Phóng sự
Bí ẩn về 'thung lũng trường sinh' và món ăn từ loài kỳ thảo
08:47, 19/09/2014 (GMT+7)
Cách quốc lộ 32 gần 20km, những thung lũng thuộc xã Đồng Sơn (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) từ bấy lâu nay được gọi với cái tên "thung lũng trường sinh". Bởi lẽ ở đó, có những con người chỉ sống với núi rừng, bên túp lều tranh, không có tiện nghi hiện đại nhưng lại thọ hơn trăm tuổi. Không chỉ vậy, dù tuổi tác đã vượt qua khỏi con số 100 nhưng mỗi ngày, những cụ ông, cụ bà ấy vẫn làm được những công việc bình thường mà không hề có dấu hiệu của tuổi già.
Vùng đất lạ kì
Đồng Sơn là một trong những xã nghèo nhất của huyện Tân Sơn. Nhưng như những gì mà người dân nơi đây cho biết, ở đây con người dù nghèo nhưng được cái lộc của thiên nhiên hay "lộc trời" về tuổi tác cũng như sức khỏe. Toàn xã chỉ hơn 700 hộ dân nhưng đã có tới hàng chục người sống trên trăm tuổi, đó là chưa kể những người xếp vào hàng sống thọ là từ 80 đến gần 100 tuổi. Nếu lần đầu đến Đồng Sơn, sẽ khó có thể phân biệt được tuổi tác bởi cái sự lạ kì ở nơi đây. Những người phụ nữ Đồng Sơn trẻ một cách lạ kì dù hằng ngày vẫn vác rựa đi làm, vẫn đầu tắt mặt tối bên công việc nương rẫy và chăm lo cho gia đình.
Cụ Bỏn gần 100 tuổi nhưng vẫn rất khỏe mạnh. |
Ngồi tại một hàng nước nằm trên con đường vào xã, nói chuyện với bà con nơi đây, chúng tôi vẫn xưng hô anh, chị với những người vừa đi lên đồi ghé vào uống nước. Cho đến khi họ rời đi, chị Du - chủ quán nước mới cười và nói: "Họ đều qua 60, lên ông lên bà cả rồi. Chắc chú ở xa đến không biết, ở đây người ta nhìn trẻ lắm. Như mấy chị vừa rồi mà được sống sướng như ở thành phố thì còn trẻ nữa cơ…".
Theo người dân bản địa, ngoài tuổi tác và sức khỏe được "trời ban" ra thì ở Đồng Sơn mọi thứ đều vô cùng khó khăn. Nếu so với nơi khác, thời tiết ở đây thật khắc nghiệt. Mùa đông thì nước trong thùng như đóng băng, phải cho lên bếp đun cho tan ra mới dùng được, còn mua hè thì ngay từ đầu mùa, gió Lào đã giáng thẳng xuống thung lũng, chưa kể đến mùa mưa, mùa lũ. Năm này qua năm khác, chuyện thời tiết nóng lạnh khắc nghiệt ấy như một vòng tuần hoàn mà người dân nơi đây phải chịu đựng. Cũng có lẽ vì điều đó mà qua suốt hàng trăm năm, con người nơi đây đã được mài giũa để có được sức khỏe và sự trẻ trung như hiện tại.
Khi hỏi về những người cao tuổi còn sống ở xã, chị Du cho biết: "Những người sống trên trăm tuổi tập trung nhiều nhất ở xóm Măng, có mẹ của bà Thiện vừa mất năm ngoái là sống lâu nhất mà tôi biết. Cụ mất năm 113 tuổi nhưng trước đó một năm vẫn vác cuốc, thuổng đi làm. Các con các cháu phải giấu hết dụng cụ đi thì bà cụ mới thôi đấy. Mỗi bữa ăn, cụ lại làm một chén rượu, hôm nào con cháu đổi thành nước lã là cụ lại quát mắng. Cụ ấy còn minh mẫn lắm, cái gì cũng biết…".
Người dân đang đập rêu ở suối. |
Ngoài ra, còn cụ Hà Thị Sinh năm nay đã 109 tuổi nhưng vẫn lên đồi chè ngày vài lần để hái về hãm nước uống. Cách đây không lâu, khi một số phóng viên đến Đồng Sơn để phỏng vấn cụ về bí quyết "trường sinh", cụ Sinh vẫn ngồi kể vanh vách các chuyện từ tấm bé, ăn uống, sinh hoạt hằng ngày của gia đình mình. Và để tiếp tục câu chuyện, chị Du còn "giới thiệu" cho chúng tôi cụ Bỏn là người dân tộc Dao năm nay đã 95 tuổi ở ngay đối diện quán của chị khi bà cụ vừa… đi thăm cháu về. Theo như các cháu cụ Bỏn cho biết rằng số tuổi của cụ chỉ là do mọi người nhớ qua loa mà ghi vào giấy tờ, còn tuổi thực thì chính cụ cũng không nhớ nổi vì ngày trước không có thói quen nhớ tuổi. Tuy nhiên, các cháu cụ Bỏn khẳng định chắc chắn rằng, cụ Bỏn đã qua cái tuổi 95 từ lâu lắm rồi. Dù tuổi cao như vậy nhưng sức cụ không hề yếu, hằng ngày cụ vẫn đi bộ từ làng trên xóm dưới để thăm cháu, chắt. Dù không rõ tiếng Kinh nhưng khi tôi nói, cụ vẫn lắng nghe và nhờ các cháu dịch lại để trả lời.
