Phóng sự
Bán đất để xuất khẩu lao động "chui" sang Trung Quốc:
Giá đắt cho giấc mơ đổi đời
09:33, 04/09/2014 (GMT+7)
Cũng vì giấc mơ đổi đời mà gần đây ở bản Dao (xã Tú Sơn, Kim Bôi, Hòa Bình) người dân rộ lên phong trào "xuất khẩu lao động chui" sang Trung Quốc. Nghe theo những lời mật ngọt của môi giới, nhiều người đã gặp phải địa ngục trần gian. Người thì bán nhà, bán đất, người thì cõng cả đống nợ, rồi có người bị giam cầm, đánh đập trước khi về nước. Giấc mơ đổi đời của bà con bản Dao ở Tú Sơn chưa bao giờ lại phải trả giá đắt như vậy.
Bỗng dưng cõng cục nợ
Ở bản Dao, hễ cứ nhắc đến vợ chồng anh Lý Sình Xuân và vợ là Phùng Thị Sơn nhiều người lại tỏ vẻ xót thương cho cặp vợ chồng này. Nghe lời một người họ hàng rủ rê nói rằng, sang Trung Quốc kiếm tiền rất dễ, mỗi tháng ít nhất cũng thu nhập 2000 nhân dân tệ (tương đương với khoảng 7 triệu tiền Việt Nam) nên vợ chồng anh Xuân đã bán cả đất canh tác cho người anh để lấy tiền sang nơi đất khách quê người tìm kiếm cơ hội làm ăn. Lúc đầu, anh chị nghe người ta bảo rằng để sang được bên đó mỗi người sẽ phải chi ra 3 triệu cho môi giới. Thế nhưng khi đi được nửa đường thì số tiền đó lại tăng lên thành 3,5 triệu. Dù rất bất ngờ và xót của nhưng vợ chồng anh Xuân cùng những người trên chuyến xe hôm đó cũng chả biết làm cách gì khác ngoài việc "ngậm bồ hòn" cho qua chuyện. Sang bên đó, vợ chồng anh Xuân được sắp xếp làm trong một xưởng sản xuất giày da. Công việc không quá nặng nhọc nhưng thời gian làm việc thường lên tới 14 tiếng mỗi ngày. Thức ăn hầu như không bao giờ có chất tươi, thường chỉ là vài cọng rau cải nấu cùng ớt mà theo lời chị Sơn thì vừa ăn vừa chảy nước mắt.
"Cái cảnh ăn uống chả có gì lại chỉ toàn ớt với ớt nên vợ chồng mình sức khỏe cứ yếu dần. Mình trước đã gầy rồi, sang bên đó còn gầy hơn mất mấy cân. Cũng thấy chán lắm nhưng vẫn cố phải làm thôi. Tiền mình bán đất đã đưa hết cho môi giới rồi mà, giờ phải kiếm tiền để bù lại chứ. Nhưng mà làm được gần 1 tháng thì bọn chủ đó lại chuyển vợ chồng mình qua một xưởng khác, thế là không ai trả lương cho vợ chồng mình nữa. Sang một xưởng khác cũng thế. Cứ gần được 1 tháng nó lại chuyển mình đi. Sang đó gần 4 tháng nhưng vợ chồng mình không có lương đâu" - chị Sơn kể lại.
Biết là mình đã bị lừa, càng ở thì sẽ càng chẳng được gì nên vợ chồng anh Xuân đã bàn nhau bỏ trốn. Về lại bản Dao vợ chồng anh Xuân coi như trắng tay. Tiền mất, sức khỏe tiều tụy, đất cũng đã bán cho người anh cả. Khi chúng tôi gợi ý nói hay là vợ chồng anh xin chuộc lại đất của người anh thì anh Xuân lắc đầu: "Không làm thế được đâu. Lúc mình cần tiền mình bán đi, giờ tiêu hết tiền rồi sao mà đòi lại được" - anh Xuân nói giọng đau khổ.
