Phóng sự

Có tiền nhưng chưa có tương lai

07:40, 02/10/2014 (GMT+7)
Một bé gái mới chỉ 3 tuổi đầu đã bị chính người mẹ ruột của mình bạo hành bằng những cách đau đớn, ghê rợn nhất như dùng kéo cắt đầu ngón tay và dao phạt vào gót chân cùng nhiều vết thương khác trên khắp thân thể khiến cho cháu bé này mang thương tích tới 40%... Chính tuổi thơ "dữ dội" khiến cho bé gái này sau 6 năm ở Trung tâm Bảo trợ xã hội, đến nay dù cháu đã bình phục nhưng di chứng của những trận đòn dã man đã khiến cháu trở nên không bình thường như các trẻ cùng lứa khác…
Cháu Hảo bề ngoài thấy bình thường nhưng gần như em chậm phát triển về tâm lý và nhận thức
Cháu Hảo bề ngoài thấy bình thường nhưng gần như em chậm phát triển về tâm lý và nhận thức
 
3 năm mẫu giáo, 3 năm lớp 1 vẫn không biết chữ
 
Chúng tôi đến Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Phước ở thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh vào buổi sáng sớm. Thấy có khách lạ hỏi thăm, cháu Nguyễn Thị Hảo từ phòng trong đi ra ngồi ở chiếc ghế đá trước cửa. Cháu nhìn hết lượt các vị khách rồi cười và lí nhí chào. Hảo tỏ ra e thẹn khi ngồi trước nhiều khách lạ. Hảo năm nay đã tròn 10 tuổi, tức là năm nay đã 7 năm trôi qua sau sự việc cháu bị phát hiện trong tình trạng có thương tích đầy người với những vết thương ứa máu, nhất là vết cắt ở gót chân và trên bàn tay.
 
Theo quan sát của chúng tôi, dù đã trải qua một thời gian khá lâu nhưng có vẻ Hảo vẫn không thể trở thành một bé gái phát triển bình thường về tâm lý và nhận thức - khi được hỏi thích thì cháu nói, cháu trả lời, nếu không thích cháu sẽ lặng im, tảng lờ đi chỗ khác và nhiều biểu hiện bất thường khác.
 
Vừa trìu mến vén áo vừa chỉ cho chúng tôi xem những vết sẹo chi chít khắp người của Hảo, cô Lê Thị Mộng Thanh, Trưởng phòng Quản lý giáo dục nuôi dưỡng, Trung tâm Bảo trợ xã hội, cho biết, lúc mới được đưa vào trung tâm, Hảo chỉ mới có 3 tuổi, cháu hay ngồi một góc và rất sợ tiếp xúc với người lạ. Mỗi khi có người đến gần, cháu thường la hét, cào cấu rất hung dữ. Mất nhiều tháng trời, các cô ở trung tâm phải thường xuyên quan tâm chăm sóc, vỗ về, cháu mới trở nên hoạt bát, ngoan ngoãn hơn.
 
Tuy nhiên, vào ban đêm các cô của trung tâm phải ngủ cùng cháu để nói chuyện, dỗ dành vì nhiều lần cháu cứ chui xuống gầm giường để ngủ. Một thời gian cháu có vẻ đỡ hơn nhưng vẫn luôn tỏ ra sợ sệt, ngay cả khi ngủ, cháu cứ phải trùm mền kín đầu giống như đang sợ hãi một điều gì đó sẽ đến với mình. Hảo rất ít khi có giấc ngủ trọn vẹn, cháu thường thức giấc và la khóc vào ban đêm.
 
Hiện nay, sau một thời gian được chữa trị và chăm sóc tận tình, các vết cắt ở tay, chân của Hảo đã lành lặn nhưng mỗi khi cầm nắm thứ gì đó hoặc có vật gì đụng vào các vết sẹo bị cắt sâu thì cháu vẫn bị đau nhức. Năm Hảo lên 4 tuổi, trung tâm đã cho cháu đi học lớp mẫu giáo để theo kịp bạn bè. Tuy nhiên, vốn đã không lanh lợi như các bạn cùng trang lứa, sau lại bị mẹ bạo hành dã man khiến cho Hảo bị những sang chấn tâm lý rất rõ rệt.
 
