Phóng sự

'Gửi lời xin lỗi' thức tỉnh tính bản thiện

15:54, 13/09/2014 (GMT+7)
Không thể phủ nhận những hành vi phạm tội của các phạm nhân gây ra rất đáng bị lên án. Nhưng qua học tập, cải tạo đã giúp người phạm tội tự nhận ra những sai lầm của mình. Xuất phát từ mục đích mang đậm tính nhân văn ấy, mới đây, Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình phát động cuộc vận động viết thư “gửi lời xin lỗi” nhằm tạo điều kiện để phạm nhận tự sửa chữa, xóa đi mặc cảm tội lỗi. Bởi còn đó sự bao dung của chính những nạn nhân, gia đình bị hại và đặc biệt là xã hội luôn rộng mở vòng tay đón những người lầm đường lạc lối nhưng biết ăn năn hối cải trở về.
 
Lá thư hoàn lương
 
Trong chuyến công tác tại thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thủy (Hòa Bình) mới đây, chúng tôi có dịp gặp lại Bùi Thị V, 24 tuổi, cô gái có khuôn mặt bầu bĩnh, thanh thoát từng là hoa khôi trại giam ngày nào. Sau 3 năm chấp hành án tại Trạm tạm giam Công an Hòa Bình, từ một cô gái ngây thơ, hồn nhiên, V dạn dĩ hơn, chín chắn hơn rất nhiều. Quá khứ tội lỗi đã rời xa, V lập gia đình với người bạn  đời đã cùng V nếm trải biết bao vui buồn của cuộc sống, người luôn ở bên V ngay cả những lúc V gặp khó khăn, hoạn nạn. Nhờ biết vun vén, chắt bóp, 2 vợ chồng đã mở cửa hàng tạp hóa nhỏ, cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân trong vùng. Họ có với nhau một bé trai kháu kỉnh, căn nhà nhỏ tràn ngập tiếng cười. Cuộc sống thực sự mỉm cười với đôi vợ chồng trẻ.
 
Khi chúng tôi nhắc lại những “lá thư”, mắt V sáng lên niềm vui. V chia sẻ rằng, chính nhờ những lời động viên từ dòng chữ đó đã giúp chị có thêm nghị lực để cải tạo thật tốt, có niềm tin vào cuộc sống. Những lá thư đến với chị thật đúng lúc, khi mà V hoàn toàn suy sụp, tưởng chừng không thể gượng dậy nổi. Câu chuyện buồn đó xảy ra cách đây 5 năm.
 
Vốn là cô gái chăm ngoan, học giỏi, khuôn mặt ưa nhìn, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, Bùi Thị V thi tuyển vào trường Cao đẳng Truyền hình ở Phủ Lý (Hà Nam) và trúng tuyển với số điểm khá cao. Tuy nhiên, ước mong trở thành nhà báo của V đã vụt tắt chỉ vì một hành động bộc phát. Tối ngày 12/9/2009, trong một lần về thăm gia đình, V cùng nhóm bạn đi uống nước. Tại đây, nhóm của V có xích mích với một số cô gái cùng trang lứa. Do thiếu kiềm chế và đang bức xúc, sẵn chiếc ô trên tay, V tấn công khiến người bạn này bị thương rất nặng ở vùng mắt (tỷ lệ thương tật là 34%). Sau khi gây án, V đã tới Công an huyện Yên Thủy (Hòa Bình) tự thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. V bị kết án 60 tháng tù giam.
 
Từ khi thụ lý án tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hoà Bình, V thường xuyên nhận được sự quan tâm, động viên của gia đình và người yêu. “Trong cuộc sống ai cũng ít nhiều mắc sai lầm song quan trọng hơn là biết đứng dậy và đi bằng chính đôi chân của mình” - gia đình thường động viên em như vậy - V nói. Chính vì vậy, V trân trọng và biết ơn gia đình mình, những người đã không bỏ rơi, ruồng bỏ em mà luôn bên em ngay cả thời điểm em gặp khó khăn nhất trong cuộc sống.
 