Hoàn cảnh gia đình anh Triệu Tiến Xuân, hàng xóm của chị Sơn cũng bi đát không kém. Năm trước, anh Xuân bị những người môi giới lừa là sẽ lo cho anh hộ chiếu sang Đài Loan xuất khẩu lao động. Anh Xuân đã phải vay mượn tới 30 triệu để có tiền đưa cho "cò". Vì không biết chữ, không biết tiếng nên khi đặt chân lên biên giới Trung Quốc rồi anh Xuân vẫn nghĩ mình đang đi Đài Loan. Cũng giống như nhiều người khác ở bản Dao, anh Xuân được đưa vào một xưởng sản xuất dày dép làm việc với thời gian mười mấy tiếng một ngày. Và kịch bản cũng y như những người bà con của anh phải nhận, đó là cứ gần hết tháng thì người chủ xưởng lại chuyển anh sang một xưởng mới. Mỗi lần thiên chuyển như thế anh Xuân hầu như không nhận được một xu tiền lương. Vậy mà khi bỏ về nước, anh Xuân vẫn còn ngây ngô đến mức tiếp tục cho vợ sang đó làm công nhân.
Anh Triệu Văn Hùng ngậm ngùi kể lại những ngày “xuất ngoại” đau khổ. |
Anh Xuân thừa nhận: "Lúc đó bị mất nhiều tiền quá nên mình hoảng. Hai vợ chồng cứ bàn bạc với nhau mãi mà không biết có cách nào để xoay tiền trả nợ. Thế là vợ mình bảo, hay cứ để em đi thử, biết đâu lại may mắn kiếm được tiền như vài người trong bản đã làm được. Thế là mình lại để cho vợ mình đi. Nhưng vợ mình cũng xui xẻo như mình thôi, mới bỏ trốn về rồi". Vốn dĩ đã nghèo, vậy mà chỉ vì chạy theo giấc mộng đổi đời giờ vợ chồng anh Xuân đã trở nên khánh kiệt. Con số nợ 30 triệu đồng chưa biết đến ngày nào mới trả được. Anh Xuân tâm sự: "Mình thức cũng nghĩ đến nợ mà mơ cũng mơ đến nợ. Chỉ sợ phải bán cả nhà mà trả nợ thôi. Lúc đó không biết vợ chồng và con cái mình sẽ ở đâu".
"Nộp tiền để được… đi tù!"
Chúng tôi đến bản Dao vào đúng những ngày ở đây đang thu hoạch ngô. Dường như vụ ngô này được mùa nhưng chẳng mấy người thấy vui vẻ. Từ ngày thoát khỏi cảnh "địa ngục trần gian" anh Triệu Văn Hùng trở nên lặng lẽ hơn. Anh nói: "Ở nhà làm ngô, làm sắn mãi cũng khổ, làm quần quật cả năm cũng chẳng bỏ ra được đồng nào. Vất vả lắm, một vợ hai đứa con nhỏ trông vào ruộng ngô. Cũng đi nghe theo người ta sang Trung Quốc làm ăn nghĩ sẽ để ra được chút ít, ai ngờ…".
Đầu năm 2014, Hùng bỏ qua lời can ngăn của gia đình vượt biên sang Trung Quốc vào ngày 16/2. Phần vì nghe bạn bè rủ rê, phần vì nghe lời quảng cáo của một người đàn ông tên Thuận (xã Tây Phong, Cao Phong), Hùng đi khắp bản nhiều ngày mới vay mượn được 4 triệu đồng. Hùng kể: "Chẳng hiểu ai là người cho mình đi nữa, thấy anh em đi là mình đi thôi. Chuyến xe đó là có 32 người, ông Thuận bảo phải nộp 3,5 triệu là tổng các loại chi phí. Nộp 3,5 triệu em chỉ còn 500 nghìn dắt lưng". Hùng đâu có biết số tiền đó lại là số tiền mình nộp để được… đi tù.
