Phóng sự
Dẹp trộm tàu, xe, chặn 'cò' bệnh viện: Nhận diện thủ đoạn, phương thức
Nhiều tiềm ẩn
Chỉ huy Đội Chống tội phạm trên tuyến, địa bàn trọng điểm (Đội 5), Phòng CSHS - CATP Hà Nội cho biết, hoạt động của tội phạm trên các tuyến, trên phương tiện giao thông tiềm ẩn nhiều phức tạp. Thống kê của Phòng CSHS cho thấy, Hà Nội hiện có 54 tuyến xe buýt nội đô với tổng số 936 xe hoạt động hàng ngày và lưu thông qua 1.812 điểm dừng, đỗ trên địa bàn thành phố. Qua công tác trinh sát, Đội 5 phát hiện nhiều điểm trung chuyển xe buýt, dừng, đón trả khách phức tạp về ANTT như: điểm trung chuyển xe buýt Long Biên, Cầu Giấy và trước cổng các trường Đại học Quốc gia, Đại học Thương mại cùng một số tuyến xe buýt được xác định phức tạp về ANTT hoạt động trên địa bàn các quận, huyện Gia Lâm, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Nam Thăng Long, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm… Ngoài những tuyến, điểm trung chuyển xe buýt phức tạp về ANTT, Đội 5 còn thống kê được 37 điểm dừng đỗ xe buýt phức tạp nằm trên địa bàn các quận, huyện Hoài Đức, Sóc Sơn, Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Nam - Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Đống Đa, Hà Đông và Long Biên.
Cổng bến xe là nơi tội phạm thường tụ tập gây án trộm cắp, móc túi và “cò mồi” hoạt động gây mất trật tự công cộng |
Phương thức hoạt động của tội phạm trên tuyến, phương tiện giao thông rất đa dạng, chúng thường đi theo nhóm để trộm cắp, móc túi lấy tiền, điện thoại di động, ví và các hành lý tư trang của hành khách lúc lên, xuống xe tại các điểm xe buýt dừng đón, trả khách, hoặc ngay trên xe buýt. Hoạt động của các đối tượng thường vào giờ cao điểm, lúc lưu lượng hành khách đông và thời gian chia theo 2 “múi giờ” từ 6h – 8h sáng và từ 16h - 19h30. Từ công tác điều tra các vụ án trộm cắp tài sản trên tuyến, phương tiện giao thông cho thấy, các đối tượng gây án đều “có nghề”, nhiều tiền án, tiền sự trộm cắp và chủ yếu là người tỉnh ngoài, nghiện ma túy, sống lang thang, trong đó có nhiều đối tượng nhiễm HIV / AIDS nên hoạt động manh động, công khai trắng trợn.
Hệ thống giao thông đường bộ cũng tiềm ẩn không ít phức tạp về ANTT và TTATGT. Theo Trung tá Lê Kim Đồng, Đội trưởng Đội 5, Hà Nội hiện có 472 tuyến xe khách đi các tỉnh phía Bắc, Nam và ngược lại trên 7 tuyến Quốc lộ và 6 bến xe ôtô khách chính nằm trên địa bàn các quận, huyện Gia Lâm, Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và Hà Đông. Tại các bến xe này vẫn còn tồn tại những vi phạm như cò mồi, chèo kéo khách gây mất trật tự công cộng, đi xe treo biển sai tuyến, sai luồng để “bắt khách” và xe “dù” hoạt động trái phép. Nhiều tuyến xe liên tỉnh và các doanh nghiệp vận tải không có luồng, nốt hoạt động tại khu vực xung quanh bến xe, không vào bến mà chạy vòng vo đón khách gây ra tình trạng mất ANTT. Đáng chú ý, một số bến xe do lượng hành khách ít, trong khi đầu xe các doanh nghiệp nhiều dẫn đến cung nhiều hơn cầu, đã xảy ra hiện tượng tranh giành khách của lái, phụ xe các doanh nghiệp với nhau tại bến xe và trên các tuyến quốc lộ. Tình trạng chèn ép giữa các hãng xe thường xuyên xảy ra dẫn đến nảy sinh mâu thuẫn, xô xát đánh nhau gây thương tích và làm mất TTCC. Tại một số bến xe có tình trạng hoạt động của tội phạm trộm cắp tài sản và lừa đảo, chiếm đoạt tài sản dưới hình thức chơi cờ bạc “đỏ - đen”.