“Cuộc sống còn dài, tương lai phía trước là của em. V ạ! Mọi người luôn tin tưởng và hy vọng vào em, hãy cố gắng lên em nhé. Có niềm tin là có tất cả em ạ, đừng bao giờ đánh mất niềm tin vào cuộc sống. Chúc em hãy cải tạo thật tốt và sớm được về đoàn tụ cùng gia đình và xã hội. Và anh, dù có thế nào đi chăng nữa thì anh luôn đứng về phía em, ủng hộ em. Em hãy luôn tin rằng, anh luôn ở bên em, che chở cho em. Nhớ em nhiều!”. V ngồi một mình gặm nhấm từng từ, từng chữ trong bức thư. Không biết từ lúc nào mà mắt em đã ngấn lệ. Giọt lệ hạnh phúc đã làm nhoè lá thư mà người yêu của V gửi từ quê nhà. Chính những lá thư này đã tạo cho V có thêm nghị lực để cố gắng cải tạo thật tốt, sớm được trở về trong vòng tay của gia đình, người thân.
Các phạm nhân tại trạm tạm giam Công an Hòa Bình chia sẻ lá thư từ gia đình.
Các phạm nhân tại trạm tạm giam Công an Hòa Bình chia sẻ lá thư từ gia đình.
V kể rằng: Người con trai trong lá thư trên chính là H, người yêu của V từ khi 2 đứa còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Tình cảm học trò bắt đầu nảy nở khi V và H tham gia các hoạt động ngoại khóa của nhà trường. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, V và H vẫn nuôi dưỡng cho tình yêu được đơm hoa, kết trái thì cái tin V bị bắt vì phạm tội “cố ý gây thương tích” thực sự gây sốc cho H. Trong suốt thời gian V thụ lý án tại trại tạm giam Công an Hòa Bình, V vẫn thường xuyên nhận được những lá thư động viên từ phía người yêu. H sẽ đợi cho đến khi V chấp hành xong án phạt tù để cùng xây dựng cuộc sống trăm năm. V đọc ngấu nghiến như nuốt từng câu chữ trong lá thư. Những giọt nước mắt hạnh phúc lại tuôn rơi trên khuôn mặt non nớt của cô gái mới lớn.  
 
Lật giở từng trang thư được V cất giữ cẩn thận, nhiều lá thư trong số đó đã bị nhoè chữ. Tôi hiểu rằng, mỗi lần đọc thư của người thân, V đều khóc. Mỗi lá thư đều chứa đựng mỗi nỗi lòng riêng, mỗi cảm xúc riêng mà chỉ có người trong cuộc mới cảm nhận được. Cứ mỗi lần nhận được thư, em đều xin phép cán bộ quản giáo được viết thư hồi đáp. Trong mỗi lá thư em đều cho gia đình biết về tình trạng sức khoẻ của mình, sự quan tâm của cán bộ quản giáo và không quên dặn dò gia đình không nên lo lắng quá nhiều mà ảnh hưởng tới sức khoẻ.
 
Em vẫn bình thường và đã trưởng thành hơn trong suy nghĩ. Vào trong này, em biết làm đủ mọi việc từ cuốc đất, trồng rau, chăm sóc cây cảnh, khâu vá… Nhờ sự động viên kịp thời từ phía gia đình và người thân cùng với nghị lực của bản thân, trong đợt đặc xá lần này, V được Chủ tịch nước đặc xá tha tù trước hạn. Một đám cưới đơn sơ với sự chứng kiến của đôi bên gia đình và bạn bè thân thiết được tổ chức ngay sau khi V chấp hành xong án phạt tù. Hạnh phúc đã mỉm cười với đôi vợ chồng trẻ nhờ nghị lực vươn lên và khát khao hướng thiện mãnh liệt.
 