Anh Xuân lo sợ 1 ngày nào đó mình sẽ phải bán nhà để trả nợ. |
Hùng bắt đầu kể lại chuyến đi bão táp, những tháng ngày kinh hoàng mà mình phải gánh chịu nơi đất khách quê người. Chuyến xe hơn 30 người được đưa lên cửa khẩu Lạng Sơn, mọi người được dừng lại và đổi tiền. Sau những thủ tục ngầm của Thuận nhóm 30 người này bị tách nhóm và lên 2 xe. "Chiếc xe 6 chỗ họ bỏ hết ghế ra nhồi 16 người bọn em cùng lỉnh kỉnh đồ đạc lên. Đi được chừng 3 tiếng, có người đàn ông rất hầm hố dẫn chúng tôi đến một ngôi nhà hoang để nghỉ ngơi. Họ chỉ vứt cho một ít rau, gạo rồi nói chúng tôi tự túc nấu ăn".
Ngôi nhà hoang lạnh nằm giữa rừng, nhóm người đi cùng Hùng phải đốt lửa sưởi suốt đêm để qua được cái lạnh. Sáng hôm sau nhóm người của Hùng sau vài lần đổi xe, đoàn đã đến Phúc Kiến và được đưa luôn vào xưởng làm giày da. Không như những lời hứa của môi giới, những người bị đẩy vào xưởng giày phải làm 14 giờ/ ngày. Mặc dù không bị đánh đập nhưng ăn uống vô cùng khổ cực. Hùng kể: "Làm cả ngày cả đêm như vậy họ chỉ cho ăn cơm với rau xào ớt thôi. Lúc đầu không thể nuốt được, sau đói quá cũng phải cắn răng mà ăn". Mới chỉ làm chưa đầy 1 tháng, Công an Trung Quốc ập vào kiểm tra giấy tờ tùy thân. Không có gì ngoài chiếc CMND Việt Nam, Hùng nhanh chóng được đưa đi tạm giam.
"Em và 20 người khác bị dẫn đến đồn công an lúc 22h. Qua phiên dịch người ta hỏi cung và bắt em điểm chỉ vào nhiều loại giấy tờ mà không biết nghĩa là gì cả. Gần sáng ngày hôm sau em được đưa vào 1 phòng kín, chỉ có 1 lỗ sáng vuông trên tường chỉ vừa cái gáo múc nước. Khi nào đến giờ ăn thò cái gáo ra người ta đổ cơm cho ăn".
Hùng cùng nhóm lao động chui này bị tạm giam đúng 57 ngày, sau đó chuyển sang giam ở một nơi khác. Theo Hùng thì đây mới chính là "địa ngục trần gian". Phòng giam kín như bưng, không một lỗ thông gió, chỉ có một cửa chính khi ăn họ sẽ mở ra. Mỗi ngày mọi người chỉ được ăn 2 bữa, 12h trưa và 6h chiều. Cơm chỉ có rau hoặc ớt tươi, mỗi suất cơm mà theo anh Hùng là chỉ đủ cho mèo ăn. "Em bị giam ở đó 21 ngày nữa. Họ cho ăn ít đến nỗi sáng ra không dám cử động mạnh. Mỗi lần ngồi dậy là bị chóng mặt hoa mắt, nhiều lúc ngã gục xuống đất vì đói. Không những bỏ đói người ta còn đánh đập vô cớ. Cả người có mỗi cái CMND là quý nhất thì sau lần bị họ đánh văng đi đâu mất".
Nhớ lại ngày con trai thoát khỏi cảnh tù tội trở về nước, bố đẻ anh Hùng tâm sự: "Lúc đầu biết nó đi thế cũng giận lắm nhưng mà thôi còn sống mà về là may rồi. Hôm nó về một xu mua nước cũng không có. Nó bắt xe từ Lạng Sơn về đến bến xe Mỹ Đình mà phải chịu người ta, tôi lên đón rồi trả tiền xe về đấy".
Nguồn: Cstc.cand.com.vn