Phóng sự
Số phận nghiệt ngã của những người con lính lê dương
09:07, 28/08/2014 (GMT+7)
Họ là kết quả của những mối tình ngang trái của lính lê dương với những người phụ nữ Việt Nam, sinh ra trong chiến tranh, nhưng vì hoàn cảnh, không thể trở về quê cha, họ ở lại sống một cuộc sống lay lắt. Đói nghèo, bệnh tật đẩy họ vào những bi kịch. Có người không giữ được mình, phải sống trong cảnh vào tù ra tội. Nhưng trong thâm tâm, họ vẫn mơ ước được một ngày trở về quê cha đoàn tụ.
Mòn mỏi chờ ngày đoàn tụ
Những người sống ở Yên Kiện, Đoan Hùng, Phú Thọ vẫn nhắc đến câu chuyện bi kịch của bà Lê Thị Mùi, vợ một người lính lê dương Ma Rốc, đã từng sống tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Phú Thọ một thời gian dài. Quê bà ở Hải Phòng, bố mẹ lần lượt bị giết khi Nhật, Pháp sang xâm chiếm nước ta, không nơi nương tựa, bà đi ở đợ cho một nhà địa chủ và một công chức thời phong kiến thì đều bị hãm hiếp và lão địa chủ còn cắt một bên tai. Sau đó bà xin đi thanh niên xung phong và được điều động lên nông trường Việt - Phi. Tại đây, bà và Mohamet Mizit người Ma Rốc gặp nhau và có cảm tình với nhau. Họ nhanh chóng nên duyên vợ chồng.
Hai năm sau bà Mùi lần lượt sinh ba người con đặt tên là Mohamet Ben Larit (Lê Văn Bình), Mohamet Ben Barama (Lê Văn Chiến), Mohamet Ben Aptala (Lê Văn Đường). Năm 1968, ông Mazid Ben Ali lâm bệnh nặng và qua đời, bà Mùi đã mất rất nhiều thời gian để đi đăng ký lại tên tuổi cho các con. Từ tên người cha đặt, các con trai của bà lần lượt được chuyển sang tên Việt, lấy theo họ mẹ. Về Trại Tự lập, mẹ con ông Bình tham gia hợp tác xã, trồng rau. Do cuộc sống khó khăn, ông Bình chỉ học được hết lớp 3 và xin làm công nhân ở Nông trường chè Vân Hùng.
Tuấn "cô cô" trước khi bị bắt |
Năm 1972, Chính phủ Việt Nam có chính sách đưa hàng binh và con cháu của họ về quê hương và 3 anh em ông Bình cũng nằm trong diện được đi. Trước khi nhắm mắt, bố ông đã liên lạc về quê Ma Rốc thông báo cho ông nội và 2 bác gái biết mình còn có người vợ và 3 đứa con ở Việt Nam. Do vậy, ông nội của anh em Bình đã liên lạc sang Đại sứ quán Ma Rốc ở Việt Nam và nhờ họ đưa con dâu cùng mấy người cháu về nước. Nhưng bà Mùi cương quyết ở lại Việt Nam, chỉ đồng ý cho 2 người con là Bình và Chiến sang Ma Rốc. Tuy nhiên, đến phút cuối, cả 2 anh em phải ở lại với lý do "không có người đứng ra bảo lãnh"... Ông Đường đã mất vì bệnh tật, còn ông Bình và ông Chiến vẫn đang sống mòn mỏi, mong có ngày được trở về quê nội đoàn tụ.