Bí ẩn loài kỳ thảo
Như đã nói ở trên, ngoài việc sống hòa nhập với thiên nhiên, ở Đồng Sơn còn một loài thực vật kì diệu được người dân đưa vào bữa ăn hằng ngày. Cụ Bỏn cũng như cụ Hà Thị Sinh cũng nói tới món ăn này và nhiều người cũng cho rằng loài thực vật này giúp cho nơi đây được gọi là "thung lũng trường sinh", đó chính là rêu đá. Bất chấp thời tiết khắc nghiệt, loài rêu vẫn ngâm mình, bám rễ vào đá bên suối và sinh sôi nảy nở. Chỉ trừ khi qua mùa lũ, rêu bị cuốn trôi, còn đâu vào những ngày tháng khác, bất kể nắng mưa, rêu đá vẫn tồn tại và trở thành một món đặc sản ở nơi đây.
Theo một người dân bản địa cho biết: "Giữa nơi chỉ thấy bạt ngàn rừng và đồi núi này thì rêu đá được coi như một loại thực phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, Dao tự lâu đời. Trong khắp các tỉnh miền Tây Bắc thì rêu đá ở thung lũng Đồng Sơn (xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn) này là thơm ngon, nổi tiếng nhất. Muốn thấy được loại rêu đó thì phải ngược dòng suối Thân đi về phía thượng nguồn. Dòng suối Thân chảy ra từ bụng của dãy núi mẹ Lia có nước trong veo, mát rượi, chảy dài, uốn lượn dài gần 10km bao bọc quanh làng".
Cuộc sống người dân ở thung lũng trường thọ rất giản đơn. |
Ngoài khả năng kì lạ của món ăn này, câu chuyện về rêu đá còn gắn với mối tình thủy chung, son sắt của đôi trai gái Dao - Mường. Theo đó, từ lâu lắm rồi trên dãy núi mẹ Lia, có người Mường và người Dao cùng chung sống, người Dao sống ở trên núi, còn người Mường sống ở chân núi. Trong một lần đi hái củi trên rừng chàng trai Mường gặp một cô gái Dao, da trắng, tóc dài, má hồng đi hái măng. Hai người yêu nhau tha thiết nhưng bị gia đình chia cắt, ngăn cản. Cô gái Dao không được lấy chàng trai Mường, nên buồn tủi ngày đêm ngồi khóc đến độ nước mắt chảy dài thành dòng suối Thân. Chàng trai Mường không lấy được người yêu cũng si tình ra suối tự vẫn, chàng biến thành viên đá, còn cô gái biến thành rêu ôm ấp quanh chàng. Có lẽ vì thế mà rêu suối Thân (xã Đồng Sơn) là ngon nhất, đặc biệt nhất vùng Tây Bắc này.
Ngoài việc là món ăn ngon, rêu đá còn là phương thuốc chữa bệnh, giúp lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, bình ổn huyết áp cho cơ thể. Rêu là món ăn không thể thiếu của đồng bào vùng cao vì nó có tác dụng chống ngã nước, sốt rét, tăng cường sức đề kháng giúp cơ thể chống lại sơn lam chướng khí. Cụ Bỏn cho biết, vào những năm đói kém mất mùa, cụ lại theo bố mẹ ra suối tìm rêu rồi rửa sạch, đập thành bánh phơi khô ăn dần. Khi chế biến thì mỗi nhà mỗi khác nhưng hầu hết đều không quá cầu kì.
Và rồi mỗi khi qua mùa nước lũ, ở các con suối bao quanh Đồng Sơn, người ta lại thấy bà con người Mường, người Dao lũ lượt tay xách nách mang đồ đạc đập rêu. Từ một món ăn đặc sản giúp Đồng Sơn có cái tên "thung lũng trường sinh", món rêu đá còn giúp người dân nơi đây sống vui vẻ, hòa nhập hơn. Cũng như những gì mà người dân nơi đây cho biết đó là cuộc sống của họ luôn êm ấm, hòa thuận giữa những người trong gia đình, làng xóm dù khó khăn vẫn luôn rình rập.
Nguồn: Cstc.cand.com.vn