Trung úy Nguyễn Thị Thuỳ - cán bộ quản giáo trại tạm giam Công an Hòa Bình, là người trực tiếp giáo dục, cải tạo phạm nhân nữ chia sẻ: Người phạm nhân thường có cảm giác đơn độc và khép kín. Do vậy, những lá thư từ phía gia đình và người thân chính là nguồn sức mạnh kịp thời để những phạm nhân có thêm niềm tin để cải tạo thật tốt, sớm được trở về với gia đình. Đã có nhiều phạm nhân sau khi nhận được thư từ phía gia đình, người thân trở nên vui vẻ, lạc quan hơn, chấp hành tốt các quy định của Trại. Mỗi lần nhận được thư, họ đều muốn chia sẻ niềm vui với những phạm nhân khác. Đây là một nét văn hoá rất đáng quý và đáng trân trọng để thức tỉnh tính bản thiện trong mỗi con người.
 
Cuộc vận động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc
 
Để khơi dậy tính bản thiện trong mỗi phạm nhân, Ban Giám thị trại tạm giam Công an Hòa Bình đã tổ chức cuộc vận động viết thư “Gửi lời xin lỗi” nhằm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của can, phạm nhân về ý nghĩa nhân văn của việc “gửi lời xin lỗi”. Cán bộ quản giáo sẽ phát giấy, bút, hướng dẫn và tạo điều kiện về thời gian, đồng thời cử cán bộ trực tiếp đi liên hệ, tiếp xúc với những người nhận thư để đánh giá thái độ và ứng xử của họ, tạo điều kiện để tổ chức cho gặp, đối thoại giữa người viết thư và người nhận thư, vận động gửi thư hồi âm góp phần giáo dục phạm nhân cải tạo tiến bộ.
 
Đây là một hình thức giáo dục mang tính nhân văn, khơi dậy tính thiện tiềm ẩn trong con người của phạm nhân giúp cán bộ giáo dục, quản giáo nắm tâm lý, tư tưởng phạm nhân để có biện pháp giáo dục phù hợp; kêu gọi các tổ chức xã hội, chính quyền, địa phương, gia đình, người thân, người bị hại cùng vào cuộc tham gia giúp đỡ họ hoàn thiện nhân cách, trở thành công dân tốt.
 
Theo nữ quản giáo Thùy, ngay sau khi phát động, cuộc vận động viết thư “gửi lời xin lỗi” được các phạm nhân hưởng ứng tích cực. Nhiều phạm nhân chia sẻ, sau khi phạm tội họ ăn năn, hối hận vì đã gây hậu  quả xấu cho xã hội và nhiều gia đình. Trong thâm tâm, họ mong có cơ hội để gửi lời xin lỗi chân thành tới người thân, người bị hại. “Chúng tôi sẽ tích cực viết thư gửi để cho tâm hồn được thanh thản và mong được mọi người tha thứ” – một phạm nhân chia sẻ.
 
Thượng tá Trần Mạnh Hải – Giám thị trại tạm giam Công an Hòa Bình nhận xét: Theo truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam “Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”. Mỗi bức thư là nỗi niềm tâm sự và cũng là tâm huyết, suy nghĩ của mỗi phạm nhân. Có những phạm nhân từ khi vào trại, được giáo dục, cải tạo đã nhận thức được hành vi phạm tội của mình nhưng chưa nghĩ tới việc viết thư xin lỗi vì xấu hổ, tự cao, hoặc không dám viết vì nghĩ sẽ không được tha thứ. Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh cuộc vận động viết thư không chỉ trong phạm vi Trại tạm giam mà thực hiện đối với hệ thống các Nhà tạm giữ trong toàn tỉnh, góp phần giúp phạm nhân hướng thiện, sớm trở thành người có ích cho xã hội

Nguồn: Cstc.cand.com.vn

Các tin khác