Có cha nhưng vẫn không được trở về quê nội
Hùng "dế", một người con lai người Ý may mắn hơn khi cha ông được hồi hương năm 1972, nhưng chính những quy định khắt khe của nước Ý nghiêm cấm đàn ông lấy 2 vợ trong bất kỳ hoàn cảnh nào khiến gia đình ông vẫn không thể nào đoàn tụ với gia đình nhà nội. Cha ông tên Gffacle, cũng là hàng binh tại chiến trường Điện Biên Phủ. Trước khi sang Việt Nam, ông Gffacle đã có vợ và 2 con ở nước sở tại. Sau thời gian tập trung và sinh sống tại Ba Vì, ông được bố trí làm công nhân Đội cầu 3 Đường sắt. Khi Đội cầu 3 được đưa vào khu vực Diễn Phúc (Diễn Châu, Nghệ An) để bảo vệ, duy tu và sửa chữa tuyến đường này, ông gặp và có cảm tình với bà Trần Thị Lan quê ở Ninh Bình, nhưng phiêu bạt vào tận xứ Nghệ và xin vào thanh niên xung phong. Dù không yêu nhưng bà Lan vẫn chấp nhận lấy ông và 4 người con lai Ý lần lượt ra đời, ông Hùng được đặt là Raffacle.
Trung tâm Bảo trợ xã hội Phú Thọ từng là nơi rất nhiều vợ con lính lê dương sinh sống |
Năm 1970, theo chương trình hồi hương, cha ông trở về nước, nhưng không thể đem theo vợ con. Gia đình Hùng "dế" cũng được gom nhóm và đưa lên sinh sống tại Trại Tự lập (Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Phú Thọ ngày nay). Vì cuộc sống khó khăn, lại chịu sự kì thị của xã hội, 2 người anh em của ông đã mất, chỉ còn 2 anh em Hùng "dế" sinh sống với 8 người con của thế hệ thứ 3. Từ khi về nước, cha ông vẫn gửi thư về cho mẹ ông, có đề rõ địa chỉ bên Ý, nhưng sau trận lụt năm 1986, thư từ bị cuốn trôi, ông không còn nhớ địa chỉ và dù cố gắng, nỗ lực bao nhiêu, ông cũng không thể nào tìm được địa chỉ người cha và họ hàng bên Ý.
Chờ hồi hương và bao cảnh chéo ngoe
Trong số những vợ con người lính lê dương còn sót lại ở Đoan Hùng, Phú Thọ, có lẽ bi kịch nhất là gia đình bà Nguyễn Thị Lộc (quê Đan Phượng, Hà Nội). Bà Lộc (đã mất) lấy một người hàng binh là Morocco Mohamed Ben Sait, sinh được 4 người con là Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1961), tên Morocco là Coco Ben Mohamed BenSait, chính vì vậy, khi đổi tên Việt Nam theo họ mẹ, mọi người vẫn quen gọi tên thêm hai chữ "cô cô", Main Ben Mohamed BenSait (sinh năm 1963), Xuep Ben Mohamed BenSait (sau này là Nguyễn Văn Sinh, sinh năm 1966), và Boualen Ben Mohamed BenSait (Nguyễn Văn Út, sinh năm 1970). Lúc Tuấn 10 tuổi và cậu em thứ hai 8 tuổi thì cả hai bị viêm màng não, cậu em mất, còn Tuấn may mắn qua khỏi nhưng bị liệt cả hai chân.
Năm 1971, khi gần đến ngày được hồi hương thì chồng bà Lộc mất vì bệnh thương hàn. Không có người bảo lãnh, gia đình bà không thể trở về quê nội. Họ được đưa về sinh sống tại Trại Tự lập. Vì kinh tế khó khăn, cộng với sự kì thị của xã hội, anh em Tuấn đều không được đi học. Sau khi về trại, gia đình bà Lộc là những người đầu tiên xin ra ngoài tự sản xuất. Gia đình khi đó được cấp đất và những người con của bà Lộc bắt đầu làm lò gạch. Khi kinh tế khá hơn cũng là lúc mộng ước làm giàu bắt đầu cuốn cả ba anh em họ Ben Sait vào vòng lao lý và bất hạnh khôn cùng.