Vì thế, khi đi học mẫu giáo cũng như lúc lên học lớp 1, cháu không thể tiếp thu nội dung bài học và giao tiếp rất chậm so với bạn học. Đặc biệt, Hảo còn có nhiều hành động khó hiểu như thường xuyên tự nói chuyện một mình, đôi khi nổi nóng xé rách tập, vở; ngay cả mấy cái nút áo và bèo nhún trang trí trên áo mặc cũng bị cháu xé rách hết… Thỉnh thoảng, Hảo còn gây náo loạn trong lớp như quăng hết cặp sách của bạn, đánh bạn… Đau lòng hơn, Hảo còn hay lục lọi các thùng rác, nhặt nhạnh những đồ ăn thừa trong đó để ăn lại…
 
Những vết sẹo khắp người cháu Hảo
Những vết sẹo khắp người cháu Hảo
 
Tính đến nay, Hảo đã theo học tổng cộng 3 năm mẫu giáo, 3 năm lớp 1, nhưng cháu gần như vẫn chưa biết đọc, biết viết. Hảo chỉ có thể nhận biết lờ mờ một vài chữ cái thường thấy như tên của cháu và tên các cô nuôi thân thiết. Do thấy khả năng không thể tiếp tục dạy học được cho Hảo, nhà trường đã trả cháu về lại trung tâm.
 
Theo cô Thanh thì sau những biến cố xảy ra, nói chung Hảo đã ổn định rất nhiều, chơi với bạn bè trong trung tâm một cách vui vẻ, mỗi ngày mà cô nào trong trung tâm vắng mặt là cháu sẽ hỏi ngay sao cô không đi làm… Tuy nhiên, hằng tháng Hảo vẫn phải được đưa lên Bệnh viện Tâm thần ở Biên Hòa (Đồng Nai) để khám và lấy thuốc, rồi khi về mỗi lần uống thuốc vào là Hảo tỏ ra đờ đẫn, ngủ nhiều, sự linh hoạt gần như không còn, dù vậy các cô ở trung tâm cũng không dám ngừng thuốc vì mọi phác đồ điều trị, đơn thuốc đều được các bác sĩ của bệnh viện kê ra…
 
Tương lai phía trước của cháu bé lại bị đặt dấu hỏi
 
Điều mà các cô và các vị lãnh đạo của trung tâm này đang rất lo lắng là trong khi đang xúc tiến việc gửi Hảo lên TP.Hồ Chí Minh đi học thì hiện nay cha mẹ của Hảo lại đang làm các thủ tục xin đưa Hảo về nhà nuôi. Lý do là vì gia cảnh của gia đình cha mẹ Hảo vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề mà nếu đưa Hảo về e rằng bản thân cháu có thể tiếp tục phải chịu cảnh bạo hành. Đó là chưa kể tình cảm của cha mẹ với Hảo cũng không được như bình thường. Đặc biệt, một lý do khiến nhiều người tỏ ra thắc mắc đó là hiện nay sau mấy năm được những bàn tay nhân ái và Mạnh Thường Quân giúp đỡ, ủng hộ, tài khoản đứng tên của Hảo đã có mấy trăm triệu đồng, điều kiện gia đình còn rất nhiều khó khăn có thể vì điều này mà cha mẹ của Hảo mới sốt sắng muốn đưa con về để nhằm một mục đích nào đó liên quan đến số tiền này chăng (?)
 
"Từ lúc vào đây 3 tuổi, đến nay Hảo đã được 10 tuổi. Sau khi mẹ cháu phải thụ án tù thì cha cháu ở nhà cũng chẳng bao giờ lên thăm con. Đến năm 2012, sau khi ra tù mấy tháng và sinh em bé, dịp Tết đó cha mẹ mới đến thăm Hảo. Như vậy từ lúc Hảo vào trung tâm này đến nay, cha mẹ của Hảo cũng chỉ mới đến trung tâm thăm con mình hai lần.
 
Vào khoảng giữa năm 2004, bà Mỳ sinh cháu Hảo tại xã Phước Hưng, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Trước đó, khoảng thời gian bà Mỳ mang thai, chồng bà Mỳ là ông Nguyễn Văn Tước (40 tuổi) đi làm ăn xa không có nhà nên không hề hay biết về việc vợ mình có thai. Đến lúc Hảo chào đời, ông Tước mới hết việc trở về nhà. Có lẽ cũng vì nguyên nhân này mà ông Tước luôn nghi ngờ về việc Hảo không phải là con mình, từ đó vợ chồng ông Tước luôn xảy ra mâu thuẫn, thậm chí đánh chửi nhau.
 
