiều lương y cảnh báo thông tin về cái gọi là "nấm ngọc cẩu" ('nấm ngọc cẩu') kia chỉ là trò ma mãnh của đầu nậu dược liệu nhằm bẫy những quý ông, quý bà hám sung lắm tiền nhưng ngờ nghệch!

"Nổ" banh nhà lồng

Theo như loan tải của nhiều trang mạng xã hội vốn chú trọng chuyện giật gân đặng câu view mà phớt lời đạo đức, loại nấm kỳ quái có tên "ngọc cẩu" kia được phụ nữ Dao bên cạnh việc tăng cường sức khỏe còn dùng vào việc làm đẹp vì có tác dụng siêu hạng trị nám da, tàn nhang, tiêu khối u trong cơ thể.

Ấn tượng hơn, thứ nấm chưa được các nhà khoa học biết đến (theo lời của tác giả) còn có tác dụng bổ máu và thận, kích thích tiêu hóa, thông tiểu, chữa nhức mỏi tay chân, đau lưng, di tinh, liệt dương, nhiều người suy giảm chức năng sinh lý nhờ sử dụng loại nấm này có thể cường tráng như xưa...

Đỉnh điểm công dụng siêu hạng của cái gọi là 'nấm ngọc cẩu' được rêu rao trên các trang mạng là khi sử dụng chúng, sinh lý của quý bà, quý cô cũng tăng mạnh, nếu chồng không đáp ứng được dễ dẫn đến ngoại tình...; còn quý ông dùng loại nấm trên thì sinh lực vô biên, vợ không đáp ứng nổi sẽ bỏ nhà đi hoang khiến gia đình xào xáo. Cũng theo rêu rao của các trang mạng, một lương y tên T. thường sử dụng 'nấm ngọc cẩu' để hồi xuân cho phụ nữ, tăng cường sinh lực cho đàn ông tiết lộ bài thuốc của mình rất hiệu nghiệm?

Chiếu theo những lời rao kia thì loại nấm này bổ toàn diện. Nhiều lần tiếp cận với các lương y hàng đầu Việt Nam hỏi chuyện về cây thuốc quý, chúng tôi chưa từng được biết đến loại thảo dược nào bổ đủ đường, lại tiêu được khối u, giúp làm đẹp... như vậy, kể cả đó là nhân sâm - vị thuốc quý nhất. Nếu thật sự Tây Phong Lĩnh có loại thảo dược quý như thế thì quả là phước cho người Việt. Để làm rõ điều này, chúng tôi đã tìm gặp một số lương y và kết quả ghi nhận được rất đỗi... phũ phàng!   

Chiêu trò của đầu nậu dược liệu

"Tình hình dược liệu ở Việt Nam hiện rất loạn. Giới con buôn, đầu nậu mặc sức tung hoành, nghĩ ra đủ chiêu trò để bịp thiên hạ. Cây thuốc nào qua màn "quăng bom" của cánh này với sự tiếp tay đắc lực của một số trang mạng xã hội cũng biến thành thần dược trị đủ chứng nan y. Sau "cơn sốt" của một số loài thảo dược có tác dụng chữa bệnh nhất định, không phải "bá bệnh" như cây mật nhân, cà gai leo, lược vàng, nấm lim, si nhựa đỏ... thì nay các ông trùm tung bài 'nấm ngọc cẩu' để bịp thiên hạ”, lương y M., ngụ quận Bình Thạnh, người rất am tường thủ thuật của dân đầu nậu dược liệu, cho biết.

Sở dĩ chúng tôi phải giấu tên vị lương y này vì sợ rằng phát biểu của ông sẽ khiến các trùm dược liệu tức giận hành hung khi sự thật được phơi bày. Điều này từng xảy ra với lương y Nguyễn Đức Nghĩa, học trò cố GS-TS Đỗ Tất Lợi (tác giả Từ điển Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam được Giải thưởng Hồ Chí Minh). Cách đây không lâu, lương y Nghĩa trả lời báo chí về vấn nạn cây thần dược xáo tam phân dỏm có độc chất được con buôn rao bán nhan nhản trên thị trường với giá cắt cổ. Ngay lập tức ông nhận được những tin nhắn dọa giết, không chỉ bản thân ông mà cả vợ con.

Lương y M. phân tích, bất kỳ cây con nào mang vị thuốc chỉ có tính năng nhất định, đã bổ dương thì không có chuyện bổ âm và ngược lại, tuyệt đối không có cây thuốc nào bổ đủ đường như cái gọi là 'nấm ngọc cẩu' hay "nấm tan cửa nát nhà”... kia.

Sự thật phũ phàng

Chúng tôi hỏi lương y M. rằng theo kinh nghiệm của ông, cái gọi là 'nấm ngọc cẩu' là cây thuốc gì, có phải thuộc nhóm quý hay không? Ông đáp ngay: "Đó là cây tỏa dương, còn có tên gọi khác là gió đất, cây không lá, hoa đất thuộc họ gió đất. Loại này trông như cây nấm, màu đỏ nâu sẫm, mùi hôi, cấu tạo bởi một cụm hoa lớn, từng được cố GS-TS Đỗ Tất Lợi nói rõ trong Từ điển Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, một trác tác y văn quý, đáng tin cậy".

Đúng như tiết lộ của lương y M., căn cứ vào hình ảnh được in trong dược điển của cố GS-TS Đỗ Tất Lợi, cái gọi là 'nấm ngọc cẩu' chính là cây tỏa dương, phân bố rộng ở một số tỉnh phía Bắc. "Nhân dân dùng vị tỏa dương làm thuốc bổ máu, kích thích ăn ngon miệng, còn dùng chữa nhức mỏi chân tay, đau bụng, hồi phục sức khỏe cho phụ nữ sau khi sinh nở. Dùng dưới dạng thuốc rượu...", trong nghiên cứu của mình về tác dụng của cây tỏa dương, cố GS-TS Đỗ Tất Lợi chỉ ghi ngắn gọn như thế.

Các lương y giàu tâm huyết với nền y học cổ truyền nước nhà am tường về thảo dược Việt Nam như lương y M. lưu ý rằng thuốc bổ máu không phải như nhiều người nghĩ là ai dùng cũng được, dùng nhiều bổ nhiều, dùng ít bổ ít. "Không biết cách, sử dụng quá liều hoặc bừa bãi coi chừng bổ... ngửa! Cây tỏa dương nếu thu hái, chế biến, bảo quản không đúng kỹ thuật sẽ nảy sinh độc chất vô cùng nguy hiểm cho người sử dụng" - lương y Thái Thanh, đồng nghiệp với lương y M., cảnh báo.

 

Nguồn: Báo CATPHCM

Các tin khác