Năm 1994, lần lượt người anh cả Tuấn "cô cô", người anh thứ Nguyễn Văn Sinh và Nguyễn Văn Út lao vào vòng tay cám dỗ của "nàng tiên nâu". Tuấn "cô cô" thụ án 10 năm tù về buôn bán chất gây nghiện ma túy (giảm án 2 năm) và trở về vào đầu năm 2013. Nhưng ngựa quen đường cũ, sau khi ra tù 1 tháng, Tuấn "cô cô" tiếp tục trở lại con đường buôn bán ma tuý và vừa bị bắt cách đây 1 tuần. Cũng trong năm, người em út của Tuấn cũng mãn hạn 8 năm tù. Tuy nhiên, anh ta cũng đang bị giam ở Sơn La, chờ ngày xét xử tội danh buôn bán chất trắng lần thứ hai. Còn Nguyễn Văn Sinh cũng thụ án được 5 năm, trong bản án 9 năm, tại trại giam Tân Lập, Hạ Hòa. Đáng buồn thay, một người về, người khác lại đi. Bản án 9,5 năm tù triện dấu chưa ráo mực (xét xử đầu tháng 7/2014) về tội buôn bán chất ma túy của Nguyễn Thị Kim (vợ Tuấn "cô cô") tăng tổng số năm tù tội mà "nàng tiên nâu" đem đến cho gia đình này ngót con số 40 năm.
Bà Lê Thị Mùi và người con cả Mohamet Ben Larit Lê Văn Bình |
Ông Nguyễn Văn Mão - Trưởng Công an xã Sóc Đăng - cho biết: "Nếu cộng lại con số năm tù của anh em, con cháu Tuấn cũng phải lên đến 100 năm. Tuy bị liệt nhưng Tuấn vẫn có thể đi lại bằng xe máy để mua hàng. Và người cung cấp hàng cho Tuấn chính là em trai Tuấn sống ở Sơn La. Năm 2013, sau khi ra tù, Ban Công an xã đã cho người theo dõi mọi hoạt động của Tuấn, 1 tháng sau, Tuấn tiếp tục hành vi buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma tuý. Công an huyện Yên Kiện đã lập hẳn chuyên án để triệt phá và Tuấn vừa mới bị bắt giữ cách đây ít ngày".
Còn biết bao số phận những người con lính lê dương vẫn đang sống mòn mỏi, chờ đợi một tương lai xán lạn ngày được trở về quê cha. Có người sống khổ cực, có người không giữ được mình lao vào vòng tù tội. Cuộc sống của họ nghiệt ngã, một phần bởi bản thân họ không vượt qua được cám dỗ của xã hội và một phần bởi họ là những số phận sinh ra từ lịch sử, chịu sự kì thị của xã hội khiến họ không thể đứng lên làm lại cuộc đời.
Ông Hoàng Dương Chiến, Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội Phú Thọ cho biết: "Trại Tự lập là tên cũ của trung tâm. Thế hệ con cháu lính lê dương giờ vẫn còn nhiều. Ngay cả thế hệ con đầu tiên vẫn còn, nhưng đa số người ta lớn lên trưởng thành, theo quy định pháp luật những đối tượng ấy không thuộc diện bảo trợ nên người ta phải ra xã hội tự lập. Ngày trước trung tâm cũng có cách giải quyết là đưa đến các công nông trường, xí nghiệp để tạo việc làm, hoặc họ tự đi làm ăn bên ngoài. Có những lúc số lượng đông đến mấy trăm người. Nhưng bây giờ thì họ đi hết rồi, chỉ còn một vài trường hợp sống ở trong trung tâm và sống gần đây, cũng có con có cháu cả. Cuộc sống của con lai cũng chẳng có gì đặc biệt bởi mẹ là người Việt, sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nên cuộc sống như một người bình thường, hoà nhập tốt. Chỉ có một điều là tính tình của họ đôi khi rất nóng, có những chuyện có thể nhường nhịn nhau nhưng họ lại gây gổ, cãi vã. Những người con lai ngày còn ở trung tâm họ vẫn giữ tên gốc Phi của mình, nhưng chủ yếu là gọi bằng tên Việt. Hầu hết đều không hiểu rõ về gốc gác văn hoá của quê nội. Chúng tôi cũng nhiều lần tổ chức, tạo điều kiện để một số trường hợp tìm về gốc gác nhưng không được. Còn về những trường hợp con lai nghiện ngập, vào tù ra tội thì không phải ai cũng thế, có người này người kia. Tôi biết một số người làm ăn rất tốt, cũng trở thành người giàu có...". |
Nguồn: cstc.cand.com.vn