Lúc Hảo được 6 tháng tuổi, phần vì do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phần vì muốn gia đình êm ấm, vợ chồng ông Tước đã đưa Hảo cho một đôi vợ chồng ở huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu làm con nuôi. Nhưng đến tháng 12/2004, vì một số lý do, đôi vợ chồng này đã gửi trả Hảo về cho bà Nguyễn Thị Nhi (45 tuổi, ngụ cùng địa phương) là chị ruột của bà Mỳ chăm sóc. Thế nhưng, hoàn cảnh kinh tế của bà Nhi cũng vô cùng khó khăn không thể cưu mang Hảo lâu dài. Bà Nhi và vợ chồng bà Mỳ vẫn tiếp tục đánh tiếng tìm người nhận nuôi Hảo.
 
Cô Thanh gắn bó hằng ngày với cháu Hảo
Cô Thanh gắn bó hằng ngày với cháu Hảo
 
Và vài tháng sau đó, một phụ nữ độc thân ngụ Vũng Tàu đã nhận Hảo về nuôi với mong muốn mai này có người chăm sóc lúc về già. Nhưng cũng chỉ một thời gian sau đó người phụ nữ này lập gia đình nên đành giao Hảo lại cho bà Nhi. Và đến tháng 6/2008 vợ chồng bà Mỳ phải đón Hảo về lại nhà. Ngoài Hảo ra thì một người chị của cháu cũng chịu chung số phận cho làm con nuôi nhưng cuối cùng vẫn bị trả lại.
 
Theo kết quả giám định (ngày 24/9/2008), Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Bình Phước kết luận cháu Hảo bị thương tích tới 40%. Theo đó, ngoài vết thương ở tay bị mất một cái móng do bị cắt, gân gót chân cũng bị đứt thì trên người Hảo còn nhiều vết thương ở mông, vành tai trái, vùng lưng, gãy xương đòn trái, ngón chân bị đứt phân nửa, nhiều vết trầy xước trên mặt… Nhưng đó là vết thương do các anh chị Hảo và chính Hảo bị té ngã gây ra.
 
Sau khi vụ việc cháu Hảo bị hành hạ được đưa ra ánh sáng, bà Mỹ đã bị tòa án tuyên 2 năm tù giam và tước quyền nuôi con trong 5 năm, cháu Hảo được đưa đến Trung tâm Bảo trợ xã hội. Tại đây sau mấy năm lưu lạc nhiều nơi và bị gia đình bạo hành, Hảo có một mái ấm đúng nghĩa dưới sự bảo bọc, che chở của những bàn tay nhân ái. Tuy nhiên, tương lai của Hảo bây giờ lại tiếp tục phải đặt câu hỏi nếu cháu được chuyển về cho gia đình nuôi dưỡng?
 
Ông Nguyễn Viết Xuân, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp - Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Phước cho biết: "Hiện nay, dù Hảo đã bình phục nhưng do cháu vẫn phải khám chữa bệnh tâm thần nên mỗi tháng chúng tôi phải chi phí tiền xe khoảng hơn 2 triệu đồng cho việc đưa Hảo từ trung tâm đi Bệnh viện Tâm thần TW2 ở Đồng Nai để khám và mua thuốc điều trị. Dù tài khoản của Hảo hiện có khá nhiều tiền nhưng trung tâm hoàn toàn không đụng vào mà để sử dụng cho cháu sau khi đủ tuổi trưởng thành.
 
Thời gian gần đây, chúng tôi đang tìm cách liên lạc để gửi Hảo về một trung tâm nào đó ở TP. Hồ Chí Minh dành cho người khuyết tật hoặc phù hợp với bệnh tình của Hảo để cháu được dạy dỗ đúng cách, giúp cháu có kiến thức, có kỹ năng sống cơ bản để cháu có thể tự chủ trong cuộc sống của mình. Tuy nhiên, mọi việc hiện đang phải chờ phán quyết của Sở Lao động Thương binh và Xã hội và các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Phước về việc Hảo có được tiếp tục ở lại với trung tâm hay chuyển về chung sống cùng gia đình".

 

Nguồn: cstc.cand.com.vn

Các tin khác