Hoạt động của tội phạm trên tuyến đường sắt cũng tiềm ẩn phức tạp. Một số tuyến đường sắt trọng điểm, đầu mối giao thông là địa bàn đối tượng mua bán phụ nữ, trẻ em lợi dụng đưa bị hại lên biên giới hoặc vào các tỉnh phía Nam bán. Mặt khác, vẫn còn tình trạng cò mồi lợi dụng khách có nhu cầu đi tàu, mua cuống vé để quyết toán công tác phí, đã lôi kéo mua với giá cao gây mất ANTT khu vực ga tàu. Sâu bay Quốc tế Nội Bài cũng là một trong những địa bàn trọng điểm, được Đội 5 thường xuyên phối hợp với CAH Sóc Sơn và các đơn vị chức năng tập trung đảm bảo ANTT. Địa bàn này có 8 hãng taxi đăng ký khai thác với khoảng 1.000 xe hoạt động hàng ngày. Nơi đây vẫn còn tình trạng cò mồi lôi kéo khách đi xe taxi và taxi “dù” hoạt động tại bãi đỗ xe, bên ngoài sân bay gây mất trật tự công cộng.
Điểm đỗ, đón trả khách của xe buýt là nơi tội phạm lợi dụng sơ hở để trộm cắp tài sản |
Tội phạm tại các địa bàn trọng điểm
Bệnh viện là một trong những môi trường phức tạp về hoạt động của tội phạm trộm cắp tài sản. Hiện tại, trên địa bàn thành phố có khoảng 95 bệnh viện. Ở các địa bàn này nổi lên hoạt động “cò mồi” khám bệnh. Một số đối tượng giả danh bác sĩ, nhân viên y tế để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản dưới hình thức dẫn người nhà bệnh nhân đi khám nhanh, mua thuốc và gặp bác sĩ giỏi. Ngoài những hiện tượng trên, theo các trinh sát Đội 5, Phòng CSHS, hoạt động trộm cắp móc túi tại khu vực phòng khám, quầy nộp viện phí, hiệu thuốc và trộm cắp tài sản của người nhà bệnh nhân vào sáng sớm và buổi tối, ban đêm đã diễn ra.
Hoạt động của tội phạm tại địa bàn công cộng còn diễn biến phức tạp ở các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, bến, bãi, đình, đền, chùa, phủ, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, vui chơi giải trí. Tại các Trung tâm thương mại, vào các ngày nghỉ cuối tuần và ngày lễ, lưu lượng khách mua sắm đông đã tạo môi trường thuận lợi để tội phạm lợi dụng chen lấn, xô đẩy rồi trộm cắp móc túi lấy ví tiền, điện thoại di động của khách. Một số chợ đầu mối đã xảy ra hiện tượng “đầu gấu” thu tiền vận chuyển, dẫn ô tô vào chợ và hoạt động của các đối tượng trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới nhiều hình thức như rao bán thuốc nam, đồ cổ…
Đối với các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, vui chơi giải trí, hoạt động của tội phạm cưỡng đoạt và trộm cắp tài sản, nạn cò mồi lôi kéo khách nước ngoài có chiều hướng phức tạp. Các đối tượng hoạt động ở đây chủ yếu là người tỉnh ngoài, nghiện ma túy, sống lang thang ở Hà Nội, đã tụ tập thành nhóm để trộm cắp, cưỡng đoạt tài sản của du khách và mục tiêu khác chúng nhằm vào gây án là các đôi trai gái ngồi ở ghế đá công viên, khu di tích vắng vẻ để tâm sự…
Nguồn: anninhthudo.vn